Kỳ 2: Ẩn họa cháy, nổ do điện
Vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát, làm lạnh và phục vụ việc sản xuất, kinh doanh tăng cao. Đặc biệt vào thời điểm này thời tiết thường có mưa dông, sấm sét nên cũng làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ do điện.
Về tình hình cháy, nổ ở Hà Nội thời gian qua, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định – Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tình hình cháy, nổ tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng.
Cháy do sự cố điện chiếm hơn 60%
Có khoảng 67,27% các vụ cháy xảy ra tại các địa bàn là các quận nội thành còn lại là các huyện ngoại thành. Chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân, chiếm 95%.
Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chỉ chiếm từ 2 – 3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%. Một số vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản là loại hình nhà liền kề (dạng nhà ống chia lô) kết hợp kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất tạm…
Nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ cao, 64,1%. Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình không nhiều song đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản…
Một gia đình bị cháy do chập điện. Ảnh minh họa
Trung tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 1 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm xảy ra 22 vụ cháy (trong đó có một vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 21 vụ cháy nhỏ), cứu được hai người, một người chết.
Ngoài ra, còn có 10 vụ chập cháy bốt điện, dây dẫn trên cột điện, 2 vụ cháy bãi rác gây thiệt hại không đáng kể, không để xảy ra cháy lan. Về nguyên nhân, 15 vụ cháy do chập điện, 2 vụ do sơ suất khi sử dụng ngọn lửa trần và 5 vụ đang điều tra.
Những giải pháp an toàn cho người dân
Video đang HOT
Về vấn đề sử dụng điện an toàn, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo: Từng hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh tự kiểm tra an toàn hệ thống điện (đường dây dẫn điện từ hòm công tơ về đến nhà, đường dây điện trong nhà, các thiết bị tiêu thụ điện như: máy điều hòa, lò vi sóng, bình nóng lạnh, quạt, bếp điện, ấm điện, bàn là, nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, lò sấy,… các thiết bị bảo vệ như aptomat, cầu dao, cầu chì,…). Kịp thời thay thế đường dây dẫn điện, thiết bị bảo vệ phích cắm, ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn.
Sắp xếp vật tư, phương tiện, hàng hóa trong nhà, trong cửa hàng phải gọn gàng, không cản trở các lối ra vào. Không để quần áo, gỗ, giấy, xốp cách nhiệt sát phía trên, dưới hoặc đè lên đường dây điện, các thiết bị bảo vệ và các thiết bị tiêu thụ điện.
Không được câu móc điện, không sử dụng giấy bạc hoặc dây kim loại thay thế cầu chì bị đứt, aptomat bị hỏng, không cắm nhiều phích cắm trên một ổ cắm. Các mối nối phải chắc, gọn, so le, quấn bằng vật liệu cách điện.
Trước khi ra khỏi nhà, cửa hàng phải cắt, tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết. Không treo biển quảng cáo, mái che, mái vẩy, xây dựng nhà và công trình lấn chiếm vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp. Mỗi hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh cần trang bị ít nhất một bình chữa cháy, một xô chứa nước (20 lít).
Khi xảy ra cháy, nhanh chóng cắt điện (cầu dao, aptomat) khu vực cháy, hô hoán cho mọi người biết, sử dụng bình chữa cháy, xô, chậu, khăn chiên thấm ướt để chữa cháy và thoát nạn, gọi điện thoại cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114, chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất…
Người dân và hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong gia đình để tránh xảy ra cháy, nổ nguy hiểm tới tính mạng.
Cũng liên quan đến vấn đề sử dụng điện an toàn, ông Nguyễn Đăng Thiện – Phó Ban An toàn Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho hay: Người dân cần dùng dây dẫn điện có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tiết diện dây phù hợp với công suất sử dụng để tránh bị quá tải gây sự cố đứt hoặc làm chập cháy.
Đồng thời, không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện và chỉ được sửa chữa điện trong nhà sau khi đã cắt nguồn điện.
Khi sử dụng điện trong sinh hoạt, nếu dòng điện bạn đang sử dụng có công suất quá lớn thì hãy nên chọn những loại dây dẫn có tiết diện đủ để dòng điện cho phép đi qua.
Tuyệt đối, không được chọn dây dẫn có dòng điện nhỏ hơn dòng điện phụ tải bởi dễ gây cháy nổ, chập mạch… Bên cạnh đó, hãy chọn dây dẫn có vỏ bọc cách điện chất lượng tốt và đặt bên trong ống cách điện.
Nếu sử dụng đường điện đi ngầm thì ít nhất phải có 2 lớp cách điện và phải luồn trong ống nhựa chống cháy. Đặc biệt, đừng để dây dẫn tiếp xúc với các thiết bị phát nhiệt như bàn ủi, bếp điện, bếp gas… để tránh phát hỏa khi tiếp xúc.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó GĐ Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, thực hiện quy chế phối hợp giữa hai ngành, từ đầu năm đến nay, Cảnh sát PC&CC Thành phố đã cùng Tổng công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện tại khu dân cư ở 30 quận, huyện, thị xã.
