Kỳ 2: Thân cò lặn lội
Ngồi cùng tôi, đôi tay to và thô ráp của chị vội vén mớ tóc lòa xòa trước trán sang một bên và nhìn xa xăm, cuộc sống bình thường đã khó khăn đủ bề, chồng ngã bệnh, gánh nặng lại đặt lên vai chị.
Vợ chồng anh Trần Văn Hạnh (44 tuổi, quê Sóc Trăng) và chị Nguyễn Thị Duyên (45 tuổi) hằng ngày cứ đầu tắt mặt tối đi làm thuê. Tuổi đã toan về già nhưng anh chị vẫn chưa có con. Ấp ủ dự định kiếm tiền để khám bệnh nhưng phải lo cuộc sống gia đình, nuôi mẹ anh Hạnh bị mù nên anh chị cứ trì hoãn mãi.
Ở quê hết việc, anh chị lại lên Bình Dương làm phụ hồ. Một lần bị té, anh Hạnh được chuyển lên BV Chấn thương – Chỉnh hình. Sau khi được mổ lấy mẫu đi xét nghiệm mới biết bị ung thư xương nên họ chuyển qua BV Ung bướu. Dẫu biết “trời kêu ai người nấy dạ” nhưng bệnh tật ập đến bất ngờ quá, chị ôm lấy anh mà khóc suốt. Rồi sau lần khóc ấy, chị lau nước mắt và vững vàng hơn, chị bảo anh lên BV ở hẳn, tiền chữa bệnh cứ để chị nghĩ cách thu xếp.
Chị lại lên Bình Dương phụ hồ nhiều hơn, nhiều bằng cả anh và chị trước khi anh lâm bệnh cộng lại. Gom hết tiền sau những đợt làm thuê, chị lại lặn lội xuống Sài Gòn để đưa tiền cho anh đóng tạm ứng cho BV. Giữa manh chiếu nhỏ trải trên vài chục ô gạch ngay hành lang BV Ung bướu, chị Duyên và anh Hạnh lại chia nhau bát cơm, miếng thịt vừa xin từ thiện. Vừa ăn xong, chị lại tạt qua chỗ nằm của các cô, các bác quen thân hỏi thăm tình hình sức khỏe rồi tất tả lên khoa nơi có người neo đơn đang cần giúp đỡ.
“Nhiều người không có người thân, chết thì xuống nhà xác nằm mình thấy thương lắm. Thôi thì lá rách ít đùm lá rách nhiều”, chị Duyên nói. Nhiều người tại Khoa Nội 1 đã không còn xa lạ với hình ảnh chị Duyên thoăn thoắt giúp vệ sinh, giặt giũ, bón cơm cho nhiều cô không có gia đình chăm sóc. Nhiều người nhà bệnh nhân nhờ chị vệ sinh cho người bệnh, chị cũng làm. “Duyên chịu khó lắm, vừa chăm chồng còn giúp đỡ người bệnh chúng tôi nữa. Mỗi lần đi xin cơm từ thiện là nó xin giùm cho chúng tôi luôn vì một số người đau nên khó đi lại”, cô Năm – một bệnh nhân – cho biết.
Ở cùng chồng được vài bữa chị Duyên lại bắt xe lên Bình Dương. Số tiền tạm ứng tháng sau của anh đang chờ chị đóng và mẹ chồng già ở quê bị mù cũng cần chị chăm sóc.
Vợ chồng chị Duyên, anh Hạnh trên hành lang bệnh viện
Video đang HOT
Bệnh viện về chiều, từng đợt gió hiu hiu cuối năm quất nhẹ vào người, phía hành lang, bà dựa đầu vào gờ xe lăn lim dim mắt, ông ngồi bên cạnh canh cho bà ngủ. Mấy năm trường trụ tại BV Chợ Rẫy, cuộc sống lay lắt của ông bà cứ thế dần đi qua.
Nhiều hộ lý, bác sĩ và bệnh nhân không còn xa lạ với vợ chồng bà Trần Kim Thoại (56 tuổi, quê Vĩnh Long) và ông Trần Quang Răng (64 tuổi) vẫn từng ngày sống như dân du mục trong BV Chợ Rẫy. Lúc họ thấy ông bà hay xuất hiện ở khu hành lang dẫn xuống Khoa Thận nhân tạo, lúc lại thấy ông đẩy xe lăn đưa bà đến gần phía cổng sau Khoa Cấp cứu, có lúc lại thấy bà ngủ gà gật ở một khoảng trống gần khu Vật lý trị liệu. Đồ đạc của hai vợ chồng đơn giản với một chiếc xe lăn và 3 bọc đồ, cứ như thế họ dìu nhau sống qua những ngày tháng chạy thận của cả bà và ông.
