“Kỳ án” Huỳnh Văn Nén: Hành trình 15 năm minh oan cho con trai của ông già 90 tuổi
Mặc dù đã 90 tuổi, tay chậm, mắt mờ, nhưng suốt 15 năm qua, ông Huỳnh Văn Truyện chỉ làm một việc duy nhất là đi từ Cà Mau lên Bình Thuận, từ Bình Thuận đi Nha Trang, Đà Nẵng, ra Hà Nội, về Đồng Nai, TPHCM… “cầu cứu” các luật sư, các nhà báo…
…để minh oan cho đứa con trai Huỳnh Văn Nén đang thụ án tù. “Tôi tin thằng Nén nó vô tội, tôi sẽ lại đi, đi tìm sự thật đến khi nào thằng Nén được minh oan”, ông Truyện nói.
Ông Huỳnh Văn Truyện cùng con rể Huỳnh Trung Nghĩa ra Báo Lao Động tại Hà Nội để kêu oan cho con trai.
Con tôi đang ở đâu?
Huỳnh Văn Nén là người bị quy kết giết bà Lê Thị Bông ở xã Tâm Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận năm 1998 để cướp tài sản và bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Hủy hoại tài sản công dân”. Ở tuổi 52, ông Nén đã ngồi tù khoảng 15 năm, nhiều hơn ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang khoảng 5 năm. Ông Nén còn là người từng bị oan trong vụ án “vườn điều” – là vụ án oan kinh điển nổi tiếng cả nước, từng được viết thành sách nhưng vẫn chưa được minh oan. Với kháng nghị này và với việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận đối với bị án Huỳnh Văn Nén, khả năng ông Nén sẽ được minh oan và là người độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Bị kết án oan đến 2 lần trong 2 vụ án khác nhau.
Đến đây, 15 năm ròng rã đi minh oan cho con trai Huỳnh Văn Nén của ông Truyện đã có những kết quả, được đền đáp một phần và hy vọng minh oan hoàn toàn cho Huỳnh Văn Nén để anh được ra tù ngày càng lớn lên trong lòng ông. Tuy nhiên, sự việc lại có những diễn biến bất ngờ khiến cho hành trình minh oan cho con trai của ông Truyện lại phải tiếp tục khi ông không nhận được quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm của HĐXX giám đốc thẩm TAND Tối cao (theo quy định chỉ gửi cho bị cáo) nên khó khăn trong việc mời luật sư bào chữa cho con.
Video đang HOT
Chiều 23.11, khi ông Truyện khăn gói lặn lội từ Cà Mau đến Đồng Nai tới Trại giam Z30A để xin gặp con thì cán bộ quản giáo cho biết, Nén đã được di lý về tỉnh Bình Thuận. Một ngày sau, ông Truyện đến Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận (TP.Phan Thiết) thì được biết, Nén không bị giam ở đây. Hoang mang, ông tiếp tục qua trụ sở Công an tỉnh Bình Thuận để hỏi. Tại phòng tiếp dân của Công an tỉnh Bình Thuận, cán bộ trực tiếp dân đã gọi điện thoại cho một số nơi để hỏi thông tin nhưng không nhận được câu trả lời. Thất vọng, ông Truyện đành ra về và thốt lên rằng: “Con tôi đang ở đâu?”.
Đến sáng 27.11, ông Truyện từ Bình Thuận đi Đồng Nai, cầm lá đơn của gia đình Nén gửi đến trại giam Xuân Lộc đề nghị Ban giám thị cho biết bị can Nén hiện đang giam giữ ở trại nào thì mới biết Nén đã được chuyển đến trại tạm giam T17 – Bộ Công an, đóng tại TPHCM, để phục vụ điều tra xét hỏi.
Như vậy, sau 4 ngày đi đi lại lại, đến ngày 27.11, gia đình ông Truyện mới biết được nơi anh Nén bị giam. Ông Truyện tiếp tục từ Bình Thuận vào TPHCM để tìm gặp con. Ông nói: “Mắt tui hiện đã mờ đi rất nhiều, nhưng tôi không dám đi chữa trị, vì tôi sợ phải nằm viện một thời gian dài thì không thể tiếp tục đi minh oan cho thằng Nén được. Khi có tình tiết mới xảy ra, tui không thể theo dõi vụ việc của con tui được”.
