Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nhiều trùng hợp với kỳ án Huỳnh Văn Nén
Vụ án Hồ Duy Hải có những điểm khá trùng hợp một cách ngẫu nhiên với vụ án Huỳnh Văn Nén ( Bình Thuận, người được minh oan sau hơn 17 chịu án chung thân-NV).
Cả hai cùng bị buộc tội giết hai mạng người. Cả hai cùng bị tuyên tử hình, dựa trên lời khai của bị cáo mà không thu được bằng chứng cũng như tang vật.
Vụ án của Hồ Duy Hải có nhiều nét tương đồng với vụ án oan của Huỳnh Văn Nén. (Ảnh: I.T)
Huỳnh Văn Nén được minh oan là nhờ có đơn tố giác của Nguyễn Phúc Thành, người đã được chính hung thủ vụ án kể lại cho nghe sau khi gây án, nhìn thấy cả chiếc nhẫn cướp được, quần áo còn dính máu… Tuy nhiên, lá đơn tố giác của Nguyễn Phúc Thành gửi đi ngày 2/9/2000 đã bị lãng quên…
Phải đến ngày 20/11/2013, một lần nữa Nguyễn Phúc Thành lại cầm bút viết đơn tố giác tội phạm, kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Và lần này lá đơn tố giác đó được các cơ quan chức năng xem xét. Hung thủ sau 18 năm lẩn trốn đã ra đầu thú và lĩnh án 20 năm tù tội giết người và cướp tài sản.
Kết thúc nào cho vụ án Hồ Duy Hải?
Quay trở lại vụ án của Hồ Duy Hải, liệu kỳ án của Hồ Duy Hải cũng kết thúc có hậu như kỳ án của Huỳnh Văn Nén, nghĩa là sẽ phát hiện được hung thủ thực sự của vụ án, hay điều đó sẽ mãi bị chôn vùi. Hãy cùng điểm qua trong kỳ án này, ngoài Hồ Duy Hải còn có những đối tượng nào nằm trong vòng điều tra của công an.
Ngay sau khi hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi là Nguyễn Thị Ánh H và Nguyễn Thị Thu V bị sát hại, Hồ Duy Hải không phải là đối tượng đầu tiên nằm trong tầm ngắm của công an, mà chính là người yêu của hai nạn nhân.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, những người bạn thân nhất của hai nạn nhân đều khẳng định Ánh H đang có mối quan hệ tình cảm với 3 người đàn ông, đó là Nguyễn Mi Sol (người yêu cũ), Nguyễn Văn Nghị (người yêu mới) và kỹ sư Trung (bạn mới quen), còn Trần Văn Chiến và Nguyễn Tuấn Anh thì đang theo đuổi H.
Đặc biệt, quan hệ tình cảm giữa Ánh H và Mi Sol rất sâu đậm. Ánh H đeo trên tay nhẫn cưới của Mi Sol tặng. Mối tình của hai người bị gia đình hai bên phản đối, nhưng tại biên bản ghi lời khai ngày 21/6/2008 (Bút lục 209, 210), Mi Sol khai: Sau khi lên TP.HCM tôi cũng thường xuyên về bưu điện sống như vợ chồng với H.
Video đang HOT
Bị cáo Hồ Duy Hải cùng bà ngoại khi chưa xảy ra vụ án. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Đặc biệt trong hồ sơ điều tra thể hiện thông tin: Ngay tối ngày 13/1/2008 (tối xảy ra án mạng), Mi Sol có cuộc hẹn với Ánh H tại Bưu điện Cầu Voi, được thể hiện tại biên bản ghi lời khai của chị Thu Hiếu (là bạn thân của Ánh H và là người thường xuyên đến chơi và ngủ lại tại Bưu điện Cầu Voi) ngày 19/1/2008 (bút lục 197): Tôi nghe chị V nói, hai đứa gái (nạn nhân Ánh H và Thu V) không đường xe cộ mà đi làm gì. Chiều anh Sol về chứ gì phải đi.
Và trong chiều 13/1, chị Hiếu nghe thấy Ánh H nói chuyện điện thoại với Sol 2 lần rằng Sol sẽ về Cầu Voi.
Nguyễn Mi Sol, Nguyễn Tuấn Anh và Trần Văn Chà cùng ngụ tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), là thợ bạc tại tiệm vàng Kim Long (Cầu Voi). Cả ba người này từng có mối quan hệ với hai nạn nhân. Bước đầu cả ba đều đưa ra được chứng cứ ngoại phạm.
