Kỳ lạ người không… mạch, không… huyết áp vẫn sống khỏe
Ông đến BV nào là nơi đó nháo nhác. Hết y tá đến bác sĩ “thi nhau” đo huyết áp, bắt mạch cho ông, nhưng càng đo, bắt, càng không tin nổi sự thật về con người kỳ lạ này.
Ông tên là Lê Văn Khi (75 tuổi, trú thôn 3, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thời chiến tranh, ông 17 lần bị thương, dù vậy sức khoẻ vẫn tốt. Ông làm nông, thanh niên không theo kịp. Mọi việc chân tay trong nhà, ngoài vườn, dù nặng dù nhẹ, một mình ông cáng đáng, kể cả xây nhà, ông tự làm tuốt. Có lẽ ông khoẻ vì… cười nhiều, nụ cười hồn hậu phô hết cả răng, đôi mắt nhắm tít lại.
Con người lạ lùng này ở tuổi 75 vẫn cầm cuốc dẻo dai như thanh niên
Ông Khi phát hiện mình “khác người” từ năm 1995. Ông là cán bộ có công nên cứ 5 năm một lần được Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Quảng Nam (đóng tại Cẩm Hà, Hội An) cho đi an dưỡng một lần. Đợt an dưỡng kéo dài 8 ngày, nhưng ông chỉ ở đúng một buổi là bị “đuổi” về.
Việc đầu tiên trung tâm thực hiện là cho nhân viên bắt mạch, đo huyết áp ông Khi để nắm vài thông tin về sức khoẻ. Giám đốc trung tâm, BS Tôn Thất Hoàng, nói: “Đây là cơ sở điều dưỡng chứ không phải điều trị, chúng tôi chỉ khám sơ, nếu ai có bệnh thì giới thiệu đến bệnh viện điều trị…”. Tuy nhiên, cái chuyện khám sơ đó lại làm nhân viên trung tâm toát cả mồ hôi vì tìm hoài không ra mạch và đo hoài không ra huyết áp của ông Khi.
Nhân viên báo cáo lên giám đốc. Giám đốc trực tiếp bắt, rồi đo, nhưng càng bắt, càng đo, càng… sợ. “Ca” này, giám đốc (thời năm 1995) chưa từng thấy nên có phần lúng túng và cả hoảng sợ. “Họ nghĩ tôi chết đến nơi rồi, chứ người sống ai lại không có mạch. Vậy nên giám đốc bảo Phòng Chính sách của trung tâm chi cho tôi 700.000 đồng (chế độ đối với người không đi an dưỡng – PV) và mời thẳng tôi ra cửa, bảo về nhà nhanh”, ông Khi kể lại và há miệng cười khùng khục.
Ông Khi về nhà, kể lại với vợ con, ai nghe cũng cười. Mạch, huyết áp là gì, những con người hồn nhiên này không quan trọng, miễn là không đau ốm và làm việc bình thường.
Lúc nào đau ốm phải đến bệnh viện, ông Khi đều mang theo sổ bảo hiểm y tế. Tại đây, tất cả các trang có phần đón tiếp (phần I) không thấy ghi bất cứ chữ gì, từ mạch, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ cho đến cân nặng… “Họ đo không được huyết áp là đưa tôi lên thẳng giám đốc liền, chẳng ai còn nghĩ đến chuyện tôi nặng bao nhiêu…”, ông Khi kể.
Năm 2012, một đêm ông Khi bị đau tức ngực dữ dội. Ông đến BVĐK khu vực Quảng Nam (Vĩnh Điện, Điện Bàn) và gây nên một phen nháo nhác ở đây. Y tá, bác sĩ của nhiều khoa xúm vô “vật lộn” với mạch và huyết áp của ông đến mấy giờ đồng hồ. Sau cùng, các bác sĩ cùng hội chẩn và bảo ông gọi con gái (chị Lê Thị Hoa, đang là cán bộ bộ phận Bảo trợ xã hội của Phòng LĐTBXH huyện Điện Bàn) đến, cho biết tình trạng mạch và huyết áp của ông là “chưa từng gặp”; rồi cho xe chở ông ra BVĐK TP.Đà Nẵng. Tại đây, nhân viên bệnh viện lại “khốn khổ” với mạch và huyết áp của ông đến 16h chiều và sau cùng đành cho ông về nhà.
Đến năm 2013, không thể chịu nổi những cơn đau tức ngực, ông Khi lại lên BVĐK khu vực Quảng Nam và tiếp tục được chở ra BVĐK Đà Nẵng, lần này ông được cho nhập viện. Ông ở lại 4 tuần, uống nhiều thuốc cho đến khi đỡ tức ngực mới về.
