Kỹ sư cơ khí làm máy trợ thở xách tay
Máy trợ thở vừa được Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp bằng sáng chế chỉ là một trong nhiều sản phẩm từ xưởng nhân bản sáng chế của gia đình anh Hồ Xuân Vinh.
Năm 2020, Hồ Xuân Vinh (34 tuổi), huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, bắt tay vào nghiên cứu tạo ra máy trợ thở xách tay. Ý tưởng nảy ra khi anh nhận thấy máy trợ thở chuyên dụng trong bệnh viện khá cồng kềnh, bất tiện khi di chuyển, cùng với nhu cầu dùng tăng trong đại dịch Covid-19 khiến giá trên thị trường cao, khó tiếp cận. “Tôi muốn tạo ra sản phẩm có giá bình dân đồng thời giúp người dùng dễ dàng di chuyển khi sử dụng”, anh nói.
Vinh tìm tòi các nguyên lý về máy trợ thở để tạo ra phiên bản nhỏ tiện lợi. Dù ban đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, sau hơn một năm sản phẩm đã hoàn thiện thiết kế, chế tạo mẫu và chạy thử nghiệm. Thiết bị trợ thở di động gồm vỏ ngoài, khối lọc, khoang chứa nước và khoang xử lý, vận hành nhờ hệ thống điều khiển thiết kế với các phần tử nhỏ gọn. Sáng chế tích hợp ba chức năng điều chỉnh được lưu lượng khí, nhiệt độ, độ ẩm luồng khí dương liên tục, giúp bệnh nhân đường hô hấp thở tốt hơn.
“Việc điều chỉnh luồng không khí theo lưu lượng từ lớn đến nhỏ khiến máy phù hợp với mọi lứa tuổi, người cần lưu lượng thấp 5 lít/phút, người cao 8 lít/phút”, anh giải thích.
Cơ chế hoạt động của máy trợ thở xách tay. Video: NVCC
Máy có chế độ lọc sạch không khí bằng màng than hoạt tính hoặc lớp nano, nhờ đó xử lý tránh tiếp xúc nguồn không khí trực tiếp từ cộng đồng. Máy trợ thở hỗ trợ tốt cho những người có bệnh lý thông thường, người già có bệnh đường hô hấp, con trẻ vào mùa đông. Thiết bị dùng pin hoặc điện lưới để hoạt động do đó có thể dễ dàng di chuyển, sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Anh cho biết thêm, chi phí sản xuất mỗi máy chỉ 2 triệu đồng. Máy trợ thở di động cũng vừa được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp bằng độc quyền sáng chế số 20881w/SHTT-SC ngày 27/08/2021.
Máy trợ thở xách tay được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp bằng sáng chế hồi tháng 8. Ảnh: NVCC.
Sử dụng thử nghiệm sản phẩm, ông Đậu Đức Tạo (70 tuổi, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu) nói, máy nhỏ gọn, dễ dàng cầm xách, chạy êm.
Ông Tạo cho biết khi điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, tạo ra luồng khí nóng giúp ông thở dễ dàng, không bị nghẹt mũi, viêm xoang, phổi vào tiết trời lạnh, hanh.
Còn ông Hoàng Nguyên Thái (53 tuổi) đánh giá, ông sử dụng sản phẩm trong một tháng, nhận thấy máy hoạt động liên tục suốt 5 tiếng, tiện khi di chuyển.
Kỹ sư cơ khí về quê nối nghiệp “vua sáng chế”
Máy trợ thở di động chỉ là một sản phẩm trong “xưởng nhân bản sáng chế” của gia đình anh Hồ Xuân Vinh. Gọi thế bởi câu chuyện khởi nghiệp sáng chế được truyền từ cha anh – “ vua sáng chế nông dân” Hồ Văn Hoàn (62 tuổi).
Vinh là trai thứ hai trong gia đình. Cách đây 30 năm, sau một thời gian lăn lộn học nghề, bố anh mở xưởng cơ khí tại quê hương, chuyên sản xuất các loại kiềng bếp, bếp than và nông cụ truyền thống. Các sáng chế sau đó là máy đúc gạch không nung sử dụng phế phẩm đá bây, bột đá kết hợp với xi măng, nhằm thay thế cho sản xuất thủ công viên gạch sò, máy dập ngói đất, máy tẽ ngô, máy cắt thuốc lào, máy cắt chuối, băm rau… giúp nhà nông tiết kiệm thời gian, giảm nhẹ sức lao động.
Nối nghiệp cha, năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Hồ Xuân Vinh trở về quê hương, tiếp tục sáng tạo nhiều dòng sản phẩm mới trong ngành xây dựng. Những chiếc máy bẻ đai thép tự động, máy uốn thép cây, máy gạch terrazzo lát sân vườn, máy gạch sinh thái tự chèn lát vỉa hè, máy trộn bột bã trát tường, máy sàng cát tự động 1-2-3 cấp; máy gạch xây từ đất đồi Leho… lần lượt ra đời chỉ trong thời gian ngắn.