Riêng Nguyễn Văn Nghị sinh 1979, ngụ tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) là bạn của ba thanh niên nói trên đã bị câu lưu. Nghị có dấu hiệu nghiện ma túy, là bạn trai của Ánh H. Vào đêm xảy ra vụ án, có người nhìn thấy Nghị đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi. Có người còn tả: Nghị mặc quần jean, khoác chiếc áo gió. Nghị có đến Bưu điện Cầu Voi, nhưng đi lúc nào thì không ai rõ.
Tuy Nghị là bạn Sol, biết gia đình hai bên ngăn cản, nhưng Ánh H vẫn còn tình cảm với Sol dù đã quen với Nghị, nên tình bạn giữa Sol và Nghị rạn nứt. Đặc biệt cả hai đã từng chạm trán nhau tại Bưu điện Cầu Voi. Nghị đã nhiều lần yêu cầu, buộc Ánh H chấm dứt quan hệ với Sol.
Chị Nguyễn Thị Phượng, người bán trái cây cho Thu V trước khi xảy ra án mạng cho biết Thu V đi ra mua trái cây và nói tiền do bạn trai Ánh H đưa cho.
Theo báo Công an nhân dân: Ngay sau ngày xảy ra vụ án mạng (14/1), Cơ quan điều tra đã cử trinh sát đến tất cả những địa chỉ mà Nghị thường lui tới, nhưng không gặp. Trinh sát đã phải mai phục tại nhà cha mẹ của Nghị thì nửa đêm nghi can xuất hiện và bị áp giải về cơ quan điều tra.
Theo tin ban đầu, Nghị cố tình đưa ra chứng cứ ngoại phạm nhưng không có cơ sở thuyết phục, nên cơ quan điều tra quyết định câu lưu để làm rõ.
Nghị đã được Cơ quan cảnh sát điều tra cho về sau vài ngày câu lưu, sau khi có nhân chứng xác định vào thời gian từ 20 giờ 10 ngày 13/1, Nghị cùng bạn uống nước tại quán cà phê ở thị trấn Cầu Voi. Cáo trạng xác định vụ án xảy ra khoảng 20 giờ 30 và Nghị muốn giết người thì phải có mặt trước đó tại hiện trường. Tuy nhiên hai nạn nhân bị sát hại chính xác vào thời điểm nào, cơ quan tư pháp cũng chưa xác định được.
Chưa rõ thời điểm tử vong của hai nạn nhân!
Theo kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao: Một trong những sai phạm nghiêm trọng của cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án, đó chính là không xác định được thời điểm chết của hai nạn nhân. Viện KSND tối cao chỉ ra những mâu thuẫn của cơ quan tiến hành tố tụng, khi xác định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án vào lúc 19 giờ 39 phút 22 giây, để từ đó phân tích Hải đã giết nạn nhân từ khoảng 20 giờ 30.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSNDTC đề cập đến chi tiết dấu vân tay của hai đối tượng tình nghi là Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị: Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được, còn có đối tượng tình nghi là là Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị không được điều tra làm rõ.
Theo luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong hồ sơ vụ án mà luật sư tiếp cận được không hề có bản khai của Nghị và Mi Sol trước thời điểm Hồ Duy Hải bị bắt (Hải bị bắt sau hai tháng xảy ra vụ án), cũng không thấy có việc giám định dấu vân tay của hai nghi can này có trùng với vết máu có dấu vân tay thu được tại hiện trường (dấu vân tay thu được tại hiện trường lại không phải dấu vân tay của Hải).
Báo Thanh Niên cũng dẫn lời LS bào chữa cho Hồ Duy Hải cho biết, cả Sol và Nghị chỉ “tình cờ” lọt vào biên bản lấy lời khai ngày 14/3/2008 của anh C.H.T.A (bạn của nạn nhân Thu V): Đối với V chỉ có tôi, ngoài ra tôi không biết ai. Đối với H, tôi biết có Sol và Nghị”.
