Ký kết hiệp định lâm nghiệp FLEGT: Gỗ hợp pháp rộng đường vào EU
Với việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội cho các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam sang EU rộng mở hơn bao giờ hết.
Đảm bảo sự minh bạch
Ngành gỗ đang đứng trước cơ hội lớn xuất khẩu sang EU. Ảnh tư liệu
Hiệp định VPA/FLEGT được ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPT, ông Sebastian Kurz – Thủ tướng Áo, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và bà Federica Mogherini – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu ký trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12) diễn ra tại Brussels (Bỉ).
“EU hoan nghênh tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được nhằm chuẩn bị cho việc thực thi VPA/FLEGT và các bước đầu tiên trong việc tăng cường kiểm soát gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn thế nữa. Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định VPA/FLEGT và góp phần đảm bảo rằng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU có nguồn gốc hợp pháp” – bà Federica Mogherini nói.
“Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển và nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ rừng và hạn chế biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết. Theo ông Cường, để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) toàn diện và tin cậy nhằm đảm bảo gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp thông qua hệ thống xác minh đối với gỗ trong nước và gỗ nhập khẩu được khai thác và kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật của nước khai thác.
“Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp, sẽ có hiệu lực từ tháng 1.1.2019. Luật mới này nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ được sản xuất bất hợp pháp vào Việt Nam” – ông Cường nói.
Việt Nam đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, với sự tham gia tích cực của đại diện từ các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển thông qua nhóm nòng cốt đa bên.
Video đang HOT
Bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường, kinh tế và xã hội gắn với việc quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam tốt hơn, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của quy chế gỗ của EU, ngăn chặn việc đưa gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.
Mở rộng cơ hội xuất khẩu
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng năm 2018 ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các nước EU chiếm 9,4%. Đặc biệt, nửa đầu năm, Thụy Sĩ, Séc và Malaysia tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Việt Nam, tăng lần lượt gấp 1,5 lần; 1,2 lần và gấp 1,09 so với cùng kỳ năm ngoái.
Với 500 triệu dân và kinh tế phát triển, EU chiếm khoảng 1/4 thị trường tiêu thụ đồ gỗ thế giới. Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 700-800 triệu USD, trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm. Với việc ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU có thể đạt khoảng 1 tỷ USD/năm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, VPA/FLEGT là cơ hội để tăng cường công tác quản lý gỗ, tăng cường việc theo dõi giám sát hành trình của sản phẩm từ gỗ. Nguồn nguyên liệu làm đồ gỗ hiện nay Việt Nam nhập khẩu từ nhiều nước, đôi khi gặp khó khăn trong việc giám sát hành trình gỗ, đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào đảm bảo gỗ đưa vào chế biến, xuất khẩu là gỗ hợp pháp, không gây hại đến rừng và môi trường.
Để đạt được điều đó, chúng ta phải hình thành hệ thống theo dõi xuất xứ đồ gỗ nguyên liệu, cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng. Được biết, hiện nay Việt Nam đang sử dụng hai nguồn gỗ nguyên liệu từ nhập khẩu và trong nước. Đối với nguồn nhập khẩu, việc truy xuất rõ nguồn gốc phải được thực hiện nghiêm túc và triệt để.
Bên cạnh đó, đối với nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, hiện việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các diện tích rừng trồng đang được ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện dù công việc này khá tốn kém. Tin rằng, với Hiệp định VPA/FLEGT, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm đường sang thị trường EU.
Theo Danviet
Sắp đến ngày kiểm tra, thuỷ sản vẫn loay hoay gỡ "thẻ vàng" EU
Theo kế hoạch, tháng 10.2018, Đoàn Nghị viện châu Âu sẽ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không được quản lý, không có báo cáo (IUU) tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay việc gỡ "thẻ vàng" của Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nhiều thách thức khi ngành thủy sản nước ta còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Thách thức cho nghề cá bền vững
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu (XK) hải sản của Việt Nam chiếm 29-33% tổng giá trị XK thủy sản. Nhìn chung, XK hải sản tăng trưởng liên tục với mức tăng trung bình hàng năm gần 8%. Mỗi năm, Việt Nam XK khoảng 200 loài hải sản, trong đó cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá hồi, chả cá và surimi là các sản phẩm chiếm tỷ trọng cao.
