Ký ức sinh tử truyền lửa cho những bài giảng hôm nay
Từ bục giảng, thầy Nguyễn Văn Kỳ lên đường ra trận. 3 năm làm công tác đảm bảo thông tin liên lạc dọc rừng Trường Sơn, bao bận hút chết nhưng “bom đạn nó trừ mình ra”. Bước ra khỏi cuộc chiến, thầy lại cần mẫn với công việc “truyền sử” của mình.
Thầy giáo Nguyễn Văn Kỳ.
Tôi gặp thầy ở một quán cà phê giữa cái nắng hanh hao đầu đông. Chưa từng gặp mặt nhưng thầy cho tôi sự ấm áp, chân tình. Câu chuyện rời bục giảng ra trận của thầy giáo già cứ thế hiện về…
Theo sự phân công của Ty Giáo dục Nghệ An, năm 1971, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Kỳ (SN 1947) về nhận công tác tại Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Sông Con (Nghệ An). Cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc đã bước sang giai đoạn hết sức ác liệt, chiến trường cần chi viện nhiều sức người, sức của hơn. Lúc này, thầy Kỳ mới hoàn thành năm chủ nhiệm đầu tiên, mọi sinh hoạt, nền nếp của lớp vốn được xem là “quậy nhất trường” mới bắt đầu đi vào quỹ đạo nên nghỉ hè, thầy quyết định ở lại trường.
“Đó là một ngày hè đổ lửa, lệnh tổng động viên được phát về từng cơ sở. Tôi lúc đó thuộc diện được miễn vì có người em trai hi sinh ở chiến trường. Nhưng nợ nước, thù nhà, tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến đấu của toàn dân tộc được”, thầy Kỳ tâm sự. Cùng với cán bộ của Ty Nông nghiệp Nghệ An (đơn vị chủ quản của Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Sông Con), thầy Kỳ nhập vào đoàn quân “Nam tiến”.
Sau hơn 1 tháng huấn luyện, đoàn hành quân vào chiến trường. Ròng rã 3 tháng trời, ngày nghỉ, đêm đi đoàn cũng đến được nơi cần đến. Khi đó đã vào sâu trong một cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhiệm vụ của anh lính trẻ Nguyễn Văn Kỳ cùng các đồng đội là làm và đảm bảo thông suốt đường dây thông tin liên lạc tải 3.
Nếu đường dây này đảm bảo được sự bí mật trong công tác thông tin quân sự thì nó cũng là mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Không trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù nhưng nhiệm vụ của người lính thông tin không vì thế mà bớt gian khổ và nguy hiểm. Ăn rừng, lội suối, trèo đèo, sức vóc của những người vốn quen với bảng, với phấn tưởng chừng không chịu nổi. Những trận sốt rét rừng cứ bào mòn sức lực trai trẻ.
Bao hiểm nguy, vất vả, bao bận suýt chết nhưng thầy giáo Kỳ vẫn hóm hỉnh “chắc bom đạn nó trừ mình ra”.
Video đang HOT
Cùng tiểu đội với thầy Kỳ còn có người học trò Hoàng Nghĩa Tiến. Học viên của Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Sông Con có khi bằng tuổi hoặc có khi còn hơn tuổi của thầy. Bởi vậy, khoảng cách thầy – trò gần như không có. Vào trận, thầy – trò lại trở thành đồng chí. Thầy trẻ , trò trẻ, giữa trận địa lại trở nên thân tình hơn. Có học trò bên cạnh, thầy cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ trường, nhớ lớp.
“Người tôi lúc đó chỉ nặng có 45kg nhưng phải vác những cuộn dây đồng lên đỉnh núi để dựng trạm, kéo đường dây. Hì hụi leo gần đến nơi thì cả người và dây lăn xuống vực. Ấy thế mà vẫn không sao, chỉ xây xước bề ngoài. Lại bám từng rễ cây, từng mỏm đá để trèo lên.
Có khi đi làm đường dây, cố gắng vít sợi dây đồng vào cọc sứ thì sợi dây bật ra, hất tung cả người lên không trung rồi… rơi tự do xuống. May mắn là rơi vào tán cây chò nếu không chắc cũng bỏ mạng ở giữa rừng sâu rồi”, thầy Kỳ kể.
Cái gian khổ của anh lính thông tin thật khó mà nói hết bằng lời. Nếu không đi dọn rừng, ngắm hướng để mở đường dây thì cũng lên giữ các trạm liên lạc chon von trên đỉnh núi hay dò dẫm giữa rừng trong đêm tối để tìm, nối các đoạn dây bị đứt, đảm bảo thông tin luôn lạc luôn thông suốt.
Thầy Kỳ nhớ lại: “Cứ mỗi trạm liên lạc hai người, đóng trên đỉnh núi cao. Có những khi hết lương thực, hết nước uống, một người ở lại, một người phải xuống núi để tìm lương thực. Cả đi lẫn về mất 2-3 ngày, hoặc người xuống núi chẳng đi đến đích. Gian khổ thế, hiểm nguy thế nhưng không ai nghĩ đến chuyện bỏ chốt.