Đối với Nguyễn Tuấn Anh và Trần Văn Chiến, đêm xảy ra vụ án mạng, họ đều có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trò chuyện với Ánh H, nhưng ra về từ lúc 19 giờ và đều cho biết có thấy Nghị đến Bưu điện Cầu Voi. Họ đều có chứng cứ ngoại phạm là chủ nhà trọ và những người bạn cùng nhậu. Nguyễn Văn Nghị cũng xác nhận đến Bưu cục Cầu Voi gặp Ánh H, nhưng thấy có mấy người bạn thợ bạc cùng tiệm vàng nên khi họ bỏ về thì Nghị cũng về theo.
Kỹ sư tên là Trung cũng có mặt tại Bưu điện Cầu Voi đêm hôm xảy ra án mạng. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, tất cả những người nói trên đều có dấu hiệu ngoại phạm vào thời điểm từ 20 giờ 30 đến 21 giờ.
Câu hỏi đặt ra là hai nạn nhân bị sát hại vào thời điểm nào? Nếu án mạng xảy ra vào sau 21 giờ thì họ có ngoại phạm không? Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải đã từng có đơn tố giác tội phạm, đối tượng bị tố giác là Nguyễn Văn Nghị.
Theo danviet.vn
Từ vụ án Hồ Duy Hải : Cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan tiến hành tố tụng
Vì lẽ gì, hơn chục năm nhận đơn kêu oan của gia đình, phản ánh của báo chí, của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng của tỉnh lại không phát hiện những vi phạm tố tụng này? Liệu vụ án này có gì uẩn khúc gì không?
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND TC) vừa kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên Hồ Duy Hải về tội "giết người", "cướp tài sản".
Câu hỏi lớn nhất đọng lại trong dư luận là, năm 2011, Viện trưởng Viện KSND TC từng ban hành quyết định không kháng nghị vụ án của Hồ Duy Hải, nay sau 8 năm, dù không có tình tiết gì mới, Viện trưởng Viện KSND TC lại ban hành quyết định kháng nghị?
Theo tôi, một trong lý do quan trọng là công luận phản ứng mạnh mẽ với những cán bộ tiến hành tố tụng, đặc biệt, Đoàn giám sát của Quốc hội về án oan sai đã xếp vụ án này là 1 trong 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tại phiên thảo luận của Đoàn giám sát ngày 20/3/2015, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (hiện là Chủ nhiệm Ủy ban), Phó trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ: Những vụ án khác chỉ cần 1 trong 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, trong khi vụ án Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự.
Vậy vì lẽ gì, hơn chục năm nhận đơn kêu oan của gia đình, phản ánh của báo chí và của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng của tỉnh nắm chắc vụ việc lại không phát hiện những vi phạm tố tụng này, thậm chí, đến năm 2011, Viện KSND TC cũng không đánh giá được những sai sót này? Liệu vụ án này có uẩn khúc gì không?
Bản án tuyên Hồ Duy Hải (áo trắng) tử hình về tội "giết người", "cướp tài sản", vừa bị Viện KSND TC kháng nghị do những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. (Ảnh do người nhà cung cấp)
Chúng tôi đặt ra câu hỏi này bởi lẽ, có những dấu hiệu ngăn cản việc làm rõ những án oan sai, rõ nhất là vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Khi có thông tin mới về kẻ giết người, phòng 1 Cơ quan điều tra Viện KSND TC lập tức vào cuộc. Nhưng khi lên làm việc với Công an Bắc Giang mới biết, họ cũng có thông tin mới này nhưng vẫn khẳng định ông Chấn là tội phạm. Thậm chí, theo điều tra viên Trần Mạnh Hùng (Viện KSND TC), công an Bắc Giang còn khuyên: "Các anh nên quay về, đừng mất công vô ích, thằng này kêu 10 năm nay rồi, thiếu gì việc để các anh làm. Chẳng lẽ các anh không tin tưởng cả một hệ thống tố tụng của tỉnh, vụ này cấp trên xem lại nhiều lần rồi". Do đó, mất một thời gian dài, các điều tra viên của Viện KSND TC phải cải trang để bí mật điều tra và tìm các giải pháp bảo vệ nhân chứng. Điều này cũng có thể lý giải, vì sao có những vụ án oan sai kéo dài, rất dài. Đó là chưa nói, có thể còn những vụ án chìm luôn trong bóng tối.
