Ký ức người cháu về hai phu nhân Đại tướng
‘Cậu vừa đi vừa ngoảnh lại, thấy mợ Thái cứ ôm con đứng như vậy mãi. Hình ảnh ấy cậu không bao giờ có thể quên được’, Tướng Giáp nói với cháu.
Sau khi bà Quang Thái hy sinh trong nhà lao Hỏa Lò một thời gian khá lâu, Đại tướng mới biết tin.
Ông Tấn Định (con trai của bà Võ Thị Lài, em gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã chia sẻ nhiều kỷ niệm trong thời gian ở cạnh Đại tướng, trong đó, có cả những ký ức về hai người vợ do Tướng Giáp kể.
Ông viết, có lần, Đại tướng gọi ông lại gần, Người nằm im, mắt nhắm, hai tay đặt trên bụng, tư thế như đang thiền. Một lúc sau, Đại tướng cất tiếng: “Cậu như đang nghe thấy có tiếng xe lửa chạy trên đường ray. Cậu bỗng nhớ lại một chuyến đi vào Huế, đến ga Vinh thì mợ Thái của cháu (người vợ đầu của Đại tướng) lên tàu. Hồi ấy, mới quen sơ sơ nên chỉ gật đầu chào nhau mà không nói chuyện gì nhiều. Vào Huế, mấy hôm sau thấy mợ Thái của cháu sang tìm, nói là để nhận sách, cậu đoán là xin tài liệu. Cậu nói là sách còn chưa mua được, nói thế là vì tài liệu thì anh Diễu cầm, cậu chưa nhận được thật. Thế mà mợ Thái cháu không tin, tưởng là cậu có mà không đưa, dỗi bỏ về”. Tướng Giáp kể chậm rãi, với nét mặt rất vui như đang sống với những kỷ niệm của một thời trai trẻ.
Đại tướng kể tiếp, sau khi kết hôn được một thời gian mà chưa thấy có “hiện tượng gì”, hai vợ chồng ông rất lo lắng. Ông bảo, hồi đó ai cũng vậy, cứ cưới xong là phải có con ngay, thấy chậm vài tháng là ai cũng lo, nhất là các cụ. Sau đó không biết có ai mách, người vợ trẻ nói với chồng: “Dưới Mơ (chợ Mơ bây giờ) có ông thầy xem hay lắm, hay mình xuống đó thử xem, một lần cho biết”.
Thế rồi, ông cũng chiều vợ. Hôm sau, hai người bắt xích lô, đi xuống phía Chợ Mơ, hỏi đường vào một con ngõ nhỏ. Gặp thầy, đó là một ông thầy đồ đã già, xem bói chỉ là làm thêm cho những ai cần mà thôi, không phải nghề của thầy. Ông thầy bảo, đừng lo, muốn có con thì sẽ có con, anh còn phải lo nghiệp lớn, nhưng anh chị sẽ phải sống xa nhau đấy…
Im lặng một lúc, Đại tướng nói tiếp: “Ông ấy còn nói thêm một số cái nữa, nhưng mà cậu chỉ nhớ có thế. Ông ấy nói thế mà đúng…”. Ông nằm im, mắt nhìn lên trần nhà, không kể tiếp nữa. Tướng Giáp còn kể cho cháu mình nghe về buổi chiều đáng nhớ, buổi chiều chia ly, cái buổi chiều khi hoàng hôn đã buông tràn phố cổ. Trên con phố Cổ Ngư, ông đã chia tay người vợ trẻ cùng đứa con gái nhỏ chưa đầy tuổi, để cùng một nhóm thanh niên yêu nước sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tham gia hoạt động cách mạng.
Ông Định nói chia sẻ, mình sẽ không bao giờ quên được khung cảnh của buổi chia ly mà Đại tướng đã kể cho ông nghe ngày hôm đó bằng một giọng trầm buồn. “Con cứ tưởng tượng đó là một con phố nhỏ, vắng vẻ, trời đã chạng vạng tối. Mợ thì bế Hồng Anh nằm vắt trên vai, hình như đang ngủ. Cậu và mợ cứ đi bên nhau như vậy, vừa đi vừa nói chuyện, không muốn để cho người đi đường để ý. Lúc sau thì mợ dừng lại vì phải quay về. Cậu vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn, đi một đoạn lại quay lại nhìn, thấy mợ cứ ôm con đứng như vậy mãi. Cái hình ảnh ấy cậu không bao giờ có thể quên đi được…”, Đại tướng nói với người cháu. Có lẽ Tướng Giáp cũng không thể ngờ rằng, đó là lần chia tay cuối cùng, đánh dấu một cuộc biệt ly đầy bi tráng.
