Kỹ năng phanh môtô khi vào cua
Phanh khi vào cua là một trong những kỹ năng quan trọng mà những người lái xe hai bánh cần thành thạo để tránh rủi ro đồng thời giữ được tốc độ cần thiết.
Phanh trước cua – về số – vào cua – tăng tốc trở lại, là kỹ năng mà những người đi xe hai bánh và bốn bánh nói chung được truyền dạy khi vào cua. Đây là cách thức chung và an toàn nhất bởi khi hãm đủ tốc để nghiêng xe vào cua và không chịu tác động của phanh hay ga sẽ tạo sự cân bằng cần thiết để xe ra khỏi cua an toàn.
Tuy nhiên cũng có một phương pháp khác đó là rà phanh trong khúc cua được gọi là trail braking. Kỹ năng này không được khuyến khích bởi nếu chưa thành thạo, việc bóp hay dẫm phanh “quá tay” sẽ khiến xe mất cân bằng quán tính, giằng ngược lên và thường gây ngã theo kiểu high-siding (người bay lên cao).
Trail braking thường được các tay đua sử dụng khi muốn vượt đối thủ ở góc cua.
Trail braking khá mạo hiểm vì thế cần luyện tập đến khi cảm nhận làm chủ tay ga và phanh mới áp dụng. Ở đường công cộng không nên áp dụng cách phanh khi vào cua như thế này bởi chỉ các tay đua chuyên nghiệp mới cần sử dụng khi vào cua để vượt mặt đối thủ. Ưu điểm của phương pháp này nằm ở tốc độ xe, nếu trail braking xe sẽ duy trì tốc độ đều hơn so với phanh trước khi cua, nhờ đó giảm bớt thời gian vào cua, tạo điều kiện vượt mặt đối thủ.
Valentino Rossi ở nhiều chặng đua MotoGP để có thể vượt tay đua khác, anh thường không giảm ga cho tới khi vào tới cần đỉnh cua, sau đó mới dùng trail braking để thoát cua. Đó là Rossi, huyền thoại Grand Prix, người có kỹ năng làm chủ môtô vào loại bậc nhất trên thế giới. Trên đường quốc lộ, khi chạy môtô không vì mục đích đua thì tốt nhất không nên áp dụng nhiều khi không cần thiết.
Để thực hiện kỹ năng này, trước hết người lái sử dụng phanh trước để giảm tốc. Đến khi xe vào khúc cua sẽ từ từ nhả phanh nhưng vẫn rà để tăng góc nghiêng cho xe, đảm bảo vào cua “ngọt”.
Các lý do để áp dụng phương pháp này bao gồm: thứ nhất tạo ra lực bám lớn hơn vì khối lượng dồn lên lốp trước khi phanh xe. Thứ hai khi trọng lượng dồn về phía trước đồng thời tạo độ nén hợp lý cho phuộc trước, tác động này làm thay đổi cấu trúc hình học của xe, giảm nhanh độ cân bằng tĩnh của xe, tạo điều kiện nghiêng xe dễ dàng.
Thứ ba giảm tốc độ tức là sẽ giảm được bán kính cua. Thứ tư, điều này cũng an toàn hơn khi vào những khúc cua mù (khuất tầm nhìn) hoặc cua nhỏ, người lái sẽ chủ động hãm xe khi gặp tình huống bất ngờ ở bên kia góc cua.
Video đang HOT
Xe dễ bị trượt khi góc nghiêng quá lớn.
Thông thường trail braking được áp dụng chỉ với phanh trước, mặc dù nếu sử dụng cả phanh sau sẽ giúp xe giảm tốc và bán kính cua nhanh hơn. Đồng thời phanh sau còn phát huy tác dụng khi góc nghiêng vượt quá giới hạn cân bằng, lúc này nếu dùng phanh trước sẽ khiến tình hình càng tồi tệ hơn bởi xe sẽ trượt theo cua, nhưng sử dụng phanh sau sẽ tạo thế cân bằng trở lại vì lúc đó xe sẽ có xu hướng đứng thẳng lên.
Cho đến nay vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc sử dụng trail braking ngay cả trong giới chuyên nghiệp. Phần lớn cho rằng chỉ nên sử dụng kỹ thuật này trong đường đua, nơi những tay đua chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, mặt đường chất lượng cũng như có đồ bảo hộ tiêu chuẩn.
Nhưng cũng có một số ít lại cho rằng ngay cả những người chạy môtô trên đường công cộng (street rider) cũng nên áp dụng kỹ năng này để tăng khả năng kiểm soát chiếc xe khi vào cua.
