Ký ức về đoàn tàu không số
60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, những người lính đầu tiên của đoàn tàu không số vẫn nhớ như in mệnh lệnh sẵn sàng hy sinh để chi viện cho miền Nam.
“Những ngày này, chúng tôi tự hào vì một thời của tuổi trẻ đã gắn mình với những con tàu không số, mỗi lần nhắc lại đều xúc động. Nhưng cũng ngậm ngùi vì nhiều đồng đội đã ra đi không trở về”, Trung tá Vũ Tấn Ích, thuyền trưởng 9 chuyến tàu không số, nói.
Ông Ích năm nay 91 tuổi, trí nhớ minh mẫn, sống cùng con cháu trên căn nhà trong hẻm đường Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Người cựu binh tự tay giặt bộ quân phục, tranh thủ lúc trời nắng mang ra phơi vì “mấy hôm nay đi dự nhiều chương trình kỷ niệm”.
Trung tá Vũ Xuân Ích. Ảnh: Nguyễn Đông
Chàng thanh niên quê miền biển Châu Ổ ( Quảng Ngãi) từng là trưởng một phân đội thuộc Đoàn 130 Hải quân, được cấp trên cử đi học ở Trung Quốc. Cuối năm 1960, tổ chức gọi Thượng úy Ích từ Trung Quốc về “giao nhiệm vụ mới”. Khoảng 240 bộ đội đang làm nhiệm vụ ở đoàn 12 tàu vỏ gỗ và tàu sắt, chỉ sáu người được chọn giao nhiệm vụ mới, đa số là trưởng, phó phân đội người Nam Bộ.
Đơn vị đóng ở sông Tam Bạc, Hải Phòng. Đại tá Nguyễn Bá Phát, lúc đó là Phó Cục Hải quân, người quê Hòa Vang (Đà Nẵng), tìm đến gặp mặt và giao nhiệm vụ cho nhóm “nghiên cứu tình hình về miền Nam”, đồng thời cho biết “nhiệm vụ lần này tuyệt đối bí mật, việc ai làm người đó biết”.
Sáu người được sắp xếp ở một khu riêng, nội bất xuất ngoại bất nhập. Ban ngày đọc tài liệu về sông, biển Việt Nam, buổi tối, họ tập đi bộ quãng đường 20 km từ nơi đóng quân đến thị xã Kiến An (Hải Phòng) để rèn luyện sức bền. Ít tháng sau, các anh lính trẻ về Sư đoàn Bộ binh 338 ở Xuân Mai (Hoà Bình), đêm đêm lại xếp 30 kg gạch vào ba lô và tập hành quân.
Một hôm, xe của Đại tá Phát và Tướng Trần Văn Trà – Phó tổng Tham mưu trưởng, đến đơn vị. Bốn anh lính trong nhóm sáu người được triệu tập, giao nhiệm vụ. Thủ trưởng thông báo họ sẽ hoạt động trên danh nghĩa mới là “chuyên viên quân khí” của Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời phải nghĩ ra một cái tên mới làm bí danh.
Ông Ích suy nghĩ trong giây lát rồi lấy tên “Hồng Hải Chiến”. Theo ông lý giải “Hồng” tượng trưng cho lá cờ đỏ của Tổ quốc, “Hải” là hải quân nơi mình công tác, “Chiến” là “chiến đấu”. Còn các đồng đội người lấy tên con, người lấy tên quê hương cho dễ gợi nhớ…
Hình ảnh một đoàn tàu không số của Đoàn 759 hoạt động trên biển khi chở vũ khí cho miền Nam, giai đoạn 1961 – 1975. Ảnh tư liệu do ông Hồ Thăng Nhuận cung cấp
Đầu năm 1963, Thượng úy Ích bắt đầu tham gia tuyến đường vận tải chiến lược trên Biển Đông. Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, lúc đó Bộ Chính trị nhận định, bên cạnh đường bộ (đường Trường Sơn), đường biển sẽ là hướng rất quan trọng vì có thể vận chuyển từng chuyến tương đối lớn, nhanh hơn, kịp thời hơn vào các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương khảo sát hàng hải, nắm địch, tổ chức bến bãi, mặt khác, chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ đưa thuyền ra miền Bắc nhận vũ khí.
Sau một thời gian tổ chức chuẩn bị, trinh sát, thử nghiệm đường đi, bến bãi, ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển.
Ông Ích nhớ lại, Trung tá Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759, từng hỏi trực tiếp ông rằng có sẵn sàng nhận nhiệm vụ không vì “hành lang trên biển trống trải, địch phong toả nhiều tuyến, nguy hiểm và phải sẵn sàng hy sinh?”. Ngay lập tức ông Ích trả lời dứt khoát “Sẵn sàng!”.
