Kỹ sư bỏ phố lên rừng làm trang trại cá giống thu tiền tỷ
Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản, từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các trang trại nuôi trồng thủy sản, anh Lê Anh Tú ở thành phố Vinh đã “bỏ phố” lên vùng miền núi Anh Sơn, Nghệ An để lập nghiệp.
Hơn 4 năm phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp cá giống và lợn thịt; đến nay anh thu về mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, anh Tú đã mạnh dạn thuê lại vùng đất rộng 3 ha, ở xóm 14, xã Long Sơn, với giá 70 triệu đồng mỗi năm để chăn nuôi cá giống. Thời gian đầu từ thành phố lên xứ người làm ăn, anh đã trải qua không ít khó khăn. Khó nhất là tìm được mặt bằng để đầu tư xây dựng chuồng trại, nguồn vốn đầu tư, đầu ra sản phẩm và thiếu kinh nghiệm sản xuất. Thế nhưng, với quyết tâm xây dựng trang trại chăn nuôi do mình làm chủ, với vốn kiến thức sẵn có, anh đã mạnh dạn thử sức mình.
Mỗi lứa cá giống thường được ươm, nuôi trong gần 3 tháng mới được xuất bán.
Video đang HOT
Ban đầu, anh Tú triển khai nuôi cá giống với diện tích nhỏ và đây là mô hình đầu tiên tại xã Long Sơn. Anh Tú lý giải, thời gian nuôi cá thịt thương phẩm thường kéo dài từ 1 năm đến 2 năm mới cho thu hoạch, trong khi đó, nuôi cá giống có thể thu hoạch được nhiều lứa trong năm và mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Vận dụng vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, anh Tú đã tự ươm giống cá, chăm sóc trong ao nuôi và bán cá giống. Anh chia sẻ: Trước tiên cần phải chọn cá bố mẹ khỏe mạnh, chúng phải được tách ra nuôi riêng. Đến độ tuổi cá trưởng thành, lựa chọn để ghép đôi. Sau khi ghép đôi thành công, cá mẹ sản sinh ra trứng, đợi khi trứng chín sẽ được bắt lên để tiêm hóc môn. Bình quân mỗi một con cá sau khi ghép đôi và sản xuất trứng thành công có thể đẻ ra được 1 triệu con cá giống. Cá thường được lựa chọn trong hai mùa để sinh sản là vụ xuân và vụ thu.
Từ lúc nhân giống, sau gần 3 tháng, cá giống mới được xuất bán nên người nuôi cần chú trọng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Cụ thể như, cách tạo lớp đáy lót ao tốt nhất là đất cát hoặc cát pha, độ dày lớp bùn đáy không quá 15cm. Xây dựng đường cấp và thoát nước để chủ động đảm bảo nguồn nước cho ao nuôi luôn sạch. Mỗi năm, ao nuôi cần được bơm cạn, vét bùn đáy, dùng vôi để khử trùng, phòng trừ dịch bệnh. Thức ăn cho cá giống được lựa chọn là các loại nguyên liệu tự nhiên, sạch như: cám viên nổi, bột cám gạo, bột ngô, bột đậu nành…
Mô hình nuôi cá giống của anh Lê Anh Tú ở thôn 14 xã Long Sơn, Anh Sơn, với trên 2 ha cho thu nhập mỗi năm từ 150-200 triệu đồng.
Nhờ được áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên con giống do anh sản xuất ra đều đảm báo chất lượng. Hiện cá giống của trang trại anh Tú đã có thị trường đầu ra ổn định, ngoài xuất bán cho người dân trong vùng và được thương lái từ các huyện lân cận như: Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông, Tân Kỳ… tìm đến mua.
Mỗi năm, anh thu hoạch từ 10-12 lứa cá giống, thu về từ 150-200 triệu đồng tiền bán cá, cao gấp nhiều lần so với nuôi cá thương phẩm.
Sau một thời gian nhận thấy việc nuôi cá giống đem lại hiệu quả, anh Tú đã quyết định cải tạo 2 ha ao để nhân rộng các giống cá như: Cá trê, cá mè, cá trôi, cá trắm, rô phi… Đây là những loại cá phổ biến được người dân nhiều địa phương chọn để nuôi trong các ao, hồ, đập.
Để tận dụng tiện tích sẵn có và tăng thêm nguồn thu nhập, anh Tú còn đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích 300 m2 để chăn nuôi lợn thịt. Để nuôi lợn thành công, anh tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, ngoài ra anh còn đi tham quan học hỏi thêm các mô hình và nghiên cứu tài liệu trên mạng.
Anh Tú còn chăn nuôi thêm lợn thịt. Mỗi năm khoảng 600 con thu về từ 250-300 triệu đồng.
Anh từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay, mỗi năm, anh nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa 200 con; thu lãi từ 250-300 triệu đồng mỗi năm.
Trang trại tổng hợp của anh Tú mang lại nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm; trừ chi phí cũng thu lãi trên 500 triệu đồng. Lựa chọn con đường tự lập nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng với anh Tú, kiến thức được học trong trường Đại học thực sự phát huy giá trị. Chính vốn kiến thức, kỹ năng tích lũy được trong quá trình học tập và trải nghiệm thực tế đã giúp anh lập nghiệp thành công.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Tú luôn tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi, giúp bà con nông dân vùng quê Long Sơn phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Theo Huyền Trang (Báo Nghệ An)