Kỳ 5: Chuyện chưa kể về Evzones
‘Chưa ngắm evzones thực hiện nghi thức đổi gác trên quảng trường Lập hiến là coi như chưa tới Athens, chưa biết Hy Lạp’.
Cô bạn tốt bụng cứ nhắc đi nhắc lại, khi tỉ mẩn lập một danh sách những điều cần làm cùng những nơi cần tới cho tôi, ngay trước ngày lên đường. ‘Đổi gác thì có gì lạ, ở đâu mà chẳng giống nhau’ – tôi làu bàu. ‘Nhớ tới xem, rồi thay đổi góc nhìn cũng chưa muộn’ – bạn cười độ lượng.
“Chưa ngắm evzones thực hiện nghi thức đổi gác trên quảng trường Lập hiến là coi như chưa tới Athens, chưa biết Hy Lạp”. Cô bạn tốt bụng cứ nhắc đi nhắc lại, khi tỉ mẩn lập một danh sách những điều cần làm cùng những nơi cần tới cho tôi, ngay trước ngày lên đường. “Đổi gác thì có gì lạ, ở đâu mà chẳng giống nhau” – tôi làu bàu. “Nhớ tới xem, rồi thay đổi góc nhìn cũng chưa muộn” – bạn cười độ lượng.
Evzones là gì?
Cầm mảnh giấy mà cái tên Evzones được cô bạn cẩn thận tô đậm và gạch chân, tôi háo hức đặt chân tới Quảng trường Lập hiến, ngay trong ngày đầu khám phá thủ đô. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên – một phụ nữ trung niên có đôi mắt xanh thẳm màu nước biển Địa Trung Hải vô cùng thân thiện và nhiệt tình, Quảng trường Lập hiến (Syntagma Square) nằm ở vị trí trung tâm của đại đô thị Athens.
Du khách tập trung đông đảo chờ đón phiên đổi gác trên quảng trường Hiến pháp tại thủ đô Athens.
Cái tên ấn tượng này có xuất xứ từ bản Hiến pháp mà Otto – vị vua đầu tiên của Hy Lạp ban hành sau cuộc nổi dậy của quân đội vào tháng 9 năm 1843. Ra đời sau khi vị quân vương quyết định di dời thủ đô từ Nafplio đến Athens năm 1834, quảng trường được bao phủ bởi màu xanh cây lá với những tàng cây cổ thụ tỏa bóng mát yên bình ở cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam.
Một đài phun nước lớn tọa lạc ngay chính giữa và tạo nên một điểm nhấn kiến trúc tuyệt đẹp cho toàn bộ quảng trường. Nằm kế bên Cung điện Hoàng gia cổ kính (Old Palace) nơi đã trở thành Tòa nhà Quốc hội Hy Lạp từ năm 1934, Đài tưởng niệm những chiến sĩ vô danh (Tomb of Unknown Soldiers) chính là nơi mà lực lượng Evzones nghiêm cẩn canh gác và thực hiện nghi thức đổi gác mỗi giờ.
Cũng theo lời hướng dẫn viên, những người lính trẻ trong lực lượng Evzones luôn chiếm vị trí được yêu thích thứ hai – chỉ sau ngôi đền thiêng Parthenon trong những tấm hình lưu niệm mà du khách năm châu lưu giữ trên hành trình khám phá Athens. Bộ quân phục truyền thống mà họ tự hào khoác trên người cũng đã rất nhiều năm giữ vững ngôi vị đầu tiên, trong Top 10 những bộ quân phục ấn tượng nhất trên toàn thế giới. Để các bạn dễ mường tượng, trang phục ở vị trí thứ hai thuộc về đội vệ binh Thụy Sĩ canh gác Thánh địa Vatican và lực lượng biên phòng Ấn Độ với đồng phục vô cùng sặc sỡ được xếp thứ ba.
Lật lại từng trang lịch sử, tuy lực lượng Evzones được chính thức thành lập từ năm 1868 với tuổi đời 152 năm nhưng thực ra đội ngũ những người lính tinh nhuệ được huấn luyện bài bản đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Nhân loại biết tới họ lần đầu, trong những tác phẩm sử thi nổi tiếng của Homer. Hàng nghìn năm trước, họ đã xả thân bảo vệ đất mẹ trong cuộc chiến kéo dài bốn thế kỷ chống lại ách xâm lược của đế quốc Ottoman hùng mạnh. Suốt chiều dài thế kỷ 20, họ anh dũng chiến đấu trên trận tuyến xung đột vùng Balkan, rồi trở thành biểu tượng được cả dân tộc tôn vinh trong hai cuộc đại chiến thế giới.