Thượng úy Ích khi đó được giao nhiệm vụ thuyền trưởng, kiêm chính trị viên và bí thư chi bộ Đội 6. Những người đã nhận nhiệm vụ phải cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, không thư từ cho bất kỳ ai; tuyệt đối không trao đổi công việc với ai ngoài Trung tá Đoàn Hồng Phước.
Một đêm đầu tháng 4/1963, những người lính của Đoàn tàu không số được xe quân sự chở từ đơn vị đến bến Đồ Sơn (Hải Phòng). Họ nhận lệnh trực tiếp từ tướng Trần Văn Trà “khi làm nhiệm vụ sẽ độc lập xử lý mọi tình huống. Bám được bờ là thắng lợi”. “Bờ” ở đây là cập được vào Bến Tre. Tướng Trà sau đó ôm chặt từng người để động viên, rồi đi theo con dốc mòn xuống tận mép nước để tiễn đoàn.
12 người lên xuồng cao su và lên con tàu đã chất đầy hàng, neo ở quân cảng Đoàn 130 Hải quân. “Anh em ổn định vị trí”, ông Ích đưa ra yêu cầu đầu tiên với các đồng đội với vị trí là thuyền trưởng tàu không số. Sau đó, mọi người đưa tay chào đất liền rồi nhổ neo, ngày 14/4/1963.
Video đang HOT
Tàu sắt được thiết kế vận tốc khoảng 10 hải lý/giờ (tương đương 18 km); trọng tải 100 tấn, nhưng chỉ chừng hơn 50 tấn vũ khí, còn lại phía trên là ngư lưới cụ để nguỵ trang. Thiết bị hàng hải duy nhất là chiếc la bàn vừa chỉ hướng vừa xem tọa độ. Ở ngoài khơi, tàu thường xuyên thay đổi số hiệu và cờ của các nước để tránh bị địch theo dõi.
Hơn chục ngày trên biển, tàu đến Bến Tre vào ban đêm. Ông Ích nháy đèn pin vào bờ, theo ám hiệu năm lần. Nếu ngoài tàu nhấn hai lần thì trong bờ đáp lại ba lần. Bờ nháy đèn một lần thì tàu nhấn bốn lần liên tiếp. Tuy nhiên đến 4h sáng vẫn không bắt được liên lạc. Trong khi đó, đèn pha của địch liên tiếp quét trên mặt biển.
Thuyền trưởng quyết định cho tàu ra lại hải phận quốc tế, di chuyển xuôi xuống phía Nam qua Cà Mau, Bạc Liêu; vừa đi vừa nháy đèn để tìm tín hiệu hồi đáp từ đất liền. Khi trời sáng, các chiến sĩ lại giả dạng ngư dân ngồi vá lưới trên boong.
Khi tàu vào gần bờ Bạc Liêu thì bị mắc cạn do thuỷ triều xuống. Ông Ích lệnh cho vài thuỷ thủ đi phơi cá; những người khác khác mang theo vũ khí và kíp nổ ngồi canh gác phía đuôi tàu, “nếu địch tấn công thì đánh trả và sẵn sàng cho nổ tàu”.
Khi lội được vào bờ, ông Ích gặp Trưởng bến là ông Bông Văn Dĩa, người từng từ Bến Tre đi tàu gỗ ra miền Bắc năm 1961 để nhận chuyến vũ khí đầu tiên ngược vào Nam. “Anh em nhận ra nhau ngay, vội ôm chầm lấy vì vui mừng”, ông Ích kể, cho biết chuyến hàng nhanh chóng được bốc dỡ và thuận lợi vì xung quanh là rừng dừa nước bao bọc tạo thành lớp nguỵ trang.
Giải thích với ông Ích về lý do không đón tàu ở Bến Tre, ông Dĩa cho biết ngoài Bắc gửi điện cho biết có tàu sắt chở “hàng” vào, nhưng cùng thời điểm các trinh sát phát hiện một tàu sắt của địch chĩa vũ khí lởn vởn ở khu vực gần bờ, nên khi ông Ích nháy đèn đã không phản hồi tín hiệu, mà bí mật bám theo dọc bờ biển vào đến Bạc Liêu thì gặp được nhau.
Hoàn thành nhiệm vụ, ông Ích quyết định cho tàu trở ra Bắc ngay. Các khoang trống được thay bằng thân dừa nước để tàu đằm dễ chạy. Đến ngày 4/5/1963, tàu về đến đơn vị và được khen ngợi là “tàu xuất phát sau nhưng về trước, vượt qua những yếu tố về thời tiết”.
