Kỳ 2: Tiếp cận loài hoa đẹp “chết người”
Tiếp tục hành trình triệt phá cây thuốc phiện nơi vùng cao Tây Bắc theo chân đoàn công tác 06, sau khi vượt qua nhiều cung đường nguy hiểm, phóng viên Dân Việt các thành viên trong đoàn đã tiếp cận được loài hoa đẹp “chết người” – hoa thuốc phiện.
Hành trình gian nan
Tiếp tục hành trình triệt phá cây thuốc phiện nơi vùng cao Tây Bắc, đoàn công tác của chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào những cánh rừng già. Khi những cánh rừng vẫn mù mịt sương, đoàn công tác lầm lũi với hành trình xuyên rừng tới nơi đang hiện hữu màu hoa đẹp “chết người”.
Đoàn công tác tiến hành nhổ bỏ thuốc phiện tại khu vực giáp ranh. (Ảnh: Q.T)
Tại những khu vực trồng cây thuốc phiện đều nằm vào điểm giáp ranh giữa các bản, xã của tỉnh Yên Bái và Sơn La, không thể biết do người dân bên nào trồng. Chỉ biết trong những đợt đi triệt phá trước đây, những đối tượng bị phát hiện tại lán nương có trồng thuốc phiện hoặc đang cạo nhựa thuốc phiện đều là người thuộc xã Bản Mù (Yên Bái), trong đó có cả phụ nữ và người già.
Đúng như cảnh báo, chặng đường chúng tôi qua hết dốc rồi lại dốc. Đoàn đi đến đâu phải mở lối đến đó. Các thành viên vừa đi vừa ngã sóng xoài. Thậm chí, có đoạn phải lò dò đi lùi, tay bám vào cây bên đường để xuống dốc, chỉ sơ sẩy là lăn xuống hủm…
Gần 12 giờ trưa, đoàn mới tiếp cận được khu vực giáp ranh. Đứng trên đỉnh có thể nhìn thấy bản Tàng Ghênh và trung tâm xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Mặc dù đã đến giờ cơm trưa nhưng do khu vực này không có nước nên đoàn công tác phải tụt xuống núi thêm một chặng dài để đến một con suối lấy nước nấu cơm.
Hơn 14 giờ chiều, bữa cơm trưa mới được chuẩn bị tại một con suối nhỏ thuộc khu vực giáp ranh nằm ở độ cao hơn 1.900m so với mặt nước biển.
Vẫn như những bữa cơm rừng trước đó, các thành viên trong đoàn lại dùng cây rừng làm đũa, lá chuối làm đĩa đựng đồ ăn và bát ăn cơm có sẵn vì mỗi thành viên đều mang theo. Món ăn chủ lực ngoài cá khô nướng thì có thêm rau rừng, ếch, nòng nòng được bắt từ dưới suối.
Xong bữa cơm trưa, các thành viên trong đoàn nằm dưới các bóng cây để ngả lưng. Sau 30 phút, đoàn lại tiếp tục xuyên qua những cánh rừng, con dốc để tìm và triệt phá thuốc phiện. Do khu vực này núi non hiểm trở, rừng rậm nên việc đi lại của đoàn công tác cực kỳ khó khăn.
Video đang HOT
Nhiều đoạn phải quay ngược lại vì phía trước là vực sâu không thể xuống được hay có đoạn phải đi vòng mất hơn tiếng đồng hồ mới đến được mặc dù tính đường chim bay chỉ mất 5 phút đi bộ. Thậm chí, có những đoạn, đoàn phải cử người có kinh nghiệm đi trước kiểm tra xem có bẫy không…?
Đến gần 17 giờ chiều, khi còn cách khu vực dự kiến dừng chân nghỉ tối khoảng 1 tiếng đi bộ, bất giác một mùi ngai ngái theo gió xộc vào mũi chúng tôi. Lúc này, không ai bảo ai, cả đoàn công tác nhẹ nhàng luồn rừng, giữ im lặng hướng về phía trước.