Ngồi trên xe lăn với cái bụng đã sưng to tướng, giọng bà Thoại trở nên yếu ớt, một tuần cả ông và bà đều phải chạy thận 3 lần, số ngày còn lại bà được ông đẩy ra chỗ vắng trước Khoa Vật lý trị liệu của BV Chợ Rẫy vì ở đây yên ắng, để bà được nghỉ ngơi còn ông ra ngoài khuôn viên BV tìm chỗ ngủ tạm. Không thể đủ tiền để đi đi về về nên ông bà đành chấp nhận sống vật vờ trong BV. Nhiều người thấy hoàn cảnh của vợ chồng bà đã già còn bị bệnh hiểm nghèo nên thương, rồi cho tiền, quà. Nhờ đó, ông bà có thêm chi phí sinh hoạt. Ông bảo, vợ chồng già thì điều quan trọng là gắng đùm bọc nhau mà sống, còn ngày nào hạnh phúc ngày đó, khi nào trời “kêu” thì ung dung mà đi. “Ban đầu, chỉ mình tôi phải đến BV Chợ Rẫy chạy thận. Ông ấy cứ lên rồi lại về quê chạy kiếm tiền. Sau này, ông bị tai biến, rồi cũng phải chạy thận luôn nên khó khăn cứ nhân lên. Chẳng còn đủ tiền về, vợ chồng tôi nương nhờ BV mà sống”, bà Thoại bùi ngùi kể. Rồi bà nói thêm: “Vợ chồng chỉ có duy nhất cô con gái nhưng lại lấy chồng ở Bình Dương, cuộc sống của con còn vất vả, phải đi làm công nhân nhưng luôn gửi tiền về cho cha mẹ. Bà bảo thương con lắm, có gia đình rồi mà vẫn phải chạy vạy đủ đường, làm được bao nhiêu tiền cũng phải trích ra hằng tháng để đem xuống BV cho cha mẹ chạy thận. Thôi thì cũng coi như mình có phúc, số được con cái phụng dưỡng, âu cũng thỏa lòng”.
Rồi bà tự đẩy xe ra gần cổng sau BV Chợ Rẫy ở đường Thuận Kiều, đỗ xe tại lối qua các khoa và chờ ông mang cơm về. Lần này, ông còn mang theo cho bà củ khoai ông xin được đâu đó, bà vội bóc vỏ và sẻ cho ông cùng ăn.
Tâm sự về những khó khăn khi phải chống chọi với bệnh tật trong BV, bà Thoại bảo: “Chúng tôi đã chật vật để lo chi phí sinh hoạt, thuốc men, lại còn lo ngay ngáy mấy tên trộm nữa. Như vợ chồng tôi còn có cái xe lăn với mấy bọc đồ cũng bị trộm lấy mất lúc tôi ngủ gật trên xe lăn, ổng thì bận đi xin cơm từ thiện. Chẳng còn đồng nào trong túi cả nhưng tiếc là mấy bộ quần áo và giấy tờ, bảo hiểm”. Anh Thương, chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy, kể những ngày đầu đến chạy thận vì chủ quan nên bị trộm “ghé thăm”, lần đó anh cũng không để tiền trong ví nhưng chứng minh nhân dân thì bị lấy mất nên sau đó phải về quê làm lại. “Bệnh nhân như chúng tôi còn gì nữa đâu mà trộm cũng chẳng tha”, anh Thương nói.
Theo TNO
Cảm động người phụ nữ 15 năm "theo đuổi" người đàn ông tật nguyền
Cô gái nghèo đến 40 tuổi mới gặp được tình yêu, nhưng người đàn ông một mực từ chối bởi mặc cảm tật nguyền và đang "gà trống nuôi con". Cô gái vẫn bền bỉ với tình yêu của mình, nhưng phải 15 năm sau, người đàn ông kia mới bước qua mặc cảm.
Họ nên nghĩa vợ chồng khi cả hai tóc đã nhuốm bạc... Đó là chuyện tình cảm động hiếm có của vợ chồng bác Nguyễn Trai và Nguyễn Thị Thương ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.
Yêu từ cách chăm con
Vợ chồng bà Thương bên chiếc xe mưu sinh hàng ngày.
Từ lúc đôi mươi, cô gái nghèo Nguyễn Thị Thương đã phải bươn chải với cuộc sống chợ búa để chăm lo cho người mẹ bệnh tật. Khi cô bước vào ngưỡng cửa tuổi 40, những người bạn buôn bán ở chợ đã mai mối cho cô một người đàn ông đứng tuổi, có nghề nghiệp ổn định. Nhưng số phận lại đưa đến cho cô một lối rẽ khác.