Sau khi bà Quang Thái hy sinh trong nhà lao Hỏa Lò một thời gian khá lâu, Đại tướng mới biết tin.”Đó là vào một phiên họp tại Việt Bắc, ông ngồi cạnh bác Trường Chinh, và chính bác Trường Chinh đã nói cho cậu tôi biết cái tin sét đánh đó. Quá bất ngờ, cậu tôi choáng váng không hỏi thêm được câu nào. Sợ không nén được cảm xúc, cậu tôi xin phép Chủ tọa phiên họp rồi lặng lẽ rời Hội trường đi ra phía vườn sau, tựa vào gốc cây cổ thụ, mãi hồi sau mới bình tâm trở lại”, ông Định chia sẻ.
Hằng năm, cứ vào tiết Thanh Minh là cả nhà tướng Giáp đều lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ người thân, trong đó có mộ bà Quang Thái. Lần đó, ông còn muốn thăm Nhà lao Hỏa Lò trước khi viếng mộ ở Mai Dịch.
Người hướng dẫn viên dẫn cả đoàn vào thăm các phòng trưng bày bên trong Khu di tích. Ấn tượng nhất là chiếc máy chém được đặt ngay chính giữa phòng, bên cạnh là chiếc thùng to đan bằng mây dùng để đựng xác tử tù sau khi hành hình, cạnh đó là một chiếc giỏ để đựng đầu lâu tù nhân sau khi xử chém, cũng được đan bằng mây. Chị Dơn, hướng dẫn viên, tranh thủ giới thiệu nhanh một số dụng cụ tra tấn đã được sử dụng để tra khảo tù nhân trong nhà lao Hỏa Lò thời Pháp chiếm đóng.
Sau ít phút, cả gia đình Đại tướng đã có mặt trước cửa phòng biệt giam các nữ tù chính trị. Theo lời giới thiệu của chị Dơn thì bà Quang Thái, từng bị giam cầm tại căn phòng này. Từ song sắt cửa phòng giam nhìn vào, hơi chếch sang trái là bệ xi măng dùng thay giường nằm cho các tù nhân. Trên bệ, các nữ tù bằng thạch cao kẻ nằm người ngồi với các tư thế khác nhau rất sinh động.
Phía trong cùng, một nữ tù gầy gò đang cúi xuống với dáng vẻ ân cần, có lẽ chị đang chăm sóc cho một nữ tù chính trị vừa bị tra tấn trả về. Ngay chính giữa, một nữ tù đang nghiêng người tựa mình vào bạn tù ngồi cạnh, có lẽ họ đang truyền cho nhau chút hơi ấm còn lại trong cơ thể và dặn nhau hãy vững vàng khí tiết!
“Trong lúc mợ Hà đang lúng túng cài những bông hồng đỏ lên khe nhỏ của cánh cửa sắt, những bông hoa tươi rói mà chị Hồng Anh vừa mua sáng nay, thì cậu tôi vẫn đứng im phăng phắc, mắt dõi nhìn về phía bệ xi-măng bên trong phòng biệt giam như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc. Dưới đôi lông mày bạc trắng, ánh mắt cậu trông thật huyền ảo, có cảm giác ánh nhìn đó có thể làm sống lại những hình hài bất động trong kia!
Video đang HOT
Cậu tôi đứng đó, tay phải vịn lên mép cửa sổ của cánh cửa sắt, tay trái cậu như đang lần tìm thứ gì ở trong túi của áo khoác ngoài. Tôi đoán là cậu đang tìm chiếc khăn mùi xoa mà trước khi lên xe mợ Hà đã cẩn thận đặt vào đó và cuối cùng tôi đã tìm được chiếc khăn ở túi áo bên kia đặt vào tay cậu.
Cậu tôi cầm lấy chiếc khăn, rồi từ từ đưa lên thấm khô dần những giọt nước mắt vừa trào ra từ đôi mắt già nua đang nhòe ướt. Đứng ngay sau lưng cậu, tôi nghiêng người tựa luôn vào tường, không kịp bấm máy ghi lại khoảnh khắc đầy xúc động đó. Nếu không có Long cầm lấy tay và bóp chặt, có lẽ tôi đã bật khóc…”, ông Định xúc động kể.
