Kỷ nguyên “quay chậm” của Premier League và cách Man City, West Ham làm chủ tốc độ cuộc chơi
Premier League đang chậm dần. Dù đó là vì lịch thi đấu dày đặc sau quãng nghỉ COVID-19, do chiến thuật của HLV hay là cả hai đi chăng nữa thì có một điều không thể phủ nhận là trái bóng đang lăn với tốc độ bớt “điên cuồng” hơn kể từ khi túc cầu trở lại vào tháng 9.
Ảnh: Getty Images
Trang dữ liệu Stats Perform liên tục theo dõi những “chuỗi hành động” (hay bạn có thể coi là kiểm soát bóng không bị gián đoạn), nó được định nghĩa là: những pha bóng của một đội và được kết thúc bởi một hành động phòng ngự, những pha cản phá hay một cú dứt điểm. Ở Anh, trung bình các chuỗi hành động trong một trận đấu gần như ổn định từ mùa giải 2016/2017 cho đến mùa 2018/2019 trong khoảng 153-154. Mùa giải trước, khi 1/4 mùa được diễn ra sau khoảng thời gian dài tạm dừng với các trận đấu liên tiếp nhau với mật độ cao, con số đã giảm xuống còn 150 chuỗi hành động mỗi trận. Và mùa năm nay, chỉ số đó giảm xuống còn 146 mỗi trận.
Stats Perform có dữ liệu từ mùa giải 2008/2009 đến nay và tổng cộng số chuỗi hành động mỗi trận ở thời điểm hiện tại đang là thấp nhất từ thời điểm dữ liệu được thu thập.
Các chuỗi hành động ít đi cho thấy trái bóng đang lăn ít hơn trước kia – có lẽ vì nhìn chung chiến lược của các HLV cho các trận đấu tại Premier League là điềm đạm hơn. Trong khuôn khổ một chuỗi hành động, Stats Perform đo lường một vài khía cạnh chi tiết hơn, trong đó bao gồm thứ mà họ gọi là “Tốc độ trực tiếp” (Direct Speed). Định nghĩa của nó là: “số mét mà trái bóng đã di chuyển (khi đo trực tiếp trên sân) được chia bởi tổng thời gian của chuỗi”. Dữ liệu tốc độ trực tiếp chỉ ra khía cạnh chính xác hơn về xu hướng tốc độ lối chơi:
Ảnh: No Grass in the Clouds
Như định nghĩa tốc độ trực tiếp đã chỉ ra, còn có một phép đo độ dài của các chuỗi hành động. Vì tốc độ chuyển động đã giảm xuống, độ dài trung bình của chuỗi cũng đi theo chiều hướng khác:
Ảnh: No Grass in the Clouds
Video đang HOT
Một sự khác biệt đáng chú ý giữa hai biểu đồ là trong khi tốc độ của các chuỗi hành động giảm một cách ổn định từ năm 2010 thì độ dài các chuỗi lại tăng lên cho đến mùa giải 2013/2014 và sau đó tương đối ổn định cho đến mùa giải trước. Lời giải thích đơn giản nhất ở đây là gì?
Câu trả lời là các đội đang thấm mệt và họ không thể gây áp lực (pressing) mạnh mẽ nữa. Vì các đội mệt nên có lẽ họ chuyển sang sử dụng kiểm soát bóng để hồi phục năng lượng khi có thể. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác ở Premier League đang cao hơn bao giờ hết: 81,3% – đỉnh trước đó là 80%. Trước sự gia tăng của pressing, các cầu thủ và các đội bóng đã phải học cách giữ bóng tốt hơn dưới áp lực dữ dội từ mọi phía. Những kỹ năng này hiện tại không mất đi, tuy nhiên việc gây áp lực lên đối thủ thì đúng là đang giảm bớt và hiện tại các cầu thủ chuyền bóng thoải mái hơn. Trở lại mùa giải 2009/2010, tỷ lệ chuyền bóng chính xác ở Premier League chỉ là 73,1%.