Người mẹ bệnh tật của cô khi đến tuổi già đã xin vào làm thêm tại một cơ sở dành cho người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế để đỡ đần thêm cho cô con gái sắp đi lấy chồng. Ngày ngày, những câu chuyện của người mẹ đều nhắc đến hoàn cảnh của một người đàn ông mù tên Trai rất chăm chỉ làm việc, dắt theo một cậu con nhỏ vừa chăm con vừa cố gắng làm thật nhiều tăm, nhiều chổi để lo cho cuộc sống hai cha con.
Bà Thương mỉm cười kể: "Đến lúc gặp anh Trai, tôi rất ấn tượng với một người mắt không thấy gì mà vót tăm nhanh thoăn thoắt, lại chăm con từng li từng tí. Anh chăm con như một báu vật. Hỏi ra mới biết, vợ anh mất cách đó vài năm, vì thế ngoài tình yêu người cha còn có thêm tình yêu của người mẹ. Không biết từ bao giờ hình ảnh chăm con của anh ấy cứ bám lấy tôi. Đầu tiên, tôi quý thằng bé kháu khỉnh dễ thương, rồi yêu anh khi nào không hay. Mặc cho sự can ngăn của mẹ, của bạn bè, tôi vẫn quyết định không lấy chồng nữa mà ở bên cha con anh".
Chiếc xe đẩy hạnh phúc
Vẫn lời tâm sự của bà Thương: "Ngày ấy, tôi đã đề nghị được về sống chung để chăm sóc hai cha con nhưng anh ấy sợ tôi thiệt thòi nên kiên quyết từ chối, thậm chí còn xa lánh tôi".
Hàng ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch, bà Thương lại đến với căn nhà nhỏ ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh để thăm cha con ông Trai. Mỗi lần bà đến, ông Trai lại né tránh bởi "tôi nghĩ bấy giờ bà ấy chỉ thương hại ba con tui thôi, với lại bà ấy cũng có người dạm ngõ rồi, tới với ba con tui làm chi", ông Trai hóm hỉnh kể.
Lần nào bà Thương đến, cậu con trai nhỏ của ông Trai là Nguyễn Minh lại quấn lấy bà không cho về bởi nó nhận được từ bà tình yêu thương của một người mẹ thật sự. Dù ông Trai luôn tỏ thái độ không "mặn mà" với bà Thương, nhưng người phụ nữ ấy vẫn lui tới chăm sóc cậu con trai, dọn dẹp căn nhà nhỏ cho ngăn nắp, nấu cho hai cha con một bữa cơm rồi lại tất tả ra về. Công việc đó cứ lặp đi lặp lại suốt 15 năm như thế, một khoảng thời gian quá đủ cho việc minh chứng một tình yêu.
Hai năm trước, khi tóc của hai người đã nhuốm bạc, ông Trai mới dám mở lòng, nói lời xin lỗi và cầu hôn bà Thương. Không có được một đám cưới đúng nghĩa, không có người đưa cau trầu, không có tiếng chúc tụng, nhưng bà Thương vô cùng hạnh phúc với vị trí là người mẹ chính thức trong mâm cơm với cha con ông Trai.
Trên nhiều ngả đường của thành phố Huế, bên chiếc xe đẩy treo nào chổi đót, chổi lông gà, tăm tre, đũa tre, thảm chà chân... một người đàn bà nhỏ đi cạnh người đàn ông mù, giọng rao lanh lảnh: "Ai mua chổi không..." - đó là hình ảnh vợ chồng ông Trai, bà Thương.
"Một ngày rong ruổi chúng tôi bán được lời khoảng 20.000 - 30.000 đồng, có hôm được 50.000 - 60.000 đồng là cao, nhưng vợ chồng sớm hôm có nhau là vui rồi và cố gắng chăm lo nuôi dạy cho Nguyễn Minh nay đã được 17 tuổi, không may cũng bị mờ mắt như ba. Nhưng Minh luôn hứa với tôi sẽ cố gắng thi đậu đại học cho ba mẹ vui lòng", bà Thương mở lòng.
Vẫn còn nhiều ngày tháng cơ cực phía trước, nhưng tin rằng tình nghĩa vợ chồng, tình yêu đích thực sẽ đem đến những ngày hạnh phúc cuối đời cho họ.
Theo Dantri
"Hóa kiếp" xe gian - Kỳ 2: Phù phép giấy tờ và biển số Xe sau khi mất cắp được đưa vào các lò sẽ bị các đầu nậu cà lại số sườn, số máy, dập lại biển số giả và làm lại giấy đăng ký, để bán lại với giá rẻ cho khách hàng. Biển số loại nào cũng có Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều dịch vụ nhận dập và làm biển số xe...