“Về lại đơn vị tôi mới biết Đội 6 là chuyến tàu thứ sáu và là chuyến tàu vỏ sắt thứ hai của đoàn tàu không số vào Nam Bộ thành công”, ông nói.
Trước đó, đêm 11 tháng 10 năm 1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 33 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông 1″, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một đã rời Bến Nghiêng (Hải Phòng), vượt biển vào cửa Bồ Đề (Cà Mau), an toàn. Ngày 17/3/1963, tàu vỏ sắt đầu tiên của thuyền trưởng Đinh Đạt chở 44 tấn vũ khí lên đường và giao hàng ở Trà Vinh.
Lực lượng vận tải quân sự trên biển ngày đầu chỉ với những con tàu gỗ thô sơ và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, sau phát triển thành tàu vỏ sắt. Theo nhiều nhân chứng, những chuyến biển đầu tiên, dù còn bỡ ngỡ về luồng lạch và hạn chế về thiết bị hàng hải, nhưng thuận lợi vì khi đó địch không thể ngờ ta đã thiết lập được tuyến vận tải vũ khí trên biển.
Giữa tháng 2/1965, tàu 143 bốc dỡ xong hơn 63 tấn vũ khí và neo kín vào vách núi ở Vũng Rô (Phú Yên) chờ quay đầu, nguỵ trang bằng lưới và cành cây, nhưng sau đó vẫn bị máy bay địch phát hiện, tấn công. Bộ đội đã tìm nhiều cách huỷ nổ tàu nhưng một phần thân tàu vẫn bị địch trục vớt đưa về Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Diễn (80 tuổi), giúp chồng Hồ Thăng Nhuận mặc áo đã gắn huy chương như để nhắc nhớ ngày kỷ kiệm thành lập đoàn tàu không số, sáng 23/10. Ảnh: Nguyễn Đông
Sau sự kiện Vũng Rô, yếu tố bí mật của con đường không còn, những chuyến tàu không số được tạm dừng một thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị cho những chuyến đi mới, đi vòng xa đất liền hơn và gian khổ hơn. Địch ngăn chặn tuyến này, bến này, bộ đội mở ra tuyến khác, bến khác. Hàng trăm lượt tàu vẫn ra khơi, về đích; hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ đã từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn…
Cựu binh Hồ Thăng Nhuận, 96 tuổi, trú trên đường Trần Quang Khải (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), người 7 chuyến làm thuyền phó trên tàu không số, nói mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng.
“Nếu bị địch bao vây, chúng tôi sẵn sàng nổ súng đánh trả, thậm chí lao thẳng tàu vào tàu địch hoặc điểm hỏa khối thuốc nổ đã được bố trí sẵn để hủy tàu”, ông Nhuận kể và cho biết việc cho nổ tàu nhằm bảo vệ bí mật về con đường, tàu và bến bãi. “Đã bước lên tàu không số là sẵn sàng tâm thế hy sinh. Và chúng tôi đã không do dự khi lựa chọn”, ông nói thêm.
Chuẩn uý Nhuận nhớ nhất chuyến tàu năm 1967, chở vũ khí vào Nam Bộ, ngang qua Đà Nẵng thì bị hai thuỷ phi cơ của Hạm đội 7 phát hiện và áp sát. “Chúng tôi lệnh cho thuỷ thủ ngồi trên boong vờ vá lưới và ăn nhậu y hệt ngư dân, nhờ thế máy bay Mỹ sau một hồi do thám đã rút lui”, ông kể.
Tưởng rằng mọi chuyện êm xuôi, không ngờ tàu của ông đã bị theo dõi. Khi vừa vào đến gần bờ Cà Mau, địch cho tàu chiến vây ráp và đốt pháo sáng cảnh báo dọc các bãi. Tàu không số sau đó quây bạt để che số hiệu, màu sơn, trà trộn vào tàu đánh cá của ngư dân rồi bất ngờ bẻ lái vào rừng dừa nước ẩn nấp, may mắn tránh được cuộc đụng độ, bảo toàn được tàu và hàng.
Sau chuyến tàu này, ông Nhuận chuyển công tác về Cục đường sông, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Ông không giữ được kỷ vật gì của đời lính tàu không số vì mỗi người khi nhận lệnh được phát một chiếc mũ tai bèo, một chiếc khăn rằn của người Nam Bộ, hai bộ áo bà ba và một chiếc miếng đồng khắc nổi tên mình, kèm quê quán để đeo vào tay.
