Kỳ bí ngôi mộ chôn nhiều hài cốt trẻ em cùng lạc đà ở Peru
Ngôi mộ chôn cất hơn 140 bộ hài cốt trẻ em vừa được phát hiện bị nghi là dành cho buổi lễ hiến tế hơn 500 năm trước tại Peru.
Các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật khu mộ tập thể tại Huanchaquito – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Các nhà khảo cổ học đang tiến hành khai quật một ngôi mộ tập thể chôn cất hơn 140 bộ hài cốt trẻ em cùng 200 con lạc đà con được cho là đã bị giết trong một nghi thức hiến tế diễn ra 550 năm trước, tại khu vực của Đế quốc Chimú (năm 900 TCN – năm 1.470 SCN), thuộc Huanchaquito – Las Llamas, Peru ngày nay.
Lịch sử nhân loại cho thấy hiến tế người là một nghi thức phổ biến toàn cầu. Tuy nhiên, lễ hiến tế trẻ em với quy mô lớn trong thời kỳ văn minh tiền Columbus là một sự kiện chưa có tiền lệ ở châu Mỹ, thậm chí là toàn thế giới.
Năm 2011, người dân sinh sống ở khu vực này đã phát hiện một số bộ hài cốt người đang phân hủy. Sau đó, các nhà khảo cổ học được mời tham gia khai quật ngôi mộ và điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của những nạn nhân này.
Những đứa trẻ bị hiến tế có tuổi từ 5-14, được chôn với phần cơ thể hướng về phía đông, trong khi những con lạc đà dưới 18 tháng tuổi được chôn với phần xác hướng về phía tây.
Các dấu vết trên bộ hài cốt nạn nhân cho thấy lồng ngực bị xẻ ra và trên hộp sọ có dính một hợp chất màu đỏ – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Nhóm khảo cổ phát hiện trên gương mặt và phần sọ não của nhiều đứa trẻ có dính một loại chất nhuộm màu đỏ và phần ngực bị xẻ ra với khả năng cao là bị lấy đi phần tim. Các con lạc đà dường như cũng có số phận tương tự.
Bên cạnh hài cốt của trẻ em và lạc đà con, các nhà khoa học còn phát hiện các sợi dây thừng và những mảnh vải được chôn chung.
Đặc biệt hơn, nhóm khảo cổ còn tìm thấy ba bộ hài cốt của người lớn gồm một người đàn ông và hai phụ nữ. Các nhà khoa học phỏng đoán ba người này cũng có vai trò nào đó trong buổi lễ hiến tế nên được chôn chung.
Lớp bùn phủ lên hài cốt của các nạn nhân cho thấy các nạn nhân thiệt mạng tại cùng một sự kiện hiến tế. Tuy nhiên, lớp bùn này cũng cung cấp một manh mối quan trọng về nguyên nhân diễn ra buổi lễ hiến tế này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng lớp bùn là kết quả của những trận mưa lụt lớn, vốn liên quan mật thiết với hiệu ứng khí hậu El Nino.
Khả năng cho thấy nhiệt độ gia tăng tại vùng biển do đặc tính của El Nino gây ra đã làm gián đoạn hoạt động đi biển của ngư dân. Mưa lũ cũng góp phần phá hoại hệ thống nông nghiệp của vùng.
Video đang HOT
Do sợ hãi trước sức mạnh siêu nhiên, có thể người Chimú đã thực hiện nghi lễ hiến tế này với hy vọng nhờ thần linh trợ giúp, thoát khỏi các thiên tai này.
HỨA HIẾU HOA
Theo tuoitre.vn
Hà Nội: Ngôi mộ có khả năng chữa bệnh?
Ba mươi năm sau khi nhà văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Cần qua đời, vẫn còn biết bao điều kỳ bí quanh ngôi mộ của ông. Có hàng chục ngàn người cứ đổ về mộ ông ngồi thiền chữa bệnh, bởi ai cũng tin ở đây có nguồn năng lượng vô hình, kỳ lạ...
Phương pháp chữa bệnh kỳ quái
Thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Đức Cần là cái tên quá nổi tiếng. Nổi tiếng không chỉ vì cụ là một vị lương y yêu thương người nghèo mà còn là nhân vật gây chú ý trong giới nghiên cứu lĩnh vực tâm linh.