Mùa hè này vòng chung kết Euro được tổ chức, sang năm sẽ là vòng chung kết World Cup diễn ra ngay giữa mùa giải bóng đá cấp CLB, phải chăng đây sẽ là trạng thái bình thường mới? Có lẽ các cầu thủ sẽ tìm ra cách hồi phục bằng nhiều biện pháp? Có lẽ các HLV sẽ bắt đầu xoay tua đội hình nhiều hơn và bắt đầu thay người nhiều hơn để cuối cùng trở lại với phong cách chơi thiên về thể chất đã thống trị vài mùa giải vừa qua?
Liệu điều này có tạo ra nhiều đất diễn cho các cầu thủ đã biến mất khỏi cấp cao nhất của bóng đá – những cầu thủ sáng tạo có trình độ kỹ thuật nhưng không chạy quá nhiều như các HLV hiện đại mong muốn, những người từng bị so sánh theo kiểu “Không cầu thủ kiến thiết nào trên thế giới giỏi như gegenpressing”? Dù thế nào thì điều đó cũng không lập tức hiện ra trước mắt chúng ta, bối cảnh mà chúng ta quen khi xem bóng đá đã thay đổi và điều đó có thể cũng thay đổi một chút con đường tốt nhất để giành chiến thắng.
Hãy nhìn vào Premier League mùa giải này. Hai CLB nào đang thi đấu thành công vượt mức họ mong đợi? Đó chính là West Ham và Manchester City. Đoàn quân của HLV David Moyes kết thúc mùa giải trước với khoảng cách 5 điểm so với nhóm xuống hạng; mùa này họ đang kém 2 điểm so với nhóm dự Champions League. Trong khi đó, Manchester City kết thúc mùa giải trước với 18 điểm ít hơn Liverpool còn mùa này, họ đang hơn nhà đương kim vô địch 25 điểm và hơn đội xếp thứ hai 17 điểm ( Man United đang đá ít hơn 2 trận).
“Điều khác biệt duy nhất là chúng tôi chạy ít đi – chúng tôi đã từng chạy quá nhiều”, đó là khẳng định của Pep Guardiola vào tháng 1, ông đề cập đến sự cải thiện chóng mặt của đội sau những khó khăn hồi đầu mùa. “Khi không có bóng bạn phải chạy. Nhưng lúc có bóng, bạn phải đi bộ hoặc chạy ít đi: giữ vị trí và để trái bóng chạy chứ không phải bạn”.
Những gì Man City và West Ham đang thực hiện có điểm gì chung? Vâng, chẳng có gì chung cả – và đó chính là vấn đề. Hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây, thời gian chuỗi trung bình của mỗi đội so với tốc độ trực tiếp của mỗi đội.
Ảnh: No Grass in the Clouds
Đội chậm nhất Premier League đội nào? Manchester City. Đội nhanh nhất Premier League? Là West Ham. Pep Guardiola dường như hoàn toàn chấp nhận hoàn cảnh thế giới mới mà chúng ta đang sống còn Moyes dường như tạo ra lợi thế bằng cách sử dụng tốc khi khi mọi người đang chậm lại. Các thái cực – nhanh nhất và chậm nhất – đang có hiệu quả.
Khi biểu đồ trước được điều chỉnh để có cả những chuỗi thành công (mà có thể định nghĩa là chuỗi hành động bao gồm cú dứt điểm), bạn sẽ thấy trục tung sẽ tăng và trục hoành giảm, như West Ham (và Burnley) gần như chạm đỉnh trục tung còn Chelsea cũng tiệm cận Man City ở trục hoành.
