Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2): Lặng thầm bác sĩ dự phòng
Các bác sĩ khối dự phòng được ví như những “chiến sĩ” thầm lặng, đang ngày đêm “canh gác”, khống chế không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tìm hiểu ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Hạnh Dung
Những đóng góp của các bác sĩ khối dự phòng xứng đáng được xã hội nhìn nhận, trân trọng và tôn vinh, nhất là trong thời điểm có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như hiện nay.
* Sẵn sàng “trực chiến”
13 năm làm công tác y tế dự phòng, bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) còn nhớ rất rõ bài học trong đợt phòng chống dịch bệnh cúm A/H1N1 vào năm 2009.
Thời điểm đó, dịch bệnh bùng phát mạnh, ngành Y tế toàn thế giới còn nhiều bối rối, công tác cách ly, khoanh vùng, dập dịch chưa được thực hiện triệt để. Tại Đồng Nai, chỉ một trường hợp bị nhiễm bệnh không được kiểm soát tốt mà sau đó đã xuất hiện thêm nhiều ca bệnh, làm bùng lên nhiều ổ dịch khiến việc dập dịch và điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ Phúc cho biết, từ đợt dịch cúm A/H1N1, nhân viên y tế khối dự phòng trong tỉnh luôn nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất việc dịch lan rộng, số người mắc bệnh và tử vong.
Bài học này ngay lập tức được bác sĩ Phúc và đồng nghiệp áp dụng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 từ cuối tháng 12-2019 đến nay. Là người nắm giữ số điện thoại đường dây nóng của CDC, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, các cơ quan chức năng về những trường hợp có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, đến từ/đi qua vùng có dịch bệnh về Đồng Nai, bác sĩ Phúc cùng đồng nghiệp tiến hành sàng lọc thông tin và xử lý rất nhanh.
Cụ thể, ngay trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, khi nhận được thông tin có thuyền viên người Trung Quốc cập cảng Đồng Nai, đội phản ứng nhanh của CDC đã nhanh chóng mang theo đồ nghề (máy đo thân nhiệt, thuốc khử trùng, bình phun thuốc, biên bản, giấy tờ cần thiết…) đến cảng Đồng Nai để tiến hành cách ly, kiểm tra sức khỏe cho các thuyền viên.
Hay cách đây ít lâu, khoảng 11 giờ đêm, nhận được thông tin có lao động người Trung Quốc nhập cảnh vào Đồng Nai (là nhân viên làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Long Khánh) có triệu chứng ho, cảm giác khó thở, các nhân viên đội phản ứng nhanh của CDC đã tức tốc lên đường làm nhiệm vụ.
Nhân viên y tế tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ảnh: HẠNH DUNG
Đến TP.Long Khánh, các bác sĩ của CDC tiến hành hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Trung tâm Y tế TP.Long Khánh về trường hợp nghi ngờ, chụp X-quang phổi, lấy mẫu máu, mẫu xét nghiệm, lập danh sách những người có tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ để hướng dẫn thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.
Bác sĩ Trịnh Đức Duy, Khoa Bệnh truyền nhiễm CDC chia sẻ: “Về đến TP.Biên Hòa, đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng. Một người trong chúng tôi tiếp tục đem mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đến Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm. Những người còn lại về cơ quan để làm báo cáo về ca bệnh nghi ngờ”.
Bác sĩ PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bày tỏ mong muốn người dân sẽ luôn đồng hành cùng ngành Y tế để thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong do dịch bệnh.
* Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng
Là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, đông công nhân, người lao động nước ngoài, nhiều khu nhà trọ, H.Trảng Bom luôn nằm trong “tốp” những địa phương có nguy cơ lây lan nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi và gần đây nhất là Covid-19.
Video đang HOT
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom Nguyễn Đức Phước cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan, ngay từ đầu năm, trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền cho người dân, công nhân lao động thông qua việc phát tờ rơi, treo băng-rôn, khẩu hiệu… để huy động người dân cùng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh.