Cụ chữa bệnh mà không cần tới bất cứ một vị thuốc nào. Phương pháp chữa bệnh kỳ quái này đã cứu sống, chữa khỏi cho cả nghìn người bệnh.
Điều đặc biệt cụ không bao giờ lấy bất cứ đồng thù lao nào. Cho đến ngày nay cuộc đời và thân thế của cụ vẫn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn mà khoa học chưa thể giải thích được.
Đúng vào đêm 30 Tết năm 1909 tại làng Đại Yên (nay thuộc Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) con người đặc biệt Nguyễn Đức Cần được sinh ra. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, cụ sớm được gửi vào học tại trường Anbe Xarô Hà Nội. Mười hai tuổi thì cưới vợ nhưng chỉ vài ngày sau đó vợ cụ đã quay về nhà ngoại ở.
Cuộc đời cụ bắt đầu sang một trang mới khi gia đình rơi vào cảnh kiện cáo và bố cụ sinh bệnh. Chạy chữa khắp nơi nhưng không được. Thế rồi gia đình đã mời được một thầy lang tài ba về chữa trị. Chẳng ai biết thầy lang dùng phương pháp gì mà bố cụ đã tai qua nạn khỏi. Thầy lang đó nhất mực không nhận tiền của gia đình bởi cả đời chỉ chữa bệnh lấy phúc. Để tỏ lòng biết ơn, cụ Cần đã theo thầy lang kia bôn ba hành tẩu khắp nơi cứu người chữa bệnh.
Một lần thầy lang dẫn cụ Cần lên đỉnh Mẫu (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) để tu luyện. Theo thầy lang kia thì đây là nơi 'linh khí đất trời hội tụ', rất tốt cho việc tu luyện thần nhãn, hấp thụ dương quang và truyền dạy Tuệ quang...
Khi đã lĩnh hội được đầy đủ những tinh thông của thầy mình, cụ Cần bắt đầu chữa bệnh vào những năm 1940. Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đến gặp cụ, nếu được nhận lời chữa cụ sẽ cho một mảnh giấy có chữ ký của cụ về nhà là có thể chữa khỏi bệnh.
Cụ chữa bệnh không dùng thuốc và có thể chữa từ xa nhưng có tác dụng tốt với nhiều loại bệnh như điên, ung thư, dạ dày, xơ gan, thấp khớp, vẩy nến, liệt, câm điếc, hen suyễn...
Thực tế đã có rất nhiều người được cụ chữa khỏi bệnh. Nhưng điều đặc biệt, cụ chữa bệnh không hề lấy tiền hay quà cáp của bất cứ ai. Không chỉ chữa bệnh cụ còn dăn dạy mọi người phải sống có đức, nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa sai, hướng thiện.
Ngôi mộ được xây dựng khang trang.
Thế nhưng vào ngày 18/5/1974, cơ quan chức năng ngành Y đã có yêu cầu về việc chữa bệnh của cụ phải có giấy phép. Ngay khi cụ Cần bị cấm chữa bệnh rất nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối và gửi thư động viên.
Và, đến năm 1983 sau khi cụ chữa khỏi bệnh cho hai bệnh nhân xong và nói rằng: 'Công việc của tôi đến nay đã xong. Đó là công việc trị bệnh giúp đời ở cõi trần gian này. Nhưng, công việc cứu nhân độ thế của tôi mới được 50% thôi, tôi còn phải làm nốt công việc đó ở cõi vô hình thì mới vẹn lời thề nguyện...', thế rồi cụ qua đời nhẹ nhàng.
Ngôi mộ có nguồn năng lượng siêu nhiên?
Có lẽ vì những lời trăn trối lúc cuối đời nên người ta đồn nhau rằng, ngôi mộ của cụ Cần có một nguồn năng lượng đặc biệt, có thể chữa được bách bệnh không cần đến thuốc thang gì. Để 'mục sở thị' ngôi mộ kỳ lạ này chúng tôi tìm đến xã Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Nội).
Ngôi mộ được xây dựng khá khang trang trên một nền đất cao, rộng chừng 700m2 nằm giữa cánh đồng. Để tạo bóng mát và sự tôn nghiêm gia đình đã cho trồng hàng trăm cây cau và một số cây ăn quả khác. Trời mới chỉ mờ sáng đã có hàng chục người từ khắp nơi về đây hương khói.