Tôi vốn là cái anh nhát gan, sợ đủ thử ấy vậy mà vào rừng, đắm mình vào cuộc chiến đấu sinh tử của cả dân tộc thì dường như nỗi sợ hãi ấy đã bị đẩy lùi. Có nhưng đêm mưa rừng như xối, mò mẫm đi dọc các con suối để tìm và nối các đoạn dây bị đứt. Rừng Trường Sơn hồi ấy hổ, beo đầy rẫy, đi trong rừng chỉ nghe tiếng hổ gầm, anh yếu bóng vía chắc khó lòng mà trụ được.
Có lần đi nối đường dây, lội được qua suối thì nước lũ về, cuốn phăng phải đến 3-4m, may bám được vào thân cây ngã vắt xuống suối. Đường dây tải 3 song song với hệ thống đường ống dẫn dầu Bắc – Nam, bởi vậy mỗi khi đường ống dầu bị oanh tạc thì đường tải 3 cũng chịu chung số phận. Ấy mà không hiểu sao 3 năm ở rừng tôi chẳng bị thương, chắc bom đạn nó trừ mình ra”, thầy Kỳ cười.
Đầu năm 1975, đơn vị thầy Kỳ được lệnh thi công đường dây tải 3 từ Buôn Mê Thuột xuống Nha Trang. Đoàn quân cõng dây, máy, dao, kìm.. tốc hành lên đường để phục vụ chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam. Đôi chân sưng tấy đau buốt không dám nghỉ bởi nhiệm vụ đang hết sức gấp gáp. Nhưng cuộc chiến đấu của ta có những chuyển biến mau lẹ đến không ngờ, khi đến được Nha Trang cũng là thời điểm thành phố này được giải phóng. Chỉ một thời gian ngắn sau, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đơn vị được lệnh ngừng thi công tuyến đường tải 3 đang dang dở.
Là giáo viên Lịch sử, những năm tháng tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước dã cho thầy nhiều bài giảng sinh động để “truyền” lòng yêu nước và yêu thích lịch sử cho nhiều thế hệ học trò.
Cùng với một số giáo viên khác, anh lính thông tin Nguyễn Văn Kỳ được điều về trường văn hóa của Bộ tư lệnh Trường Sơn. Những năm ở A Sầu – A Lưới (Thừa Thiên Huế) – là nơi bị địch rải nhiều chất độc hóa học – khiến thầy Kỳ bị bệnh ngoài da (hiện vẫn còn di chứng), phải chuyển về bệnh xá điều trị. Sức khỏe bị giảm sút, thầy Kỳ xin phục viên về công tác tại Ty Giáo dục Nghệ An. Sau một thời gian làm cán bộ quản lý, thầy được điều động về Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
“Mấy chục năm trong nghề, niềm tự hào lớn nhất của tôi là lớp lớp con em đồng báo các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An trưởng thành, có vị trí nhất định trong xã hội. Nghỉ hưu ngót chục năm rồi nhưng các em vẫn nhớ, vẫn tìm về mỗi khi có dịp. Các em bảo, bao nhiêu năm trôi qua, vẫn ấn tượng với những bài dạy của thầy. Đối với bất kỳ người giáo viên nào thì đó cũng là niềm hạnh phúc rất lớn.
Những ngày tham gia chiến đấu đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn. Dạy lịch sử mà khô khan và giáo điều thì không hiệu quả, dễ sa vào lối mòn. Có sống trong những ngày sôi sục ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc, anh mới yêu, mới quý, mới hiểu được cả một giai đoạn chói lọi trong lịch sử của đất nước. Từ hiểu, yêu và quý thì tất nhiên bài giảng sẽ hay hơn, sinh động và tạo được hứng khởi cho các em học sinh đối với lịch sử”, thầy Kỳ tâm sự.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Có một người con Hà Nội
Sau 60 năm giải phóng Thủ đô , chúng ta càng thấm thía sâu sắc khi đọc di cảo của cố Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương: "Tất cả cán bộ đảng viên chúng ta cần đem những gì tốt đẹp nhất của mình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp của Đảng".
Đồng chí Lê Văn Lương dự Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ IX năm 1982
Đứng mũi chịu sào
Đất nước hòa bình thống nhất, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng bộ Hà Nội được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ: Phải trở thành một thành phố tiêu biểu cho chế độ XHCN trên đất nước ta, vừa có tính hiện đại, vừa có tính dân tộc, làm chỗ dựa cho sự nghiệp cách mạng XHCN của cả nước. Trung ương Đảng đã cử đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ chính trị về Thành ủy Hà Nội và sau đó, đồng chí được BCH Đảng bộ thành phố bầu là Bí thư Thành ủy (khóa VII, 1977-1980).
