Kỳ lạ ngôi đền cổ 700 tuổi giữa “lò sấy Đông Dương”
Ngôi đền ẩn mình trên mỏm đất ở ngã ba sông, những câu chuyện huyền bí về ngôi đền hơn 700 tuổi khiến những ai đặt chân tới không khỏi sững sờ.
Đền cổ trong thâm sơn
Tại xã Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An), mảnh đất mệnh danh chảo lửa Đông Dương với mùa hè 42 độ C, ít ai biết còn có một ngôi đền bí ẩn ở ngã ba sông.
Ngôi đền đặc biệt đó có tên dân dã: Đền Vạn. Đền Vạn toạ lạc trên một bãi đất, cây cổ thụ xanh tốt um tùm có tên là Cồn Đền với điện tích 11.268m2. Theo truyền thuyết, Cồn Đền có từ thuở hồng hoang. Ở nơi này, vào năm 1985, người ta đã phát hiện ra nhiều hiện vật minh chứng cho sự có mặt rất sớm của người Việt cổ đã từng sinh sống thông qua những rìu đá, rìu đồng, chuông đồng, các loại vũ khĩ thô sơ bằng đồng.
Đó là mỏm đất nhô ra, nơi giao hòa giữa hai con sông có cái tên đầy ẩn ý là Nậm Mộ, Nậm Nơn, Đó cũng là nơi khởi nguồn dòng Lam huyền thoại.
Ngôi đền ngã ba sông được xây dựng từ thế kỷ XIV. Các nhà phong thuỷ từ xưa tới nay khi du ngoạn qua ngã ba sông đều khẳng định đây là vùng đất thiêng hội đủ “long – ly – quy – phượng” nên ngôi đền nhận được nhiều linh khí.
Mùa mưa này, đứng bên này sông nhìn sang Cồn Đền thật xa. Trong năm, cũng có lúc Cồn Đền thật gần. Đó là giữa mùa mùa khô, nước sông vơi đi, chỉ cần chống vài con sào là từ bên này sông có thể sang đến nơi. Theo mùa nước, Cồn Đền như chiếc thuyền mủng lớn mùa mưa chìm ngập đi một nửa thân mình, rồi mùa khô lại nhô lên cao vút.
Lối lên ngôi đền hơn 700 tuổi. Ảnh: H.Phương
Theo chân ông Nguyễn Trọng Thắng – Ban quản lý di tích Đền Vạn qua sông, chúng tôi sang vùng đất linh thiêng. Những cây cổ thụ nghìn năm tuổi sừng sững trong khuôn viên ngôi đền. Phía bên tay phải đền là cây đa được xác định không dưới 1000 năm tuổi. Cây cao, lớn vài người ôm mới xuể. Phía tay trái là cây duối cổ thụ, nhưng người địa phương quen gọi là cây ngoéo. Cây có tuổi thọ khoảng 700 năm tuổi vẫn đứng hiên ngang. Người địa phương bảo rằng, hai đại thụ này là hai thần hộ pháp canh giữ cổng đền.
Phía sau đền là cây bồ đề tuổi đời hơn 5 thế kỷ. Không gian tĩnh lặng, nơi heo hút của núi rừng này chỉ còn nghe tiếng nước reo và tiếng gió xào xạc từ đại ngàn thổi về. Vẫn còn những dấu vết của trận lũ vừa rồi khi những mảng bờ lớn bị xói bong ra.
Ông Thắng bảo: “Hồi chúng tôi còn nhỏ, vẫn thường trèo lên ngọn cây từ đây có thể nhìn ra tận các huyện xa hoặc nhìn sang phía nước Lào. Nhưng thời gian khắc nghiệt đã quật gẫy ngọn cây nên bây giờ cây không còn đồ sộ như xưa”.
Video đang HOT
Cổ thụ trong khuôn viên Đền Vạn. Ảnh: H.Phương
Linh thiêng
Những bậc cao niên ở đây kể lại rằng ban đầu, toạ lạc trên Cồn Đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ do người dân địa phương dựng lên vào năm 1335 để để thờ cúng và đời đời ghi nhớ công ơn của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (1280- 1335) cùng các tướng sỹ thời Trần phụng mệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc Ai Lao quấy nhiễu bờ cõi Tây Nam, đã tử nạn tại đây.
Tưởng chừng như ngôi miếu bị đi vào quên lãng khi nằm ở một địa thế đặc biệt, nhưng sau đó không lâu nơi này được người dân làm nghề vạn chài đầu nguồn sông Lam đã góp tiền góp của công đức tôn tạo thành ngôi đền hoàn chỉnh.
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, ngôi đền vẫn sừng sững với thời gian. Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Tương Dương vẹn nguyên những giá trị văn hoá tâm linh… Ngôi đền ngay nay được sơn son thếp vàng, khang trang mà không mất đi vẻ cổ kính. Điều làm ông Thắng luyến tiếc nhất là những cổ vật có từ trước thế kỷ XIV được lưu giữ ở đền đã không còn nhiều.