Tất cả đứng lặng im nhìn vào phía trong phòng biệt giam, tạo thành một vòng cung phía sau lưng Đại tướng. Bỗng ông đứng thẳng người lên, bỏ chiếc mũ len xuống cầm tay và đầu hơi cúi xuống. Tất cả không ai bảo ai đều tề chỉnh đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm. Bà Hồng Anh (con gái đầu của Đại tướng và bà Quang Thái) quay sang định nói gì đó với ba mình nhưng mãi không nói được thành lời…
Với sự hướng dẫn của chị Dơn, bà Hồng Anh nhanh chóng tìm được dòng chữ ghi lại tên tuổi của người mẹ thân yêu: liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Đại tướng cầm bút, sửa lại mục kỉnh, ngồi lặng im một lúc, rồi cúi xuống và bắt đầu viết. Bà Hồng Anh đứng chênh chếch phía sau lưng, hơi nghiêng người, mắt dõi theo những dòng chữ đang dần hiện ra trên trang giấy, những dòng chữ chất chứa yêu thương và quý trọng đối với người mẹ muôn vàn yêu dấu của bà.
Ông Định nhớ lại: “Đang viết, bỗng cậu tôi dừng bút, tay lật nhanh trang giấy như tìm đọc những dòng vô hình phía đằng sau những con chữ vừa hiện lên. Mái đầu bạc trắng hơi cúi xuống, lặng im, rồi cậu tôi giữ chặt chiếc khăn mùi xoa trong tay, từ từ đưa lên lau khô những giọt nước mắt vừa trào lăn. Chị Hồng Anh vội nhoài người, nhanh tay đỡ lấy chiếc kính lão. Tôi lia nhanh ống kính, vội vàng ghi lại khoảnh khắc rưng rưng đó. Sáng hôm sau, cả nhà lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ, thắp hương trên mộ mợ Quang Thái và những người thân”.
Người vợ sau của Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, người đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi trong suốt cuộc đời.
Người vợ sau của Đại tướng, bà Đặng Bích Hà cũng xuất hiện trong câu chuyện của ông Định với hình ảnh một người mợ hiền hậu, hết lòng yêu thương con cháu. Ông Định kể, một lần, khi còn một mình Đại tướng và người cháu ở lại bệnh viện, thấy ông Định lúi húi pha nước, Người ngừng đọc và nói: “Mợ Hà con là người rất hiền”.
Trong ký ức của ông Định, đã lâu lắm rồi, cũng trong khuôn viên bệnh viện này, ông đã thấy một nụ cười thật hiền trên khuôn mặt phúc hậu của một người phụ nữ còn trẻ, nhìn ông và cười, đó là bà Bích Hà.
“Lúc đó tôi khoảng hơn 10 tuổi, sống với cậu Nho tôi (em trai Đại tướng) ở phố Hàng Chuối (Hà Nội) và học ở trường Lê Ngọc Hân trên phố Lò Đúc. Chiều hôm đó khi được tin bà ngoại tôi mất, chúng tôi được nghỉ học và theo xe cậu Nho tôi vào chờ ở sân sau của Quân y viện 108. Đang ngồi trên xe, tôi mở cửa kính và thò đầu ra ngoài, bất chợt nhìn thấy một người phụ nữ đi ngang qua rồi quay lại nhìn tôi. Tôi nhận ra đó là mợ Hà, vợ của cậu tôi, người mà tôi được gặp cách đó ít lâu, khi tôi vừa ra Hà Nội. Mợ quay lại nhìn thấy tôi, mợ gật đầu cười chào tôi, một nụ cười thật hiền.
Bạn hãy nghĩ đến nụ cười của một người mẹ, trong cơn khổ đau khi có người thân vừa qua đời, cười với các con mình để an ủi chúng, để làm cho chúng yên lòng. Đấy, nụ cười của mợ tôi vào buổi chiều hôm đó chính là một nụ cười như thế. Nụ cười thật hiền đó đã in đậm vào trí nhớ non nớt của một đứa trẻ như tôi và in sâu cho đến tận bây giờ. Cho đến sau này khi đã lớn khôn, lúc nào tôi cũng nhận được từ mợ tôi một tình thương như của một người mẹ, luôn quan tâm lo lắng và dạy bảo”, cháu Đại tướng bồi hồi nhớ lại.
Theo Xahoi
Tướng Giáp: Những vết thương không thể xóa nhòa
"Ông mang trong tâm hồn những vết thương mà thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa được".