“Mình may mắn hơn đồng đội là người nhà không phải nhận miếng đồng ấy”, ông Nhuận nói. Trong nhà mình, ông Nhuận treo ở vị trí trang trọng hai Huân chương chiến công hạng ba và Huân chương vẻ vang hạng 3 có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1966. “Tôi giữ cho con cháu biết mình là lính đoàn tàu không số”, ông chia sẻ.
Còn ông Vũ Tấn Ích đi thành công 8 chuyến, đến chuyến thứ 9 thì gặp sự cố. Trong ký ức của người cựu binh, đó là ngày 6/7/1967. Tàu của ông vào đến bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) thì đụng độ với tàu địch. Biết không thể qua mặt, ông Ích cho đồng đội nổ súng bắn trả. Nhưng do hỏa lực phía địch quá mạnh nên nhanh chóng bị thất thế.
Chính trị viên Phạm Ngọc Trạch và thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp hy sinh khi điều khiển tàu làm lá chắn đạn cho đồng đội. Họ kích nổ tàu nhưng bất thành, có thể do đạn của địch đã bắn trúng dây nổ chậm. Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích và 9 đồng đội còn lại thoát được vòng vây. “Đó là chuyến tàu khiến tôi day dứt nhất vì để tàu rơi vào tay giặc và đồng đội hy sinh”, ông Ích nói. Sau chuyến biển này, ông chuyển sang nhiệm vụ khác và có thời gian công tác ở đơn vị đặc công nước.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết trong suốt 14 năm, từ 1961 đến 1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam.
Nhiều chiến sĩ của đoàn tàu không số đã anh dũng hy sinh, như liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng tàu 235; Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Chính trị viên tàu 645; Nguyễn Chánh Tâm, nguyên thuyền trưởng tàu 165…
“Đường Hồ Chí Minh trên biển đã cùng với Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trên bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam”, Thiếu tướng Nhiên nói.
Người trẻ học được nhiều bài học cho cuộc sống hôm nay
Đứng trước tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ Đoàn tàu không số, nghe những câu chuyện các cựu chiến binh kể về những ngày mở đường trên biển, các bạn trẻ rưng rưng niềm tự hào về các chiến công oanh liệt của những Đoàn tàu không số năm xưa.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đợt hoạt động kỷ niệm với nhiều nội dung ý nghĩa. Sáng 22.10, tại tượng đài các liệt sĩ Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, T.Ư Đoàn đã tổ chức Lễ tổng kết đợt hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Nhiều hoạt động ý nghĩa của người trẻ cả nước
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, cho biết kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, mà còn đối với tuổi trẻ cả nước, bởi những chiến công hiển hách của những Đoàn tàu không số năm xưa là bài học lịch sử vô cùng quý báu đối với tuổi trẻ.
Bạn trẻ nghe thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức kể về chiến công của những Đoàn tàu không số năm xưa - NỮ VƯƠNG
"Qua đó các đoàn viên, thanh niên được hiểu thêm về lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, Quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực tự cường, nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới", anh Triết nhấn mạnh.
Theo anh Triết, do trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển được điều chỉnh phù hợp, chú trọng hoạt động tuyên truyền và giáo dục truyền thống cho người trẻ trên nền tảng số.
Cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông, thi trắc nghiệm trực tuyến nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của bạn trẻ khắp cả nước. Chỉ trong vòng 2 tháng, đã có hơn 800 tác phẩm thiết kế sản phẩm tuyên truyền tham gia dự thi tại website http://doantaukhongso.vn của rất nhiều lực lượng trong xã hội, phần lớn là các bạn trẻ, trong đó có cả những tác giả chỉ đang học lớp 10, 11.
"Với cách tiếp cận lịch sử từ góc nhìn của những người trẻ, các bạn đã mang đến nhiều cảm xúc, cách thức thể hiện mới, trẻ trung, hiện đại, nhưng vẫn truyền tải đầy đủ thông điệp về quá trình hình thành, thành tựu, ý nghĩa lịch sử của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, đặc biệt là những cảm nhận hết sức xúc động về những cựu chiến binh của Đoàn tàu không số", anh Triết nhìn nhận.
Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến cũng đã thu hút hơn 250.000 lượt tham gia dự thi thành công. Cuộc thi được thiết kế thành 12 chặng gắn với các địa danh lịch sử có di tích căn cứ, bến bãi của đường Hồ Chí Minh trên biển. Tương ứng với thời gian tổ chức các chặng, 12 tỉnh, thành phố có căn cứ, bến bãi gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển và các con tàu không số huyền thoại đã tổ chức dâng hương tại các Khu di tích Bến tàu không số, tổ chức hoạt động tri ân, an sinh xã hội, thăm hỏi, tặng quà gia đình cựu cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số, các gia đình có công hỗ trợ, giúp đỡ các chuyến tàu đang sinh sống tại địa phương...
