Ký ức về cha con ‘người rừng’
Từng là bộ đội Quân khu 5, ông Hồ Văn Thanh tham gia kháng chiến chống Mỹ suốt 6 năm ở miền Tây Quảng Ngãi. Trước khi nhập ngũ ông từng là anh thợ rèn có tiếng cả vùng.
Nghe tin hai cha con “ người rừng” trở về làng, ông Hồ Văn Biên (70 tuổi), nguyên Tiểu đội trưởng B28, bộ đội đặc công Huyện đội Trà Bồng chống gậy đến thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà thăm hỏi.
Ông Hồ Văn Biên kể về những năm tháng quân ngũ của “người rừng” Hồ Văn Thanh. Ảnh:Trí Tín.
Ông Biên bảo còn nhớ như in những ngày tháng niên thiếu làm giao liên tại Huyện đội Trà Bồng đóng quân ở xã Trà Dinh, Trà Lãnh thuộc huyện Tây Trà bây giờ. Ông đưa thư, chuyển tin ngang dọc vùng đất phía Tây Quảng Ngãi trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hơn ai hết, ông biết rõ ông Hồ Văn Thanh từng tham gia bộ đội chính qui Quân khu 5.
“Tôi từng gặp ông Thanh tham gia bộ đội, đóng quân ở núi rừng xã Trà Xinh suốt 6 năm trời. Thuở ấy thân hình ông vạm vỡ, giọng cười hào sảng, tính tình hiền hậu nhưng khi xông pha trận mạc thì có tiếng gan lì”, ông Biên kể.
Còn ông Hồ Văn Ban (80 tuổi) ở xã Trà Phong cũng xác nhận, 40 năm trước ông Thanh từng là đồng đội chung chiến hào trong những năm giao tranh ác liệt ở chiến trường miền Tây Trà Bồng Quảng Ngãi.
Ngày ấy chiến tranh ngày càng khốc liệt, quân đội Mỹ mang B52 dội bom, ném nhiều can xăng xuống buôn làng. Lửa cháy hừng hực lửa thiêu rụi những cánh rừng miền Tây Trà Bồng Quảng Ngãi. Trong một đêm về thăm nhà năm 1972, ông Thanh chết điếng khi chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, bom dội trúng căn hầm trú ẩn làm chết cùng lúc 26 dân làng chủ yếu người già và trẻ em.
Ông Thanh gào thét, khóc thảm thiết rồi trở nên ngơ ngẩn trước nỗi đau lớn khi mất mẹ già và 2 con trai thơ dại (đứa lớn 6 tuổi, nhỏ 4 tuổi) dưới căn hầm trú ẩn ấy. Lúc đó vợ và 2 con trai còn lại của ông kịp chạy vào rừng nên may mắn sống sót.
Sau 40 năm xa cách, giờ đây Hồ Văn Tri mới đoàn tụ bên cha và anh ruột của mình. Ảnh:Trí Tín.
Anh Hồ Văn Tri (con ruột ông Thanh) đau xót nói, thuở nhỏ dân làng kể lại, cùng lúc mất 3 người thân trong gia đình, cha như người mất hồn, có dấu hiệu bệnh tâm thần nên không quay trở lại đơn vị nữa. “Sau đó, cha và mẹ bồng bế tôi (lúc ấy mới 3 tháng tuổi) và anh Lang hơn 1 tuổi qua làng khác ở xã Trà Khê sinh sống. Trong một lần lên cơn, ba đánh mẹ bị thương, dân làng phải dùng võng khiêng mẹ cùng tôi xuống trạm xá bên bìa rừng cấp cứu. Kể từ đó cha ôm anh Lang vào rừng trốn biệt tăm”, anh Tri nói.
Video đang HOT
Sau ngày vào rừng, ông Thanh vài lần trở về nhà dò hỏi tìm vợ con nhưng dân làng sợ ông lên cơn đánh vợ lần nữa nên bảo “chúng nó đã chết rồi”. Từ đó ông không về làng nữa, mọi người cũng bảo với Tri rằng cha đã mất từ khi anh còn nhỏ. “Mãi đến năm tôi 12 tuổi, trước khi mẹ qua đời, bà mới nói sự thật về cha và anh trai tôi có thể còn sống ở rừng sâu. Mẹ nhờ người bác ruột dẫn tôi đi tìm họ”, anh Tri ngậm ngùi kể.
Theo bác trèo đèo lội suối đi tìm người thân, song khi đặt chân đến căn chòi lá trên cây cao, cậu bé 12 tuổi đã bật khóc khi cha và anh ngơ ngác nhìn mình như người xa lạ. “Lần đầu tiên tìm được cha và anh lưu lạc giữa rừng sâu tôi mừng lắm nhưng cha cứ khăng khăng “Mẹ con nó chết từ lâu rồi, đừng phỉnh tao. Về đi đừng ở đây nữa”, ông Tri kể mà mắt đỏ hoe.
Theo người dân Trà Phong, lúc đầu hai cha con ông Thanh lên dựng chòi lá ở khu vực rừng núi thuộc xã Trà Xinh chỉ cách bản làng khoảng 1 tiếng đi bộ. Sau đó, do người dân làm nương rẫy ngày càng tiến dần đến căn chòi nên họ di chuyển sâu vào rừng sinh sống biệt lập với mọi người xung quanh.
Anh Hồ Minh Lâm (cháu ruột của ông Thanh) nhẩm tính, từ lúc 10 tuổi anh từng theo cha vào rừng săn bắt thú và từng nhiều lần ghé thăm cha con ông Thanh nên biết rõ từng khu vực họ làm chòi sinh sống.