Chiêng đồng ở đền với tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: H.Phương
Đền Vạn cổ kính tọa lạc nơi thâm sơn cùng cốc nên những cổ vật quý báu không phải là ít. Đó cũng là lý do khiến những tên trộm cắp nhòm ngó đêm ngày. Ông Thắng cho biết, có kẻ đã liều lĩnh đột nhập lấy đi cái chuông đồng nhỏ. Kẻ khác lại lấy đi cái kẻng, lư hương hay tượng đồng. Những kẻ xâm phạm đền thiêng đánh cắp cổ vật đều bị quả báo. Kẻ thì chết bất đắc kỳ tử, kẻ khác lại phát điên phát dại. Các cổ vật theo những con đường nào đó lại tự nhiên trở về với đền.Thỉnh thoảng ông lại khoe với tôi: “Cái này ba bốn trăm năm rồi đây, cái kia có từ thời mới dựng đền…”.
Bà Hiển, một người dân bên này sông kể: “Ngôi đền linh lắm, đó là nơi hương khói của đại bộ phận những người làm nghề đánh cá trên sông Lam. Không biết bao nhiêu lần, những vụ chết đuối trôi sông, tìm mấy ngày liền không thấy, gia quyến vào đền xin thần sai đường chỉ lối quả nhiên tìm thấy”.
Theo Hà Phương (Báo Gia đình & Xã hội)
Ngày Tết du ngoạn Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Trong cái lạnh se sắt của đất trời, khi đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên trong lòng giữa khung cảnh thiên nhiên mộc mạc và trong lành.
Thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên một quả đồi ở lưng chừng núi Tam Đảo thuộc thôn Đền Thỏng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Cứ vào dịp Tết, du khách thập phương đều tìm đến đây để chiêm bái và cầu mong những điều tốt đẹp cho một năm mới.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng mới trên chính nền tảng của Thiên Ân thiền tự cổ, có lối kiến trúc mang dấu ấn của một ngôi chùa Việt. Bạn phải leo qua hàng trăm bậc đá mới đến được cổng tam quan, sau đó mới vào được chùa.
Thiền viện có tòa Đại Hùng Bửu Điện - là tòa chính điện nằm ở trung tâm, cao 17 m, diện tích 675 mét vuông, có sức chứa 600 người. Đây là nơi dành cho Phật tử và khách hành hương chiêm bái hoặc nghe giảng về Phật pháp.
Nhờ được bao phủ bởi hệ thống thiên nhiên đa dạng và hoang sơ, thiền viện như một khu tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ dưới chân núi, bạn sẽ nhìn thấy các tòa tháp thấp thoáng sau những rặng cây và bí ẩn một cách lạ thường.
Phóng tầm mắt từ trên tòa Bửu Điện, bạn sẽ bắt gặp tượng đức Phật Quan Âm Bồ Tát. Giữa khung cảnh thiên nhiên, nét mặt và ánh mắt từ bức tượng như xóa nhòa mọi mệt nhọc và lo toan trong cuộc đời thường của bất kỳ ai.
Bên phải chính điện là Lầu Trống. Thân trống làm bằng một khối gỗ mít rừng Gia Lai có đường kính 1,3 m, dài 2 m. Bên trái là Lầu Chuông. Quả chuông có cân nặng là 2 tấn được đúc từ một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Huế.
Tiếng trống ngân vang như mang đi mong cầu của con người đến với đức Phật, cầu mong một năm mới sung túc, an vui.
Không chỉ tham quan hoặc dâng hương, du khách còn có cơ hội được đắm mình trong không gian yên tĩnh, tôn nghiêm với không khí trong lành, gió núi mát mẻ và bạt ngàn màu xanh cây cỏ.
Với mỗi người, chuyến hành hương Tây Thiên là một sự đến hay trở về, song cả hai hành trình đều tràn ngập niềm hỷ lạc, an bình tự tại. Cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú, hùng vĩ, thanh bình và ngoạn mục đẹp trong từng giây, từng khoảnh khắc sẽ để lại trong lòng bạn nhiều xúc cảm.
Ngoài ra, trong thiền viện còn có một gian nhà chuyên bán các loại sách, kinh về Phật pháp và cả những món quà lưu niệm được sản xuất tại chùa. Bạn có thể mua một vài món đồ để làm quà cho gia đình hoặc bạn bè.
Sau khi thăm thiền viện, du khách còn có thể đi tham quan khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự, đi cáp treo lên núi thăm chùa Tây Thiên, đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, đền Cô, đền Cậu, Đền Thõng, thác Bạc...
Theo VNExpress
Khám phá ngôi đền cổ nhất Hà Nội Với hơn một nghìn năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nhất của thủ đô Hà Nội. Nằm ở địa chỉ 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đền Bạch Mã là một trong tứ Trấn của kinh thành Thăng Long xưa (gồm bốn ngôi đền: Đền Quán Thánh trấn...