Suốt 10 năm, từ 30-5-1977 đến 23-10-1986, ở cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Lê Văn Lương đã mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của nhân dân thành phố. Đó cũng là thời kỳ Hà Nội hết sức khó khăn. Hàng tháng, Thường vụ phải chỉ đạo sao cho các sở, ban, ngành lo đủ lương thực, thực phẩm, điện, nước, chất đốt cho nhân dân. Bản thân đồng chí Bí thư cũng thường xuyên đi kiểm tra các quầy bán lương thực ở các tổ dân phố.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bí thư Lê Văn Lương, một số công trình hạ tầng GTVT đã được mở mang với những công trình trọng điểm: cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, lập ngành vận tải biển pha sông để đưa gạo từ đồng bằng Nam bộ về thẳng cảng Phà Đen và đưa hàng từ Hà Nội vào đồng bằng Nam bộ. Nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên ở nội thành và các cửa ô, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang sau chiến tranh trở về thành phố.
Ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của thành phố, đứng mũi chịu sào, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu cao phẩm chất, năng lực của người cán bộ trung thành, tận tụy, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Năm 1982, nhờ thí điểm khuyến khích nông dân theo cơ chế khoán gọn sản phẩm, sản lượng lương thực đạt 38,6 vạn tấn, cao nhất kể từ năm 1975, khiến nhân dân vô cùng phấn khởi.
Đặc biệt, gắn bó sâu sắc và thấu hiểu đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương nêu cao và giữ vững luận điểm "phát huy nội lực Thủ đô", nêu cao ý chí tự lực tự cường, tiềm năng và sức sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Với quan điểm đó, đồng chí đã đồng ý cho Thành Đoàn Hà Nội học tập kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên TP.HCM và năm 1981, lực lượng Thanh niên xung phong Thủ đô xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng đã được thành lập, hoạt động có hiệu quả cao. Ngày 18-5-1985, Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng Thủ đô chính thức ra đời với nhiều mô hình mới: xí nghiệp khai thác than ở Quảng Ninh, Đội trồng rừng ở Ba Vì, Đội trồng cói ở Hà Nam Ninh. Cán bộ Sở Thương nghiệp chủ động vào các tỉnh phía Nam mở rộng nguồn hàng, liên doanh liên kết để có hàng hóa bán cho dân. Ngày nay, Lâm Đồng đã trở thành vùng kinh tế trù phú và là quê hương thứ hai của người Gia Lâm, Từ Liêm, Hoài Đức.
Đảng bộ Hà Nội phát lệnh Đổi mới
Năm 1986, lời phát biểu đầy hào sảng của đồng chí Trường Chinh về công cuộc Đổi mới đã vang lên giữa bầu không khí phấn khởi, vui mừng tại Đại hội X của Đảng bộ thành phố. Đồng chí Lê Văn Lương, người đã vững tay chèo trong suốt 10 năm gian nan, thử thách, với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, người cán bộ tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên định và chủ động, là linh hồn xây dựng nên bản báo cáo chính trị đọc tại Đại hội - Cương lĩnh hành động cách mạng của Đảng bộ, trong đó nêu rõ phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân Thủ đô: "Mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; coi trọng tổ chức công tác thực tiễn, kiên quyết chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa... Nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt coi trọng củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở, kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh". Hiệu lệnh Đổi mới đã được phát ra từ Đại hội X của Đảng bộ thành phố và lan ra toàn quốc.
Giản dị, chân thành, thẳng thắn, đồng chí Lê Văn Lương đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hình ảnh của một người cộng sản chân chính. Nhà báo Hoàng Tùng đã từng dành những dòng trân trọng khi viết về đồng chí Lê Văn Lương: "Anh là người có bản lĩnh, không bao giờ khuất phục trước uy quyền, cần cù, giản dị, thận trọng từ việc nhỏ đến việc lớn, đối xử công bằng, có trách nhiệm, tình cảm đối với mọi người. Sức thuyết phục của anh là sự chân thành, thẳng thắn, nghiêm khắc và thông cảm, hiểu thấu cả những chỗ yếu của con người mà đối xử khoan dung".
Đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu trên gian thờ đồng chí Lê Văn Lương đã khái quát phẩm chất cách mạng của người cộng sản suốt đời vì dân, vì Đảng:
"15 tuổi lên đường, chính khí vươn cao trời biển rộng
70 năm cùng Đảng, công huân rực sáng cổ thu soi".
Theo ANTD
Pháo hoa bừng sáng trong ngày Quốc khánh Những màn pháo hoa tầm cao, tầm thấp với nghệ thuật tạo hình độc đáo đã đồng loạt bừng sáng vào lúc 21h tối 2/9 tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (P.Thủ Thiêm, Q.2) và công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11). Đúng 21h tối 2/9 những chùm pháo hoa đầu tiên tung nổ rực rỡ trên bầu trời Đây...