“Kỹ nghệ” ăn xin: Tăng cường thu gom
Thay vì cho tiền người ăn xin, chúng ta nên chọn hình thức hỗ trợ tại Hội Chữ thập đỏ, trung tâm bảo trợ…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết sau loạt bài phản ánh nạn ăn xin của Báo Người Lao Động, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và thu gom các đối tượng để bảo đảm an ninh trật tự.
Nỗi nhức nhối của TP HCM
“Tôi đánh giá cao những bài viết của Báo Người Lao Động vì nội dung phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Vấn nạn ăn xin từng trở thành nỗi nhức nhối ở TP HCM. Các cơ quan chức năng, ban, ngành đang cố gắng làm sao dẹp hẳn để góp phần xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình” – ông Giang nói.
Một thành phố văn minh, hiện đại thì không nên có những cảnh như thế này Ảnh: THÀNH ĐỒNG – LÊ PHONG
Theo ông Giang, cuối năm 2014, UBND TP đã mở đợt ra quân thu gom người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, TP cũng đưa ra mục tiêu không còn người lang thang, ăn xin. “Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đã cùng 24 quận, huyện đưa ra các giải pháp trọng tâm như kiểm tra, xử lý thường xuyên các điểm “ nóng” hay xuất hiện đối tượng ăn xin; đến từng khu phố, hộ dân tuyên truyền giải thích để mọi người hiểu rõ thay vì cho tiền người ăn xin thì chọn hình thức đóng góp hỗ trợ các kênh khác” – ông Giang chia sẻ.
Ông Giang nhận định so với trước, kể từ năm 2015 đến nay, nạn ăn xin có chiều hướng giảm nhưng chưa phải là dứt điểm ở TP HCM. Tính từ ngày 1-1 đến 30-9-2016, cơ quan chức năng đã thu gom được 1.669 người. Qua khảo sát cho thấy phần lớn những người lang thang, ăn xin đều có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp thiên tai, sự cố nào đó nên đến TP HCM để giải quyết vấn đề trước mắt.
“Chúng tôi đã đưa họ về Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP) để tiếp nhận ban đầu. Sau đó, sẽ lấy thông tin của những người lang thang, ăn xin để gửi về địa phương xác minh. Trường hợp có người thân, nơi cư trú sẽ đưa về địa phương và bắt buộc cam kết không ăn xin nữa.
Video đang HOT
Trường hợp không còn nơi nương tựa, chúng tôi sẽ chuyển sang cho những trung tâm bảo trợ khác phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và từng đối tượng. Tại đây, họ được học nghề theo nguyện vọng, sau đó được tạo việc làm phổ thông như chăm sóc cây cảnh, thợ xây, may…” – ông Giang thông tin.
Hãy gọi vào đường dây nóng
Theo ông Giang, TP HCM là nơi tập trung người dân nhập cư nên việc thu gom gặp rất nhiều khó khăn. Khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng tới hiện trường thì đối tượng lang thang, ăn xin đã trốn hoặc gặp lực lượng chức năng thì bỏ chạy.
Để giải quyết tận gốc, phải nâng cao điều kiện kinh tế – xã hội. Nếu bảo đảm được an sinh xã hội, giúp người ăn xin nhận ra giá trị thật sự của đồng tiền lao động thì họ sẽ không tái ăn xin. Tuy nhiên, một phần quan trọng là sự ủng hộ của người dân khi không cho tiền người ăn xin nữa. Hiện tại, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng 3 đường dây nóng. Khi gặp trường hợp ăn xin, người dân gọi đến số điện thoại 08.3829 2491 hoặc số 0903 959 929, 08.3555 3258 để cung cấp thông tin.
“Mục tiêu của UBND TP là tập trung thu gom đối tượng xin ăn, không nơi cư trú nhưng có một số đối tượng lợi dụng việc ăn xin để trục lợi. Để xử lý, chúng tôi phải theo dõi, khi có đủ bằng chứng sẽ kết hợp với công an để xử lý hành chính hoặc hình sự. Người dân ở TP HCM lúc nào cũng nghĩa tình và đầy lòng trắc ẩn đối với những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, tôi kêu gọi mọi người cùng chung tay góp phần giải quyết chuyện chung của TP là chấm dứt nạn ăn xin bằng cách không cho tiền. Nếu ủng hộ thì nên đến các hội, nhóm như Hội Chữ thập đỏ, trung tâm bảo trợ… Một khi không ai cho tiền, những người ăn xin sẽ không còn hoạt động nữa” – ông Giang nhấn mạnh.