LTS: Tác giả Cecil B. Currey, giáo sư Sử học đã giảng dạy Lịch sử tại trường Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ), được đánh giá là một trong những sử gia xuất sắc về lịch sử chiến tranh. Ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi thăm Việt Nam năm 1997, đã được Đại tướng tiếp ở nhà riêng. Khampha.vn xin trích đăng một phần trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" mà GS. Cecil B. Currey viết về Đại tướng.
Kỳ 2: Tướng Giáp: "Mang trong tâm hồn vết thương...".
Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái quen nhau năm 1928, khi Quang Thái đến nhờ Võ Nguyên Giáp giới thiệu vào hoạt động trong phong trào học sinh ở Huế.
Khoảng cuối năm 1930, trong các hoạt động nhằm ngăn chặn làn sóng phản kháng của đám trí thức trẻ, cảnh sát Pháp bắt một số đối tượng tình nghi. Pháp bắt được Nguyễn Thị Quang Thái, một cô gái mới 15 tuổi, học sinh trường nữ học Đồng Khánh ở Huế. Pháp cũng bắt được Võ Nguyên Giáp, GS Đặng Thai Mai, Võ Thuần Nho...
Ngày cưới, cô dâu mặc chiếc áo dài màu đỏ thêu
Trong nhà tù Lao Bảo, Võ Nguyên Giáp đã có cơ hội tìm hiểu Quang Thái kỹ hơn. Lớn hơn Quang Thái 4 tuổi, Võ Nguyên Giáp thấy cô gái có duyên và sớm nhận ra bản chất của những tình cảm quyến luyến của mình đối với cô gái.
Mười ba tháng sau khi bị giam trong nhà lao, Võ Nguyên Giáp được tin chính quyền thuộc địa đã quyết định giảm án cho những ai bị kết án dưới 4 năm. Những ai được tha trước thời hạn đều phải trở về quê quán chịu quản thúc cho đến khi mãn hạn tù. Hai người bước qua ngưỡng cửa nhà giam năm 1932.
Suốt một thời gian dài, ông chểnh mảng với cuộc sống riêng của mình. Tranh thủ lúc bớt bận rộn, ông đã nghĩ đến chuyện xây dựng hạnh phúc riêng. Đó là vào năm 1939 ở tuổi 28, Võ Nguyên Giáp trở lại Vinh và xin cưới Quang Thái làm vợ.
Đại tướng và phu nhân, bà Quang Thái, trong một lần chụp ảnh tại Hà Nội
Trên nhiều phương diện, họ tìm hiểu và yêu nhau vì có chung một lý tưởng. Theo Võ Nguyên Giáp kể lại, "cả hai cùng chung một niềm tin, cùng đặt hy vọng vào một sự nghiệp chung". Giáo sư Đặng Thai Mai, ân nhân của Võ Nguyên Giáp tán thành việc hôn nhân này. Tháng 3/1939, hai người làm lễ thành hôn. Cô dâu Quang Thái, người nhỏ nhắn, trong ngày cưới mặc chiếc áo dài màu đỏ thêu, chiếc quần dài trắng, đầu vấn khăn vành dây truyền thống gắn vòng kim tuyến vàng óng.
Ở thời đó cũng như bất cứ thời nào về sau, Võ Nguyên Giáp không nói ra ngoài với ai cuộc sống của ông với Quang Thái ra sao. Cũng giống như mọi người khác, thường dè dặt ít kể về việc riêng tư của mình. Tuy nhiên, các bạn thân của ông trong những năm sau đó thường nhận xét rằng thời kỳ tiếp theo cuộc hôn nhân đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong đời ông.
Vết thương không thể xóa nhòa
Ngày 1/9, Đức chiếm Ba Lan và những ngày hòa bình ở châu Âu nhường chỗ cho cuộc chiến tranh kéo dài sáu năm và lan rộng khắp thế giới. Ngày 26/9, chính phủ Pháp cấm Đảng Cộng sản ở Pháp cũng như ở hải ngoại và phát lệnh bắt giữ hầu hết những người lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng.
Võ Nguyên Giáp và Quang Thái tỏ ra kín đáo, thận trọng, cố gắng sống bình thường như mọi người. Ngày 4/1/1940, Quang Thái sinh hạ một bé gái và họ đặt cho con cái tên xinh đẹp là Hồng Anh. Như mọi cặp vợ chồng trẻ khác, cả hai đều rất hài lòng và hạnh phúc.
