Kỳ lạ hai anh em bị căn bệnh giống ếch
Nhìn 2 đứa con bước xiêu vẹo như sắp ngã, chốc chốc chúng nó lại dừng lại nghỉ ngơi để lấy sức bước tiếp. Giờ đến nhà cũng không có, phải đi ở nhờ nhà họ hàng. Hai vợ chồng chỉ nuốt biết nuốt nước mắt nhìn con bị hành hạ bởi bệnh tật.
Lúc mới sinh ra thân hình cả hai em đã không bình thường, đứa lớn ở cái tuổi 12, chỉ cao 70cm, nặng 12kg. Đứa em gái nhỏ bệnh chưa nặng, nhưng cũng đã có những biểu hiện giống anh trai mình. Càng lớn ngực hai đứa trẻ càng phình ra, chân tay teo tóp dần, mắt thì lồi rồi mờ dần…Mỗi lần đi học, không may bị ngã lại ngất, bố em lại phải tất tưởi chạy đến trường mang đi bệnh viện.
Vợ chồng anh Vụ chỉ muốn chữa bệnh cho con nhưng ước mơ ấy quá xa vời.
Đó là hoàn cảnh đáng thương của em Đỗ Hoài Nam (sinh năm 2001) và Đỗ Bích Ngọc (sinh năm 2007) ở xóm 6, xã Tràng An, huyện Bình Lục. Cả hai đều mắc căn bệnh lạ. Hiện tại hai anh em Nam và Ngọc đều di chuyển rất khó khăn, ngực ngày càng phình to, mắt thì lồi ra, chân tay ngày một teo tóp…
Ngồi nghe tâm sự của anh Đỗ Viết Vụ (sinh năm 1977) và chị Nguyễn Thị Lợi (sinh năm 1982), chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Năm 2000 anh Vụ và chị Lợi, hai phận nghèo gặp nhau bén duyên vợ chồng, gia đình nội ngoại hai bên hoàn cảnh cũng quá nghèo, nên lúc cưới anh chị phải đến ở nhờ nhà của nhà bà dì, tiện thể trong coi luôn.
Mặc dù nghèo khổ nhưng anh chị vẫn hết mực yêu thương nhau và thông cảm cho nhau nên gia đình luôn hạnh phúc. Hạnh phúc càng được nâng lên khi năm 2001, anh chị đón chào đứa con đầu lòng là Đỗ Hoài Nam, Nam sinh ra cũng rất bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng chỉ đến khi cháu Nam được 7 tháng tuổi thì bắt đầu có những biểu hiện lạ.
Hai anh em Nam và Ngọc.
Đầu tiên là da tay, chân khô ráp, cơ thể không phát triển, cứ teo tóp lại. Thấy con bị ốm hai vợ chồng anh chị khăn gói đưa cháu Nam đến Bệnh viện nhi TW để khám bệnh. Nhưng theo kết luận của bác sỹ chưa khám ra bệnh của cháu và cháu Nam bị bệnh này là bẩm sinh. Bây giờ chỉ có uống thuốc để giảm cơn đau cũng như thuốc bổ để bồi dưỡng cơ thể.
Không nản lòng, 2 vợ chồng về bán hết những thứ có giá trị trong nhà, vay mượn gom góp được bao nhiêu tiền anh chị đều đưa cháu đi khắp các bệnh viện chỉ để tìm ra nguyên nhân và điều trị cho con. Nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được kết luận là cháu bị bẩm sinh.
Càng lớn chân tay Nam càng teo tóp, ngực thì cứ phình ra, mắt thì ngày càng lồi và mờ dần. Hiện nay Nam phải đeo kính cận lên đến 7 độ. Nhìn những bước chân xiêu vẹo mỗi khi Nam bước đi, và cứ đi được một đoạn em lại dừng lại nghỉ, em không thể đứng thẳng người, mà thân hình em chẳng khác gì một cây tre cong.
Đến tuổi đi học, Nam được bố mẹ cho đến trường, đến lớp chỉ một mình Nam ngồi thu một góc, không chơi, không trò chuyện với ai, chỉ nhìn qua khe cửa sổ nhìn các bạn cùng trang lứa tung tăng nô đùa. Đến lớp 2 thì, thể thể trạng Nam quá yếu, mỗi lần đi học, không may bị bàn bè va chạm mạnh, hay bị ngã là Nam lại ngất, cứ mỗi lần như vậy anh Vụ lại phải bỏ tất cả công việc để đưa con đi đến trạm y tế.
