Kỳ án vườn mít: Án “vừa phải” cho người “dường như” có tội
Cho rằng bị cáo có tội nặng nhưng quan tòa không dám giáng chiếc búa công lý xuống một cách thẳng tay, dứt khoát mà chọn giải pháp nước đôi.
“ Kỳ án vườn mít” lại được xới lên và đề nghị xem xét lại theo một lá đơn gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, có chữ ký của một số nhân sĩ, bao gồm những người từng giữ trọng trách tại các cơ quan bảo đảm thực thi pháp luật và luật sư.
Nếu trong lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm mới nhất (tháng 1 và tháng 8-2013), các cấp tòa mạnh dạn tuyên bố những lời cáo buộc đối với Lê Bá Mai về hành vi hiếp dâm trẻ em và giết người với thủ đoạn tàn độc là có căn cứ, từ đó quyết định dành cho bị cáo hình phạt cao nhất tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội, thì vụ án có lẽ đã khép lại và sẽ không có lá đơn đề nghị ấy.
Không ai làm đơn không hẳn vì Mai thực sự là kẻ phạm tội. Việc xác định một người có phạm tội hay không phải dựa vào sự thật khách quan. Những người có thẩm quyền ở các giai đoạn tố tụng trong một vụ án, về phần mình, thường không nắm được bằng chứng tự tai nghe, mắt thấy về sự thật, mà chỉ có thể dựa vào vật chứng, nhân chứng để dựng lại một sự việc đã qua. Họ có thể đúng, cũng có thể sai như bất kỳ người nào. Nhưng điều quan trọng là người được trao quyền năng định đoạt số phận pháp lý của người khác phải làm việc bằng tất cả năng lực của mình và với thái độ vô tư, mẫn cán. Một khi cho rằng mình đã có trong tay những gì cần thiết cho phép đưa ra lời phán xét nhân danh công lý thì người có thẩm quyền phải kết luận và quyết định một cách dõng dạc, chắc nịch, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm trước xã hội và trước lương tâm.
Lê Bá Mai được đưa đến phiên tòa sơ thẩm ngày 3-1-2013. Ảnh: Tân Tiến
Video đang HOT
Những gì diễn ra trong quá trình tố tụng đối với “kỳ án vườn mít” được cho là không thỏa mãn yêu cầu đó. Chưa nói về tính đúng mực trong cách thức tác nghiệp của các vị trí ở các cơ quan chức năng và chất lượng của bằng chứng thu thập được, người ta không yên tâm, đúng hơn là không phục, về sự lựa chọn giải pháp của tòa án đối với bài toán đặt ra.
Nói cách khác, trong vụ án này, người ta hình dung một người cầm cân nảy mực trong tâm trạng do dự, phân vân, nếu không muốn nói là thiếu tự tin. Cho rằng bị cáo có tội nặng nhưng không dám giáng chiếc búa công lý xuống một cách thẳng tay, dứt khoát, quan tòa chọn giải pháp nước đôi. Án chung thân, nếu được áp dụng nghiêm, cũng sẽ khiến người thụ án bị cách ly với cộng đồng cho đến cuối đời. Còn nếu đến ngày nào đó mà người thụ án rõ ra là vô tội, cũng còn sống sót để được hưởng tự do trong quãng đời còn lại.
Trong các hệ thống pháp lý thừa nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, một giải pháp như thế chắc chắn phải bị coi là kiểu áp dụng pháp luật không có căn cứ và sẽ bị hủy theo trình tự xem xét bản án ở cấp cao hơn. Lý do là với nguyên tắc này, chừng nào chứng cứ buộc tội chưa đủ sức thuyết phục, nghi can phải được coi là vô tội. Có thể với nguyên tắc suy đoán vô tội, sẽ có những người phây phây sống tự do, dù bị nghi ngờ phạm tội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nguyên tắc này tạo ra sức ép ghê gớm đối với các cơ quan tiến hành tố tụng khiến họ phải nỗ lực hết sức mình để tránh bỏ lọt tội phạm cũng như kết tội nhầm người.
Dẫu sao, nếu như chưa có điều kiện để hoàn thiện nguyên tắc suy đoán vô tội, cách xử lý vụ án Lê Bá Mai vừa rồi, với một bản án “vừa phải” dành cho một người chỉ “dường như” có tội, cũng không thể coi là đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ thống pháp lý lành mạnh.
