Ký kết thỏa thuận cộng gộp xuất xứ sản phẩm dệt may với Hàn Quốc
Thỏa thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xuất khẩu đi thị trường EU.
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi ( Bộ Công Thương) cho biết, trong khuôn khổ các kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-Hàn Quốc về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại và Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng.
Đáng chú ý là thư trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Thỏa thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xuất khẩu đi thị trường EU
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD/năm.
Video đang HOT
Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang khu vực này mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 2% thị phần của thị trường EU rộng lớn và đầy tiềm năng. Do đó, lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ so với những tiềm năng mà thị trường này đem lại.
Khi có Hiệp định EVFTA, các chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.
Tuy nhiên, theo cam kết tại Hiệp định EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải đảm bảo những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Đáng chú ý là quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là điểm yếu của ngành dệt may trong nước do phần lớn nguyên phụ liệu dệt may đang phải nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA.
Do vậy, để xử lý điểm yếu về nguồn nguyên liệu dệt may, Việt Nam đã đàm phán với các nước EU đưa vào Hiệp định EVFTA điều khoản cho phép doanh nghiệp Việt Nam được cộng gộp hàm lượng xuất xứ của nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (nước đã ký hiệp định thương mại tự do với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU.
Ngay từ trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán thỏa thuận giữa hai bên để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ sản phẩm dệt may trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA.
Việc chủ động chuẩn bị và ký kết thỏa thuận cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc nói trên ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là rất cần thiết và kịp thời để doanh nghiệp Việt Nam có thể ngay lập tức giải quyết được khó khăn về nguyên liệu dệt may chất lượng cao và tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường EU tiềm năng và rộng mở./.
Xuất khẩu thủy sản tháng 6/2020 tiếp tục giảm 10%
Sau khi giảm 16% trong tháng 5/2020 đạt 639 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10% ước đạt 626 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, dịch Covid không thuyên giảm trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý II/2020. Sau khi giảm 16% trong tháng 5 đạt 639 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10% ước đạt 626 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt hàng, giảm sâu nhất là cá tra 31%, cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%, các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%.
Nguyên nhân do dịch Covid 19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu ảnh hưởng đến ngành thủy sản thế giới, khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35 - 50%. Giãn cách xã hội khiến sản xuất trong nước và thương mại quốc tế đình trệ, doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn, thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.
Lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ (HORECA) ngưng trệ, tiêu thụ các loài thủy sản chính cho phân khúc này giảm khiến giá sản phẩm thủy sản giảm đồng loạt trên thị trường thế giới. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá tuyết, cá hồi, cá chẽm, cá rô phi, mực, bạch tuộc đều bị giảm giá, khiến cho doanh thu của các nhà xuất khẩu giảm.
Theo VASEP, dịch Covid khiến xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, từ tháng 3, dịch lắng xuống ở Trung Quốc và bùng phát ở các nước châu Âu và Mỹ khiến xuất khẩu sang những thị trường này bị ảnh hưởng mạnh. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm sâu nhất với 35%, sang Mỹ giảm 6%, sang ASEAN giảm 17%, sang Hàn Quốc giảm 9%, Trung Quốc giảm 3% và sang Nhật giảm 5%. Chỉ có một vài thị trường tăng nhẹ NK từ Việt Nam là Anh và Canada nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Trong tháng 6 và một vài tháng tới thương mại thủy sản trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu lạc quan khi dịch Covid bùng phát lần 2 và tăng mạnh tại các thị trường lớn Mỹ, EU, Trung Quốc...Trong 2 tuần gần đây, sau tin đồn virus corona có trong thủy hải sản nhập khẩu, thị trường Trung Quốc đã bị xáo trộn, giao dịch đình trệ, Trung Quốc siết chặt kiểm tra hàng nhập khẩu, khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam (tôm, cá tra) sang thị trường này cũng bị chững lại và giá giảm.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho xuất khẩu khi doanh số bán lẻ trên thị trường thế giới vẫn ổn định hoặc tăng đối với thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn. Giao dịch thủy sản trên thế giới trì trệ vì vận chuyển bị gián đoạn, nhưng xu hướng giao dịch điện tử, bán lẻ online sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường.
Ngoài ra, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 có thể sẽ là một "cú hích" cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các sản phẩm có hạn ngạch miễn thuế như cá ngừ đóng hộp và surimi.
Nhiều tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại Việt Nam Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý 3 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đạt 57,5 điểm phần trăm, tăng 24 điểm so với quý trước. Đây là số điểm BCI cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Khảo sát BCI của EuroCham được thực hiện hằng quý, nhằm mục...