Ngày nay, họ vẫn là lực lượng tinh nhuệ đảm trách nhiệm vụ canh gác Tòa nhà Quốc hội, Phủ Tổng thống và khu tưởng niệm những liệt sĩ vô danh đã không tiếc máu xương cho ngày độc lập của cả dân tộc. Cũng chính họ làm nên đội danh dự chào đón các nguyên thủ quốc gia trên toàn thế giới tới thăm Hy Lạp. Và kính cẩn làm lễ thượng cờ trên đỉnh đồi thiêng Acropolis, vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần.
Video đang HOT
Ngắm những chàng trai trẻ, với chiều cao dao động từ 187 cm đến 210 cm và gương mặt đẹp như tạc nghiêm trang bồng súng canh gác, sẽ hiểu tại sao họ được du khách quốc tế yêu thích đến thế. Khỏe mạnh, chưa hề phải trải qua phẫu thuật, trên người không có hình xăm, bắt buộc phải là tín đồ Cơ đốc Chính thống giáo Hy Lạp là những yêu cầu bắt buộc.
Được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những quân nhân đang phục vụ trong quân chủng bộ binh, ngoài yêu cầu ngoại hình khắt khe, họ phải tham gia vào khóa huấn luyện nghiêm ngặt và cam go kéo dài sáu tuần. Chỉ một phần ba trong số ứng viên vượt qua được mọi thử thách để đủ phẩm chất trở thành một evzone, như đại úy đội trưởng Nikolaos Vavlekis diễn giải là “chịu đựng áp lực cao, chấp hành nghiêm kỷ luật, không cho phép bất kỳ một sơ sảy trong ca gác”. Và “chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ này, nếu mỗi evzone gửi cả trái tim và tâm hồn trong từng giờ, từng ngày”.
Một ngày bình thường của evzone diễn ra với bốn ca đứng gác, mỗi ca kéo dài một giờ. Dù nắng hay mưa, dù tuyết rơi lạnh buốt hay mặt trời dội lửa, họ phải tuyệt đối đứng yên, không được cử động. Ngay cả đôi mắt cũng chỉ được tập trung nhìn vào một điểm, nhãn cầu không được thay đổi vị trí. Nếu phát hiện trang phục có đôi chút xộc xệch, như chiếc mũ bị lệch hay nếp váy không thẳng thớm, họ được phép rập báng súng một lần để yêu cầu sự hỗ trợ của đội trưởng. Để giao tiếp với chỉ huy, họ chỉ được phép nháy mắt (một lần là có, hai lần là không, ba lần mang nghĩa tôi không biết). Thì thầm trao đổi chỉ được chấp nhận trong những tình huống cực kỳ đặc biệt.
Sức hấp dẫn từ bộ quân phục độc đáo nhất thế giới
Nghi lễ đổi gác được diễn ra đều đặn mỗi giờ nên về lý thuyết, mọi du khách đều có thể chiêm ngưỡng màn biểu diễn cực kỳ ấn tượng của các evzones khi thăm thú quảng trường Lập hiến. Nhưng nếu có thể, bạn nên sắp xếp để tới đây vào 11 giờ trưa Chủ nhật bởi nghi lễ sẽ có sự góp mặt của toàn bộ lực lượng evzones (khoảng 100 người) cùng dàn quân nhạc với những giai điệu hào hùng.
Bộ trang phục của Evzone chiếm vị trí số 1, trong danh sách những bộ quân phục ấn tượng nhất thế giới. Đứng ở vị trí số 2 và 3 là đội vệ binh Thụy Sĩ canh gác Vatican và lính biên phòng Ấn Độ.
Khi tôi tới, đã có hàng trăm du khách đủ mọi quốc tịch và màu da đang tập trung chờ đợi ngay trước khu vực Đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh. Và chen chúc trong đám đông sở hữu chiều cao vượt trội ấy, để ngắm được trọn vẹn các evzones trong bộ trang phục lạ lẫm di chuyển chậm rãi, với cách thức ngúc ngoắc đôi chân tức cười như thể chú chim sếu dò dẫm trên đầm lầy quả là rất khó khăn. May nhờ ngó nghiêng trước vài clip trên Youtube, tôi đã kiếm được vị trí quan sát lý tưởng, trong khi dân tình còn thụ động bám theo lộ trình rắc rối của nhóm lính trên quảng trường.
