Ký ức hào hùng của người lính từng tham gia trận đánh ở cửa ngõ Sài Gòn
Trong cả quãng đời tham gia chiến đấu vì nền độc lập của đất nước, Đại tá Ứng đã tham gia hơn 40 trận đánh, song đối với ông, trận chiến đấu ngày 30/4/1975 là trận đánh mà ông ghi nhớ sâu sắc nhất và đem lại cho ông nhiều cảm xúc nhất.
Đại tá Trịnh Xuân Ứng (sinh năm 1937, ở thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã tham gia trận chiến đấu ngày 30/4/1975.
Hàng năm, cứ vào độ tháng Tư về, những ký ức hào hùng về ngày toàn thắng lại tràn về trong tâm trí Đại tá Trịnh Xuân Ứng (sinh năm 1937), thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ở độ tuổi 81 với 35 năm tuổi quân và 58 năm tuổi Đảng, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 2, Đại tá Trịnh Xuân Ứng vẫn còn rất minh mẫn với giọng nói hào sảng và tác phong nhanh nhẹn.
Trong cả quãng đời tham gia chiến đấu vì nền độc lập của đất nước, Đại tá Ứng đã tham gia hơn 40 trận đánh, song đối với ông, trận chiến đấu ngày 30/4/1975 là trận đánh mà ông ghi nhớ sâu sắc nhất và đem lại cho ông nhiều cảm xúc nhất.
Đại tá Ứng cho biết, năm 1975, trước trận đánh lịch sử ngày 30/4, từ cuối tháng Ba, Trung đoàn pháo binh 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 của ông đã trực tiếp chi viện cho hai sư đoàn của Quân đoàn 2 chiến đấu giải phóng Thừa Thiên Huế. Tiếp đến, Trung đoàn 84 tiếp tục phối hợp với các đơn vị đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, giải phóng Đà Nẵng, sau đó chi viện cho bộ binh giải phóng Phan Rang và giải phóng Phan Thiết vào những ngày giữa tháng Tư. Với khí thế tiến công thần tốc, táo bạo, những ngày cuối tháng 4/1975, Trung đoàn 84 đã chi viện hiệu quả cho các đơn vị bộ binh của sư đoàn đánh chiếm một số căn cứ của địch trên sông Đồng Nai. Toàn lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.
Là người trực tiếp chỉ huy đơn vị triển khai hỏa lực chi viện cho bộ binh Sư 35 vượt sông Đồng Nai tiến vào Quận 9 Sài Gòn vào sáng 30/4/1975, Đại tá Trịnh Xuân Ứng khi đó là Tham mưu trưởng Trung đoàn 84 coi đó là trận đánh “pháo đối hạm” hiệp đồng binh chủng xuất sắc của quân đội ta.
Đại tá Ứng nhớ lại: “Đêm 29/4, tôi được Sư đoàn trưởng gọi lên giao nhiệm vụ sáng hôm sau trực tiếp chỉ huy Trung đoàn triển khai hỏa lực chi viện cho bộ binh và bằng mọi giá phải vượt được sông Đồng Nai để tiến thẳng vào Quận 9 Sài Gòn. Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi sông Đồng Nai rộng hơn 800m nước chảy xiết, chưa kể hỏa lực rất mạnh của địch ở căn cứ hải quân Cát Lái trên sông với hàng nghìn lính thủy, hàng trăm tàu xuồng chiến đấu”.
Sáng 30/4/1975, theo đúng kế hoạch, khi lực lượng của ta vượt sông dưới sự hỗ trợ của 10 khẩu pháo lớn đã gặp phải sự bắn phá ác liệt của lực lượng pháo binh địch. Khi tàu của ta vừa ra đến giữa dòng sông, địch trong căn cứ hải quân Cát Lái liền nổ súng đánh chặn, đồng thời cho 3 tàu chiến xuất kích ra bịt đường. Là người chỉ huy pháo binh, Tham mưu trưởng Trung đoàn 84 Trịnh Xuân Ứng lệnh cho các đơn vị pháo của trung đoàn hạ nòng bắn ngắm trực tiếp vào các tàu địch.
Chỉ trong chớp nhoáng, 3 tàu chiến chở bộ binh địch đã bị ta bắn chìm tại chỗ. Ngay sau đó, địch tập trung lực lượng, mở cuộc phản kích, điều động nhiều tàu chiến bắn tới tấp. Trước sự tấn công dồn dập của địch, các chiến sĩ Trung đoàn 84 vẫn bình tĩnh đánh trả. Kết quả là thêm 5 tàu chiến của địch bị nhấn chìm tại chỗ. Chưa đầy hai giờ mở trận “pháo đối hạm”, hàng chục tàu địch bị ta bắn chìm, bắn hỏng khiến quân địch hoang mang và vội vã quay đầu tháo chạy. Thắng lợi của pháo binh ta đã tạo được thời cơ cho Trung đoàn bộ binh 101 vượt sông. Lúc đó, nhân dân địa phương vùng ven sông Đồng Nai liền đưa thuyền bè tới giúp chở bộ đội vượt sông và nhanh chóng đánh chiếm được căn cứ hải quân Cát Lái.