Qua đó kịp thời phát hiện, khuyến cáo và đề ra giải pháp phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở được kiểm tra. Thời gian tới, Cảnh sát PC&CC Thành phố cùng Tổng công ty Điện lực Hà Nội tiếp tục phối hợp tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và an toàn trong sử dụng điện đến từng khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa bàn có nguy cơ cháy cao.
Hà Phong (Còn nữa)
Theo laodongthudo
Không hạ chuẩn quy định an toàn PCCC với các công trình vi phạm
Đại diện lãnh đạo Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho rằng, đối với các công trình đã đưa vào sử dụng, khó có khả năng hoàn thành về quy định an toàn PCCC phải có các giải pháp bổ sung, thay thế chứ không phải hạ chuẩn quy định này.
Chiều 3.4, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội với nội dung "Công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018", Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.Hà Nội đã báo cáo tóm tắt về tình hình, kết quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Theo đó, tính cả năm 2017 và quý 1.2018, toàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 600 tỷ đồng.
Địa bàn cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà dân. Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản chỉ chiếm 2 - 3% nhưng thiệt hại chiếm đến 90%.
Về nguyên nhân, theo tướng Định, sự cố về điện chiếm tỉ lệ cao hơn 64%. Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình không nhiều nhưng gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản.
Tại cuộc giao ban, nhiều câu hỏi của PV liên quan đến vấn đề các chung cư, công trình xây dựng đã được Thiếu tướng Hoàng Quốc Định giải đáp.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.Hà Nội phát biểu tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 3.4.2018. Ảnh: T.A
Theo Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, từ thời điểm tháng 12.2017, Hà Nội có 79 công trình vi phạm, chưa hoàn thành các quy định về PCCC. Sau đó, các đơn vị chức năng đã liên tục kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị này phải khắc phục, hoàn thành các quy chuẩn nhằm đảm bảo an toàn về PCCC. Tính từ ngày 23.3 đến nay, các chủ đầu tư vẫn tập trung thực hiện, khắc phục các vi phạm về PCCC và đến sáng 3.4, theo báo cáo, đã có thêm có 2 công trình được hoàn thiện, nghiệm thu về an toàn PCCC.
"Theo con số mới nhất, cho đến nay còn 29 công trình vi phạm chưa nghiệm thu PCCC. Trong số những công trình chưa nghiệm thu này, có 14 công trình có khả năng khắc phục được, hiện đã có đầy đủ các giải pháp khắc phục. Còn lại 15 công trình khó có khả năng khắc phục theo bộ tiêu chí", Thiếu tướng Hoàng Quốc Định thông tin.
Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, đối với những công trình này, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và có văn bản gửi cho chủ đầu tư 15 công trình để báo cáo Bộ Công an xin giải pháp cho từng công trình. Các công trình này cần phải có những giải pháp thay thế, bổ sung tương xứng chứ không phải hạ mức quy chuẩn về PCCC.
Ví dụ, với công trình không thể thi công hệ thống hút khói, TP.Hà Nội đề xuất thay thế các cửa mở ra hành lang bằng cửa chống cháy có cơ cấu tự động đóng; trang bị bổ sung hệ thống tăng áp trực tiếp vào các hành lang các tầng qua hệ thống tăng áp của buồng thang bộ. Với các công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ, TP.Hà Nội đề xuất mở ô cửa thoáng mặt sau các buồng thang bộ.
Hiện còn 3 công trình tồn tại dai dẳng mặc dù đã nhiều nhắc nhở khắc phục thiếu sót, đôn đốc nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì, kéo dài không thực hiện gồm chung cư CT4 Văn Khê (Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Hà Đông) do Công ty cổ phần Sông Đà 1 làm chủ đầu tư, công trình chung cư CT5 AB Văn Khê và CT6 Văn Khê (cùng ở phường La Khê, Hà Đông) do Công ty cổ phần Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.
"Trong tổng số 15 công trình chung cư còn chây ì, không thực hiện khắc phục về PCCC, có 3 chung cư đã được Cảnh sát PCCC thu thập, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, làm rõ để xử lý các lỗi vi phạm. Việc chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra là việc bất đắc dĩ, cực chẳng đã, bởi cơ quan điều tra là cơ quan thực hiện tố tụng với đối tượng tội phạm còn đối với các vi phạm về an toàn PCCC theo quy định sẽ xử phạt bằng chế tài hành chính", Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nhấn mạnh.
Liên quan đến việc này, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an giảm bớt một số yêu cầu quy chuẩn với 17 chung cư cao tầng vi phạm PCCC. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định: "Đây không phải là hạ mức tiêu chuẩn, quy chuẩn mà là thay thế bằng các giải pháp khác tương xứng, thậm chí có thể tăng cao hơn, góc độ chuyên môn kỹ thuật liên quan đến PCCC có thể chấp nhận được".
Theo Danviet
Cháy cơ sở kinh doanh ô tô tải, 5 xe bị thiêu rụi Vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm khiến cho nhiều tài sản của công ty hành nghề mua bán xe ô tô tải bị thiêu rụi và hư hỏng nặng. Sáng 31/7, bà Hồ Huỳnh Như, Chủ tịch UBND phường 9 (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ hỏa hoạn tại doanh nghiệp hành nghề mua...