Không khí khá trang nghiêm, kính cẩn ai nấy tự giác xếp hàng rồi tĩnh tâm, tay đặt lên mộ cụ trưởng Cần rồi ngồi thiền mà không cần người hướng dẫn. Khách đến đây ngoài những người địa phương còn có các tỉnh khác: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang...
Điều đặc biệt ở đây, dù có rất nhiều khách đến thiền nhưng không hề có hiện tượng trục lợi bằng các dịch vụ ăn theo như: Trông xe, bán vàng hương hay quán xá chèo kéo. Những người được hỏi đều nói rằng, mỗi ngày đến đây ngồi thiền khoảng 1 tiếng đồng hồ sẽ 'hấp thụ' nguồn năng lượng đặc biệt phát ra từ ngôi mộ. Lúc đó bệnh sẽ thuyên giảm, thậm chí khỏi hẳn, sức khỏe được tăng cường.
30 năm nay bà Sinh chăm chút cho ngôi mộ cha.
Bà Nguyễn Thị Sinh (con gái cụ Cần) chia sẻ: 'Tất cả những người đến đây đều vì cảm phục tài chữa bệnh của cha tôi. Đời cha ông họ được cụ nhà tôi cứu chữa nên họ về đây tạ ơn. Đây là ngôi mộ của gia đình, những người đến đây lễ thực sự thành tâm, không hề có chuyện bói toán, nhảy đồng cốt mê tín gì cả'.
Theo gia đình bà Sinh, việc mọi người đến đây hương khói, thiền chữa bệnh không phải bắt đầu từ vài năm nay mà từ năm 1983, khi cụ Cần vừa mất. Đặc biệt vào những ngày rằm và mùng 1.
Anh Nguyễn Công Vũ (người dân huyện Thanh Oai) nói chắc như đinh đóng cột: 'Chúng tôi còn ít tuổi nhưng cũng đã nghe danh cụ Cần. Cụ là cao nhân của vùng này, một đời ân đức, chữa bệnh cứu người. Đặc biệt cụ không bao giờ lấy tiền của ai cả.
Ở đây ai cũng biết mộ của cụ rất thiêng, mọi người đến đây thành tâm ngồi thiền tự nhiên thấy cơ thể khoan khoái hẳn lên. Nếu ai thiền hằng ngày thì sẽ khỏi bệnh, tăng cường sức khỏe. Như bản thân tôi là một người bị chứng đau đầu mỗi khi thời tiết thay đổi. Từ ngày qua mộ cụ ngồi thiền thấy dễ chịu hẳn, gần như dứt được bệnh đau đầu kinh niên rồi'.
Dứt lời anh Vũ còn đưa cho chúng tôi sổ theo dõi bệnh của bệnh viện trước và sau khi ngồi thiền ở mộ cụ Cần. Để minh chứng ngôi mộ có nguồn năng lượng đặc biệt anh Nguyễn Văn Cảnh (cháu ngoại cụ Cần) đưa chúng tôi gặp anh Phạm Văn Hòa (Đông Triều, Quảng Ninh).
Anh Hòa là người được cụ trưởng Cần cứu sống. Anh Hòa kể: 'Lúc nhỏ tôi bị vỡ ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng sâu tưởng như không thể qua khỏi. Gia đình tôi lúc đó đã chuẩn bị lo hậu sự rồi.
Nghe thông tin có cụ Cần, bố mẹ tôi tức tốc cho lên gặp cụ. Cụ không dùng đến một vị thuốc nào cả, khi bắt bệnh cho tôi xong cụ nói người nhà đưa cho một mẩu giấy sau đó ký một chữ vào đó.
Cả nhà tôi hoang mang, không biết cách chữa bệnh đó có hiệu quả không. Về nhà ai nấy đều lo lắng, thế mà chỉ 1 ngày sau sức khỏe của tôi đã tiến triển rất tốt. Sau 1 tuần tôi đã đi lại được và gần như khỏi hẳn. Như để tỏ lòng biết ơn với người sinh ra mình lần thứ 2.
Dù đường sá xa xôi nhưng 1 tháng anh Hòa lại về mộ cụ thắp hương 1 lần. 'Trước là để nhớ ơn tái sinh của cụ, sau là đến nhờ cậy nguồn năng lượng từ mộ của cụ. Khi ngồi thiền mở hết luân xa mình sẽ thu nhận được nguồn năng lượng rất tốt cho sức khỏe' - anh Hòa nói.