Năm 2007, vợ chồng anh Vụ sinh tiếp lần nữa. Nhưng dường như số phận quá trớ trêu với cái gia đình nhỏ bé ấy, bé Đỗ Bích Ngọc vừa sinh ra thì có những biểu hiện khác thường, chị Lợi đưa con đi khám thì cũng nhận được hung tin, cháu Ngọc cũng bị bệnh giống hệt cháu Nam. Càng lớn Ngọc cũng có những biểu hiện giống hệt anh mình, chân tay cũng cứ teo dần, ngực cứ phình ra, cơ thể chậm phát triển.
Dù làm việc nhưng chị Lợi vẫn luôn phải để 2 đứa con bên mình để canh chừng.
Gia cảnh anh chị vô cùng khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào 2 sào ruộng cùng những ngày đi phụ hồ của anh Vụ với số tiền làm vàng mã của chị Lợi. Nhưng không thấm tháp vào đâu so với số tiền thuốc mà mỗi tháng anh chị phải mua về cho hai cháu Nam và Ngọc.
Ngồi thu vào một góc, ánh mắt buồn bã, khác với những đứa bé cùng trang lứa nghịch ngợm khác. Nhưng khi bắt chuyện Nam rất thân thiện. Chúng tôi hỏi Nam “cháu có muốn đi học không?”. Ánh mắt Nam dường như sáng lên rồi trả lời: “Có ạ! Cháu muốn được đi học lắm, cháu muốn chơi với các bạn nữa, nhưng chẳng có ai muốn chơi với”. Nghe câu trả lời của Nam, chị Lợi òa khóc, chị thương con biết chừng nào, nhưng số phận quá nghiệt ngã khi bắt hai đứa con chị phải chịu khổ như bây giờ”.
Video đang HOT
Hàng ngày, anh Vụ đi làm phụ hồ, vì phải trông con nên chị Lợi phải ở nhà, và làm thêm vàng mã đi bán. Chị Lợi nghẹn ngào tâm sự: “Gia đình tôi đã đưa hai con đi mấy bệnh viện để khám rồi, nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân bệnh, mà bây giờ mọi thứ đáng giá trong nhà đã bán hết, đến nhà cũng phải đi ở nhờ. Hoàn cảnh như thế này thì giờ chúng tôi không biết lấy tiền đâu ra để đưa hai đứa đi khám tiếp…”.
Chia tay gia đình chị Lợi, vẫn hình ảnh hai cháu Nam và Ngọc bước ra chào, vẫn những bước đi nặng nề, nó cứ ám ảnh chúng tôi. Có lẽ ước mơ được cắp sách đến trường của hai anh em bị bệnh giống ếch khó thành hiện thực.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 800: Anh Đỗ Viết Vụ, chị Nguyễn Thị Lợi: Xóm 6, xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
ĐT: 03516.286.415
2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học & Dân trí – Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công – Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh – Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK – MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Theo Dantri
Người mẹ liệt và ba đứa con trong ngôi nhà dột nát
Người phụ nữ khó nhọc kéo đôi chân bị liệt cho ngay ngắn trước khi ngả lưng xuống giường. Sau tai nạn đường sắt cướp đi sinh mạng của chồng, chị Trần Thị Dung (phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị liệt nửa người phải oằn mình mưu sinh nuôi ba đứa con.
Cả ngày được các bác hàng xóm bế đi chơi và cho ăn, đến tối cu Hiếu mới về nhà. Ảnh: Bình Minh.
Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã tới thăm, tặng quà các nạn nhân và gia đình sau tai nạn giao thông, trong đó có chị Dung. Hoàn cảnh khó khăn, chị Dung được miễn phí điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Đứa con lớn của chị đang học năm thứ hai Học viện Bưu chính Viễn thông cũng được miễn học phí...
Ngày 20/11/2011, vợ chồng chị Dung gặp tai nạn trên quốc lộ 6 khi đang đi đám cưới. Đến chỗ giao với đường sắt không có rào chắn, vợ chồng chị bị tàu hút vào. Người chồng bị kéo lê 10 m và chết tại chỗ còn chị Dung bất tỉnh. Ngay sau đó, chị được đưa vào viện cấp cứu. Bị đa chấn thương, đứt tủy và gãy xương đùi, chị trở thành tàn phế.