Đoàn công tác đang tiến sâu vào trong rừng già. (Ảnh: Q.T)
Đi chừng 30 phút, đoàn công tác phát hiện phía trước một chiếc lán, phía trong có một phụ nữ đang nấu cơm, một người đàn ông đang nằm hút thuốc phiện.
Còn phía ngoài lán có 1 người đàn ông đang cạo nhựa thuốc phiện. Đây là một khu vực rộng chừng 500m2, nằm lọt thỏm giữa rừng, thuốc phiện đang cho nhựa được trồng xen với rau cải cũng đang trổ hoa vàng. Qua quan sát của các thành viên trong đoàn thì những người này là người ở tỉnh khác chứ không phải của Sơn La.
Tuy nhiên, khi cách khu vực trồng thuốc phiện khoảng 30m thì các đối tượng phát hiện ra đoàn công tác nên đã bỏ chạy và để lại một số tang vật, trong đó có cả một bộ bàn đèn hút thuốc phiện và một khẩu súng kíp. Cũng do đường rừng hiểm trở nên đoàn công tác không thể đuổi bắt được các đối tượng. Do vậy, nhiệm vụ quen thuộc của đoàn là triệt phá hết số cây thuốc phiện và tiêu hủy ngay tại rừng cùng chiếc lán.
Nỗ lực tìm kiếm
Sau khi rời khu vực tái trồng đã phát hiện, đoàn công tác tiếp tục phát hiện thêm một số diện tích nằm cách đó khoảng 1 tiếng đi bộ. Thậm chí, có những đám thuốc phiện đã thu hoạch xong nhựa, cây đang để làm giống hay có những đám thuốc phiện đang chuẩn bị ra hoa hoặc mới chỉ hơn gang tay.
Anh Sòi Văn Hải, thành viên trong đoàn, cho biết: Cũng do các đoàn công tác đi triệt phá mỗi năm 3-4 lần, nên các đối tượng đã gieo gối vụ, cây lứa trước bị triệt phá thì hạt gieo sau sẽ tiếp tục phát triển.
Do vậy, có những khu vực đoàn đã triệt phá nhưng sau đó vài tháng vẫn có cây thuốc phiện. So với các năm trước thì diện tích tái trồng khu vực giáp ranh đã giảm đi rất nhiều.
Để đảm bảo an toàn, sau khi tiêu hủy xong các tang vật, đoàn công tác nhanh chóng thu dọn đồ rút khỏi nơi đó để tiếp tục hướng tới khu vực nghỉ đêm. Bởi lúc này, trời đã bắt đầu nhá nhem tối.
Một lần nữa chúng tôi được nhắc nhở tuyệt đối giữ im lặng và phải nghe theo sự hướng dẫn của người dẫn đường. Việc nhắc nhở đó không thừa, bởi nơi đây sương mù mới chốc tan biến, chỉ vài giây sau lại kéo về dày đặc, trời thì nhập nhoạng và việc các đối tượng trồng thuốc phiện trả thù đoàn công tác là điều đã từng xảy ra.
Cứ như vậy, những ngày tiếp theo đoàn công tác lại tiếp tục xuyên rừng, ngược núi, vượt thác, băng suối để tìm và triệt phá cây thuốc phiện. Trong những ngày ăn rừng, ngủ rừng, có thành viên trong đoàn bị đuối sức tưởng chừng không đi nổi nhưng vẫn quyết tâm bám đoàn, hoàn thành nhiệm vụ.
Có những thành viên còn hỗ trợ nhau bằng cách mang vác giúp tư trang khi thành viên kia mệt hay chia sẻ những ngụm nước khi đi trong rừng mấy tiếng đồng hồ mà không gặp mó nước…
Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng 12 năm trước cho đến tháng 4 năm sau là khoảng thời gian các cán bộ vùng cao Tây Bắc phải ăn rừng, ngủ rừng hàng tuần trời để đi tìm và triệt phá cây thuốc phiện. Mỗi mùa cây thuốc phiện nở rộ giữa những cánh rừng cũng là thời điểm các cán bộ phải chạm trán với người dân trồng thuốc phiện và nảy sinh không biết bao vấn đề, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng…
Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, các cán bộ vùng cao Tây Bắc nói chung, xã vùng cao Háng Đồng nói riêng đã góp phần không nhỏ của mình vào cuộc chiến chống lại ma túy. Chính họ đã và đang giúp cho đồng bào vùng cao thay đổi được tư duy khi vận động nhau phá bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước ổn định cuộc sống.