Không chỉ những người mang bệnh, có tuổi mới đến mộ cụ Cần thăm viếng mà còn có cả những bạn trẻ. Trong cái tĩnh lặng có phần linh thiêng, em Minh Phương (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội) kể lại lý do mình xuống viếng thăm mộ cụ Cần:
'Bố em kể lại, trước đây ông nội em bị bệnh tâm thần, suốt ngày lang thang khắp nơi. Gia đình vái tứ phương nhưng không khỏi. Trong một lần vô tình cụ trưởng Cần thấy hoàn cảnh đó đã ra tay cứu chữa. Từ đó ông nội em mới lấy được vợ và sinh con. Chính vì ơn nghĩa đó, gần như ngày rằm, mồng 1 nào em cũng qua đây để thắp hương tưởng nhớ đến cụ'.
Cách đây không lâu, dư luận được một phen hoài nghi tác dụng của việc thiền tại khu mộ của cụ Cần khi một số nhà nghiên cứu về cảm xạ học (năng lượng địa sinh học) đưa ra kết luận rằng: Chỉ số năng lượng địa sinh tại đây rất cao, với chỉ số Bovis lên tới 16.000 đơn vị. Nếu đúng khu mộ của cụ Cần có chỉ số năng lượng địa sinh cao như vậy thì rất tốt cho sức khỏe.
Chỉ số Bovis được lấy theo tên nhà vật lý Pháp Antoine Bovis. Ông là người đưa ra chỉ số này trong khi tiến hành khảo sát kim tự tháp Ai Cập trong những năm 30 của thế kỷ trước. Chỉ số Bovis dùng để đo 'sức khỏe', 'sức sống' tự nhiên của vật thể hữu cơ, đo năng lượng tự nhiên, sóng dao động của quả đất.
Thiết nghĩ việc chữa bệnh bằng năng lượng từ ngôi mộ cụ trưởng Cần chưa có chứng lý về khoa học. Hằng ngày lại có rất đông người về đây thiền, thắp hương. Vì thế chính quyền địa phương cần phải giám sát thật kỹ, tránh tình trạng biến tướng, trục lợi làm ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự địa phương, đặc biệt ảnh hưởng tới danh tiếng của một nhà văn hóa tâm linh là cụ Nguyễn Đức Cần.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: Việc nhiều năm nay rất nhiều người dân từ khắp nơi đến ngôi mộ của cụ Nguyễn Đức Cần là có thật. Thấy hiện tượng đó chính quyền đã cử cán bộ xuống nắm tình hình. Tuy nhiên không thấy có hiện tượng cúng lễ, đồng cốt, mê tín dị đoan, không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Những người đến đây thiền đều một lòng thiện tâm, không có ý đồ xấu...
Cho đến nay chưa có máy móc gì để đo chính xác chỉ số Bovis. Các nhà khoa học đã dùng một số liệu pháp cộng hưởng song song với hình ảnh của Cropcircle cũng không thu được kết quả tốt. Một điều đáng ghi nhận là gần đây có nhóm nhà cảm xạ học người Pháp đo chỉ số Bovis một vật thể (khu đất, ngôi nhà) từ xa cho kết quả rất khả quan. Chỉ số năng lượng Bovis đo năng lượng tự nhiên của quả đất được tính từ 0 đến vô tận.
Đối với con người thì chỉ số Bovis càng cao thì sức khỏe càng tốt. Nếu một người chỉ có chỉ số Bovis dưới 5.000 thường là sức khỏe yếu, bệnh tật. Năng lượng tối thiểu cần thiết cho con người từ 6.500 đến 10.000 Bovis hay hơn chút ít. Một người trung bình phát ra 15.000 Bovis nhưng nếu có công phu luyện tập chỉ số Bovis có thể lên tối đa 40.000 Bovis, điều đó nói lên khả năng trị liệu ở mức độ cao.
Phong Anh
Theo CAND
Có một "cánh đồng dung nham" xanh ngát xanh như ở hành tinh khác Tưởng chừng như đã chết đi trong cái nóng như thiêu như đốt của núi lửa, nhưng cánh đồng dung nham Eldraun giờ đây lại mang một vẻ đẹp yên tĩnh và thanh bình. Rêu là một loài thực vật vô cùng phổ biến ở Iceland, loài thực vật này sinh trưởng và phát triển vô cùng mạnh mẽ ở những khu vực...