‘Kỷ lục’ ít ai biết về chiếc ghế đá Hồ Gươm trăm tuổi
Chẳng ai biết chiếc ghế đá khủng này đã có tự bao giờ, hỏi những cụ cao niên thường xuyên lui tới bờ hồ Gươm nghỉ chân, câu trả lời của họ về chiếc ghế đá cũng chỉ là: “từ thời còn bé đã nhìn thấy chiếc ghế đá lớn này rồi”.
Với nhiều người, nói về Hà Nội là nói tới cầu Thê Húc, tháp rùa, cột cờ… Những địa danh quá đỗi nổi tiếng và gần gũi với người dân cả nước. Nhưng ít ai biết rằng, một Hà Nội cổ kính còn có những thứ giản dị, đơn giản nhưng lại chứa đựng giá trị lịch sử to lớn.
Chiếc ghế đá trăm tuổi ở Hồ Gươm là một minh chứng như thế, chiếc ghế đơn giản không có nhiều chi tiết cầu kỳ nhưng nó lại chứa đựng “kỷ lục” không ngờ về những thăng trầm của Hà Nội.
Chiếc ghế đá trăm năm tuổi tại Hồ Gươm.
Không mấy người biết về giá trị “kỷ lục” mà chiếc ghế đá trăm tuổi đang giữ. Có lẽ, bàn về lai lịch cũng như khẳng định niên đại của một vật chẳng mấy quan trọng với dòng lịch sử Hà Nội này sẽ được hậu xét, nhưng những người yêu Hà Nội, việc công nhận đây là ghế đá lớn nhất Hà Nội này là việc chẳng thể làm ngơ.
Nó là nơi nghỉ chân của người dân Thủ đô.
Chắc chẳng ai ngờ, chiếc ghế đá lớn nhất Hà Nội lại nằm ở một nơi thân thuộc đến thế. Tọa cạnh vườn hoa trước cửa Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (phố Lê Thái Tổ), chiếc ghế là vật chứng về một Hà Nội hào hùng.
Video đang HOT
Khác với những chiếc ghế đá thông thường của Hà Nội, chiếc ghế có mặt rộng bằng cả chiếc bàn to, bóng nhẫy và sáng loáng một sắc đen vĩnh hằng.
Vì chiếc ghế đá cổ nên nó không có vai tựa, có thể ngồi được cả hai bên. Tối đa chiếc ghế có thể phục vụ cho 10 người nghỉ ngơi cùng một lúc.
Chiều rộng chính xác của mặt ghế là 80cm, còn chiều dài vào khoảng 1m8 và có độ dày 18cm. Phiến đá làm mặt ghế là đá xanh nguyên khối, trải qua quãng thời gian hàng chục năm với hàng triệu lượt người ngồi lên, đã lên nước bóng loáng. Chân ghế cũng là đá xanh nguyên khối, cao 60cm, khoét khuyết hai đầu, cực kỳ chắc chắn.
Chiếc ghế có mặt rộng bằng cả chiếc bàn to, bóng nhẫy và sáng loáng một sắc đen vĩnh hằng.
Chẳng ai biết chiếc ghế đá khủng này đã có tự bao giờ, hỏi những cụ cao niên thường xuyên lui tới bờ Hồ Gươm nghỉ chân, câu trả lời của họ về chiếc ghế đá cũng chỉ là: “từ thời còn bé đã nhìn thấy chiếc ghế đá lớn này rồi”.
Dấu ấn thời gian in hằn lên thành ghế.
Bác Công Vượng, một người Hà Nội gốc chia sẻ: “Thời còn nhỏ, vào những buổi trưa hè. Chúng tôi thường hay rủ nhau tắm ở Hồ Gươm. Tắm chán lại bò lên chiếc ghế đá này nằm, chả ai nghĩ nó là ghế đá bởi vài ba đứa nằm lên mà vẫn chưa hết chỗ. Cả bờ Hồ cũng chỉ duy nhất ở vườn hoa trước cửa khách sạn Phú Gia là có cái ghế to như thế này”.
Chiếc ghế đá trăm tuổi trở thành nơi dừng chân của bao nhiêu thế hệ.
Trong câu chuyện của các cụ nhớ về kỷ niệm cùng chiếc ghế đá, có cụ kể rằng, chiếc ghế chính là nơi đơm hoa chuyện tình của mình với bà xã hiện tại.
“Trong không gian đêm Hồ Gươm cổ kính, chúng tôi ngồi dưới chiếc ghế đá bên hàng sấu già tâm sự, câu chuyện tình cứ thế được viết lên…”, một cụ kể lại.
Biết bao tháng năm đã qua, chiếc ghế đá trăm tuổi trở thành nơi dừng chân của bao nhiêu thế hệ. Chẳng biết có bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu chuyện tình được đơm hoa nơi ghế đá cổ kính này.
Hoài niệm về Hà Nội, hoài niệm về Thủ đô anh hùng có lẽ chẳng cần đâu xa mà chính ở ngay chiếc ghế đá trăm tuổi này, nơi màu thời gian đã phủ lên sáng bóng nơi mặt ghế.
Theo Khampha
Hà Nội cho phép xây trung tâm văn hóa 4 tầng sát Hồ Gươm
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản cho phép quận Hoàn Kiếm xây dựng trung tâm văn hóa 4 tầng sát Hồ Gươm trong thời gian 3 tháng.
UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án công trình theo đúng quy định.
Lô đất xây dựng Trung tâm văn hóa Hồ Gươm vẫn được quây tôn để chờ quyết định.
Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Hùng về việc xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm ở số 2 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
Theo đó, UBND thành phố cho phép quận Hoàn Kiếm đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm theo phương án quy hoạch kiến trúc công trình được phê duyệt. Tiến độ thực hiện trong 3 tháng.
Ông Hùng nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư xây dựng phải tuân thủ đúng công năng, mục đích của dự án, nghiêm cấm sử dụng công trình vào mục đích kinh doanh dịch vụ dưới bất kỳ hình thức nào.
TP Hà Nội cũng yêu cầu quận Hoàn Kiếm trước khi thực hiện dự án có trách nhiệm thông báo, công bố công khai, đầy đủ các thông tin của dự án và trả lời các hộ dân, các tổ chức liên quan theo đúng quy định pháp luật.
UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án công trình theo đúng quy định của Nhà nước và UBND thành phố.
Trước đó dự án xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm đã vấp phải sự phản ứng của một số hộ dân tại khu vực này. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc xây dựng xung quanh Hồ Gươm sẽ làm giảm không gian xanh tại đây.
Theo NTD