Anh Huỳnh Trung Nghĩa – con rể ông Truyện – thắc mắc: Theo quy định, nếu chuyển trại thì sau 7 ngày sẽ thông báo cho gia đình nhưng không hiểu sao trích xuất từ ngày 7.11, đến nay là 20 ngày rồi mà họ không gửi thông báo về cho gia đình. Bố tôi đã 90 tuổi rồi, mấy ngày qua còn phải chạy đôn chạy đáo đi tìm nơi giam con. Hôm trước, ông yếu quá, đuối sức đi không nổi, thế mà vẫn phải gắng gượng đi gần cả trăm kilômét để tìm con.
Ông Truyện đang nghiên cứu hồ sơ của con trai.
Huỳnh Văn Nén vẫn đang chấp hành án
Sau khi gia đình phạm nhân Huỳnh Văn Nén nhận được thông báo về việc trích xuất phạm nhân Huỳnh Văn Nén từ Trại giam Xuân Lộc (Z30A, Tổng cục VIII – Bộ Công an, đóng tại Đồng Nai) đến Trại tạm giam T17 (Bộ Công an, đóng tại Q.1, TPHCM), luật sư đại diện cho ông Huỳnh Văn Truyện đã liên lạc với C44B và được trả lời rằng Huỳnh Văn Nén vẫn do Tổng cục VIII – Bộ Công an quản lý và đang tiếp tục chấp hành án tại trại tạm giam T17. Đại diện C44B cũng cho biết, chưa nhận được hồ sơ vụ án Huỳnh Văn Nén.
Ngày 2.12, ông Truyện đã được vào thăm nuôi Huỳnh Văn Nén tại trại tạm giam T17. Ngày 3.12, ông Huỳnh Văn Truyện gửi đơn tới TAND tối cao gửi Quyết định số 64 ngày 14.11.2014 về việc hủy bản án sơ thẩm hình sự của TAND tỉnh Bình Thuận đối với Huỳnh Văn Nén, để bổ sung hồ sơ làm thủ tục đề nghị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị án. Ông Truyện cho biết, hiện tại ông chưa nhận được quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận đối với Huỳnh Văn Nén. Ngày 10.12, ông Huỳnh Văn Truyện đã cùng đoàn luật sư tới trụ sở Văn phòng Cơ quan CSĐT (C44B) Bộ Công an (phía Nam) để hỏi về địa vị pháp lý của con trai sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận đối với bị án Huỳnh Văn Nén.
Ông Nguyễn Thận (nguyên Chủ tịch xã Tân Minh) – người đồng hành cùng với ông Huỳnh Văn Truyện trong suốt hành trình minh oan cho Huỳnh Văn Nén – chia sẻ: “Có lẽ, ông Huỳnh Văn Truyện là một lão nông đặc biệt và hiếm có ở đất nước này. Tôi gặp ông từ đầu tháng 9.2000, lúc đó ông Truyện đã 75 tuổi, nay ông chuẩn bị bước qua tuổi 90. Gần 15 năm nay, cuộc đời của ông chỉ quanh đi quẩn lại với vụ việc của Huỳnh Văn Nén, các luật sư và các nhà báo. Từ Cà Mau lên Bình Thuận, từ Bình Thuận đi Nha Trang, Đà Nẵng rồi ra Hà Nội, ngược xuôi nhiều vòng như vậy.
Đôi lúc, tôi thật sự mệt mỏi, không còn chút hy vọng nào để kêu oan cho Nén nữa. Năm 2006-2007 là năm tôi và ông có nhiều niềm tin nhất, khi mà vụ án vườn điều được minh oan, các luật sư trợ giúp pháp lý đồng loạt làm kiến nghị gửi đến các cấp có thẩm quyền ở trung ương, trình bày vụ án Huỳnh Văn Nén có dấu hiệu oan sai, nhiều nhà báo vào cuộc đưa tin những vấn đề còn khuất tất trong vụ án, trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị vụ án được xem xét lại. Gần cuối tháng 10.2007, tôi và ông lại đi ra Hà Nội để gặp các luật sư và gửi đơn cho các cấp ở trung ương. Không đạt nhiều kết quả, chúng tôi buồn bã ra về”.