Điều thú vị là một bộ quân phục truyền thống nhưng nhìn thoáng qua lại khá yểu điệu, tha thướt. Với chiếc áo có hình dáng tương tự váy xếp 400 ly có tên fustanella kèm quần tất trắng, mỗi bước chân đều khiến những nếp váy tung lên theo bốn hướng khá bắt mắt. Điểm nhấn của bộ trang phục nằm ở đôi giày đỏ dạng guốc da mang tên tsarouchia thoạt nhìn rất kỳ cục.
Quả bông xù pom – pom kết bằng len đen ở đầu mũi giày giúp giữ ấm đôi chân người lính trong tiết trời lạnh giá, nhưng trong quá khứ chúng đã từng che giấu những vật sắc nhọn – một mũi dao chẳng hạn để tấn công kẻ thù trong những màn giáp lá cà. Giúp hoàn thiện tổng thể phức tạp của bộ quân phục còn có chiếc mũ phareon màu đỏ với tua dài màu đen, áo gillet có tên fameli với những chữ cái cùng cây thánh giá được thêu tay, tất len màu trắng periskelides, nịt đầu gối có tua đen kaltsodetes, tua – rua Cratan mang màu quốc kỳ xanh – trắng cùng thắt lưng hộp bằng da.
Các chiến binh tinh nhuệ trong Đội vệ binh Tổng thống thực hiện nghi thức đổi gác tại khu vực Lăng mộ Chiến sĩ vô danh tại trung tâm Quảng trường Hiến pháp.
Thú vị hơn là tổng trọng lượng của bộ trang phục cầu kỳ mang màu sắc nữ tính ấy lên tới hơn 20 kg, trong đó khẩu súng nặng khoảng 7 kg. Riêng đôi giày đã nặng tới 3,5kg với 60 chiếc đinh tán dưới đế để tăng độ ma sát. Đúng là trang phục chỉ nhằm mục đích biểu diễn, cứ tưởng tượng nếu có biến, chẳng evzone nào có thể chế ngự tội phạm khi lệnh khênh di chuyển trên một đôi giày nặng nề và kém cơ động thế này.
Để khoác được dăm bảy lớp trang phục cho chuẩn chỉnh, tươm tất cũng phải tốn tới 45 phút, với sự hỗ trợ của những nhân viên lễ phục chuyên nghiệp. Mỗi chi tiết đều phải làm bằng tay và để hoàn thành toàn bộ, một kíp thợ thủ công phải dành ra tới sáu tháng làm việc liên tục. Vì vậy, không phải mọi evzones đều có đồng phục được thiết kế riêng. Phần đa họ thừa hưởng lại từ những người đi trước và tiếp tục để lại cho đàn em, khi được ra quân.
Ban đầu, tôi nghĩ cách phối hợp tinh tế giữa các màu trắng – đỏ – đen – xanh… chỉ có tác dụng duy nhất là mang lại một tổng thể hài hòa, đẹp mắt cho bộ trang phục. Nhờ hướng dẫn viên giảng giải, tôi mới biết mỗi màu sắc xuất hiện trong trang phục evzones đều mang một ý nghĩa sâu xa, đều chứa đựng trong nó một phần lịch sử hào hùng của đất nước.
Toàn cảnh Quảng trường Hiến pháp, một địa chỉ không thể bỏ qua của mọi du khách năm châu khi đến với thủ đô Athens.
Tổng cộng 400 nếp ly tạo nên chiếc váy là biểu tượng số năm đế quốc Ottoman đô hộ Hy Lạp. Đồng phục mùa đông lấy cảm hứng từ trang phục cuộc chiến Macedonia, mùa hè từ cuộc xung đột Balkan. Màu đỏ của chiếc mũ tượng trưng cho máu đã đổ, màu đen của chiếc tua dài tái hiện những giọt nước mắt uất nghẹn trong chiến tranh.
Bởi luôn thực hiện nhiệm vụ theo từng cặp nên hai người lính evzones coi nhau như anh em ruột trong gia đình. Nhiều năm đồng hành cùng nhau nên người này giống như tấm gương phản chiếu của người kia, đồng bộ hóa đến từng cử động. Là một thành viên của đội vệ binh Tổng thống là vinh dự, là niềm tự hào mà mỗi evzone luôn trân trọng. Trở thành một biểu tượng quốc gia, họ thuộc về lịch sử, góp một phần làm nên lịch sử.
