Kỳ vọng lãi suất đưa S&P 500 lập kỷ lục mới
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể cắt giảm lãi suất ngay trong tháng tới để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với kinh tế Mỹ.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.
Theo tin từ Reuters, toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều tăng điểm trong phiên này. Hôm thứ Tư, FED giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, nhưng hứa sẽ “hành động phù hợp” để đảm bảo sức khỏe cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau đợt bán tháo hồi tháng 5, các chỉ số chính ở Phố Wall hồi phục mạnh trong những tuần gần đây nhờ kỳ vọng về lãi suất giảm và khả năng nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần sau.
Trong tháng 6 này, S&P 500 – thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ – đã tăng 7%. Phiên này, chỉ số đóng cửa ở mức cao hơn kỷ lục cũ thiết lập hôm 3/5.
“Luôn khó để FED đáp ứng được kỳ vọng cao của thị trường. Đứng trước kỳ vọng cao, FED có vẻ đã thể hiện rằng họ sẵn sàng hành động, nhưng cũng để ngỏ những lối thoát”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc OANDA nhận xét.
Quan điểm mềm mỏng của FED đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt mạnh. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm dưới 2% lần đầu tiên trong 2 năm rưỡi.
Video đang HOT
Cổ phiếu năng lượng tăng hơn 2,2% phiên này, trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, nhờ giá dầu tăng hơn 5% do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông sau khi Iran bắn hạ một thiết bị bay không người lái (drone) của Mỹ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,94%, đạt 26.753,17 điểm. S&P 500 tăng 0,95%, đạt 2.954,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,8%, đạt 8.051,34 điểm.
Cổ phiếu Apple tăng 0,8%, có lúc chạm mốc 200 USD/cổ phiếu lần đầu tiên kể từ đầu tháng 5. Nhà sản xuất điện thoại iPhone bị xem là một “nạn nhân” lớn tiềm năng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nếu xung đột này tiếp tục leo thang.
Cổ phiếu của Slack Technologies, công ty chuyên về nền tảng tin nhắn ở nơi làm việc, tăng khoảng 50% trong phiên chào sàn, đưa mức vốn hóa của công ty đạt hơn 25 tỷ USD.
Nhóm công nghệ tăng 1,43%, dẫn đầu là cổ phiếu Oracle. Cổ phiếu hãng phần mềm doanh nghiệp này tăng 8,2% sau khi công ty đưa ra dự báo lợi nhuận quý cao hơn kỳ vọng. Với mức tăng như vậy, Oracle là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự đi lên của S&P 500 phiên này.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 3,14 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,44 lần.
Có tổng cộng 7,5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
S&P 500 áp sát mốc kỷ lục sau cuộc họp FED
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Tuyên bố của FED giúp xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về việc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 19/6. Một màn hình trên sàn giao dịch đang phát sóng bản tin về việc FED giữ nguyên lãi suất - Ảnh: Reuters.
Theo tin từ Reuters, kết thúc cuộc họp định kỳ kéo dài 2 ngày, FED nói "sẽ hành động phù hợp để duy trì" tăng trưởng kinh tế. Giới đầu tư xem đây là tín hiệu FED sẽ hạ lãi suất với tổng mức giảm lên tới 0,5 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của 2019.
Việc FED giữ nguyên lãi suất trong lần họp này không nằm ngoài dự báo. Tuy nhiên, điều khiến thị trường vui mừng là FED không còn đưa ra quan điểm "kiên nhẫn" trong việc điều chỉnh lãi suất như FED luôn khẳng định trong những lần họp trước.
Nhờ đó, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng lên mức chỉ còn cách chưa đầy 1% từ mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập hồi cuối tháng 4.
"Chúng tôi cho rằng FED đã làm điều đúng đắn. Họ không gây hại gì cho thị trường. FED đang đi đúng hướng tới một đợt giảm lãi suất, dù ngày hôm nay họ chưa làm điều đó. Lãi suất có thể giảm vào tháng 7, trừ phi có một thông tin lớn gì đó như về thương mại", Giám đốc đầu tư John Augustine thuộc Hungtington Bank nhận xét.
Lạc quan về việc FED sẽ hạ lãi suất, cộng thêm vài tia hy vọng về một thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại, đã đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm trong mấy tuần gần đây. Trong tháng 6, S&P 500 đã tăng 6%.
"Xét cho cùng, điều mà FED muốn làm là đưa ra một cái gật đầu với thị trường. Các kỳ vọng về hạ lãi suất đã lớn đến nỗi FED cần phải đồng tình với kỳ vọng đó. Nhưng ngoài ra, FED không có một cam kết cụ thể nào, vì các điều kiện thực tế còn có thể thay đổi", chiến lược gia trưởng Kristina Hooper thuộc Chief Global Market Strategist phát biểu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,15%, đạt 26.504,27 điểm. S&P 500 tăng 0,3%, dạt 2.926,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,42%, đạt 7.987,32 điểm.
Đóng góp nhiều nhất vào sự tăng điểm của Nasdaq và S&P 500 phiên này là cổ phiếu Adobe, với mức tăng 5,2%. Cổ phiếu của công ty phần mềm sản xuất công cụ chỉnh sửa ảnh Photoshop tăng mạnh sau khi công ty báo kết quả kinh doanh quý tốt hơn dự báo.
Cổ phiếu Facebook giảm 0,5% sau khi kế hoạch tham vọng của công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới về phát hành tiền kỹ thuật số vấp phải sự chỉ trích của các cơ quan chức năng và giới chính trị gia ở Mỹ và tại nhiều quốc gia khác.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,65 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,4 lần.
Có tổng cộng 6,5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,8 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau lời cảnh báo của Broadcom Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư thận trọng về cuộc họp vào tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngoài ra, phủ bóng lên các chỉ số còn là dự báo của Broadcom về sự suy giảm nhu cầu con chip toàn cầu do tác động tiêu cực...