Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”: Trận quyết chiến lịch sử
“Chiến thắng B.52 trên bầu trời thủ đô Hà Nội đã trở thành trận quyết chiến lịch sử, thật sự là một “Điện Biên Phủ trên không” – Thượng tướng Nguyễn Thành Cung – Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo tại hội thảo cấp nhà nước về “Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam” ngày 28.11 tại Hà Nội – đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu của mình.
Dân Mỹ nghi ngờ sức khỏe tinh thần của tổng thống
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Hà Đăng (nguyên là người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị 4 bên ở Hội nghị Paris, nguyên UVT.Ư Đảng, Trưởng ban TTVH T.Ư) cho biết: Sau khi ký kết dự thảo hiệp định cho việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 20.10.1972, dự thảo này đáp ứng được những đòi hỏi cơ bản của ta. Nhưng sau khi tái cử Tổng thống Mỹ, R.Nixon đã lật lọng đòi thay đổi cơ bản những điều đã ký kết.
Ngày 16.12, cố vấn H.Kissinger đột nhiên họp báo và đổ lỗi cho phía ta kéo dài đàm phán. Ngày 18.12, khi cố vấn Lê Đức Thọ vừa từ sân bay Gia Lâm về đến nhà, máy bay chiến lược B.52 của Mỹ đã ầm ầm giội bom xuống Hà Nội. Còn kết cục, cả thế giới đã biết…
Báo chí Mỹ hồi đó viết: “Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe tinh thần của tổng thống”. Và rằng: “Đây là một hành động khủng bố vô đạo, hoen ố uy danh nước Mỹ. Rằng các cuộc ném bom này là kiểu chiến tranh nổi khùng, tổng thống là một bạo chúa lên cơn điên”.
Ông Hà Đăng cho biết thêm, trong hồi ký của mình, H.Kissinger kể lại, trước khi trở lại Paris để nối lại đàm phán, ông ta đã được “Tổng thống R.Nixon nhấn mạnh, tôi phải chấp nhận một giải pháp dù điều kiện đối phương nêu ra như thế nào đi nữa”.
Và cuối cùng, hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27.1.1973. Nội dung này không khác mấy so với hiệp định ký tháng 10.1972.
Tên lửa, không quân của ta gặp không ít khó khăn, nhưng…
Tham luận của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn tên lửa 261, Sư đoàn 361) đề cập thẳng những khó khăn ban đầu: Đó là tại sao ta đánh không thắng, bắn không trúng, không rơi, B.52 vào đánh cũng không rơi được chiếc nào?
Video đang HOT
Sau khi rút kinh nghiệm, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết: Con người sử dụng thành thục rồi, đòi hỏi thế bố trí phải vững chắc, liên hoàn; trên một đường bay địch vào có nhiều tiểu đoàn cùng đánh vào một điểm, một đoạn đường bay. Như vậy lực lượng ta tuy ít hóa nhiều. Đây là nghệ thuật bố trí đội hình chiến đấu của chiến dịch phòng không năm 1972. Và kết quả, bộ đội tên lửa phòng không trong chiến dịch này đã đánh 192 trận, sử dụng 334 quả đạn, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại trong đó có 29 máy bay B.52 (98,5%).
Nói về binh chủng không quân, Trung tướng – TS Phương Minh Hòa (UV Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân) đã không né tránh những khó khăn, mất mát: Trong 12 ngày đêm đánh B.52, ngoài những khó khăn bị tiêm kích địch khống chế, uy hiếp nhiều tầng, nhiều lớp thì những điều kiện phức tạp trong quá trình cất, hạ cánh cũng gây cho phi công không ít căng thẳng về tâm lý, đó là: Trực chiến dưới tầm bom đạn của các loại máy bay cường kích kể cả B.52. Cất, hạ cánh trong điều kiện ban đêm, đường băng ngắn, hẹp hoặc đã bị đánh phá, thiếu đèn chiếu sáng, không có chỉ huy… (Trong 12 ngày đêm chúng ta mất 6 máy bay, trong đó 4 chiếc bị hỏng là do hạ cánh).