Riêng với dịch Covid-19, các bác sĩ của trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong huyện đến tận các công ty có lao động người Trung Quốc để tư vấn, hướng dẫn, cách ly những người có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh theo đúng quy định.
Bác sĩ Nguyễn Văn Công, Trưởng trạm y tế xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) đến từng nhà người dân để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
“Từ 30 Tết đến nay, các bác sĩ khối dự phòng của huyện làm việc khá vất vả và luôn trong tư thế sẵn sàng. Có những hôm, 1, 2 giờ sáng nhận được tin báo có người ngụ xã Cây Gáo đi từ Trung Quốc về, trung tâm đã điều xe lên tận sân bay Tân Sơn Nhất để đón về địa phương thực hiện cách ly. Hay trường hợp những người đến từ xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn, đưa đi cách ly tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai và đón trở lại địa phương khi đã đủ số ngày cách ly theo quy định” – bác sĩ Phước cho hay.
Là người có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế dự phòng, bác sĩ CKI. Nguyễn Đình Công, Trưởng trạm Y tế xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) tâm niệm: “Phải thật sự gần dân, sâu sát với dân, làm cho dân tin, dân làm theo những khuyến cáo của bác sĩ thì công tác dự phòng mới thành công”.
Cụ thể trong những ngày qua, sau khi nhận thông tin có 7 người Việt Nam đến từ xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) vào xã Đồi 61 để thăm người quen, bác sĩ Công đã phối hợp với chính quyền ấp sàng lọc thông tin, báo cáo UBND xã và Trung tâm Y tế huyện để đến từng nhà người dân, giải thích cho họ hiểu tầm quan trong của công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các biện pháp cách ly.
Bà Nguyễn Thị Bên, một trong những người đến từ xã Sơn Lôi, đã được cách ly đủ 14 ngày tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, khi bác sĩ Công và Trưởng ấp đến nhà giải thích, tư vấn, bà đã đồng ý ngay dù biết rằng việc cách ly sẽ có những bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, bà Bên đã được xuất viện về lại nhà con gái ở xã Đồi 61, sức khỏe bình thường, không có biểu hiện của bệnh.
Không chỉ tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân trên địa bàn xã, bác sĩ Công còn trực tiếp biên soạn nhiều phần mềm để thực hiện công việc suôn sẻ. Trong đó, phần mềm phục vụ khám bệnh BHYT giúp các trạm y tế quản lý, thống kê, xuất báo cáo khám bệnh BHYT hằng tháng nhanh chóng, chính xác, in ấn đúng mẫu quy định để quyết toán BHYT; phần mềm quản lý khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhằm hạn chế việc trùng lặp, bỏ sót đối tượng; phần mềm quản lý siêu âm giúp quản lý bệnh nhân, in ấn phiếu siêu âm trên giấy A4 thông thường, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí mua giấy in nhiệt.
* Quan tâm hơn nữa đến bác sĩ khối dự phòng
Khi được hỏi có cảm thấy mệt mỏi vì phải làm việc trái giờ hay không, bác sĩ Trịnh Đức Duy tâm sự, các anh đã quen với công việc này từ lâu. Bởi không riêng gì với dịch bệnh Covid-19 mà với những đợt dịch khác như sốt xuất huyết, các nhân viên, bác sĩ dự phòng phải thức dậy từ 2, 3 giờ sáng để đi phun thuốc diệt muỗi. Công việc phải hoàn thành trước 6 giờ sáng vì sau thời gian này, muỗi hoạt động ít hơn, hiệu quả của việc phun thuốc sẽ không cao.
Cũng theo bác sĩ Duy, khi tiến hành điều tra ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ dự phòng là người đầu tiên có nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh. Bởi vậy, trong bất kỳ tình huống nào, bác sĩ dự phòng cũng phải tự trang bị đầy đủ đồ dùng, quần áo bảo hộ để bảo vệ cho chính mình trước, sau đó mới có thể bảo vệ cho cộng đồng.