Dù ông Khi đau bệnh gì, phần đón tiếp trong sổ bảo hiểm y tế của ông cũng đều bỏ trống
Video đang HOT
Vào ngày 10/3, chúng tôi trở lại BVĐK khu vực Quảng Nam tại Điện Bàn, nghe nhắc đến tên ông, nhiều bác sĩ ồ lên: “Nhớ, nhớ rồi, cái ông… không mạch!”, BS Võ Đôn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, nói: “Trong y văn thế giới có nhắc đến trường hợp này, từ chuyên môn gọi là vô mạch. Thế giới chắc là có, còn trong nước mình có hay không, tôi không biết, nhưng cá nhân tôi trừ trường hợp ông Khi thì chưa gặp bao giờ”.
Chiều cùng ngày, qua điện thoại, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cũng bảo chưa từng gặp trường hợp này bao giờ.
Một bác sĩ ở BVĐK khu vực Quảng Nam có nói rằng, người mắc bệnh này máu chảy rất chậm, yếu, dẫn đến thiếu máu ở các chi nên tay, chân thường lạnh. Đúng vậy, trời nắng nóng nhưng sờ vào tay ông Khi, thậm chí bả vai, lưng, ngực đều thấy lạnh. Tuy nhiên con người “da cá” này lại cười tít mắt: “Da lạnh kệ nó, bác ít khi thấy lạnh, mùa này bác có bao giờ mặc áo lạnh đâu”.
Vợ ông nói, cả chục năm nay, ông Khi mất ngủ. Ông uống thuốc rồi uống bia… cho say để ngủ, nhưng vẫn không ngủ được. Lạ là dù đêm mất ngủ, nhưng ngày ông vẫn làm việc bình thường. Chỉ 2 năm nay, khi xuất hiện cơn đau tức ngực, ông mới thấy mình xuống sức.
Con người lạ lùng này còn sở hữu nhiều điều lạ lùng khác, như việc ông bị thương ở phần oái ăm nhất và chuyện ông cho ra đời những người con với cái duyên rất kỳ lạ… Chúng tôi sẽ trở lại những chuyện lạ khác của ông Khi trong dịp gần nhất.
Theo Cẩm Châu
Dân Việt
Điêu tàn sau cơn bão kép
Bão Hoa huệ càn quét miền chân sóng Quảng Nam, dựng lên những ngôi làng miệt biển trên khung cảnh điêu tàn. Nhưng, nước mắt sẽ không cạn, nếu không có một cơn bão khác từ bờ. Những cơn bão khô khan, vô cảm đúng như cái tên của nó: dự án, quy hoạch.
Bộ đội giúp dân khắc phục nơi ở sau bão.
Nghẹn đắng miệt biển
Cơn bão số 11 quét qua, xã Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) có những ngôi làng mới mang tên "Làng Nari". Cuộc sống người dân vùng biển vốn bình yên nay tan hoang như vừa trải qua một trận chiến. "Huy động hết lực lượng vẫn không xuể để giúp dân. Bão lớn, giờ cả xã tan hoang, dân khốn khó", ông Võ Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Duy Hải nói trong vội vàng khi chúng tôi đến.
Sáng 16/10, cán bộ xã và lãnh đạo các thôn, các đoàn thể được triệu tập họp để báo cáo thiệt hại và phân công nhiệm vụ khắc phục giúp dân. 15 phút họp nhanh, mọi người tỏa về thôn giúp dân khắc phục hậu quả của bão Nari.
Duy Hải xã nghèo ven biển, gần hết diện tích của xã vướng phải quy hoạch của Dự án sắp xếp dân cư ven biển của tỉnh. Dự án nhằm mục tiêu giảm nhẹ thiên tai, ấy nhưng đã bị treo mấy năm nay, người dân không được cơi nới, sửa sang nhà cửa. Bão Nari quét qua, Duy Hải tan hoang, xơ xác.
"Gần 50% nhà cửa của người dân xã Duy Hải bị tốc mái, đổ sập. Dân nghèo giờ càng nghèo hơn", ông Toan thở dài. Gần 800 hộ dân của xã bị tốc mái, sập nhà, chưa kể trường học, trụ sở bị tàn phá. Thôn Trung Phường, nằm mé biển ngổn ngang đổ nát. Sau cơn bão, người dân tự đặt tên mới cho làng mình là "làng Nari".