Gửi gắm niềm tin cho thế hệ trẻ
Trò chuyện cùng các bạn trẻ, thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức, nguyên thuyền trưởng tàu không số, Chủ tịch Hội Truyền thống Đoàn tàu không số TP.HCM, chia sẻ: "Chúng tôi là những người con của miền Nam, với lòng căm thù giặc và yêu nước đã thúc giục chúng tôi tham gia những con đường bí mật để làm sao tăng cường sức mạnh cho quân ta giải phóng miền Nam. Hôm nay, về lại nơi đây, tôi rất xúc động và cảm ơn T.Ư Đoàn đã tổ chức buổi lễ gặp mặt này để ôn lại truyền thống của những người anh hùng đã xả thân vì nước. Và đặc biệt, để sự tích tàu không số được kể lại cho các thế hệ sau này, cho các bạn trẻ hôm nay".
Nói rồi, ông Đức gửi gắm: "Tôi rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ hôm nay, luôn tôn trọng những lớp người đi trước đã làm nên lịch sử anh hùng cho dân tộc Việt Nam".
Đáp lại những gửi gắm ấy, Nguyễn Huỳnh Minh Phúc, Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, xúc động chia sẻ: "Được nghe câu chuyện của các bác kể lại, mình cảm thấy rất khâm phục thế hệ cha ông khi trải qua những khó khăn trên biển, các bác đã rất mưu trí, sáng tạo, dũng cảm để có thể vận chuyển được vũ khí vào chiến trường miền Nam giải phóng đất nước. Người trẻ của tụi mình bây giờ khi gặp khó khăn hay thử thách cũng phải noi gương theo các bậc cha chú để cố gắng hết sức vượt qua, giúp bản thân trưởng thành hơn và đóng góp sức mình cho xã hội".
Phúc cũng tự hứa với bản thân: "Ngày xưa các bác đã vượt gian khổ để chống giặc thành công như vậy, thì bây giờ thế hệ trẻ đứng trước giặc như dịch bệnh thì cũng phải sáng tạo, kiên cường, vững tin và đoàn kết cùng nhau để tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh".
Bên cạnh 22 thí sinh xuất sắc đạt điểm cao nhất của các chặng thi trắc nghiệm trực tuyến "60 năm - Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển", kết quả cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông cụ thể như sau:
Nội dung thiết kế infographic: Giải nhất: Lê Thị Thu Hương, cán bộ Thông tấn xã Việt Nam. Giải nhì: Trần Hoàng Liên, Thành đoàn Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Giải ba: Bùi Hữu Phương, chuyên viên Ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn Nghệ An.
Nội dung sản xuất video, clip: Giải nhất: Đoàn Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Giải nhì: Khoa Tên lửa - Pháo tàu, Học viện Hải quân. Giải ba: Phòng Chính trị Vùng 3 Hải quân.
Tuyên dương những gương thanh niên tiêu biểu
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang trao bằng khen T.Ư Đoàn cho gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác - LÊ THANH
Ngày 22.10, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 17, trao giải thưởng Sao Vàng cao su lần thứ 18 và Thanh niên tiêu biểu ngành cao su lần thứ 9, với sự tham dự của Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang.
Dịp này, Đoàn thanh niên VRG đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn từ năm 2016 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
T.Ư Đoàn đã tuyên dương và trao bằng khen cho 90 gương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, VRG trao giải thưởng Sao Vàng cao su cho 33 cá nhân xuất sắc và 36 gương thanh niên tiêu biểu ngành cao su.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng: "Những cá nhân tiêu biểu mà chúng ta tôn vinh tại liên hoan lần này thực sự có những phẩm chất cao đẹp của thanh niên tiên tiến. Đó là những người trẻ gương mẫu, có hành động đẹp, làm việc hiệu quả và hữu ích".
Lê Thanh
Cởi bỏ đồng phục, 'hot girl quân nhân' lộ sắc vóc nóng bỏng Mặc dù ở ngoài đời "hot girl quân nhân" ưa chuộng phong cách quyến rũ, thế nhưng những shoot hình mà cô nàng đăng tải lại không hề phản cảm. Những lúc không khoác trên mình bộ quân phục, gái xinh Hà Tĩnh lựa chọn style khỏe khoắn, trẻ trung để tôn được vẻ đẹp hình thể. Người đẹp thừa nhận bản thân...