Khất thực không phải để kiếm tiền Ngày 2-11, Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP HCM – cho biết thời còn tại thế, Đức Phật đi khất thực không phải để kiếm tiền, thức ăn mà tạo phước duyên do những phật tử quá nghèo hoặc quá xa không có khả năng đến chùa cúng. Về Phật giáo Việt Nam, trong ba hệ Nam Tông, Bắc Tông và Khất Sĩ thì chỉ có Nam Tông và Khất Sĩ mới đi khất thực nhưng sau giải phóng đến nay, hai hệ trên không còn đi khất thực nữa. Trong khi đó, hiện có nhiều người mặc áo nhà sư, ôm bình bát đi khất thực. Ngoài ra, một số đối tượng còn mặc áo nhà sư đi bán nhang, đèn… để tranh thủ lòng hảo tâm của mọi người. “Phật giáo không cấm nhưng có lời khuyên đến phật tử là muốn cúng thì phải xem những người đó có phải tu hành đứng đắn không” – Hòa thượng Thích Trí Quảng nói.
Hiện có nhiều người giả nhà sư đi khất thực Ảnh: QUỐC CHIẾN
Theo Thành Đồng – Lê Phong – Quốc Chiến (Người lao động)
"Kỹ nghệ" ăn xin: Kiếm tiền quá dễ
Trong các vai nhà sư, người tàn tật và thanh niên gặp khó khăn, phóng viên Báo Người Lao Động đã "thu nhập" gần 1 triệu đồng chỉ trong vòng 1 giờ xin tiền
Sau khi được "sư phụ" T.V.D chỉ cho một số mánh khóe, ngày 12-10, tôi hóa trang thành một thanh niên tàn tật, lê lết trên đường để xin tiền. Tuyến đường 27 trước cổng Trường THCS Ngô Chí Quốc (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) được tôi thử nghiệm đầu tiên.
Vô tư cho tiền
Khi tôi vừa lê lết được hơn 3 m, đã có hơn 10 học sinh lớp 6 bao quanh để hỏi thăm. Một số phụ huynh đang đón con gần đó cũng dõi mắt nhìn theo hình ảnh một nam thanh niên chân bị băng bó và phải lê lết dưới nền đất nóng ran. Ít phút sau, một học sinh đến hỏi thăm: "Anh bị gì vậy?", tôi đáp: "Chân anh bị hoại tử nên không đi được". Nghe vậy, rất nhiều học sinh đã gom góp tiền để cho và một số phụ huynh cũng chung tay hỗ trợ.
Tổng số tiền tôi có được sau khi "hành nghề" trước cổng Trường THCS Ngô Chí Quốc là 52.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, tôi đứng dậy đi thì rất nhiều học sinh bất ngờ trước việc một thanh niên tàn tật bỗng dưng trở lại bình thường. "Ê thằng kia, lừa đảo hả mày?" - một phụ huynh chỉ tay về phía tôi và quay sang càm ràm với những người xung quanh. Cạnh đó, rất nhiều học sinh trố mắt, khuôn mặt đầy sự tức giận.
Trong vai nhà sư và thanh niên gặp khó khăn, phóng viên đang "hành nghề" trên đường phố TP HCM Ảnh: Quốc Chiến - Lê Phong
Sau khi giải thích về hành động giả người tàn tật ăn xin của mình, tôi đã trả lại toàn bộ số tiền từ lòng hảo tâm cho mọi người kèm theo một quà tặng lưu niệm. "Vậy mà lâu nay cứ thấy ai tàn tật, xin ăn là tôi sẵn sàng cho tiền mà không hề nghi ngờ gì" - một người nói.
Tôi tiếp tục nhập vai người tàn tật lê lết vào một quán cà phê trên đường số 25, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Lần này, tôi tiếp cận một đôi nam nữ đang ngồi uống nước. Khi vừa đến bàn, tôi chìa tay để xin thì nhận được cái lắc đầu của họ kèm theo ánh mắt khó chịu. Nam thanh niên tỏ ý xua đuổi: "Đây không có tiền, còn khỏe lo mà đi làm ăn. Mấy cha đừng giả bộ ăn xin nữa?". Nghe vậy, tôi giả vờ đau đớn và mệt mỏi, nói: "Ai mà muốn lê lết thân phơi nắng vậy đâu anh. Chân em bị hoại tử không đi được, chỉ mong anh cho ít tiền để về quê".
Thấy bị làm phiền, nam thanh niên đành móc túi đưa cho tôi 10.000 đồng. Ngày 13-10, tôi "hành nghề" trên Quốc lộ 13 và đường Phạm Văn Đồng. Chỉ trong vòng 1 giờ, đã có gần 20 người cho tiền, trong đó chủ yếu mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng. Tổng số tiền nếu không trả lại cho những người có lòng hảo tâm thì tôi "thu nhập" cũng được khoảng 300.000 đồng. Trong khi đó, tại đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), chịu nằm vật vờ dưới nắng gắt, tôi được người đi đường cho 2 chai nước suối, tặng 1 ổ bánh mì và gần 80.000 đồng.
Bố thí để khỏi bị làm phiền!