Trong điều kiện địch tìm mọi cách để tiêu diệt không quân, chúng ta đã nêu cao ý chí quyết tâm, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để tồn tại và phát triển, từng bước đánh bại kẻ thù. Đường băng bị đánh hỏng thì “ta sửa, ta bay” hoặc cất cánh từ đường lăn; sân bay chính bị bom, bị khống chế thì xuất kích từ sân bay dự bị,…
Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, khi tiếp cận B.52 ta đã nghiên cứu, áp dụng và phát triển các hình thức chiến thuật từ “bay thấp, kéo cao” đến “bay cao, tiếp cận nhanh” rất có hiệu quả và đã thành công trong 2 trận bắn rơi liên tiếp 2 chiếc B.52 trong 2 đêm 27 – 28.12.1972 của đồng chí Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều.
Xuất xứ của thành ngữ: “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”
“Khi còn ở Hội nghị Paris, đọc thấy báo chí nước ngoài thường nói cụm từ “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi rất tự hào, thích thú. Sau này chúng tôi mới biết, tại căn hầm trú ẩn của Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống, nhà báo Thép Mới – Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân đã sáng tạo nên. Cụ thể, sau đêm chiến thắng rực rỡ 26.12.1972, báo Nhân Dân ngày 28 đã ra lời kêu gọi bạn đọc viết cho mục “Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ”. Sau đó được phát triển thành “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. (phát biểu của ông Hà Đăng)
Theo laodong
Tầm nhìn đổi mới của nhà lãnh đạo tài năng Võ Văn Kiệt
Ông Sáu Dân - bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt, sau này nhân dân vẫn hay gọi ông một cách thân mật và trìu mến như vậy. Gần dân, hiểu dân và trọng dân. Điều đó tạo cho ông niềm tin và dũng khí để ông trở thành "tướng xé rào".
Đồng chí Võ Văn Kiệt (tên thật là Phan Văn Hòa) tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, từng bước trưởng thành - từ cán bộ cơ sở, huyện, tỉnh, Xứ ủy viên Nam bộ, Ủy viên Trung ương Cục Miền Nam, rồi tham gia Bộ Chính trị, tháng 3/1988 được cử làm quyền Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ - trên cương vị nào ông cũng có những cống hiến nổi bật. Đặc biệt, những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong thời kỳ đầu đổi mới gắn liền với những cống hiến quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Tư duy chính trị đổi mới
Ông Sáu Dân - bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt, sau này nhân dân vẫn hay gọi ông một cách thân mật và trìu mến như vậy. Gần dân, hiểu dân và trọng dân. Điều đó tạo cho ông niềm tin và dũng khí để ông trở thành "tướng xé rào" ngay từ trong thời kỳ chỉ đạo đấu tranh vũ trang ở Khu IX sau Hiệp định Pari. Ông tuyên bố: "Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân. Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả". Thực tế đã xác nhận ông đã suy nghĩ và hành động đúng.
Thủ tướng Võ văn Kiệt đi thị sát cảng Quy Nhơn cuối năm 1995. Ảnh: Tư Liệu
Tư duy chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt toàn diện, sâu sắc, nhạy bén ở tầm chiến lược. Ông nung nấu tâm nguyện: Một dân tộc đã trải qua bao gian khổ, hy sinh, mất mát để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, dân tộc ấy phải được sống hạnh phúc trong độc lập, tự do, được hưởng công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là cơ sở để hình thành một tư duy chính trị Võ Văn Kiệt nhạy bén trước bước ngoặt của lịch sử dân tộc: Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan vỡ, Việt Nam mất đi chỗ dựa vật chất và tinh thần to lớn (đã từng có) vào giữa lúc khó khăn nhất: Bị bao vây, cô lập cả về kinh tế và chính trị.
Trong bối cảnh mới, nếu muốn phát triển đất nước, Việt Nam phải có tư duy chính trị mới, phải biết tạo dựng những mối quan hệ mới, tìm ra những đối tác mới. Theo ông, trong tình hình mới, Việt Nam nhất thiết phải thay chỗ dựa - vào Liên Xô và "phe" xã hội chủ nghĩa trước kia - bằng cách dựa - vào việc mở rộng và khai thác các mối quan hệ quốc tế mới.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người chủ động xúc tiến nhiều hoạt động mở rộng cửa để Việt Nam đi ra thế giới, trước hết là với các nước láng giềng Đông Nam Á, đưa ra thông điệp về một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các nước vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển, ông xúc tiến khẩn trương việc gia nhập ASEAN, vận động Mỹ xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Kết quả của những nỗ lực đó là năm 1992, Mỹ bỏ cấm vận, năm 1994 Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN... Năm 1997, khi đồng chí Võ Văn Kiệt rời chức vụ Thủ tướng, Việt Nam đã huy động được 8,5 tỷ đô la Mỹ ODA và 28 tỷ đô la Mỹ đầu tư nước ngoài, mức tăng trưởng hàng năm là 8%. Những thành tựu đó gắn liền với tư duy chính trị nhạy bén và hành động ứng biến năng động của Võ Văn Kiệt.