18 ngôi nhà nằm ven biển gần nửa đã bị xô ngã, tốc mái. Trước ngày bão vào, dân làng ở đây được thông báo, tổ chức di dời đi lánh bão. Bão tan, bà con gồng gánh quay về thì nhà cửa đã đổ nát, tài sản bị nước biển cuốn mất.
Cụ Phạm Thị Thông cạn nước mắt sau bão.
Bà Phạm Thị Thông, 76 tuổi, một ngày sau bão thất thểu trên cát, đào bới tìm tấm di ảnh của chồng bị bão cuốn. Nhiều người ứa nước mắt vì thương hoàn cảnh của bà. Ngôi nhà bà Thông bão đã phá nát gần một nửa, chờ đổ sập.
Trước, nhà bà Thông cách biển hàng chục mét, nay chỉ còn mấp mé mép biển, chờ sóng nuốt chửng. Trong bão, bà Thông chạy về nhà con trai cách đó không xa để trú bão. Nhà con trai tốc mái, bà Thông thoát chết trong chốc lát.
Căn nhà bà trống trơn, không còn gì đáng giá. Anh Trần Văn Lành con trai bà Thông ngậm ngùi, thương mẹ một đời lầm lũi. Giờ nhà cửa nát tan, phận làm con không biết tính sao để giúp mẹ già.
Đối diện, căn nhà bà Trịnh Thị Là (72 tuổi) cũng đã tốc mái gần hết. Căn nhà được cất lên từ tiền hỗ trợ của nhà nước mới được mấy năm, giờ đã không còn nguyên vẹn, nhà nghèo lại càng nghèo thêm. "Nghe tin bão vào, tôi cùng dân làng bỏ chạy. Chạy thoát thân, nhưng tài sản bị nước biển cuốn hết rồi. Dân làng ở đây giờ không biết lấy gì để gây dựng lại nhà cửa", bà Là thở dài.
Thôn Tây Sơn Đông nằm giữa bốn bề cát trắng. Ngôi nhà ba mẹ con chị Nguyễn Thị Bảy nằm trên gò cát cao nhất thôn, nơi gánh chịu sức tàn phá khủng khiếp của bão. Căn nhà chị Bảy đổ sập rạng sáng 15/10 khi bão đổ bộ.
Chồng mất sớm, mình chị Bảy một mình bán vé số, nhặt ve chai nuôi 2 con ăn học. Trong cơn cuồng phong, trong đêm tối chị Bảy chỉ kịp tháo chạy thoát thân, chiếc xe máy tài sản lớn nhất thì bị đập nát vùi lấp trong gạch đá. Ngồi thẫn thờ bên đống đổ nát, chị Bảy khóc nghẹn: "Nhà sập, ba mẹ con rồi đây không biết sẽ sống ra sao".
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con gái đầu của chị Bảy sớm nghỉ học phải đi ở cho một gia đình ở Đà Nẵng với đồng lương ít ỏi phụ giúp mẹ nuôi em ăn học. Mỹ Hương con gái út chị Bảy, hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế 2 ở Đà Nẵng, nghe tin nhà cửa đổ nát, nghỉ học về với mẹ. "Giờ em chắc phải nghỉ học thôi", Hương nói trong nước mắt.
Nari không làm người dân khóc
Miền chân sóng Hà My (Điện Bàn, Quảng Nam) chộn rộn cả buổi sáng qua. Tâm bão đêm 14 rạng sáng 15/10 xộc thẳng vào 6 thôn ven biển Điện Dương tạo nên khung cảnh hoang tàn. Hàng chục nhà đổ sập, hàng trăm nhà tốc mái, trâu bò lợn gà chết.
Người dân thực sự lâm vào cảnh khốn cùng. Họ không khóc, bởi đã quá quen với những cơn thịnh nộ của đất trời, cũng như họ đã nhẫn nhục cả kiếp người sống trong vùng dự án treo, không được cơi nơi, sửa sang nhà cửa. Mỗi lần đón bão, mỗi lần trắng tay, thậm chí mất mạng. Họ đã quá quen!
Ngồi vá lưới chuẩn bị cho chuyến đi biển mới trong căn nhà trống hoác, anh Ngô Dân, cười hiu hắt: Đó, bay hết trơn rồi. Chẳng còn gì. Anh Dân ở thôn Hà Quảng Bắc, sát bờ biển, như bao thôn làng ở miền duyên hải, mỗi nắng hứng chịu trên dưới 10 cơn bão nặng nhẹ.
"Quen rồi chú ạ. Như đêm rồi, 3 giờ sáng, nhà chèn chống kỹ như vầy mà nó giật tung. Tôn bay mất đi đâu không còn dấu tích. Thôi đành kệ ra sao thì ra, kiếm cái ăn đã".