Ảnh: No Grass in the Clouds
Đối với phần lớn các đội ở Premier League, mọi chuỗi hành động đều có dấu ấn phong cách chung, dù nó có dẫn đến bàn thắng hay không – ngoại trừ Liverpool. Trong tất cả các chuỗi hành động thì chuỗi của Chelsea và Arsenal gần giống nhau – với lối chơi kiểm soát bóng được đo lường một cách tổng thể. Nhưng nếu chỉ xem các chuỗi hành động của Liverpool dẫn đến những cú dứt điểm, bạn sẽ thấy chúng tương tự của Wolverhampton và Southampton – hai đội nằm trong 7 đội đứng cuối về tổng bàn thắng kỳ vọng được tạo ra ở mùa này (theo FBref).
Điều đó có nghĩa Liverpool sẽ thuộc về góc phần tư phía dưới bên phải: đoạt lại bóng bằng hành động gây áp lực và triển khai một cú dứt điểm mà nó được phân loại là đợt tấn công “ngắn và chậm”. Trong cách họ tạo ra những cú dứt điểm, Liverpool thiếu tốc độ của West Ham và sự kiểm soát của Man City.
Mặc dù thời gian trung bình chuỗi hành động của Liverpool đã tăng lên sau từng mùa Jurgen Klopp huấn luyện nhưng thời gian trung các chuỗi hành động dẫn đến các cú dứt điểm đã giảm. Mùa giải 2020/2021, đoàn quân của Klopp đang dứt điểm nhanh nhất trong tất cả các mùa giải từ khi ông nắm quyền ở đội bóng chủ sân Anfield.
Hiện tại, “vận đen” – cả về những chấn thương và khả năng dứt điểm – vẫn là yếu tố đứng sau sự sa sút của Liverpool, tuy nhiên có lẽ còn một lý do nữa. Liverpool của Klopp đã từng chơi thứ bóng đá pressing hiện đại tốt hơn bất cứ đội nào, đó là lý do cho thành công của họ trong ba mùa giải trước, nhưng hiện tại nhiều điều đã thay đổi. Vì những lý do không thể lường trước, bóng đá đã đổi thay.
Lược dịch từ bài viết “Welcome to the Premier League’s Slow-Mo Era” của tác giả Ryan O’Hanlon trên blog No Grass in the Clouds.
David Moyes: 'Tới lúc vứt mọi kế hoạch vào sọt rác'
Những gì mà West Ham đã làm được từ đầu mùa giải này vượt xa mọi sự kỳ vọng của họ.
Như lời HLV David Moyes, đã tới lúc ông và các cộng sự vứt mọi kế hoạch ban đầu vào thùng rác. Giờ là lúc "The Hammers" phải hướng tới những mục tiêu mới, tất nhiên là cao hơn.
Thời thế thay đổi
Tất nhiên, một đội bóng như West Ham không bao giờ có thể đủ tự tin để đặt mục tiêu vào Top 4, thậm chí là có vé dự cúp châu Âu, trước khi mùa giải bắt đầu. Nhất là khi họ liên tục phải vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng ở những mùa gần đây. Nhưng đã tới lúc họ phải thay đổi. Sau khi chỉ thua đúng 1 trong 11 trận gần nhất (thắng 7), đội bóng thành London đã vươn lên vị trí thứ tư trên BXH, hơn đội thứ 5 Chelsea 2 điểm, và chỉ kém đội thứ hai M.U 4 điểm.
"Chúng tôi đã xem lại những mục tiêu mà chúng tôi đặt ra vào đầu mùa giải," ông Moyes nói với Sky Sports, "cảm giác chung là đã tới lúc chúng tôi phải vứt chúng vào sọt rác. Bây giờ chúng tôi cần phải hướng tới những mục tiêu mới." Trong số những mục tiêu mới, có lẽ một trong những mục tiêu được nhấn mạnh nhất là "chơi để thắng", thay vì "đá để không thua như trước". Sự xuất hiện của Jesse Lingard, bản hợp đồng được mượn từ M.U, là minh chứng cho sự thay đổi này.