Theo Nguyễn Ngọc Điện (Người Lao Động)
"Kỳ án vườn mít": Cha Lê Bá Mai ra Hà Nội kêu oan cho con
Ngày 9/3, cha của phạm nhân Lê Bá Mai, người bị kết tội trong kỳ án vườn mít, đã ra Hà Nội kêu oan cho con.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 9/3, ông Lê Bá Triệu chia sẻ trong kỳ trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết bản án với Lê Bá Mai đã có hiệu lực pháp luật nhưng nếu có đơn kêu oan thì sẽ được xem xét lại theo trình tự pháp luật.
Ông Triệu cho biết, sau phiên tòa phúc thẩm xét xử con trai mình vào ngày 30/8/2013, ông đã có đơn kêu oan gửi nhiều cơ quan, trong đó có Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Ông Lê Bá Triệu, cha Lê Bá Mai ra Hà Nội kêu oan cho con
"Sau đó con trai tôi là Lê Bá Mai tiếp tục có đơn kêu oan khẩn cấp, khẳng định mình vô tội. Nhưng 2 lá đơn kêu oan của cha con tôi đến giờ vẫn chưa nhận được hồi âm nào. Thế mà hôm 11/2/2014 vừa rồi, chúng tôi đọc báo thấy ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao, khi chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại TP HCM nói rằng vụ này đã chấm dứt. Việc này đã làm cho gia đình tôi rất bức xúc" - ông Triệu nói.
Ông Triệu cho biết sáng ngày 9/3, cả gia đình ông sẽ tìm tới VKSND Tối cao để hỏi cho rõ tại sao lại nói vụ án của Lê Bá Mai đã khép lại dù vẫn còn những lá đơn kêu oan chưa có hồi đáp.
Ra Hà Nội kêu oan cho Lê Bá Mai còn có ông Dương Bá Tuân (chủ rẫy nơi Lê Bá Mai làm thuê cách đây 10 năm). Ông Tuân cho biết, chưa khi nào thôi day dứt về số phận của Lê Bá Mai suốt 10 năm nay. Sau khi Lê Bá Mai dính vào vòng lao lý, ông Tuân đã tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình ông Triệu tìm kiếm công ăn việc làm để có tiền kêu oan cho con trai.
Theo ông Tuân, ngay từ những năm 2005-2006, các luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai đã chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, tất cả những bất thường, phi logic trong hồ sơ kết tội đã không được xem xét thấu đáo.
Vụ án Lê Bá Mai (còn gọi là "kỳ án vườn mít") đã kéo dài 10 năm với hàng chục phiên xét xử. Lê Bá Mai bị cáo buộc đã giết cháu Út tại vườn mít thuộc xã An Khương, huyện Bình Long năm 2004 (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước). Năm 2005, hai lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì cả hai cấp tòa đều tuyên tử hình Lê Bá Mai. Năm 2006, cả hai bản án trên đều bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy.
Tháng 5/2011, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần thứ hai bất ngờ tuyên Lê Bá Mai vô tội, trả tự do tại tòa. Một năm sau, TAND tối cao đã ra quyết định bắt giam Lê Bá Mai, đồng thời xét xử tuyên hủy bản án trên để xử lại lần nữa.
Tháng 6/2012, trong phiên tòa xử sơ thẩm lần thứ ba, Lê Bá Mai bị kết án chung thân nhưng sau đó Viện KSND tỉnh Bình Phước lại kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm tuyên tử hình.
Tại phiên xét xử phúc thẩm lần 3 ngày 30/8/2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã y án chung thân với Lê Bá Mai.
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Vụ án vườn mít: Hồi kết cho kỳ án 9 năm Chiều tối 30/8, HĐXX TAND Tối cao tại Tp.HCM đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Lê Bá Mai. HĐXX nhận định: Mặc dù lời khai của các nhân chứng và bị cáo có những điểm bất nhất, vi phạm về tố tụng do trình độ của các điều tra viên nhưng VKSND và TAND Tối cao xâu chuỗi chứng cứ...