Những ngày thanh bình đó chỉ kéo dài vài tháng. Tháng 9/1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất để phản đế và đặt ưu tiên vào việc giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc hiện đang ở Trung Quốc và đã bắt đầu liên lạc với Ban chấp hành Trung ương Đảng. Theo lời khuyên của Nguyễn Ái Quốc, tháng 4/1940, Ban Chấp hành Trung ương quyết định cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để ra lệnh lên đường. Họ tính đến khả năng sẽ phát động một phong trào du kích bên trong Việt Nam.
Võ Nguyên Giáp cho Quang Thái biết dự định của mình. Cô rất phấn khởi đòi được đi với chồng sang Trung Quốc. Võ Nguyên Giáp phản đối, cho rằng như vậy càng gây thêm khó khăn, chuyến đi phải giữ hoàn toàn bí mật. Nếu chỉ có hai người, chuyến đi có thể không gặp nguy hiểm nhưng nay nếu đi cả bốn người thì tình hình sẽ khác. Có thể gây nguy hiểm cho bé Hồng Anh và điều gì sẽ xảy ra nếu khi đi đường bé bị ốm.
Đảng đã quyết định cho Quang Thái và chị là Nguyễn Thị Minh Khai sẽ ở lại Việt Nam tiếp tục giữ liên lạc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Hồng Anh
Võ Nguyên Giáp và Quang Thái chia tay nhau trên bờ hồ Tây vào một buổi chiều thứ Sáu, ngày 3/5/1940. Ông kể lại, Quang Thái, bé Hồng Anh đợi tôi ở đường Cổ Ngư, ngày nay là đường Thanh Niên. Bế con trên tay hai người sóng đôi theo hồ như mọi người đi dạo mát. Võ Nguyên Giáp đeo kính đen để học trò không nhận ra. Hai người thong thả bước bên nhau, cố giữ thái độ ung dung bình thường như một cặp tình nhân.
"Em hãy ráng tìm người tin cậy gửi con, để có thể rút vào bí mật". Võ Nguyên Giáp tâm sự với vợ, đặt lên hàng đầu yêu cầu của Đảng. Quang Thái trong tâm trạng bị giằng xé giữa cơn xúc động làm mẹ và sự trung thành với Đảng, cô không cầm được nước mắt, bật tiếng khóc.
Sau khi Võ Nguyên Giáp đi xa và gửi được con, Quang Thái cùng với Minh Khai vội vã đi khỏi Hà Nội trở về làng ở Vinh. Bị cảnh sát truy lùng, Minh Khai bị bắt tháng 7/1940. Bọn cai ngục đã bịt mắt cô và đem bắn tại Hóc Môn gần Sài Gòn, ngày 25/4/1941.
Quang Thái trốn thoát được sự truy lùng của cảnh sát cho đến tháng 5/1941 cũng bị mật thám Pháp bắt tại Vinh. Trước khi bị bắt, cô đã kịp giao con gái mới một tuổi rưỡi cho cô em, để thu xếp gửi bé về cho ông bà nội ở An Xá trông hộ. Trong nhiều năm, ông bà đã nuôi dưỡng chăm sóc cháu nội như cha mẹ nuôi con.
Người Pháp đưa Quang Thái về giam tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Quang Thái bị đem ra xử ở tòa án binh vì âm mưu chống lại an ninh của nước Pháp và bị kết án khổ sai chung thân. Quang Thái đã hy sinh chỉ vài tuần sau khi Minh Khai bị xử bắn.
Rất lâu sau đó, Võ Nguyên Giáp mới biết tin về việc Quang Thái và Minh Khai bị bắt rồi hy sinh. Ông cũng không biết tình cảnh khó khăn mà cô con gái đầu lòng của ông - Hồng Anh - đã phải trải qua. Cùng với những đau đớn đó là tin thêm về người cha bị tra tấn đến chết trong nhà lao Huế.
Theo nhiều người đã từng quen biết Võ Nguyên Giáp từ trước, nếu trở thành con người sắt đá cương nghị những năm sau không phải chỉ vì ông có tinh thần quốc gia dân tộc hay chủ nghĩa cộng sản mà còn do ý muốn trả thù cho những người thân của mình.
Hồng Anh từng nói về người cha của mình với những lời lẽ đầy thương yêu: "Ông mang trong tâm hồn những vết thương mà thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa được".
(Trích cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá)
PV (Khampha.vn)
Đánh giá ảnh hưởng của Võ Đại tướng ngay trước lễ 49 ngày "Con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp được miêu tả như một huyền thoại ngay từ khi ông còn sống". Hội thảo về chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Pháp: Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một huyền thoại Đó là nhận định của các chuyên gia quân sự - chính trị- ngoại giao Pháp tại Hội thảo khoa học với...