Bộ NNPTNT đề nghị tất cả 28 tỉnh, thành ven biển phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Ảnh: T.L
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành ven biển phải quyết liệt hơn, buộc ngư dân thực hiện ngay các vấn đề về hoàn chỉnh trang thiết bị định vị tầm xa trên tàu cá; rà soát thật kỹ việc thực hiện chuỗi sản xuất cá ngừ đại dương; thành lập các nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt đúng quy chuẩn, không vi phạm vùng biển nước khác...
Các nghiệp đoàn nghề cá cũng là những tổ chức tự bảo vệ nhau khi hành nghề trên vùng biển xa.
Điểm đáng chú ý là trong tổng số 177 thị trường, EU luôn là thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Giá trị XK hải sản của Việt Nam sang EU trong 5 năm qua dao động từ 350-400 triệu USD/năm, chiếm 16 -17% tổng giá trị XK hải sản.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới XK hải sản, đặc biệt là XK vào thị trường EU. Theo đó, XK hải sản có chiều hướng giảm sâu và liên tục từ khi Việt Nam bị nhận thẻ vàng.
Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, XK hải sản sang EU đạt trên 214,8 triệu USD, giảm 7,3% so với con số trên 230,7 triệu USD của cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, mặt hàng cua ghẹ có mức độ giảm mạnh nhất lên tới 34,4%; tiếp đó là nhuyễn thể với mức giảm 25,7%. XK cá biển giảm nhẹ ở mức 3,3%. Riêng mặt hàng cá ngừ vẫn duy trì mức tăng trưởng XK 22%.
Dự báo về XK thủy sản từ nay đến cuối năm đại diện VASEP cho hay, XK các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang thị trường EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.
Thách thức của ngành thủy sản đó là hạ tầng nghề cá còn thiếu thốn gây trở ngại cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục truy xuất nguồn gốc, vướng mắc trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cũng như chưa xử lý triệt để vi phạm khai thác
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện vấn đề "thẻ vàng" không gây lo ngại đến thị phần xuất khẩu thủy sản, bởi Việt Nam đang có rất nhiều thị trường. Chúng ta phải phấn đấu để có một nghề cá bền vững. Đây là mục tiêu lớn, xa hơn của Việt Nam, vì vậy cần tái cơ cấu lại ngành thuỷ sản, tổ chức lại sản xuất, quan trọng hơn là đi sâu vào chế biến để chuỗi giá trị mang lại nhiều hơn, cùng với đó, sẽ tập trung tổ chức nuôi xa.
Gỡ khó từ dưới lên
Theo kế hoạch, tháng 1.2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục "thẻ vàng" đối với Việt Nam.
Thời gian cho ngày phán quyết không còn nhiều, chính vì vậy, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP) nhấn mạnh, Bộ NNPTNT cần triển khai thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; cần tập trung hoàn thiện để ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và 9 thông tư nhằm bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với Luật Thủy sản từ ngày 1.1.2019; bên cạnh đó, thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ NNPTNT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thuỷ sản; tập trung xây dựng, hoàn thiện để ban hành văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Thủy sản năm 2017. Đến nay, dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản và nghị định xử phạt vi phạm hành chính đã được cơ bản hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương liên quan và tiếp thu các khuyến nghị của EC.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, việc thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng là nhiệm vụ mang tính chiến lược để phát triển kinh tế biển bền vững, có trách nhiệm. Tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước cần phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và người dân. Các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện ngay.
Theo Danviet
Trồng na sạch trên núi Mặt Quỷ, lái Trung Quốc vào tận nơi lùng mua Trồng na sạch, theo tiêu chuẩn VietGap chính là lý do mà nhiều năm nay bà con ở vựa na Chi Lăng không phải chịu cảnh lao đao vì bão giá như những mặt hàng nông sản khác mỗi khi... được mùa Không lo na ế Ông Hoàng Văn Long, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết,...