"Nghe tin bão vào, tôi cùng dân làng bỏ chạy. Chạy thoát thân, nhưng tài sản bị nước biển cuốn hết rồi. Dân làng ở đây giờ không biết lấy gì để gây dựng lại nhà cửa". Bà Trịnh Thị Là (72 tuổi)
Căn nhà chỉ còn mấy bức tường của anh Dân chẳng có vật dụng gì đáng giá. Bao năm quần quật đi biển, giỡn mặt với tử thần, gia sản của vợ chồng anh chỉ là 5 đứa con giờ cũng đang vất vả mưu sinh vùng biển. Nói sòng phẳng, anh Dân có 2 nhà, nhưng một cái gọi là nhà ở phía trước như túp lều che tạm. Năm 2003, giải tỏa làm đường, anh ở phía trên, 110m2 đất ở cùng nhà kiên cố, anh được đền bù 160 triệu, về mua đất làm nhà ở Hà Quảng Bắc còn thiếu.
"Bao năm nay sống thế này, nhà cửa tạm bợ cũng sợ lắm nhưng họ không cho làm nhà kiên cố, không cho sửa sang. Đến khổ vì mấy ông dự án. Dân muốn làm cái nhà yên lành chống bão cũng không cho. Dự án thì ông treo mấy chục năm trời. Tui năm nay quá ngũ tuần, sống hết đời không biết dự án nó có triển khai không?". Anh Dân thở dài thườn thượt, xong quay sang vá lưới để chuẩn bị cho chuyến biển ngày mai. Anh không còn thời gian suy nghĩ xem, cả làng này chịu ấm ức đến lúc nào.
Vợ chồng anh A Tuấn (dân tộc Nùng, di cư từ Cao Bằng vào Quảng Nam) ngao ngán nhìn ngôi nhà giờ chỉ còn đống gạch vụn: Hai cơn gió mạnh, kéo xà gồ lẫn tôn bay xuống ruộng. Thêm một cú giật ghê người độ 5 giờ sáng, sập hoàn toàn. Vợ chồng A Tuấn sinh sống ở thôn Quảng Gia từ năm 2003, như hàng ngàn dân 6 thôn ven biển Hà My.
"Lệnh trên ban xuống từ ngày đến đây làm nhà, không được xây kiên cố, làm tàm tạm để sau còn dỡ đi cho nhanh. Vùng này dự án. Sửa sang cũng không, cơi nới lại càng không. Trồng cây cối à. Quên đi cho nhanh. Vùng dự án quy hoạch rồi, lấy chi mà đền bù". A Tuấn nói đoạn, chạy xồng xộc đi. Vợ chồng anh cố gắng lượm lặt từ đống đổ nát để dựng căn lều ở tạm.
Ông Đinh Hồng Lâm - Phó Chủ tịch xã Điện Dương (Điện Bàn) không ngạc nhiên mấy với nỗi khổ của dân: "Biết chứ, chính quyền biết hết mà đành bó tay bao năm nay".
Xã chỉ có 3.700 hộ dân, tập trung phần đa 6 thôn ven biển mà đã có trên 30 dự án đã và đang quy hoạch. "Mới có 2 cái triển khai và đang sử dụng, còn lại trên giấy cả. Du lịch, khách sạn resort hết. Nói hoài mà không thấy đâu. Quy hoạch treo mà, chỉ dân là khổ".
Năm ngoái trở lại đây, dân nói quá, lãnh đạo xã bắt đầu mạnh miệng lên tiếng, cho dân xây nhà kiên cố nếu đúng thửa, đúng sổ đỏ. Nhưng chưa kịp xây thì Nari đã kịp oanh tạc, bứng hết!
Dọc đường ven biển Hà My, dân lại ồn ào ngày mới, chuẩn bị ra khơi. Họ đã bỏ lại ấm ức, bỏ lại nhọc nhằn phía sau cơn bão để ào vào mưu sinh cho tương lai. Họ cam chịu như thế đến hết cuộc đời.
Theo Nam Cường - Nguyễn Thành
Tiền phong
Đi chợ sớm, một phụ nữ bị container cán tử vong Bà Bé đi chợ sớm, không may bị xe container va phải, gây tử vong Cơ quan điều tra cho biết khoảng 4 giờ ngày 9-3, tại km14, quốc lộ 5 Hải Phòng- Hà Nội (cách trạm thu phí An Hưng, Hải Phòng chưa đầy 100m) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe container, bks rơ-moóc 16R-1311 do lái xe Phạm...