"Cách anh ấy liên kết lối chơi, cách anh ấy kiểm soát trái bóng... đã mang lại cho chúng tôi thêm một chút tự tin khi có bóng," ông Moyes nói về cầu thủ thuộc biên chế độ bóng cũ. "Tôi cho rằng anh ấy đã giúp cho nhiều cầu thủ xung quanh trở nên tiến bộ hơn. Nếu anh ấy có thể đặt mình vào những vị trí có thể sút bóng, và chúng tôi có thể tạo điều kiện để anh ấy xuất hiện ở những vị trí tấn công thuận lợi, hi vọng là anh ấy có thể mang về cho đội bóng thêm nhiều bàn thắng."
Bản thân nhận xét này của Moyes đã cho thấy sự thay đổi. Trước đó, West Ham vốn xây dựng lối chơi quanh những cầu thủ to cao, có khả năng không chiến tốt, nhất là trong các tình huống cố định. Họ là đội để thủng lưới ít nhất, cũng là đội ghi được nhiều bàn nhất từ các tình huống cố định. "Chúng tôi đang có những cầu thủ nhỏ người tài năng," ông Moyes nói, "họ sẽ là nguồn sáng tạo của đội bóng."
HLV Moyes đã thay đổi tư duy là West Ham giờ đây chơi để thắng
Linh hoạt chiến thuật
Một mục tiêu nữa mà HLV Moyes đang hướng tới, là xây dựng được một West Ham đủ linh hoạt về chiến thuật để có thể đối đầu với nhiều kiểu đội bóng khác nhau. Tham vọng của ông là xây dựng được một "West Ham mới" có khả năng chơi thứ bóng đá của riêng mình. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì "chúng tôi vẫn đang trên một hành trình trong đó chúng tôi phải đối mặt với những đội rất mạnh và phải cố gắng tìm cách hạn chế những điểm mạnh của họ." Để làm được điều đó, West Ham cần sự linh hoạt về chiến thuật.
"Tôi đã nói từ đầu mùa, là West Ham phải chơi được với nhiều sơ đồ," ông Moyes nói. "Chúng tôi phải sẵn sàng đá với bốn hậu vệ, hay với năm hậu vệ..." Không chỉ linh hoạt về sơ đồ, West Ham còn phải linh hoạt về con người. Có những trận, nếu cần, họ có thể bố trí hai cầu thủ vốn xuất thân hậu vệ cánh cùng chơi ở một cánh (thường là khi cánh đó có một cầu thủ rất nguy hiểm của đối phương). "Đó là những gì anh cần phải yêu cầu từ đội bóng của mình," ông Moyes nói, "anh phải biết rằng mình có những cầu thủ có thể hoàn thành được nhiều công việc khác nhau."
Suy nghĩ dài hạn
Một thay đổi lớn khác ở West Ham là về tầm tư duy. Trước đây, họ chỉ dám đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, và điều này ảnh hưởng tới mọi khía cạnh vận hành của đội bóng, trong đó có chuyển nhượng. Nhưng bây giờ, với sự ổn định mà Moyes tạo ra, họ có thể suy nghĩ theo cách khác, đặt ra các mục tiêu dài hơi hơn. "Điều mà chúng tôi đang hướng tới là tiếp tục phát triển đội bóng, bằng cách bổ sung thêm một vài cầu thủ chất lượng", ông Moyes nói.
6 - Trước trận đấu với Man City, West Ham đã thua 6 trận ở Premier League mùa này. Trừ trận ra quân gặp Newcastle, 5 trận thua còn lại là trước các đại gia: Arsenal, Liverpool (2 lần), M.U và Chelsea.
'Lingard còn trẻ' HLV David Moyes tỏ ra hài lòng về màn thể hiện của tân binh người Anh ở vòng 22 Premier League. "Jesse Lingard có thể chơi ở cánh trái, cánh phải, ở vị trí của một số 10. Trên tuyển Anh, cậu ấy từng thi đấu như một số 8 (tiền vệ trung tâm). Hiện tại, tôi đang sử dụng Lingard ở vị...