Rời chức vụ Thủ tướng, ông có điều kiện khảo sát thực tế nhiều hơn, trao đổi rộng rãi hơn với các chính khách, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Ông nhìn nhận tình hình rộng hơn và góp ý với Đảng nhiều hơn. Ông lưu ý với Đảng: "Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển". Ông thừa nhận những hoạt động từ thiện diễn ra khá rầm rộ, nhưng từ thiện không thể thay thế cho chính sách.
Ông nói:"Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân", vì vậy, "phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo". Ông đề nghị nghiên cứu, tham khảo cách làm của các quốc gia phát triển. Sau nhiều lần điều chỉnh, người lao động, người nghèo đã được hưởng một chế độ phúc lợi khá cao, nhờ đó tạo ra được một xã hội an sinh, ổn định để phát triển.
Tư duy kinh tế đổi mới
Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi nền kinh tế nước ta đang trong khủng hoảng, 3,5 triệu dân thành phố thiếu đói. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, mệnh lệnh tối cao đối với ông lúc đó là "cứu đói cho dân, cứu nguy cho nền kinh tế thành phố". Một lần nữa ông lại "xé rào", vượt qua cơ chế quan liêu, bao cấp, cho phép thí điểm cách làm ăn mới trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối... từ đó thổi bùng luồng sinh khí mới, tạo đà cho Thành phố Hồ Chí Minh bước vào một thời kỳ phát triển năng động, góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy kinh tế, tạo cơ sở bước đầu cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội VI. Theo ông, mức độ đúng đắn của chính sách phải được xem xét trên hiệu quả thực tế, phải lấy mức sống được cải thiện của nhân dân và sự phát triển của đất nước làm tiêu chí chứ không phải theo những điều "cấm kỵ" trừu tượng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đảm nhiệm cương vị Thủ tướng khi kinh tế - xã hội đất nước đang khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát phi mã, có lúc lên tới 774% tư duy kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn còn dai dẳng, tư duy đổi mới chưa được thật thông suốt trong chỉ đạo và thực hiện. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo tìm tòi đưa ra nhiều chính sách có tính đột phá: Xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá xóa bỏ chế độ thu mua áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa, chuyển dần nền kinh tế từ quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đi dần vào ổn định.
Đến nay những công trình lớn như: Thau chua, rửa phèn cho vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, biến ruộng một vụ thành hai vụ, đưa năng suất lên cao nhất nước công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, điều hòa lượng điện quốc gia công trình đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài mở rộng cửa ngõ cho Thủ đô vẫn được gọi là những công trình mang "dấu ấn Võ Văn Kiệt". Không phải ngay từ đầu ý tưởng xây dựng những công trình này đã có được sự đồng thuận, nhưng nhờ sự quyết đoán của ông, nhiều công trình đã hoàn thành trước thời hạn, ngay khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.
Cho đến gần những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn lặn lội nhiều nơi trên miền đồng bằng sông Cửu Long trời nước mênh mông. Ông quên ăn quên ngủ, trăn trở, suy tư tìm kế sách để đồng bào có thể chung sống với lũ, làm chủ con nước và làm giàu trên vùng đất đai rộng lớn màu mỡ, trước sự đe dọa của thiên tai. Kế hoạch chuẩn bị đi thăm Hà Lan để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm trị thủy của nước bạn để giúp dân, giúp nước chống lại nước biển dâng do sự nóng lên của trái đất là kế hoạch cuối cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chưa kịp thực hiện.
Ngày 11/6/2008, ông đã đột ngột vĩnh biệt chúng ta ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng nhân cách, phẩm chất và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người đảng viên cộng sản kiên trung, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân vẫn còn mãi với đất nước, với thời gian.
Theo Dantri
Giữ yên bầu trời Tổ quốc Cuối năm 1972, sau khi hiệp định Paris bế tắc, Mỹ quyết định mở Chiến dịch Linebacker II, đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong chiến dịch này Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B-52 làm nòng cốt ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục...