Kỷ niệm 18 ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đức Tuấn ra mắt single Đoá hoa vô thường
Sau khi giới thiệu Dã tràng ca, ca sĩ Đức Tuấn đã thực hiện tiếp bản ghi âm trường ca Đoá hoa vô thường, nối tiếp mạch âm nhạc và cảm xúc của anh với nhạc Trịnh Công Sơn theo một cách riêng.
Trường ca Đoá hoa vô thường là một tác phẩm đồ sộ bậc nhất trong kho tàng âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho cuộc đời. Bài hát ra đời từ năm 1972, được ca sĩ Khánh Ly thu âm trong loạt băng nhạc Hát Cho Quê Hương Việt Nam, nhưng sau đó gần như bị quên lãng, cho tới giữa thập niên 90 mới bắt đầu được hát lại. Thậm chí nhiều khán giả còn tưởng đây là một sáng tác mới.
Là một tác phẩm khá phức tạp cả về quy mô âm nhạc và ca từ, Đoá hoa vô thường là một thách thức với cả người hát, người soạn hòa âm và cả người nghe. Mỗi một nghệ sĩ khi tiếp cận tác phẩm này đều cần một cách diễn giải của riêng mình, theo cách cảm, các hiểu của bản thân, và đi cùng với đó là phong cách âm nhạc phù hợp.
Sau khi giới thiệu bản thu âm chính thức lần đầu tiên của Dã tràng ca, ca sĩ Đức Tuấn đã bắt tay thực hiện tiếp bản ghi âm trường ca Đoá hoa vô thường, nối tiếp mạch âm nhạc và cảm xúc của anh với nhạc Trịnh Công Sơn theo một cách riêng.
Đoá hoa vô thường – Đức Tuấn
Đức Tuấn và nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đã sử dụng phong cách neo-classical cho bản hòa âm ca khúc này, một phong cách rất thịnh hành trong dòng nhạc cổ điển giao thoa, cũng như cách mà một số ca sĩ nhạc cổ điển trình bày các tác phẩm nhạc pop, hoặc ngược lại. Trên nền cổ điển, nhiều sáng tạo mới mẻ và sự pha trộn nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, đôi khi hơi nghịch tai, nhưng đem lại một hiệu ứng mới mẻ, khác lạ cho ca khúc.
Với bản thu âm này, khán giả sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Người cần nghiền ngẫm ca từ để hiểu thấu lẽ vô thường theo cách diễn tả của Trịnh Công Sơn vẫn có thể cảm được qua những đoạn hòa âm du dương với cách hát bán cổ điển sang trọng của Đức Tuấn; giới trẻ có thể chưa cần hoặc cảm thấy chưa tới lúc cần tìm hiểu ca từ, mà muốn cảm nhận trước về âm nhạc, cũng sẽ thấy nhiều nét độc đáo trong giai điệu của bài hát được phần hòa âm nâng tầm lên rất nhiều.
Và Đức Tuấn, như trong mọi sản phẩm âm nhạc của mình, vẫn hát theo một cách rất riêng, thoát hẳn khỏi mọi quan niệm mang tính ràng buộc rằng nhạc Trịnh là phải hát thế này hay thế kia.
Sẽ còn có nhiều cách hiểu, nhiều diễn giải khác nhau về tác phẩm này của Trịnh Công Sơn, nhưng có lẽ điều mà nhạc sĩ mong muốn ở người nghe nhạc của ông, lại giản dị hơn nhiều: ‘ Ai cũng tò mò muốn biết những gì liên quan đến sự ra đời của một bài hát. Điều ấy là chuyện bình thường. Nhưng nhiều khi không biết lại là hay hơn.
Hãy cứ để cho nghệ thuật huyễn hoặc mình và như thế mình tha hồ phiêu bồng trong thế giới mông lung của mộng tưởng. Mình phiêu du bằng đôi cánh của chính mình chứ không phải của ai khác. Và từ đó, mình là kẻ tự do tuyệt đối trong thế giới của mình’. Đó cũng là điều mà Đức Tuấn mong đợi ở khán giả. Hãy đón nhận tác phẩm và thưởng thức nó theo cách của mình.
Hiyou
Baodatviet.vn
Âm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn: 16.000 vé mời bắt đầu được phát hành
Các hoạt động trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn gồm 'Gọi tên bốn mùa' được tổ chức vào đêm 30.3 tại sân vận động Hoa Lư và hai đêm nhạc Nhớ Trịnh Công Sơn 2019 tại Nhà hát Thành phố vào ngày 2 và 3.4.
Các đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm ngày giỗ ông (1.4) đã trở thành thân quen và luôn được khán giả chờ đợi. Năm nay, gia đình nhạc sĩ kết hợp cùng với Amberstone Media tổ chức các hoạt động trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn, trong đó có 2 chương trình đáng chú ý là Gọi tên bốn mùa được tổ chức vào đêm 30.3 tại sân vận động Hoa Lư và hai đêm nhạc Nhớ Trịnh Công Sơn 2019 tại Nhà hát Thành phố vào ngày 2 và 3.4.