Các bác sĩ Đội Phản ứng nhanh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị đồ dùng, vật tư y tế để xuống hiện trường điều tra ca bệnh, phun xịt khử khuẩn
Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27-5-2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định, bác sĩ y học dự phòng có nhiều nhiệm vụ, trong đó có phát hiện, xác định và giám sát các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến yếu tố môi trường, tác hại nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm; dự báo, kiểm soát và khống chế các bệnh dịch nguy hiểm, các tác nhân truyền nhiễm gây dịch, nhất là ở các ổ dịch bệnh mới phát sinh.
Thực hiện phòng chống các dịch bệnh không lây nhiễm; xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về y tế dự phòng như phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân; tham gia quản lý, chăm sóc bệnh nhân tại cộng đồng (các bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp, bệnh xã hội và phục hồi chức năng); xử trí một số trường hợp cấp cứu và điều trị một số bệnh thông thường…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Thời gian qua, các y, bác sĩ khối dự phòng trong cả nước đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được thực hiện rất tốt. Để các bác sĩ khối dự phòng an tâm công tác, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác y tế dự phòng, có nhiều chính sách hỗ trợ y, bác sĩ khối dự phòng.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2020 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ VŨ ĐỨC ĐAM nhấn mạnh: “Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay không rộn ràng như những năm trước, nhưng bản thân tôi và tất cả mọi người luôn biết ơn sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Nếu các bác sĩ khối điều trị đang ngày đêm giành giật sự sống từ tay tử thần về cho bệnh nhân thì các y, bác sĩ khối dự phòng đang “căng mình” để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tôi mong muốn thời gian tới, các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành Y tế sẽ gần dân hơn, sát dân hơn, lắng nghe dân nhiều hơn để kịp thời chấn chỉnh những việc làm chưa phù hợp. Đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được, tiêu biểu như trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, để củng cố vững chắc niềm tin của người dân đối với đội ngũ y, bác sĩ”.
Hạnh Dung
TS-BS.PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế: Hài lòng với đội ngũ bác sĩ dự phòng của tỉnh
Y tế dự phòng đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần vào thành công chung trong công tác khám, chữa bệnh của toàn ngành Y tế. Bác sĩ khối điều trị sau ca trực có thể về nhà nghỉ ngơi nhưng bác sĩ khối dự phòng thì phải luôn túc trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các ca bệnh, ổ dịch. Với tư cách là lãnh đạo ngành Y tế Đồng Nai, tôi rất hài lòng với đội ngũ y, bác sĩ dự phòng của tỉnh. Họ là những người có tâm, rất cần mẫn, luôn làm việc với mong muốn đem lại sức khỏe, bình an cho nhân dân.
Bác sĩ BẠCH THÁI BÌNH, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh
Từ tháng 3-2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 7 trung tâm trực thuộc Sở Y tế. Việc tập trung nguồn lực, trang thiết bị máy móc và kết nối chặt chẽ giữa các khoa, phòng giúp trung tâm chủ động hơn rất nhiều trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đời sống của cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế trong trung tâm cũng ổn định.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các loại dịch bệnh gây ra, tập thể lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ, nhân viên trung tâm luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng “chiến đấu” với dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm bùng phát. Sắp tới đây, trung tâm sẽ tiến hành nâng cấp phòng xét nghiệm, đề xuất UBND tỉnh đầu tư thêm một số máy móc như: máy phun thuốc, vật tư y tế để đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.
Bác sĩ NGUYỄN THI VĂN VĂN, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Thành: Luôn nỗ lực vì sức khỏe người dân
Long Thành là địa bàn rộng, có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, Trung tâm Y tế huyện luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số ca nhiễm bệnh cũng như tử vong do dịch bệnh. Vào những thời điểm dịch bệnh bùng phát, các bác sĩ của trung tâm, trạm trưởng các trạm y tế và cộng tác viên y tế ở địa phương luôn làm việc hết công suất. Từ tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân tại nhà, trước cổng nhà máy đến các trường học. Bên cạnh đó, trung tâm còn tiến hành xét nghiệm HIV nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho những người có nhu cầu xét nghiệm HIV trên địa bàn. Qua đó, giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm, chữa trị kịp thời, tăng cơ hội kéo dài sự sống.