Mếu máo, chị nhớ lại những ngày đầu khi tai nạn mới xảy ra: "Tôi phải mổ từ rốn xuống, khắp người dây dợ chằng chịt. Các bác sĩ còn lắc đầu khi không biết tôi có sống nổi không. Mãi sau khi tôi tỉnh và dần ổn định, mọi người trong nhà mới cho tôi biết chồng đã mất".
Đến giờ, chị Dung vẫn áy náy khi chưa biết mộ chồng và chỗ thờ chồng vì nhà mấp mô, xe lăn không xuống được.
Cậu út mới 3 tuổi nhưng đã biết dỗ dành mẹ. Ảnh: Bình Minh.
Năm 1997, vợ chồng chị từ Hà Nam ra Hà Nội thuê nhà trọ buôn trứng. Sau nhiều năm ở lê la khắp các khu nhà trọ giá rẻ, vợ chồng chị chắt chiu và vay mượn mua được ngôi nhà cấp bốn ở phố Thanh Nhàn. Căn nhà dột nát, nền cao thấp mấp mô nên vợ chồng chị tính sang năm được tuổi sẽ xây nhà. Chưa kịp thực hiện thì tai nạn ập đến, dự định ấy đành gác lại chưa biết đến lúc nào. Số tiền dành dụm được trước đây đều đổ dồn vào chữa bệnh cho chị Dung khiến gia đình giờ kiệt quệ, không đủ ăn.
Thương tình, các mối bán trứng vẫn mang hàng tới cho mẹ con chị Dung bán ở nhà. Người anh chồng ở quê cũng giúp em mua gạo về nhà bán cho hàng xóm kiếm "đồng ra đồng vào". Giờ, nồi cơm nhà chị trông chờ cả ở quả trứng, cân gạo bán được.
Xẩm tối, chị Dung từ bệnh viện trở về nhà trên chiếc xe lăn. Đi qua chợ, người bán hàng thương tình dúi cho chị mớ rau hay bìa đậu. Chị giục người chị họ đẩy xe nhanh về nấu cơm cho mấy đứa nhỏ. Lúc trưa, cô con gái thứ hai đang học lớp 8 mếu máo gọi điện cho mẹ kêu đói vì không có chìa khóa vào nhà. Đã gần một năm nay, cuộc sống của chị gắn với chiếc xe lăn vì bị liệt nửa người, vệ sinh cá nhân không tự chủ được.
Trong căn nhà dột nát, người phụ nữ này nằm trên giường, một tay giữ ống thông tiểu, tay còn lại với ôm lấy cậu con út 3 tuổi cho đỡ nhớ. Hàng ngày, cậu bé được các nhà bên cạnh thay phiên nhau nuôi ăn và bế đi chơi đến tối mới mang trả. Từ sau tai nạn của bố mẹ, cậu bé lớn lên nhờ tình yêu thương và cơm của hàng xóm.
Thấy mẹ khóc, cậu bé lém lỉnh hôn lên trán mẹ rồi thắc mắc: "Sao mẹ lại hóc". Nói rồi, cậu bóc gói bim bim vừa được cho bón cho mẹ và cười thích thú khi phát hiện có món đồ chơi xe máy xếp hình bên trong. Cô chị tên Ngọc thấy vậy cũng leo lên giường bóp chân cho mẹ. Nhịn đói từ trưa, mãi tới tối cô bé mới lót dạ bằng bát bún riêu của bác hàng xóm mang sang. Cậu anh cả đi học xa bằng xe buýt nên buổi tối thường về muộn. Giờ có các bác ở quê thay phiên nhau lên chăm sóc mẹ, cậu mới đỡ. Trước đó, tắm rửa cho mẹ hay giúp mẹ đi tiểu đều đến tay cậu.
Từ lúc mẹ liệt, hai đứa con lớn nhà chị Dung phải tự lo chuyện sinh hoạt, học hành. Cả hai được đánh giá ngoan ngoãn, học giỏi. Cậu anh tên Hải hiện là sinh viên vẫn luôn được học bổng còn cô em gái kỳ nào cũng được giấy khen học giỏi và là lớp phó học tập. Không chỉ thay bố làm trụ cột trong nhà, Hải còn chăm sóc, thay rửa cho mẹ. Nhắc đến con, chị Dung òa khóc: "Thằng lớn bảo tôi, mẹ là mẹ của con nên con không ngại gì cả. Tôi nghĩ cũng tội nghiệp cho nó. Nếu là con gái thì đỡ, đằng này lại là con trai...".