Ngày ngày bồng súng đứng gác trên quảng trường Lập hiến, họ kiêu hãnh đón nhận tình yêu, sự ngưỡng mộ mà du khách năm châu dành cho mình, trong và sau mỗi phiên đổi gác. Họ đã mang lại một điểm nhấn quyến rũ không thể bỏ qua khi tới Athens, giúp bổ sung một gam màu độc đáo cho bức tranh toàn cảnh có một không hai của “xứ sở những vị thần”.
Cô bạn cười khoái trí, khi nghe tôi chia sẻ những thông tin lỗ mỗ gom nhặt được về evzones sau chuyến đi: “Không phải đổi gác ở đâu cũng như nhau đúng không?” Đành gật đầu, cãi thế nào cho nổi!
Khám phá miền Tây mùa nước nổi
Mùa nước nổi (mùa lũ sông Cửu Long) là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong.
Với du lịch miền Tây và người dân vùng sông nước này, mùa nước lũ không phải là thiên tai mà là ưu đãi của thiên nhiên ban tặng với lượng phù sa màu mỡ cùng bao sản vật, cá tôm, cây trái.
Đến Châu Đốc hái bông súng mùa nước nổi là một trải nghiệm thú vị.
ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN
Điểm đến ấn tượng mùa nước nổi là An Giang. Nằm ở vùng đầu nguồn, giáp với biên giới Campuchia, tỉnh An Giang có núi non kỳ vĩ, vừa có ao hồ mênh mông. Những yếu tố này hội tụ khiến tỉnh An Giang có nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị nhất là trong mùa nước nổi. Hình ảnh mà khách du lịch An Giang có thể thấy được còn lại chỉ là những ngôi nhà lấp lửng trong màn nước bạc, chỉ còn lại hàng cây thốt nốt và rừng tràm xanh thẳm yên bình, chỉ còn lại cánh bèo trôi dạt khắp nơi như mảnh đời người dân miền sông nước lắm cơ cực.
Không chỉ có cảnh đẹp hoang sơ hữu tình, mùa nước nổi ở An Giang còn thu hút du khách bởi nhịp mưu sinh sôi động. Mùa nước cũng là mùa đánh bắt cá của cư dân vùng đầu nguồn. Những người không sinh ra, lớn lên ở đây vô cùng tò mò, thích thú mùa nước nổi. Chính vì vậy, nhiều nhóm phượt đã trải nghiệm giăng câu, thả lưới, được hòa mình vào nhịp sống đời thường đầy vất vả nhưng rất đỗi bình yên ở thôn quê miền Tây.
Du lịch miền Tây mùa nước nổi, nhất định không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư. Nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh ngăn ngắt với những hàng cây tràm thẳng tắp, dưới nước là lớp bèo cám xanh nõn bình yên, dịu dàng quá đỗi. Ở rừng tràm Trà Sư, bạn sẽ được trải nghiệm di chuyển trên chiếc ghe nhỏ, rẽ sóng đạp nước di chuyển một cách nhẹ nhàng giữa những hàng cây tràm tĩnh lặng, ngắm những bông điên điển rực rỡ sắc vàng hay thích thú chiêm ngưỡng cảnh tượng từng đàn chim đậu trắng cả ngọn cây...
Ấn tượng không kém là biệt thự của công tử Bạc Liêu xây dựng năm 1919 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Đây là căn nhà to đẹp nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Dù đã trăm năm trôi qua, ngôi nhà vẫn giữ được vẻ đẹp sang trọng vốn có và sự xa hoa bậc nhất của Trần gia.
Trong khi đó, chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup, ở Sóc Trăng), một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng lại mang vẻ kỳ bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.
Đất mũi Cà Mau lại quá thiêng liêng. Đến nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc trên đất liền, bạn không chỉ được tận tay chạm vào cột mốc tọa độ quốc gia và chiêm ngưỡng biểu tượng của Mũi Cà Mau mà còn được khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng. Đây cũng là địa điểm duy nhất trên cả nước có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở bờ biển Tây.