An Yên (ghi)
Theo baodongnai
Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Đội chống dịch cơ động Hà Nội và những hy sinh thầm lặng
Mỗi đợt có dịch, cán bộ y tế dự phòng (YTDP) Hà Nội luôn là những người đi đầu trong "trận chiến", xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch, trong đó có dịch Covid -19.
Tuy không trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân, nhưng đội đáp ứng nhanh (hay đội chống dịch cơ động) của Hà Nội đang ngày đêm thầm lặng, kiên trì bám trụ địa bàn, "xâm nhập" vào ổ dịch.
Đội chống dịch cơ động chuẩn bị chuyển bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đi bệnh viện.
Những chiến sĩ thầm lặng
Theo chân đội chống dịch cơ động của Hà Nội xuống cơ sở điều tra ca bệnh, lấy mẫu tại các ổ dịch, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các cán bộ y tế dự phòng.
"Alo! Bác cứ bình tĩnh, thông báo tới những người có biểu hiện ho, sốt, không đi làm, tự cách ly tại nhà..., chờ Trung tâm lấy mẫu xét nghiệm rồi trả lời kết quả sau...", đó là cuộc nói chuyện điện thoại giữa bác sĩ Đào Hữu Thân - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội với một cán bộ y tế cơ sở khi phát hiện có trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Khó có thể kể hết những gian khổ của các y, bác sĩ dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đủ loại hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm... Đôi khi vì tính chất công việc, nhiều người còn bị lây bệnh và mang cả mầm bệnh về cho gia đình. Cũng là thầy thuốc phục vụ người dân nhưng mấy ai nhớ đến những y, bác sĩ dự phòng trong khi những hy sinh, cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ dự phòng vì sức khỏe của Nhân dân là không nhỏ.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm
Tiếp chúng tôi khi xong công việc, bác sĩ Thân chia sẻ, ngày nào cán bộ YTDP cũng nhận được những cuộc điện thoại như thế. Cán bộ y tế cơ sở, người dân gọi đến nhiều lắm, họ thông báo ca nghi nhiễm cũng như nhờ tư vấn các vấn đề về dịch bệnh.
Đề cập đến sự vất vả của cán bộ YTDP, bác sĩ Thân cho biết: "Mấy hôm nay đỡ rồi, chúng tôi chiến đấu từ trong Tết Nguyên đán đến nay. Cũng chẳng có gì lạ cả, vì quanh năm chiến đấu với dịch bệnh, hết điều tra ổ dịch sởi, cúm, sốt xuất huyết rồi giờ lại Covid-19. Khi có bệnh nhân nghi nhiễm, đội chống dịch cơ động sẵn sàng xắn tay vào việc, xông vào điều tra, xác minh để phòng chống dịch, kể cả tâm dịch cũng không ngại. Thực ra đây là nghề của chúng tôi, nhiệm vụ của dân dự phòng, mình còn sợ vất vả thì ai làm?".
Toàn TP hiện có 65 đội chống dịch cơ động, trong đó tuyến TP có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng triển khai xử lý ca bệnh khi có yêu cầu. Trong đội, có người điều hành chỉ đạo, bác sĩ khám, hỏi, lấy mẫu, tất cả đều là những người có kinh nghiệm lâu năm. Các đội chống dịch cơ động đều được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, được đào tạo và tập huấn ứng phó với dịch bệnh.
Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, đội chống dịch cơ động ngay lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. "Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình. Thế nhưng, ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi. Những lúc như vậy, chúng tôi đã động viên nhau vượt qua" - bác sĩ Thân nói.
Thực ra khi tiếp cận bệnh nhân, để khai thác thông tin chỉ là một phần việc của đội. Quan trọng hơn là đội phải truy đến cùng việc bệnh nhân đó ở đâu, đi đâu, làm gì. Khi có thông tin, đội chống dịch cơ động của TP lập tức báo cho các đội ở quận, huyện. Lúc này, đội tiếp tục xuống nhà bệnh nhân khử khuẩn và điều tra tiếp. Biết đâu lại phát hiện ra hàng xóm có người ốm, sốt. Công việc có tính hệ thống là như thế!