Theo anh Lâm, suốt 40 năm qua, cha con Thanh làm khoảng 8 căn chòi lá (một chòi lá làm trên triền đất dốc và 7 căn chòi trên đỉnh các cây cổ thụ) phòng tránh thú dữ. “Mỗi căn chòi lá làm trên cây cách mặt đất từ 5 đến 7m, vách làm bằng phên nứa lồ ô, mái lợp lá mây, lá chuối khô. Mỗi lần lên rừng, cha tôi nhiều lần khuyên ông Thanh đưa con về làng sinh sống thì ông bảo rằng không muốn về, chốn đông người làm rẫy không thoải mái”, anh Lâm cho biết.
“Bộ sưu tập” dụng cụ sản xuất, săn bắt thú do hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang tự chế từ những mảnh bom, vỏ can xăng nhôm sót lại từ thời chiến tranh vương vãi trong rừng. Ảnh: Trí Tín.
Không chỉ trải qua thời gian dài trong quân ngũ, ông Thanh còn là thợ rèn giỏi nổi tiếng năm xưa ở bản làng vùng cao Trà Bồng (nay tách huyện Tây Trà). Ông Đoàn Phụng ở xã Trà Phong cho biết, trước khi đi bộ đội, ông Thanh từng hành nghề rèn vật dụng sản xuất và săn bắt nổi tiếng ở địa phương.
Theo ông Phụng, nhờ giỏi nghề rèn nên suốt thời gian dài 40 năm giữa rừng sâu, hai cha con ông Thanh đã sống sót kỳ diệu. “Bộ sưu tập” búa, rìu, giáo, mác sắc bén tự chế từ những mảnh bom, vỏ can xăng nhôm cháy sót lại từ thời chiến tranh vương vãi trong rừng cho thấy tay nghề đáng nể của ông.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Anh Ngọc – Chủ tịch UBND huyện Tây Trà chia sẻ, qua xác minh Cơ quan Quân sự huyện khẳng định ông Thanh từng là bộ đội chính qui Quân khu 5, đóng quân ở miền Tây Trà Bồng trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Nhằm tạo điều kiện cho họ sớm hòa nhập cộng đồng, huyện đã thống nhất nhập hộ khẩu hai cha con ông Thanh vào gia đình ông Hồ Minh Lâm (con bác ruột ông Thanh); đồng thời cấp đất gần khu dân cư, hỗ trợ lương thực cùng tiền làm nhà cho hai cha con ông. Huyện cũng đang phối hợp huyện đội và ngành thương binh xã hội củng cố hồ sơ để sớm giải quyết chế độ chính sách thương, bệnh binh cho ông Thanh.
Trước đó ngày 9/8, sau khi hai cha con ông Thanh từ rừng sâu trở về, Đảng ủy Bộ chỉ huy Quân sự cũng đã về huyện vùng cao Tây Trà thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cùng 5 triệu đồng giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Theo Dantri
'Người rừng' bỡ ngỡ trước cuộc sống hiện đại
Lóng ngóng khi mặc quần áo bằng vải hay gắp thức ăn bằng đũa, "người rừng" Hồ Văn Lang còn tỏ ra lạ lẫm với tiền bạc, điện thoại di động hay sợ sệt khi ngồi xe máy.
Được cha ôm vào rừng từ lúc 1 tuổi, sau 40 năm anh Hồ Văn Lang mới được chính quyền địa phương xã Trà Phong cùng dân làng đưa về đoàn tụ cùng gia đình. Chiếc áo ngày thơ bé được ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi, cha anh Lang) dùng lá dong rừng gói ghém, cất giữ cẩn thận giữa rừng sâu còn nguyên vẹn đến nay.
Giữa cơn mưa rừng chiều 9/8, anh Lang tỏ vẻ thích thú ra trước sân nhà tắm mưa thỏa thích. Hồ Ka Ny, người cháu ruột giúp bác kỳ cọ lưng sau 3 ngày từ rừng sâu trở về.
Lần đầu tiên sau 40 năm, đôi chân hoang dã của "người rừng" được mang dép.
Anh bỡ ngỡ khi mặc áo bằng vải.
'Người rừng' lóng ngóng khi được ông Hồ Minh Lâm, người anh con bác ruột, giúp mặc quần. Do ở rừng sâu từ bé, cử chỉ của anh Lang khá chậm chạp.
Nhưng có vẻ thành thục với việc gắp thức ăn.
Và "bản lĩnh" nhất là với các công việc cần đến sức khoẻ khi dễ dàng bổ nát khúc củi bằng rìu tự chế của mình mang về từ rừng sâu.
Tò mò, lạ lẫm với điện thoại di động.
Anh cũng Không có khái niệm gì về tiền bạc giữa cuộc sống đời thường.
Lần đầu tiên ngồi trên xe máy, anh Lang vừa sợ hãi vừa tỏ vẻ thích thú.
Theo VNE
Cha con 'người rừng' quay quắt nhớ cuộc sống hoang dã Sau những ngày làm quen với cuộc sống hiện đại, cha con ông Hồ Văn Thanh vẫn khát khao trở lại căn chòi lá trên cây cổ thụ, làm rẫy khai hoang chốn rừng sâu. Ông cứ lẩm bẩm "Tra xú mờ gót" (nghĩa là muốn trở về núi rừng, thăm rẫy). Sau ba ngày từ rừng sâu trở về, cha con "người...