Kỳ vọng giá xăng dầu giảm, ‘hạ nhiệt’ chỉ số giá tiêu dùng
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) kéo theo giảm giá xăng dầu trên 3.000 đồng/lít vừa qua được kỳ vọng sẽ góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Người dân mua xăng tại một điểm kinh doanh xăng, dầu ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi khi giá xăng, dầu giảm, bởi đây không chỉ là mặt hàng thiết yếu, mà còn là yếu tố đầu vào liên quan đến hầu hết các loại hàng hóa khác. Với mức giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít xăng, hơn 2.000 đồng/lít/kg dầu tại kỳ điều hành lần này, người tiêu dùng không những được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng, mà còn được hưởng lợi gián tiếp từ giá các loại hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán: Giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam vẫn có nguy cơ tăng cao, gây ra áp lực lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Theo Ths Trần Thị Mơ – Giảng viên Khoa Thuế – Hải quan, Trường Đại học Tài chính – Maketing, việc giảm thuế BVMT mặt hàng xăng dầu được coi là giải pháp tình thế kịp thời và hiệu quả để giảm giá xăng dầu, góp phần giữ ổn định mặt bằng giá cả, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm sau khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15).
“Xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm thuế BVMT đối với xăng dầu không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Nếu mức giảm phù hợp, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh tốt thì có thể đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước”, Ths Trần Thị Mơ cho biết.
Phía các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cũng kỳ vọng giá xăng, dầu tiếp tục giảm đồng nghĩa các mặt hàng trong siêu thị, đặc biệt những mặt hàng cao cấp có mức giá tốt hơn phục vụ nhu cầu của khách hàng, kích cầu thị trường tiêu dùng.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Kim Dung cho biết: Ngay sau khi giá xăng giảm, từ ngày 11/7, siêu thị triển khai chương trình kích cầu, thu hút người tiêu dùng từ khuyến mại trực tiếp đến trực tuyến trên Fanpage, Website, thanh toán qua ví điện tử…”Chúng tôi cũng sẽ đàm phán với các nhà cung cấp phương án giảm giá đầu vào đối với các mặt hàng. Từ đó giảm giá thành sản phẩm tại siêu thị để người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tăng doanh thu cho hệ thống siêu thị những tháng cuối năm”, bà Nguyễn Kim Dung cho biết.
Video đang HOT
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: Trong công thức tính chỉ số CPI, xăng dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Thêm vào đó, khi hầu hết các sản phẩm đều đang vận hành theo cơ chế thị trường thì việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung – cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. “Dù giá xăng dầu đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, nhưng chưa đủ sức để kéo mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm, cước vận tải đi xuống vì giá xăng dầu vẫn neo ở mức rất cao”, ông Bùi Danh Liên phân tích.
Hiện, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 – 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; từ 35 – 40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Nếu thuế BVMT giảm 1.000 đồng/lít, chi phí của doanh nghiệp vận tải sẽ giảm tương đương khoảng 5%. Các ngành nghề khác như: Sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim… cũng được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 20 – 30% chi phí đầu vào.
Theo phân tích của TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức giảm giá xăng dầu ngày 11/7/2022 có tác động tốt tới giảm áp lực lạm phát. Nếu trong tháng này, giá xăng dầu không biến động; việc giảm giá ngày 11/7/2022 sẽ làm giá xăng dầu giảm 4,31% và CPI giảm 0,16 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tuy vậy, tác động đến giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất và kiềm chế lạm phát không nhiều vì giá xăng dầu vẫn ở mức cao; đồng thời, giá sau khi giảm sẽ giữ ổn định, tiếp tục giảm trong thời gian tới hay lại biến động tăng lên.
Thực trạng đối với nền kinh tế Việt Nam đó là khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm theo tương ứng bởi vì cần có thời gian doanh nghiệp và các hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương. Bên cạnh đó mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này.
“Từ nay đến cuối năm mà không thay đổi như mức giá xăng dầu hiện nay thì bình quân xăng dầu cả năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng 44%, khi đó làm giảm CPI khoảng 0,11 điểm phầm trăm”, TS Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế: Giá xăng dầu sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7 vẫn đứng ở mức rất cao. Cụ thể giá xăng vẫn cao hơn khoảng 6.000 đồng/lít, giá dầu cao hơn khoảng 9.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2021. Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm cắt giảm và ổn định giá xăng dầu ở mức kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau những hệ luỵ nặng nề do dịch COVID-19 gây ra.
Bên cạnh việc cắt giảm thuế, Bộ Tài chính cần rà soát, tính toán lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các đối tượng sử dụng xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần chia sẻ lợi ích, cùng gánh vác khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh việc giảm thuế BVMT, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng chủ động các phương án khác nữa đối với chính sách thuế cho mặt hàng xăng dầu: Thuế nhập khẩu, giá trị gia tang (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt… Bộ đang nghiên cứu để báo cáo các cấp có thẩm quyền. “Chúng ta sẽ căn cứ vào diễn biến thực tế giá xăng dầu thế giới và Việt Nam sẽ có những động thái điều chỉnh cho phù hợp”, ông Nguyễn Đức Chi cho biết.
CPI tháng 4 tăng nhẹ do giá vật liệu xây dựng tăng cao
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 của Tổng Cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 ước tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng Cục Thống kê cho biết, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4 tăng.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 4 tháng đầu năm tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Chính Phủ
Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017 - 2020. Lạm phát cơ bản tăng 0,97%.
Bên cạnh đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 4 tháng đầu năm 2022 tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm.
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 4 tháng đầu năm 2022 như: giá các mặt hàng thực phẩm 4 tháng đầu năm giảm 0,94% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,2 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,24%; giá nội tạng động vật giảm 10,46%, giá thịt chế biến giảm 4,48%.
Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,93% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm hàng giảm giá.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 4, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với thế giới, cụ thể tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số giá USD tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,1%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.
Đồng yen của Nhật Bản mất giá mạnh nhất trong 24 năm Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sáng 14/7, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm. Đồng yên của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN Mở cửa phiên giao dịch tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền là 137,61-66 yen/USD, giảm so với mức đóng cửa phiên giao dịch...