Thành viên Đội chống dịch cơ động điều tra việc phun thuốc khử khuẩn, xử lý ca bệnh nhiễm Covid-19 tại một chung cư.
Chiến đấu không kể ngày đêm
Đến thời điểm này, có thể nói, Việt Nam không có bệnh nhân mới, kiểm soát tốt dịch bệnh. Dịch ở Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, đó là những dấu hiệu tốt. Nhưng thực sự, người dân cũng như ngành y tế hoàn toàn chưa thể yên tâm. Với đội chống dịch cơ động, cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, nhất là thời điểm này, dịch lan rộng ra 34 quốc gia. Trong đó, Hàn Quốc có số ca mắc tăng nhanh, dịch đã lan rộng 2 TP lớn của Hàn Quốc. Tại Hà Nội, lại rất đông người từ 2 vùng dịch của Hàn Quốc đang học tập và lao động trên địa bàn và ngược lại, bởi vậy, công việc của hệ thống YTDP càng khó khăn hơn gấp bội. "Ngay sáng nay, nhận được thông báo có ca bị sốt, nghi nhiễm Covid-19, chúng tôi phải đi ngay, lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần chiến đấu. Không kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, ai nấy đều sẵn sàng lên đường, cứ có người nghi nhiễm hay nhiễm đều có mặt, đáp ứng nhanh. Giống như đội cứu hỏa, chúng tôi luôn phải xác định, dịch đến bất kỳ lúc nào và chiến đấu với tinh thần cao nhất" - bác sĩ Thân tâm sự.
Hiện tại, Hà Nội có 77 trường hợp nghi nhiễm đều âm tính với virus SARS - CoV -2, chưa có ca dương tính. Nhưng trước đó, khi tiếp xúc với 77 bệnh nhân nghi nhiễm, đội chống dịch cơ động coi như 77 bệnh nhân nhiễm SARS - CoV - 2. Tất cả các thành viên đều tuân thủ nghiêm quy trình phòng hộ.
Vì bệnh dịch nên thói quen sinh hoạt của cán bộ YTDP cũng bị thay đổi, ăn cho qua bữa và ít thời gian ăn cơm với gia đình. "Con bảo, từ hôm có dịch Covid-19, bố không ăn cơm nhà nhưng biết làm sao được, phải chấp nhận thôi... Biết làm sao được vì chúng tôi là đội chống dịch cơ động. Hễ dịch đến bất kỳ lúc nào, chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu với tinh thần cao nhất, càng nguy hiểm thì càng phải chiến đấu" - lời tâm sự chân thành của bác sĩ Thân.
Chia sẻ về công việc này, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho hay, cán bộ YTDP phải là đội ngũ "đi trước, đón đầu" mỗi khi có dịch. Những gì mà các cán bộ YTDP đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết. Chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng, nhất là trẻ em trong việc tránh được bệnh cùng nhiều di chứng nặng nề, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện và các thầy thuốc chữa bệnh trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đang cận kề, năm nay, Bộ Y tế không tổ chức tôn vinh các thầy thuốc vì còn phải dồn sức chống dịch. Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng nói chung và cán bộ, nhân viên YTDP nói riêng. Cũng như các bác sĩ dự phòng, chúng tôi mong muốn người dân cùng đồng hành, vào cuộc, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, để cán bộ, nhân viên y tế có được niềm vui đoàn tụ sau những ngày dài miệt mài chống dịch chưa trở kịp về nhà, để họ có những đêm ngủ ngon, ngày mai còn lên đường... chống dịch.
Theo kinhtedothi
Viện trưởng Viện Pasteur TpHCM Phan Trọng Lân: Đi học, trẻ sẽ an toàn hơn Tại cuộc họp UBND chiều 25/2, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất cho học sinh đi học trở lại và tùy vào từng cấp mà có phương án khác nhau. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất cho học sinh lớp 12 và lớp 9 đi học vào ngày 2/3. Ảnh:...