(Còn nữa)
Theo Danviet
Hành trình triệt phá cây thuốc phiện nơi vùng cao Tây Bắc
Vùng cao Tây Bắc, nơi có những khu vực núi non hiểm trở, rừng rậm quanh năm được bao phủ bởi lớp sương trắng dày đặc. Những khu vực này được coi là "thủ phủ" của cây thuốc phiện khi một số người dân lợi dụng địa hình hiểm trở để tái trồng cây thuốc phiện... PV NTNN đã theo chân đoàn công tác 06 (Đoàn công tác triệt phá cây thuốc phiện) để mục kích "thủ phủ" cây thuốc phiện.
Tái trồng thuốc phiện
Điểm đến của chúng tôi lần này là vùng giáp ranh giữa các xã của 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển-nơi có những bản đồng bào Mông nằm chon von trên những dãy núi quanh năm mờ sương phủ. Cũng chính vùng giáp ranh này bấy lâu nay vẫn là nơi tái trồng cây thuốc phiện "bền bỉ" nhất. Cũng để "thuận tiện" đi lại, chúng tôi quyết định xuất phát từ phía Sơn La, nơi có bản Làng Sáng, thuộc xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên giáp với một số bản của xã Suối Tọ, huyện Phù Yên (Sơn La). Bởi đi từ phía này, chúng tôi sẽ bám theo đoàn 06 của Sơn La đi triệt phá cây thuốc phiện vùng giáp ranh Yên Bái...
Đi bộ trong rừng đòi hỏi phải có sức khỏe để vượt qua những con dốc chồn chân vó ngựa. Ảnh: Q.T
Xã Háng Đồng gồm 6 bản Háng Ba La, Chống Cha, Háng Đồng A, B, C và Làng Sáng trước đây thuộc xã Tà xùa. Năm 2008, sau khi tách ra đã thành lập xã Háng Đồng. Độ dài tính từ trung tâm xã tới bản xa nhất là bản Làng Sáng đã giảm từ gần 70km xuống còn gần 30km đi bộ. Ở đây, phương tiện chủ yếu của người dân là "xe của bộ".
Sau gần 6 tiếng xuất phát từ Hà Nội, đoàn công tác có mặt ở trung tâm xã Háng Đồng. Ở Háng Đồng, không phải mùa đông, nhưng khi đêm xuống, sương mù dày đặc giăng kín kèm theo cái lạnh tê lòng. Các vị lãnh đạo xã chia sẻ: Các đợt triệt phá từ cuối năm ngoái đến nay chủ yếu tập trung khu vực giáp ranh giữa xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) với các xã của Sơn La, bởi đây là khu vực vẫn tái trồng thuốc phiện. Mỗi đợt triệt phải phá mất hơn 1 tuần. Toàn bộ diện tích được phát hiện đều nhờ thông tin từ người dân tại các cơ sở của Sơn La. Bởi chỉ họ mới có thể biết chính xác năm nay khu vực nào trong rừng còn trồng thuốc phiện. Còn những diện tích do đoàn 06 phát hiện thường rất khó khăn bởi nơi tái trồng nằm ở khu vực hiểm trở, heo hút. Có những khu vực, đoàn công tác phải đối mặt với các loại bẫy, trong đó có cả bẫy bằng súng kíp...