Những đợt có người nhà ở quê lên giúp việc nhà, cậu con trai đều dặn các bác thay rửa cho mẹ cẩn thận vì sợ mẹ viêm nhiễm. Nghĩ mình nằm một chỗ không kiếm được tiền nuôi các con, có lần chị Dung định để đứa con lớn nghỉ học. Thương mẹ, Hải mếu máo đồng ý nhưng vẫn mong muốn được đi học để sau này có nghề. Người thân và hàng xóm biết chuyện đều khuyên chị Dung để con tiếp tục học, có khó khăn mọi người sẽ giúp đỡ. Cuối cùng, chị Dung đồng ý để con đến trường mà lòng thấp thỏm lo âu.
Những ngày mưa, chỗ chị Dung nằm bị dột. Chị lo mưa bão nhà đổ không chạy được. Ảnh: Bình Minh.
Muốn con không phải khổ, người mẹ này từng có ý định cho đi cậu con út tên Hiếu mới 3 tuổi. Cậu bé lém lỉnh và ít quấy. Hàng ngày Hiếu được các bác hàng xóm đưa đi siêu thị, đi chơi nên bé rất thích. Về đến nhà thấy mẹ khóc, Hiếu mon men lại gần dỗ dành và hỏi lúc nào chân mẹ khỏi để còn đưa con đi siêu thị. Không ít cặp vợ chồng hiếm muộn trong và ngoài nước đến xin nhận Hiếu làm con nuôi. Biết ý mẹ, anh em Hải khóc xin mẹ đừng cho em đi.
Cô con gái thứ hai hiền lành, giản dị. Đến tuổi biết làm đỏm nhưng Ngọc không thích mặc quần áo mới vì ngại. Đi học, cô bé chỉ diện đi diện lại bộ đồng phục đã sờn. Nhắc đến mẹ, Ngọc nghẹn ngào: "Mỗi hôm trở trời, nhìn thấy mẹ đau đớn, anh Hải và cháu không biết làm thế nào để mẹ bớt đau. Cháu không muốn mẹ nhìn thấy mình khóc. Cháu chỉ biết cố gắng học tốt để sau này thành bác sĩ".
Ngọc cho biết thêm, hồi tai nạn mới xảy ra, cô bé hay khóc vì nhớ bố. Trong trí nhớ của Ngọc, bố và con gái có thật nhiều kỷ niệm. Trước đây sáng nào hai bố con cũng xào mỳ ăn với nhau. Ngọc bảo bố xào mỳ rất ngon nên em thường tranh ăn với bố. Cô bé nhớ lần đi học về gọi cửa mãi nhưng bố ngủ quên không ra mở. Giận dỗi, cô ngồi ngoài khóc to cho bố nghe thấy dậy. Mỗi lần đi mua bia, thuốc lá hay rượu, Ngọc lại nhớ ngày xưa. Giờ thỉnh thoảng ngày lễ Tết, anh em Ngọc lại thay mẹ về quê thăm mộ bố. Sắp tới mẹ vào điều trị trong viện, Ngọc và anh trai phân công nhau đi đưa cơm và ở nhà bán gạo, trứng.
Bà Chu Thị Thơm, tổ trưởng dân phố 49, khu tập thể công an vũ trang cho hay, vợ chồng chị Dung sống chan hòa với bà con hàng xóm. Hàng ngày, chị chồng của chị Dung đi bán trứng cũng trích ra một chút để giúp mẹ con mua thức ăn.
"Hai vợ chồng chị Dung không có lương và sống bằng nghề buôn bán. Anh chồng qua đời còn chị Dung bị liệt, vệ sinh không tự chủ được. Khổ thân ba đứa trẻ. Phường đang làm thủ tục hộ nghèo để giúp đỡ gia đình chị Dung", bà Thơm nói.
Theo VNE
Cảnh khốn cùng của cô giáo làng mang bệnh hiểm nghèo Vẫn là đôi mắt trìu mến và giọng nói nhẹ nhàng đã dìu dắt bao thế hệ học trò, nhưng căn bệnh ung thư khiến cô Nhung trở nên tiều tụy. Nỗi thèm khát được trở lại bục giảng và tận tay chăm sóc hai đứa con thơ của cô đang xa dần. Chiều cuối tuần, những bệnh nhân ở gần về thăm...