Kỷ lục Việt Nam: Bộ ấm trà bằng gốm lớn nhất
Chiếc ấm cao 3m, đường kính 4,5m được hoàn thành trong 3 tháng.
1. Bộ ấm trà bằng gốm mang tên Ấm trà tri kỷ, được thực hiện để chào mừng Festival Trà quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Thái Nguyên, được tạo hình bằng cốt bê tông và trang trí bằng nghệ thuật gắn gốm mosaic. Ấm cao 3m, đường kính 4,5m; ba chén mỗi chén cao 1m, đường kính 0,8m. Bộ ấm chén được đặt trên lá trà gắn gốm kích thước 8mx5,6m. Tác phẩm được thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10.2011). Bộ ấm trà “khổng lồ” này sẽ được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận kỷ lục Việt Nam vào lúc 9h ngày 13/11 tại Thái Nguyên.
Trước đó, vào lúc 20h ngày 11/11 Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục về lúa gạo gồm bản đồ Việt Nam bằng lúa gạo lớn nhất và trình diễn sắp đặt “còn đường lúa gạo” dài nhất.
Video đang HOT
Chân dung bộ ấm trà “khủng” nhất Việt Nam
2. Bản đồ Việt Nam bằng lúa gạo lớn nhất
Bản đồ Việt Nam có kích thước 6m x 9m (diện tích 54m2 , tượng trưng 54 dân tộc anh em) do 55 người làm từ 28.10 đến 5.11.2011 với tổng lượng sử dụng 16,2kg. Bản đồ này được làm từ 23 loại hạt lúa gạo có nguồn gốc từ nhiều vùng miền của đất nước như nếp cái hoa vàng (Hà Nội), gạo nếp hạt dài (thành phố Hồ Chí Minh), gạo lức đỏ (Cần Thơ, Đà Nẵng), nếp than (Hưng Yên, Hải Phòng, Hậu Giang), Cửu Long 8 (Yên Bái, Quảng Bình, Dak Nông, Bình Định), tàu hương (Long An), nanh chồn (Trà Vinh, Nam Định), nâu cao (Kiên Giang)… Các hạt lúa gạo có dạng hạt và màu sắc khác nhau được xếp lên bản đồ theo 4 cách: ngang, dọc, nghiêng trái, nghiêng phải và kết theo 63 tỉnh thành.
Bản đồ được thực hiện trong dịp Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 nhằm tôn vinh hạt gạo Việt Nam đã phát triển từ truyền thống văn minh lúa nước rực rỡ của dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm qua.
Chiếc bản đồ đủ màu sắc được làm từ 23 loại gạo với số lượng 16,2 kg gạo.
3. Trình diễn sắp đặt “con đường lúa gạo” dài nhất
Bắt đầu từ tháng 7 đến ngày 28.10.2011, tại trại giống Long Phú, nhóm thực hiện gồm 125 người đã dùng 300m3 đất trộn phân hữu cơ đựng trong 47.000 túi nylon (mỗi túi đường kính 30cm, cao 50cm) và chọn những hạt lúa tốt gieo mạ vào nhiều thời điểm khác nhau, sau 20 ngày tuổi cấy vào túi đất. Công việc chăm sóc được thực hiện hàng ngày, từ việc tưới nước, theo dõi quá trình sinh trưởng đến bảo vệ tránh sự phá hại của các loài chim, chuột. Sau đó, sắp xếp các chậu lúa vào vị trí theo đúng yêu cầu.
Ngày 28.10, các chậu lúa lần lượt chuyển từ trại giống ra khu vực tổ chức Festival trên trục đường Hùng Vương (từ ngã ba Trà Men đến cổng Trung tâm văn hóa triển lãm hồ nước ngọt thành phố Sóc Trăng) để làm nên con đường lúa gạo dài 1,2km, sắp đặt 47.000 chậu lúa ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau (từ lúa xanh tới đơm bông, trổ hạt chín vàng).
Theo BDVN