Kỹ sư cơ khí thành tỷ phú nhờ… cam, bưởi
Tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng nhiều người biết tới Hoàng Hữu Quốc khi anh làm chủ trang trại Bống Vàng tại quê nhà – xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Quốc là 1 trong những gương làm kinh tế giỏi tại địa phương…
“Nặng nợ” với quê hương
Năm 2006, Hoàng Hữu Quốc tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng kỹ sư cơ khí. Ra trường, Quốc quyết tâm bám trụ và gây dựng sự nghiệp ở thủ đô. Quốc làm cho nhiều công ty, cơ sở sản xuất cơ khí. Với kiến thức đã học cộng tính cách nhanh nhẹn, chịu vất vả, sau 1 thời gian làm thuê, Quốc tự mở 1 cơ sở buôn bán phụ tùng ô tô tại Hà Nội.
Cửa hàng đang lúc ăn nên làm ra thì ở quê bố anh cũng thành lập trang trại Bống Vàng. Trang trại Bống Vàng có quy mô hơn 6,5ha với cây trồng chủ lực là các loại cam, bưởi đặc sản và nuôi gia cầm, thủy sản. Quốc là người góp ý, tư vấn với bố nhiều trong việc thiết kế, quy hoạch, lập kế hoạch phát triển cho trang trại.
Hoàng Hữu Quốc-chủ trang trại Bống Vàng (phải) giới thiệu về giống cam Vinh. Ảnh: Trần Việt Phương
Video đang HOT
Hoàng Hữu Quốc là thành viên sáng lập nên câu lạc bộ làm vườn của địa phương. Câu lạc bộ quy tụ 18 thành viên là các chủ trang trại lớn của xã cùng nhau trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm, kiến thức phát triển kinh tế.
Những tưởng mọi thứ đều thuận lợi, tới năm 2012, bố Quốc lâm trọng bệnh và qua đời. Trang trại lớn ở quê nhà không có ai trông nom, sau nhiều đêm mất ngủ, suy đi tính lại, Quốc quyết định về quê tiếp quản và điều hành trang trại Bống Vàng theo tâm nguyện của bố.
“Việc kinh doanh của tôi có thể quay lại trong thời gian thích hợp, chứ không thể bỏ lơi công việc phát triển trang trại Bống Vàng, bởi đó là tâm huyết cả đời của bố tôi và gia đình. Tôi muốn tiếp quản và phát triển trang trại ở mức cao hơn…”-Quốc thổ lộ.
Thu tiền tỷ
Khi anh tiếp quản trang trại, mặc dù sinh ra và lớn lên ở đồng quê chiêm trũng, có thể thạo cày, cấy, nhưng để phát triển và vận hành hiệu quả 1 trang trại tương đối lớn, Quốc lại gần như “mù tịt”. Nhưng bằng sự nhanh nhẹn, tháo vát, không quản ngại khó khăn và đặc biệt là không bảo thủ trước những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, Quốc từng bước học hỏi, mạnh dạn áp dụng mô hình mới.
Trang trại Bống Vàng được Quốc xác định trồng cam đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn là chủ yếu. Quốc cho mở rộng và tu sửa hệ thống ao và tập trung vào nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như chép lai, rô phi đơn tính và trắm đen.
Từ 1 anh chàng kỹ sư cơ khí còn ngu ngơ về nông nghiệp ngày nào, giờ đây Quốc đã trở thành 1 trong những chủ trang trại giàu kiến thức nhất địa phương khiến bà con nông dân trong vùng phải tìm đến học hỏi, trao đổi. Cũng trồng các loại cây có múi, nhưng trang trại của Quốc trồng với mật độ thưa hơn và chú trọng đến việc tỉa, tạo tán, phát huy tối đa sinh lực của cây trong việc ra hoa, đậu quả. Quốc còn áp dụng các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, hạn chế dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.
Doanh thu năm 2015 của trang trại Bống Vàng đạt hơn 4,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi ròng 2,5 tỷ đồng.
Trang trại Bống Vàng là một trong những trang trại trọng điểm nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và Hội ND huyện Phù Cừ bởi vai trò dẫn dắt và là địa chỉ học hỏi, tham quan nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả. Năm 2016, trang trạng của Quốc đã được tạo điều kiện mở rộng thêm 2,7ha, nâng tổng diện tích lên 9,2ha như hiện nay.
Theo Danviet
Nhờ cam, mua xe hơi dễ dàng
"Với nhiều người trồng cam ở đất Cao Phong, chuyện mua xe hơi dễ thôi mà. Như nhà tôi đã đổi mấy đời xe hơi, sắp tới tính mua cái xe tầm hơn 1 tỷ đồng..."-bà Đặng Thị Thu, khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) tự tin nói.
Bà Đặng Thị Thu được bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016". Chia sẻ với chúng tôi, bà cho biết, trên đất Cao Phong hiện nay có cả trăm tỷ phú nông dân và gia đình bà chưa phải là hộ trồng nhiều cam và có doanh thu lớn nhất. "Thực ra, nhà tôi mới trồng cam từ năm 2007 khi loại cây trồng này đang mang lại giá trị kinh tế cao. Và chỉ sau 2 năm trồng cam, gia đình tôi mới khấm khá lên được. Từ năm 2010 đến nay, tiền bán cam năm trước tôi dành hết đầu tư mua đất mở rộng diện tích trồng cam...".
Bà Đặng Thị Thu bên vườn cam sắp bước vào vụ thu hoạch mới. Ảnh: Đông Hoàng
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Cao Phong, trên địa bàn có hàng chục tỷ phú phất lên nhờ trồng cam, nhưng bà Đặng Thị Thu là tỷ phú gây dựng được trang trại cam với diện tích lớn mà chưa phải vay 1 đồng vốn nào của ngân hàng. Hiện nay, gia đình bà Thu đang sở hữu 10ha cam, trong đó trồng 3 giống chủ lực là cam Canh, cam lòng vàng và cam lai V2. Từ năm 2015, tất cả 10ha cam đều đã bước vào thời kỳ kinh doanh.
"Từ năm 2009-2012, mỗi năm gia đình tôi có doanh thu từ vườn cam đạt từ 2-5 tỷ đồng. Từ năm 2013-2015, mỗi năm gia đình có doanh thu 5-7 tỷ đồng. Năm nay, cam đậu quả sai hơn, ước tính gia đình sẽ thu hoạch hơn 300 tấn cam các loại, cao hơn năm 2015 khoảng trên 50 tấn. Nếu giá cả ổn định, vụ cam 2016 gia đình ước thu về khoảng hơn 7 tỷ đồng tiền bán cam..." - bà Đặng Thị Thu cho hay.
Những nông dân trồng cam hiện nay ở Cao Phong có nhiều điều kiện thuận lợi để làm giàu nhanh từ cam. "Chính quyền địa phương đã xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong nên việc tiêu thụ rất thuận lợi. Như gia đình nhà tôi, tới vụ cam không phải đi bán lắt nhắt mà bán theo lô cho thương lái" - bà Thu thổ lộ.
Theo Danviet
Lên núi trồng mía, sống đời... tỷ phú Ở tuổi 40, Huỳnh Khắc Vũ đã trở thành nông dân tỷ phú. Vươn lên trong gian khó, Vũ đang điều hành hệ thống trang trại trên 100ha mía giữa núi rừng, với cuộc sống "không thiếu thứ chi"... Người trồng mía số 1 Chạy xe mãi theo những con đường bụi đỏ hun hút ngoằn ngoèo, tôi phải "cầu viện" anh bạn...