Là 1 trong 3 chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một điểm đến nổi tiếng nhất và cũng hấp dẫn bậc nhất của miền Tây mùa nước nổi. Với hàng trăm ghe thuyền buôn bán ngày đêm xuôi ngược, Cái Răng là địa danh mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu, khám phá nét văn hóa du lịch sông nước miền Tây của người dân Cần Thơ trên dòng sông Hậu hiền hòa.
Đặc biệt, có nhiều du khách đi du lịch miền Tây mùa nước nổi chỉ để thăm viếng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam linh thiêng, huyền bí tại Châu Đốc (An Giang). Sự linh thiêng, màu nhiệm cùng kiến trúc, cảnh quan rộng, đẹp đã khiến hơn 3 triệu Phật tử từ các nơi đổ về hành hương, cúng bái cầu bình an, may mắn, tài lộc ở miếu Bà Chúa Xứ mỗi năm.
ẨM THỰC ĐA SẮC
Nói đến đặc sản mùa nước nổi không thể không nhắc đến cá linh. Cá linh - món quà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân miền Tây và chỉ có khi "con nước" về. Cá linh đầu mùa, chỉ bé bằng đầu đũa, thịt cá ngon, ngọt, xương mềm, béo ngậy, nước càng dâng cao, cá linh về càng nhiều.
Cá linh sau khi bắt, người dân địa phương có thể chế biến thành nhiều món ăn, như: kho, chiên, nướng, nấu canh chua... tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị của sông nước miền Tây. Cá linh non dùng để kho lạt, kho xả, nấu canh chua vì xương mềm có thể ăn cả xương. Khi con cá linh lớn một chút sẽ được rửa sạch, làm món nướng mọi, kho mía hoặc tẩm bột chiên giòn... ăn kèm rau sống chấm mắm tỏi thì ngon tuyệt. Ngoài ra, cá linh còn được ủ làm nước mắm hoặc con mắm... càng ủ lâu càng ngon.
Một trong những món ăn gần như không thể thiếu khi kết hợp với cá linh đó là bông điên điển. Đây là sản vật số một mùa nước nổi, khi kết hợp những món ăn chế biến từ cá linh, như: canh chua cá linh, lẩu mắm cá linh... sẽ tạo thành món ăn bình dị, đặc sản nổi tiếng. Để có một nồi lẩu cá linh nấu chua ngon đúng điệu, phải chọn loại cá linh thật tươi, làm sạch và để ráo nước.
Kèm theo đó là nhiều nguyên liệu khác, như: nước dừa tươi, bông súng, giá, me non, ớt... Cá linh non còn nhỏ nên chín rất nhanh, chỉ cần bỏ vào nồi lẩu nhanh thôi là đã có thể thưởng thức, điên điển gặp nước nóng sẽ mềm. Vị ngọt từ thịt cá linh hòa quyện với vị chan chát của bông điên điển, tạo nên món ăn đậm đà hương vị vùng sông nước, chinh phục thực khách từ màu sắc, hương thơm, vị ngọt thanh của nước dùng. Thực khách có thể ăn kèm với bún hoặc cơm trắng đều được. Ngoài ra, bông điên điển còn được dùng làm gỏi với tép đồng, làm dưa chua hoặc ăn sống...
Món bánh xèo bông điên điển thì ngon, lạ vô cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa, thịt ba rọi, tép, bông điên điển thanh mát kết hợp cùng đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều giòn giòn.
Cá lăng kho khóm cũng là một trong những đặc sản không nên bỏ lỡ ở miền Tây vào mùa nước nổi. Vị béo, ngọt, thơm ngon của cá quyện vị chua chua của khóm và thơm lừng của cơm trắng đánh thức mọi giác quan.
Bông súng cũng được dùng làm thức ăn khá phổ biến ở miền Tây mùa nước lũ. Trong đó, bông súng mắm kho thơm ngon, mê hoặc mọi thực khách khó tính nhất với vị cay của ớt, của sả, vị béo ngọt của tép, giòn của bông súng dân dã mà khó quên.
Đồng hồ thiên văn ở Praha và nghi thức chuyển giờ kỳ lạ Sau một đêm nghỉ ngơi ở một khách sạn gần thủ đô Praha (hay Prague), sáng hôm sau đoàn tiếp tục lên xe đi Praha; thủ đô của nước Cộng hòa Czech; quốc gia mà nhiều người vẫn gọi theo tên cũ là nước Tiệp Khắc. Hướng dẫn viên thông báo đoàn sẽ đến sớm tại khu quảng trường trung tâm, ở đó...