Vượt sông thành công, các đơn vị bộ binh tiến vào Quận 9, cùng các lực lượng tiêu diệt địch nhanh chóng. Sau gần 1 giờ đồng hồ chiến đấu, Đại tá Ứng cùng các đồng đội thấy tiếng súng giảm dần và ngay sau đó nhận được thông tin Tổng thống Dương Văn Minh đã xin đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa trong ông và các đồng đội, mọi người cùng đứng dậy đồng thanh hô lớn “hòa bình rồi”. Khi đó, ông đã được chứng kiến người dân tràn ra ngập đường phố, tay cầm cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ hô to “Hoan hô quân giải phóng”, không khí vô cùng náo nhiệt và nhiều cảm xúc.
“Người dân khi đó tràn xuống đường, bắt tay bộ đội, có cả nụ cười và những giọt nước mắt. Khi đó tôi lên xe đi cùng đồng đội, kính xe mở tôi đưa tay ra ngoài bắt tay mọi người dân mình gặp. Sau khi bắt tay một người phụ nữ khoảng 50 tuổi tay bên kia vẫn đang cầm cờ giải phóng tôi liền hỏi “Má ơi, cờ giải phóng may bao giờ mà hôm nay nhiều thế?”. Người phụ nữ liền xúc động trả lời “Chú ơi, cờ giải phóng được may từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, hôm nay mới được mang ra đấy chú ạ”. Câu nói thật thà, chất phác nhưng chứa đựng sự tin tưởng, sự kiên trì chờ đợi và tấm lòng son sắt của người dân Việt Nam khiến cảm xúc trong tôi vỡ òa”, Đại tá Ứng bồi hồi nhớ lại.
Video đang HOT
Ông Lê Đức Nhã, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư tâm sự: “Lần nào nghe Đại tá Ứng kể lại trận đánh lịch sử ngày 30/4/1975 tôi cũng khóc, tâm trạng giống như chính mình đang tham gia trận đánh hào hùng năm nào. Sau khi nghỉ hưu, Đại tá Ứng vẫn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương, đặc biệt là của Hội Cựu chiến binh. Đại tá đã mang những câu chuyện mà chính bản thân trải qua, chứng kiến trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc để kể lại cho thế hệ trẻ sau này thông qua các chương trình giao lưu, kể chuyện lịch sử ở các bậc học trên địa bàn huyện. Từ đó để thế hệ trẻ biết đến sự hy sinh của lớp cha ông đi trước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh hơn”.
Thùy Dung
TTXVN
Khởi sắc ở xã đầu tiên của miền Nam được giải phóng
Trên tuyến đường 75 dẫn lên miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi ấn tượng trước những rừng cao su mênh mông, thẳng tắp, vườn cây hồ tiêu xanh ngút... Đó là thành quả lao động miệt mài với biết bao mồ hôi, nước mắt của các tầng lớp nhân dân sau hàng chục năm chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.
"Vượt qua mọi gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gio An đã đồng sức, đồng lòng để chung tay xây dựng quê hương. Người dân đã năng động, tích cực trong phát triển kinh tế để xây dựng nên mảnh đất Gio An "thay da, đổi thịt" như hiện nay", Bí thư Đảng ủy xã Gio An - anh Nguyễn Văn Song bày tỏ sự lạc quan khi nói về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Âm vang tiếng trống trận Gio An
Nhắc đến miền đất Gio An, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ca khúc khá nổi tiếng của nhạc sĩ Huy Thục - "Tiếng đàn Ta Lư", với giai điệu, ca từ sôi nổi, dồn dập của dòng nhạc cách mạng.
"Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới/ Rừng núi ta ơi/ Hãy thắm xanh vui cùng bản làng/ Mừng thắng trận Gio An".
Ca khúc này ra đời sau khi quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Gio An. Đây là địa phương đầu tiên của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và miền Nam được giải phóng.
Tượng đài chiến thắng Gio An
Theo các tài liệu lịch sử: Rạng sáng 30/12/1964, lực lượng vũ trang phối hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân Gio An phá tan ấp chiến lược ở tất cả các thôn trong toàn xã, đánh sập trụ sở Uỷ ban xã của chính quyền miền Nam, làm tan rã bộ máy chính quyền do địch dựng lên. Ngày 30/12/1964, xã Gio An đã hoàn toàn giải phóng.
Từ năm 1965, Gio An lại thêm một lần nữa trở thành căn cứ cách mạng, vùng giải phóng đầu tiên của huyện Gio Linh, là địa bàn đứng chân vững chắc cho các lực lượng vũ trang của ta.