Chỉ cần thuê một chiếc áo nhà sư và túi xách với giá 150.000 đồng/ngày, cộng với bình bát 70.000 đồng nữa là tôi có thể trở thành một "sư thầy" đi khất thực.
Sau gần 15 phút đứng ở giao lộ Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống (quận 2), tôi được rất nhiều người cho tiền. Một phụ nữ bán vé số gần đó thấy "sư thầy" đứng giữa nắng nên đã động lòng, rút trong túi ra tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng để cho và gập người, miệng lẩm bẩm: "Nam mô a di đà Phật". Tiếp đó, một thanh niên đi xe máy cũng "làm công quả" 10.000 đồng. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút đứng tại đây, tôi đã được 4 người cho với số tiền gần 100.000 đồng. Thế nhưng, cũng có một thanh niên bỏ vào bình bát 10.000 đồng kèm theo câu hỏi cắc cớ: "Có phải sư thật không cha?" khiến tôi suýt bị lộ vì không nhịn được cười. Rời khỏi khu vực này, tôi về nút giao thông ngã ba Cát Lái (quận 2) tiếp tục "hành nghề". Tại đây, tôi được nhiều người đi đường cho tiền, ít nhất là 10.000 đồng, thậm chí có người cho cả trăm ngàn đồng mà không chút nghi ngờ.
Trước đó, phóng viên Báo Người Lao Động cũng vào vai một thanh niên "lỡ đường" nên xin tiền ở khu vực Bến xe buýt Bến Thành (quận 1). Khi tôi tiếp cận với một nam thanh niên đang đợi xe buýt để trình bày việc mới từ quê lên thành phố nhưng bị trộm lấy hết tiền và giấy tờ tùy thân thì không do dự, người này liền móc ví lấy ra 50.000 đồng để cho và dặn dò cẩn thận. Tiếp đó, một cặp vợ chồng đang đổ xăng tại khu vực Bến Thành mặc dù tỏ vẻ nghi ngại nhưng cũng nhanh chóng cho tôi 10.000 đồng.
Khi tôi chuẩn bị rời đi, người chồng gọi với lại cho thêm 20.000 đồng vì sợ chưa đủ tiền về quê. Tại Công viên 23-9, hai cô gái đang ngồi nói chuyện thì tôi tới "nhờ giúp đỡ" với lý do đi đường lỡ hết tiền nên không thể về quê. Lúc đầu, hai người từ chối nhưng vì tôi nài nỉ nên cuối cùng cho 5.000 đồng. "Thấy bị làm phiền quá nên đưa mấy ngàn cho xong" - một trong hai phụ nữ nói sau khi biết tôi đóng vai và trả lại tiền.
"Coi chừng bị đánh chết" Ngày 14-10, phóng viên Báo Người Lao Động trong vai một thanh niên bị liệt hai chân, ăn xin ở khu vực ngã ba Mã Lò (quận Bình Tân). Khoảng 10 giờ cùng ngày, sau khi lê lết qua khu vực cây xăng nằm trên đường Tân Kỳ Tân Quý về giao lộ với Mã Lò, tôi bắt gặp một thanh niên chừng 25 tuổi cũng đang lết chiều ngược lại, trên tay cầm một xấp vé số. Khi đến gần khoảng nửa mét, người này mặt hầm hố nạt: "Mày là thằng nào mà qua đây? Coi chừng tao đập gãy lưng cho nằm bẹp luôn". Vừa dứt lời, anh ta đẩy tôi lăn vào lề đường và dùng cùi chỏ để đánh. Sau đó, gã "tàn tật" gọi điện cho đồng bọn đến hỗ trợ. Tôi phải nhờ lực lượng "hiệp sĩ" đến giải vây. Khi xe máy chở tôi rời khỏi ngã ba Mã Lò thì phía sau, một số thanh niên dữ tợn rồ ga đến. Gã "tàn tật" bán vé số đe dọa: "Gặp lần nữa, tao đập".
Trong quá trình nhập vai, có lần phóng viên bị đe dọa vì vào địa bàn của đối tượng khác Ảnh: Thành Đồng
Một tài xế taxi đậu gần đó nhắc nhở tôi: "Nó ở đây lâu rồi, hoạt động có bảo kê hết, không phải dễ gì là xuống đường ăn xin đâu. Coi chừng bị đánh chết".
Theo Thành Đồng - Lê Phong - Quốc Chiến (Người lao động)
"Kỹ nghệ" ăn xin: "Tầm sư học đạo" Sau nhiều ngày làm quen, chúng tôi được một số "sư phụ" đã giải nghệ truyền bí kíp để tranh thủ lòng hảo tâm của mọi người Qua lời giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm gặp T.V.D (25 tuổi). Theo "giang hồ" đồn đại, trước kia D. từng tham gia một nhóm giả dạng tàn tật lê lết khắp các tuyến...