Gọi tên bốn mùa là chủ đề đêm nhạc Trịnh miễn phí năm nay. Chương trình có nhiều ca sĩ trẻ tham gia trình diễn như Đồng Lan, Lân Nhã, Tấn Sơn, Hồng Vy... bên cạnh những gương mặt quen thuộc như Bằng Kiều, Lệ Quyên, Đức Tuấn... Việc xuất hiện nhiều ca sĩ trẻ, chương trình năm nay muốn hướng về khán giả trẻ.
Ca sĩ Quang Dũng chia sẻ cảm xúc của mình trong các đêm nhạc anh sẽ tham gia trong buổi họp báo giới thiệu Tuần lễ Trịnh Công Sơn.
Đại diện gia đình nhạc sĩ cho biết: "Chúng tôi muốn nhạc Trịnh đến với nhiều đối tượng khán giả hơn. Việc đưa các ca sĩ trẻ vào chương trình là một thử thách đối với gia đình vì có thể sẽ gặp phản ứng trái chiều của nhiều khán giả vì cách cảm nhạc Trịnh của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, sau những cân nhắc chúng tôi vẫn tự tin làm, giống như một số người trẻ trước đó mất vài năm thì được khán giả chấp nhận".
Hiện 16.000 vé mời Gọi tên bốn mùa đã được phát hành từ 9 giờ - 19 giờ ngày 18.3 tại các địa điểm Anh Duy Audio (235 Điện Biên Phủ, Q.3), Apex Multimedia (240 đường 3/2, Q.10), Soul Live project Complex (216 Pasteur. Q.3), Nhà văn hóa Thanh Niên (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1).
Riêng Anh Duy Audio sẽ hỗ trợ phát vé cho khán giả đã đăng ký trước qua mạng đến hết ngày 25.3.
Cùng trong chuỗi hoạt động Tuần lễ Trịnh Công Sơn , hai đêm nhạc Nhớ Trịnh Công Sơn 2019 tại Nhà hát thành phố là sự kiện quan trọng.
Chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Nhật Bản Tokiko Kato. Bà là người đã góp công lớn trong việc phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn tại Nhật và các nước khác bằng việc viết lời Nhật và trình diễn khắp thế giới ca khúc Diễm xưa, Ngủ đi con.
Nghệ sĩ Tokiko Kato sẽ biểu diễn 2 đêm nhạc Nhớ Trịnh Công Sơn 2019 tại Nhà hát Thành phố và sẽ chào khán giả tại Đường sách TP.HCM
Năm 1972, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được trao giải Đĩa vàng Nhật Bản cho tác phẩm Ngủ đi con ( đã phát hành 2 triệu bản tại Nhật).
Chuyến sang Việt Nam của bà Tokiko Tako lần này là một sự kiện được lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam và đông đảo khán giả Việt Nam lẫn Nhật Bản quan tâm.
Nghệ sĩ Tokiko Kato sẽ trình diễn 2 tác phẩm của Trịnh do mình viết lời Nhật và ca sĩ Hồng Nhung, Đức Tuấn sẽ đáp lại 2 ca khúc ấy bằng tiếng Việt. Các ca sĩ Thanh Lam, Quang Dũng, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và An Trần, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh và tay trống Trọng Nhân cũng góp mặt trong hai đêm nhạc này.
Trước đó, vào 16 giờ ngày 1.4 tại Đường sách TP.HCM sẽ có một sân khấu nhạc Trịnh dành cho khán giả tại đây với sự tham gia của ca sĩ: Hồng Nhung, Đức Tuấn, Quang Dũng, Lân Nhã, Tấn Sơn, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và An Trần... Buổi biểu diễn còn có góp mặt của nhiều nhóm nhạc cộng đồng và các Câu lạc bộ Nhạc Trịnh.
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cùng con gái An Trần và vợ. Trần Mạnh Tuấn là nghệ sĩ đã gắn bó với các đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn từ những ngày đầu.
Ngoài các chương trình biểu diễn, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn giữ thông lệ ngày 1.4 sẽ mở cửa nhà 47C Phạm Ngọc Thạch từ 6 giờ - 18 giờ chào đón khán giả đến viếng ông. Lúc 8 giờ cùng ngày, gia đình sẽ cùng khán giả hành hương đến mộ nhạc sĩ tại Nghĩa trang Gò Dưa.
Như vậy, với chuỗi hoạt động trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn năm nay, khán giả mến mộ ông có nhiều cơ hội thưởng thức nhạc và thể hiện tình cảm với người nhạc sĩ mình mến mộ.
Trước đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được vinh danh trên Google Doodles vào dịp sinh nhật 28.2 của mình. Lần đầu tiên một người Việt Nam với những cống hiến của mình đã được vinh danh tại trang chủ tiếngViệt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay. Đây là một tin vui đã được đông đảo khán giả chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Theo Người Đô Thị
Trịnh Công Sơn - Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam Không chỉ là huyền thoại âm nhạc trong nước mà Trịnh Công Sơn còn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Theo VOV