Nói đến vụ án ông Chấn, dư luận nhớ ngay đến những hình thức điều tra viên bức cung, nhục hình. Cũng do bị bức cung, nhục hình, trong cả 3 kỳ án Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long có một điểm rất chung là, dù không giết người, nhưng trong bản khai họ mô tả việc giết người với đầy đủ các tình tiết đúng với hiện trường!? Điều đó cho thấy, mức độ bức cung, nhục hình của các điều tra viên khủng khiếp tới mức nào. Đặc biệt, trong lịch sử tố tụng Việt Nam, ông Nén là người duy nhất mang hai án oan về tội giết người.
Nếu ông Nén vì bị bức cung, nhục hình đành khai bừa 9 người trong gia đình nhà vợ cùng tham gia vụ án giết người, thì ngay từ năm 1955, tình trạng đó cũng đã diễn ra trong vụ án chị Nguyễn Thị Là (thôn Thượng Thông, xã Phạm Hồng Thái, Đông Triều, tỉnh Hồng Quảng, nay là Quảng Ninh) bị giết. Đây là vụ án mà tôi được điều tra viên của Viện Kiểm sát Quân sự Nguyễn Trọng Tỵ (khi về hưu, ông có thời gian dài làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội), người trực tiếp điều tra vụ án này kể lại tại nhà riêng của ông. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Là bị vết búa bổ thẳng vào trán và hung thủ tiêu hủy chứng cứ bằng cách đốt chị trong chiếc lều nạn nhân đang ở. Người duy nhất bị nghi vấn là ông Đỗ Văn Mạnh - người cùng thôn. Lý do là ngay sau hôm xảy ra vụ án, mọi người thấy Mạnh đang giặt quần áo ở mương nước với những vết máu loang. Thế là ông Mạnh bị bắt, bị bức cung, nhục hình buộc phải nhận tội. Nhục hình tới mức ông Mạnh khai bừa thêm chị ruột và chú ruột mình nhằm làm "đẹp" hồ sơ theo ý của các điều tra viên.
Mãi 8 năm sau, khi Viện kiểm sát Quân sự Trung ương vào cuộc, bởi chồng của nạn nhân là quân nhân, đối tượng gây án mới bị lộ mặt. Kể giết chị Là chính là chồng mình, đối tượng Phạm Ngọc Bội. Khi thú tội, thượng úy, tiểu đoàn trưởng Bội thú nhận giết vợ chỉ nhằm che giấu tội hủ hóa!?
Nhưng điều tôi ám ảnh nhất, trong cả hai vụ án của ông Nén, ông Mạnh, họ bị điều tra viên sử dụng nhục hình tới mức phải nhận bừa tội và khai thêm những người ruột thịt của mình cho phù hợp với các tình tiết vụ án. Thật kinh hoàng.
Vấn đề đặt ra là, vì sao các điều tra viên trong những vụ án này và một số vụ án khác lại hay sử dụng cách bức cung, nhục hình? Câu hỏi tiếp theo không thể không đặt ra, thủ trưởng của họ và các kiểm sát viên có biết những điều cấm kỵ trong tố tụng này không? Lẽ nào họ không biết, khi hầu hết trong bản cung, cũng như tại tòa, những bị cáo này luôn kêu oan và tố cáo các dạng nhục hình của từng điều tra viên.
Cuối cùng, dư luận băn khoăn là, các điều tra viên sử dụng bức cung, nhục hình và sự làm lơ của kiểm sát viên, thậm chí cố tình bỏ ngoài hồ sơ những bản cung có lợi cho bị cáo là một trong những nguyên nhân chính gây ra những án oan thấu trời. Nhưng vì sao chỉ trong vụ án ông Chấn, những đối tượng này bị khởi tố, còn các vụ án khác, họ chỉ bị kiểm điểm?!
Cũng cần khẳng định, những vụ án oan dù chỉ rất ít, nhưng thực sự gây nhức nhối, hoài nghi trong dư luận. Vì vậy, để xóa bỏ điều đó, minh oan cho các nạn nhân, đòi hỏi sự công tâm và nỗ lực hết sức của một số cán bộ điều tra, đặc biệt là cơ quan điều tra của Viện KSND TC.
Theo danviet.vn
Chia sẻ của luật sư từng xin Chủ tịch nước hoãn tử hình Hồ Duy Hải Theo luật sư (LS) Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, vụ án Hồ Duy Hải (người đã bị tuyên án tử hình) vừa được Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị, đó là bước rất quan trọng để xem xét đến nơi, đến chốn những tình tiết chưa rõ trong vụ án. LS Trần Văn Tạo (ảnh PV)....