Vinh còn chế tạo thành công máy tách sợi từ lá dứa, bẹ chuối, sợi gai để làm vải, được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền và được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Với nhiều sáng chế mảng máy nông nghiệp, Hồ Xuân Vinh đạt giải Nhất toàn quốc cuộc thi khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo do Học viện Nông nghiệp và Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức.
Đến nay, gia đình anh sở hữu 12 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp bằng và 10 đơn khác đăng kí chờ cấp.
KS Hồ Xuân Vinh. Ảnh: NVCC
Hiện bố con anh Vinh nhận nhiều bằng khen, giấy khen, chứng nhận vì sáng tạo ra sáng chế giúp nông dân thoát nghèo, sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, có tính ứng dụng cao, trong đó có bằng khen của Thủ tướng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ trong năm 2019. Nhưng anh Vinh thừa nhận, sẽ không thể thành công nếu không được cùng làm, cùng sống giữa những người nông dân. Anh cho hay, rất nhiều sáng chế được phát kiến nhờ “những người đưa ra bài toán” để biết thị trường đang cần và mình đáp ứng.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, đánh giá cao các sáng chế, giải pháp hữu ích do anh Vinh sáng tạo. Ông Hùng cho rằng, các sáng chế, giải pháp hữu ích càng trở nên thiết thực hơn khi được sản xuất thành hàng hóa phục vụ đời sống, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của doanh nghiệp, địa phương. Với máy trợ thở, ông Hùng bày tỏ mong muốn sản phẩm sẽ sớm được thương mại hóa để phục vụ cho bệnh nhân, khách hàng.
Khẳng định thương hiệu chè đặc sản Shan tuyết
Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 1.300 ha chè Shan tuyết, được trồng chủ yếu ở các xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú.
Người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
Niềm vui lớn đến với người trồng chè nơi đây khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang, qua đó, mở ra hướng phát triển "đột phá" mới cho người trồng chè nơi đây.
Theo tìm hiểu những cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang có từ rất lâu đời. Năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết. Đến nay, những vùng trồng chè nơi đây đang phát triển rất tốt, đặc biệt có những cây chè cổ thụ cao từ 5 đến 7 m, tán rộng hàng chục m2...
Nhận thấy giá trị và tiềm năng của vùng chè Shan tuyết nơi đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, đầu tư dây chuyền chế biến chè... Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) là một điển hình. Năm 2014, Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái được thành lập, hoạt động 2 lĩnh vực là sản xuất, chế biến chè và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, Hợp tác xã sản xuất và bán ra thị trường hơn 9 tấn chè khô các loại, thu về khoảng 4,4 tỷ đồng. Hiện hợp tác xã đang liên kết sản xuất, tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho 136 hộ dân trên địa bàn huyện Na Hang; thu nhập bình quân của các hộ đạt từ 5 - 9 triệu đồng/hộ/tháng.
Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà cho biết, điều đặc biệt về sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà là "ba không", cây chè của địa phương được thiên nhiên ưu ái không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không pha chế, ướp hương liệu. Do vậy, chè sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết.
Còn theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, do được trồng ở độ cao 800-1.000 m so với mực nước biển, với tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, bốn mùa mây phủ, nên cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh. Đặc biệt, toàn bộ các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Chè Shan tuyết cũng đang là cây trồng chủ lực của địa phương và trở thành một trong những sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao của tỉnh Tuyên Quang.
Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, việc sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang được đón nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ là tiền đề cho việc phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương và trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, thương hiệu chè Shan tuyết hơn nữa, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia hỗ trợ đầu tư và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng được mô hình doanh nghiệp xuất khẩu chè gắn với người trồng chè, lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với lợi ích người trồng chè.
Đồng thời, quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên cơ sở thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, có xác nhận của chính quyền địa phương. UBND các xã chịu trách nhiệm tổ chức việc phân vùng nguyên liệu và chỉ đạo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tổ chức, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè với người trồng chè, có như vậy các sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang mới tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu trong tương lai...
Cùng với đó, huyện khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu, tuyên truyền và quản lý việc trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn chè sạch... đưa cây chè Shan tuyết phát triển bền vững và là cây trồng chủ lực của địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện Na Hang từ nay đến năm 2025 tăng trưởng bình quân trên 4%/năm.
Hỗ trợ người dân tiêu thụ na La Hiên Tại tỉnh Thái Nguyên, quả na thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hiện nay, người trồng na đang bước vào vụ thu hoạch trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Sản...