Sáng hôm sau, khi những cánh rừng còn phủ đầy sương trắng, đoàn công tác xã Háng Đồng đã lục đục chuẩn bị tư trang, chia đều lương thực, thực phẩm cho các thành viên trong đoàn mang vác. Trong đợt này, đoàn công tác chia thành 2 tổ. Tôi tham gia tổ số 1 gồm 15 thành viên, do Hờ A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Háng Đồng làm tổ trưởng... Đúng 6 giờ 30 phút đoàn xuất phát từ trụ sở bằng xe máy. Gọi là đi xe máy nhưng với chặng đường hơn 10km, chúng tôi phải mất gần 4 tiếng đồng hồ mới đến được bản đầu tiên - Háng Đồng C. Từ đây, đoàn công tác sẽ phải đi bộ.
Gian nan băng rừng
Sau mấy tiếng xuyên rừng, ngược dốc, đoàn dừng chân tại một đỉnh núi thuộc khu vực 10 hộ của bản Háng Đồng C để ăn trưa. Lúc này đã hơn 13 giờ. Gọi là khu 10 hộ bởi trước đây có 10 hộ đồng bào Mông ở cách xa khu trung tâm bản, nay đã tăng lên 13 hộ.
Đi trong rừng, mỗi cá nhân phải tự mang vác tư trang của mình...
Bữa trưa với cơm tẻ đỏ, cá khô và một ít thịt lợn ba chỉ rang mặn đoàn tiếp tục xuất phát. Lúc này nắng bắt đầu gắt, do phải mang vác nặng nên đoàn công tác ai cũng ướt đẫm mồ hôi và thở dốc. Đoàn công tác phải tạt ngang rừng, ngược núi hay bám cây tụt xuống từng dốc, con hủm, vách đá để kiểm tra xem có diện tích tái trồng nào không. Có những đoạn phải dùng dao để mở lối đi bởi mỗi chặng đường đi qua mà để sót diện tích tái trồng thì đoàn chưa hoàn thành nhiệm vụ...
Hôm đó, phải gần 19 giờ, đoàn mới dừng chân giữa vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa. Lúc này, mỗi người một việc, chia nhau ra chuẩn bị cơm tối, lấy củi. Một số thành viên có kinh nghiệm đi rừng thì dùng đèn pin bắt ếch, nòng nọc, lấy nấm, măng rừng để cải thiện bữa ăn...
Sau bữa cơm tối, đồng hồ đã chỉ gần 23 giờ. Lúc này, các thành viên trong đoàn rải lá quanh đống lửa để nằm ngủ. Mặc dù đi rừng mệt như vậy, nhưng do nằm đất, giữa cái lạnh vùng cao nơi rừng sâu khi đêm xuống nên rất khó ngủ. Nhiều thành viên với giấc ngủ chập chờn cùng những câu chuyện về hành trình triệt phá cây thuốc phiện liên tục bị ngắt quãng cho đến gần sáng...
Bước sang ngày thứ 3 cùng đoàn công tác ăn rừng, ngủ rừng, trong khi vẫn chưa phát hiện một diện tích tái trồng cây thuốc phiện nào. Theo như lời các thành viên trong đoàn thì đây chính là tín hiệu vui khi đồng bào vùng cao đã không còn tái trồng cây thuốc phiện nhiều như trước nữa. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của đoàn, sáng hôm sau, trên cung đường ngược lên núi, xuyên qua những khu rừng già thuộc khu vực giáp ranh chắc chắn sẽ phát hiện ra diện tích tái trồng. Bởi cung đường này ít người đặt chân đến và từ thông tin của người dân, đây là khu vực một số người dân lợi dụng để tái trồng cây thuốc phiện...
(Còn nữa)
Theo Danviet
"Nghèo hoá" khi bão tan, lũ rút Thời gian qua nước ta đang phải hứng chịu hàng chục cơn bão, lũ lụt, úng ngập, hạn hán... Sau mỗi đợt thiên hai, có hàng nghìn, hàng chục nghìn hộ mất trắng tài sản, nhà cửa, người giàu cũng thành "vô sản", người nghèo càng nghèo hơn. Nghèo hoá do thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng khi tình trạng biến...