“Tôi động viên ông Truyện về quê ở Cà Mau và kiên trì làm đơn kêu oan, chờ khi có cơ hội sẽ tiếp tục thực hiện. Cứ như vậy, tôi âm thầm nắm bắt tình hình, giữ mối quan hệ với các văn phòng luật sư, các nhà báo để biết thông tin và đều đặn tư vấn, viết đơn giúp ông Truyện kêu oan cho con trai mỗi năm đôi ba lần. Sự viêc cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm liền. Cuối tháng 8.2013, tôi bị nhồi máu cơ tim vì xơ vữa động mạch vành, phải cấp cứu tại Bệnh viện huyện Hàm Tân, sau đó được anh em trong huyện giúp đỡ đưa đi điều trị tại Bệnh viện 115 ở TPHCM.
Gần cuối tháng 9.2013, tôi xuất viện trong tình trạng bệnh tạm ổn nhưng nguy cơ cao, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi được cơ quan cho nghỉ dưỡng bệnh dài hạn. Đầu tháng 11.2013, trong lúc dư luận cả nước đang chấn động với vụ án oan của Ông Nguyễn Thanh Chấn thì ngày 14.11.2013, ông Truyện từ Cà Mau lên thăm tôi và nhờ tôi cùng đi với ông ra Hà Nội lần cuối cùng. Trong hoàn cảnh đang bệnh tật, tôi chưa dám hứa với ông. Mặt khác, tôi đang đương chức Phó chủ tịch UBMTTQ huyện, nếu đi mà không báo cáo với tổ chức là vi phạm quy chế làm việc. Hôm sau, ông lại lên thăm tôi, ông vừa nói vừa chảy nước mắt: “Nếu chú không đi thì không bao giờ có thể cứu được thằng Nén”. Tôi cầm lòng không được nên phải nhận lời. Không biết giữa tôi và ông có cơ duyên gì mà như hình và bóng. Cũng chính từ đó mà mối quan hệ của tôi và ông cùng với các luật sư,các nhà báo đã gắn kết với nhau tự bao giờ, như là sự ràng buộc của số phận”, ông Thận nói.
Theo Minh Châu
Lao động
Trao giải cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam"
Lễ trao giải cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam lần thứ nhất 2014" đã được tổ chức sáng 21/12 tại Hà Nội.
Một số tác phẩm dự thi "Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam"
Nhằm giúp các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tình hình biển đảo, cũng như những vấn đề chính trị, chứng cứ pháp lý, địa lý... khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo Báo Đời sống & Pháp luật, Báo Người đưa tin thực hiện cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam lần thứ nhất 2014".
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật, Thành viên hội đồng Chung khảo cho biết trong 5 tháng kể từ ngày phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hàng ngàn bài dự thi gửi qua hòm thư điện tử, bưu điện và mang trực tiếp đến Toà soạn. Trong đó đặc biệt có những bài viết khá xúc động của những em học sinh, có em mới chỉ học Lớp 7, những công trình nghiên cứu công phu của các tập thể sinh viên thuộc Học viện An ninh Nhân dân, hay một công trình kỳ công viết tay dày 500 trang giấy A3 của một cựu chiến binh 70 tuổi... Tất cả đều toát lên tình yêu biển đảo vô bờ bến của nhân dân Việt Nam và nguyện đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
T.S Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới quốc gia của Chính phủ, thành viên Hội đồng Chung khảo cuộc thi cho biết, cuộc thi đã khơi gợi tinh thần yêu nước trong mỗi trái tim Việt. "Tôi cho rằng, các tác phẩm về cơ bản đáp ứng được mục tiêu của cuộc thi đặt ra về mặt kiến thức. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm được làm rất tâm huyết, rất công phu. Chỉ nhìn thấy công trình đó, cách thức tiếp cận thấy rõ tình yêu của các tác giả với Tổ quốc. Có những người nông dân, họ không đánh máy và viết toàn bộ tác phẩm bằng tay. Họ nói lên cách suy nghĩ và giải pháp Biển Đông theo cách suy nghĩ của một người dân bình dị về vấn đề biển đảo. Hay những đứa trẻ, chúng chỉ xem hình ảnh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên ti vi nhưng cũng hiểu được đó là "máu thịt" của Tổ quốc".
Minh Tuấn
Theo Dantri
Chiêm ngưỡng chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc bên dòng thác nổi tiếng Ngày 15/12, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức đại lễ Khánh thành chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được xây dựng...