Dù có áp dụng hay không thì đối với những người chạy môtô điều quan trọng là cần luyện tập kỹ năng này thật thành thạo bởi lẽ các tình huống trên đường công cộng có thể xảy đến không báo trước, khả năng kiểm soát chiếc xe cũng là cách giảm bớt rủi ro cho người cầm lái và cả người đi đường.
Theo VNE
9 bước để lựa chọn ôtô phù hợp
Đôi khi không cân nhắc cẩn thận sẽ dẫn tới những quyết định sai lầm vì lựa chọn chiếc xe không phù hợp với bản thân.
Mua xe ngoài yếu tố sở thích còn phải cân nhắc đến tài chính, nhu cầu, chất lượng... Sự tổng hòa của nhiều khía cạnh mới đưa ra một mẫu xe phù hợp nhất.
1. Cân nhắc nhu cầu
Nhu cầu (needs) nhắc đến ở đây là để tách biệt với ước muốn (wants). Ước muốn thì vô cùng, phần lớn mọi người thích siêu xe thiết kế đẹp, động cơ mạnh mẽ nhưng nhu cầu lại không phải là siêu xe. Nhu cầu đi lại hàng ngày, đưa đón người thân trong gia đình, hoặc có thể kết hợp những chuyến đi xa, khi đó sedan hay SUV, MPV lại mới là những mẫu xe phù hợp nhất.
2. Cân nhắc khả năng chi trả
Quỹ tài chính dành cho mua xe chỉ thích hợp với loại xe tầm trung, nhưng nếu cứ cố gắng mua xe hạng sang thì đó là một sai lầm. Thâm hụt ngân sách sẽ khiến cán cân tài chính mất cân bằng, khi đó mua xe đã trở thành "tội đồ".
3. Nên mua hay thuê
Ở Việt Nam việc thuê xe không phổ biến, nhưng ở các nước Âu Mỹ đây là hình thức thường thấy để sở hữu xe với những người có nguồn tài chính ngắn hạn không dồi dào. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng thuê xe chấm dứt sẽ không được sở hữu xe, đó là điểm "thiệt" của thuê xe so với mua xe.
4. Cân nhắc mọi mẫu xe trong phân khúc
Sau khi đã định hình chiếc xe cần mua, nên cân nhắc tất cả những cái tên xuất hiện trong phân khúc. Nếu chỉ vì ưa thích một thương hiệu hoặc được giới thiệu, người tiêu dùng sẽ bỏ qua những sản phẩm khác có thể phù hợp hơn.
5. Cân nhắc chi phí sở hữu xe
Mua xe không chỉ quan tâm mức giá mà còn phải lưu ý đến các chi phí sở hữu xe như nhiên liệu, đỗ xe, bảo dưỡng, phí giao thông... là những khoản tiền không hề nhỏ.
6. Lựa chọn đại lý
Giữa một "rừng"đại lý, cần tìm hiểu về tình hình xe, giá bán, dịch vụ ở các đại lý khác nhau để lựa chọn nơi có mức giá phù hợp nhất đồng thời chất lượng dịch vụ đảm bảo.
7. Lái thử
Đây là bước không thể thiếu khi định mua xe. Phải lái thử xe để xác định kích cỡ, bố trí bảng điều khiển, không gian, cách lái có thực sự phù hợp hay không. Thử xe nên ở cả đường giao thông công cộng và đường tách rời, khi đó sẽ có điều kiện để kiểm tra mọi chế độ vận hành của xe.
8. Quyết định
Sau khi đã lái thử một vài mẫu xe cân nhắc là bước quyết định chiếc xe phù hợp nhất. Nếu vẫn không chọn được, cần quay lái những bước trước đó để chắc chắn không đưa ra quyết định vội vàng dẫn đến sai lầm.
9. Nhận xe
Thanh toán, nhận xe tưởng chừng là bước đơn giản nhưng lại quan trọng. Cần thực hiện các thủ tục rõ ràng, mạch lạc không gặp phải vướng mắc giữa hai bên và ngân hàng (nếu có).
Theo VNE
Đi xe máy không dễ Chưa cần đến 3 phút để người bình thường học cách tăng giảm ga, những sẽ cần nhiều năm để họ biết cách kiểm soát tốc độ. Không ít người tin rằng, đi xe máy còn dễ hơn cả xe đạp. Bởi xe máy chắc, bánh to nên dễ cân bằng, và vì hầu hết người học lái xe máy đã biết đi...