Kỷ lục nhiệt độ lại bị phá, có thể chỉ là khởi đầu của thảm họa
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào đầu tháng 6 năm nay là mức cao nhất so với cùng kỳ các năm từng được cơ quan giám sát khí hậu châu Âu ghi nhận.
Copernicus, cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu, hôm 15.6 cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu vào đầu tháng 6 năm nay là mức cao nhất mà họ từng ghi nhận, đài France24 đưa tin.
Cụ thể, sơ bộ nhiệt độ trung bình toàn cầu được đo đầu tháng 6 cao hơn gần 1 độ C so với mức được ghi nhận kể từ năm 1979. Theo dữ liệu, nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng ngày bằng hoặc cao hơn ngưỡng 1,5 độ C trong khoảng thời gian từ ngày 7-11.6, đạt mức cao nhất là 1,69 độ C vào ngày 9.6.
Cháy tại một cánh đồng lúa mì ở Tây Ban Nha trong đợt nắng nóng thứ hai ở nước này vào năm 2022. Ảnh REUTERS
Copernicus cho hay đây không phải lần đầu nhiệt độ toàn cầu chạm đến mức cao như vậy. Trước đó, giới hạn này đã bị vượt qua nhiều lần vào mùa đông và mùa xuân của những năm gần đây.
Bên cạnh đó, Copernicus cũng thông báo rằng nhiệt độ các đại dương trên toàn cầu trong tháng qua đã ấm lên, và cao hơn bất kỳ tháng 5 nào từng được ghi nhận.
Thế giới ‘hầm hập’ vì El Nino
Các điều kiện nóng lên trong thời gian dài do đốt nhiên liệu hóa thạch có thể phải tiếp nhận thêm xung nhiệt từ El Nino, một hiện tượng tự nhiên diễn ra khoảng 2-7 năm một lần, trong đó các phần của Thái Bình Dương nóng lên, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến.
Kiểu thời tiết này xảy ra lần cuối vào năm 2018-2019. Hầu hết những năm nóng nhất từng được ghi nhận đều xảy ra trong thời kỳ El Nino. Các nhà khoa học lo ngại rằng mùa hè năm nay và năm sau có thể chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục trên đất liền và trên biển.
Tuần trước, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết các điều kiện El Nino đang xuất hiện và sẽ “dần dần mạnh lên” vào đầu năm tới. Theo bản cập nhật ngày 14.6 của cơ quan này, vào tháng trước, thế giới đã trải qua tháng 5 nóng thứ ba trong 174 năm. Cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ đều có tháng 5 nóng nhất từng được ghi nhận.
Ngoài ra, nhiệt độ cao trong lòng đại dương cũng ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu và phá hủy các quần thể cá, tẩy trắng các rạn san hô và khiến mực nước biển ven bờ dâng cao.
Bà Ellen Bartow-Gillies, một nhà khoa học khí hậu tại NOAA nói với tờ The Guardian rằng cơ quan này vẫn chưa xử lý dữ liệu nhiệt độ tháng 6 nhưng có vẻ như nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng này.
Bất kể năm 2023 có trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận hay không, các nhà khoa học cảnh báo rằng tác động leo thang của khủng hoảng khí hậu đang rõ ràng, và sẽ không thể giảm bớt trừ khi khí thải nhà kính được cắt giảm triệt để.
Bà Natalie Mahowald, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Cornell (Mỹ) cảnh báo: “Nếu không cắt giảm phát thải mạnh hơn, những thay đổi mà chúng ta đang thấy chỉ là khởi đầu của những tác động bất lợi mà chúng ta có thể thấy”.
Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt nắng nóng kỷ lục
Nhiệt độ kỷ lục lên tới 45C đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia bao gồm Bangladesh, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Nắng nóng gây ra tình trạng thiếu nước ở một số khu vực. Ảnh: Reuters
Các khu vực của châu Á đã bị ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt trong những tuần gần đây. Một liên minh quốc tế gồm các nhà khoa học cho biết đây là sự kiện "200 năm mới có một lần" và "hầu như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nhiệt độ kỷ lục lên tới 45C đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia bao gồm Bangladesh, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Với Indonesia, theo hãng tin Reuters, nước này đang gồng mình chống cháy rừng, mất mùa do mùa khô khắc nghiệt.
Dwikorita Karnawati, người đứng đầu BMKG, cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý của Indonesia cho biết, tác động của kiểu thời tiết El Nino đang đe dọa mùa màng và làm tăng nguy cơ cháy rừng.
"Nhìn vào dữ liệu chúng tôi có, El Nino bắt đầu vào tháng 6 và sẽ ảnh hưởng đến hầu hết cả nước và trở nên tồi tệ hơn cho đến tháng 9", bà Karnawati cảnh báo.
Theo bà Karnawati, El Nino sẽ gây ra hạn hán nghiêm trọng trên các đảo chính của Indonesia, với một số đảo khả năng không có mưa hoặc chỉ có 30% lượng mưa thông thường.
Bà Dwikorita lưu ý: "Điều này sẽ làm giảm lượng nước ngầm, tác động đến nông nghiệp và tưới tiêu, mất mùa cũng như cháy rừng", đồng thời kêu gọi các bên liên quan chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết.
Theo Ngân hàng Thế giới, Indonesia đã trải qua các vụ cháy rừng tàn khốc vào năm 2019, bao phủ cả nước và khu vực bằng khói mù, gây thiệt hại kinh tế khoảng 5,2 tỷ USD ở 8 tỉnh bị ảnh hưởng.
Tại Malaysia, quốc gia đang phải đối phó với đợt nắng nóng trong những tháng gần đây, được dự báo sẽ trải qua các hiện tượng El Nino từ tháng 6 trở đi, Nik Nazmi Nik Ahmad, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu nước này lưu ý.
Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới. Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết vào cuối tháng trước, sản lượng dầu cọ thô của quốc gia này có thể giảm từ 1 đến 3 triệu tấn vào năm tới do El Nino.
Việt Nam, nhà sản xuất thủy điện lớn thứ 9 toàn cầu, hiện đang phải đối mặt với một đợt nắng nóng kéo dài và đã chứng kiến sản lượng giảm 10,5% trong quý đầu năm nay so với năm trước.
Theo các nhà phân tích, những dấu hiệu ban đầu của thời tiết nóng và khô do El Nino gây ra đang đe dọa các nhà sản xuất lương thực trên khắp châu Á, với sản lượng dầu cọ và gạo có thể bị ảnh hưởng ở Indonesia và Malaysia - nơi cung cấp 80% dầu cọ của thế giới - và Thái Lan.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đóng lò phản ứng cuối cùng sau khi đập Nova Kakhovka vỡ Cơ quan năng lượng hạt nhân Ukraine cho biết đã cho ngừng hoạt động nguội lò phản ứng cuối cùng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia ở Ukraine, hiện do Nga kiểm soát - Ảnh: REUTERS Việc này nhằm đảm bảo an toàn khi sự cố vỡ đập Nova Kakhovka (hôm 6-6)...