Sau 8 năm, từ 1965 - 1972, cán bộ và nhân dân xã Gio An đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tham gia đánh trên 1.000 trận lớn, nhỏ tiêu diệt 2.780 tên địch, 265 xe tăng, xe bọc thép...
Chiến thắng Gio An đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, trở thành động lực vô cùng mạnh mẽ để quân và dân ta giành chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đời sống đổi thay nhờ trồng cao su, hồ tiêu
Một người con của mảnh đất Gio An hiện sống tại TP Đông Hà tự hào nói: "Gio An bây giờ khác xưa nhiều lắm. Đây cũng một trong số những địa phương có kinh tế phát triển mạnh ở vùng phía Tây huyện Gio Linh".
Với những lợi thế tự nhiên mang lại, người dân Gio An đã tích cực khai hoang sản xuất. Bước đầu xây dựng cuộc sống mới, người dân nơi đây phải san lấp từng hố bom, hào sâu do bom đạn cày xới để trồng nên những rừng cao su, hồ tiêu như hiện nay. Có thể nói rằng, vùng đất này đang hồi sinh, phát triển từng ngày nhờ những bàn tay cần cù lao động của bà con nhân dân.
Bí thư xã Gio An cho biết, địa phương xác định 3 "mũi nhọn" kinh tế chủ lực, gồm: kinh tế trang trại, kinh tế vườn và chăn nuôi.
Những vườn cây hồ tiêu mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân
Hiện xã Gio An có hơn 400 ha cao su, gần 90 ha cây hồ tiêu cùng các loại cây, con chủ lực khác. Toàn xã đã hình thành 17 mô hình trang trại, gia trại tạo ra hiệu ứng tích cực trong phát triển. Kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng, đặc biệt từ năm 2014 có chủ trương xây dựng Nông thôn mới, nhiều công trình cơ bản được đầu tư xây dựng, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn.
Ngành dịch vụ bước đầu hình thành, sản phẩm hàng hóa lưu thông phong phú, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn.
Lãnh đạo xã Gio An cho hay, trước đây thu nhập bình quân đầu người rất thấp, nhưng cuối năm 2017 đã đạt 25,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm- ngư nghiệp chiếm 46%, thương mại - dịch vụ 37%, công nghiệp, TTCN chiếm 17%. Lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Y tế được duy trì đạt chuẩn.
Những năm gần đây, đời sống của người dân Gio An thay đổi từng ngày nhờ phát triển cây cao su, hồ tiêu và các loại cây ngắn ngày như: nghệ, khoai từ... Đây được xem là những loại cây chủ lực giúp người dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo.
Ông Trần Đức Bình, người trồng tiêu lâu năm ở xã Gio An cho biết, cây hồ tiêu là cây công nghiệp quan trọng tại Quảng Trị, cũng là cây xóa đói giảm nghèo và hướng đến làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Nhờ trồng tiêu mà kinh tế gia đình tôi được cải thiện và có nguồn thu để cho các con học hành.
Nhìn những quả đồi cao su mênh mông, xanh ngút, những vườn hồ tiêu, người dân nơi đây kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại nguồn thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn.
Xây dựng du lịch cộng đồng kết hợp phát triển kinh tế
Vùng đất Gio An nổi tiếng với hệ thống giếng cổ, hình thành vào khoảng từ thế kỷ IX - XI, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Giếng cổ Gio An là công trình đá có cấu trúc độc đáo, được đánh giá là "có một không hai", từng phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người bao đời nay.
Hệ thống giếng cổ được hình thành hàng nghìn năm
Nhờ có hệ thống giếng cổ, nước chảy quanh năm nên khoảng 80 hộ dân xã Gio An phát triển rau liệt gần 10 ha. Nguồn thu từ cây rau liệt mang lại cho bà con nông dân mỗi năm từ 3-5 tỷ đồng.
Những vườn rau liệt xanh mướt bên giếng cổ
Với những thế mạnh như hệ thống giếng cổ, chính quyền xã Gio An đang vạch ra những định hướng cho phát triển du lịch, nhằm quảng bá những tiềm năng của địa phương, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bí thư Đảng ủy xã Gio An - anh Nguyễn Văn Song cho biết: "Thời gian tới địa phương sẽ tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, trồng các loại cây có đầu tư cao, sản xuất theo hướng hữu cơ: rau sạch, tiêu sạch. Chăn nuôi những vật nuôi có giá trị thương phẩm. Đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động. Xây dựng du lịch cộng đồng kết hợp phát triển kinh tế. Chúng tôi tin tưởng với sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội của Gio An sẽ có những nét khởi sắc, phát triển hơn".
Đăng Đức
Theo Dantri
TP.HCM: Những tuyến đường nào sẽ bị "phong tỏa" dịp lễ 30.4? Ngày 26.4, thông tin từ Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ cấm, hạn chế lưu thông nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP để phục vụ các hoạt động Kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018). Tại đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng), Sở...