Kỳ 1: Gian nan chinh phục Sinh Tcha Pao
Với những người yêu thích khám phá, chinh phục núi cao, Sinh Tcha Pao, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn như lời mời gọi hấp dẫn bởi cung đường núi hoang sơ, vắng dấu chân người, đầy thử thách với con dốc ‘tức thở’ cùng vách đá cao dựng đứng.
Sinh Tcha Pao còn hấp dẫn với quần thể đỗ quyên khổng lồ, khoe sắc rực rỡ mỗi độ tháng Ba về mà hiếm đỉnh núi nào có được.
Đoàn leo núi chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao của chúng tôi có 7 thành viên, gồm 2 phóng viên và 5 đoàn viên Đoàn Thanh niên xã Nậm Chày. Các thành viên của đoàn leo núi đều có kinh nghiệm chinh phục các đỉnh núi cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai. 5 đoàn viên xã Nậm Chày đều là người bản địa, sinh ra và lớn lên dưới chân núi Sinh Tcha Pao nên đã thuộc “nằm lòng” những lối mòn dẫn đến đỉnh núi cao nhất vùng này.
7 giờ, đoàn có mặt ở trụ sở UBND xã Nậm Chày để chuẩn bị gạo, thực phẩm, đồ dùng cá nhân và những vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Chảo A Sơn, một thành viên có kinh nghiệm chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao không quên nhắc nhở chúng tôi mang theo dây leo núi chuyên dụng để hỗ trợ đoàn vượt qua vách núi dựng đứng. Từ UBND xã Nậm Chày, chúng tôi di chuyển gần 4 km nữa để đến thôn Pờ Xì Ngài – điểm cuối cùng xe máy có thể tiếp cận. Đúng 8 giờ, đoàn bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao.
Vượt qua dòng suối ngổn ngang đá đến bìa rừng, đón chúng tôi là con dốc đứng mà những người leo núi thường gọi là “dốc tức thở”. Chảo A Sơn tếu táo: Mời cả nhà dùng “bữa sáng” của Sinh Tcha Pao. Đoạn này có khoảng 500 m, ai yếu lắm thì hít 2 hơi là vượt qua được.
Nói thì dễ nhưng chưa được nửa con dốc, vài thành viên trong đoàn đã cảm thấy xây xẩm mặt mày, phải dừng lại để điều tiết nhịp tim, hơi thở. Quá nửa con dốc, một thành viên trong đoàn có ý định bỏ cuộc mặc dù đã tập luyện trước cả tháng cho chuyến đi này.
Nếu 10 phút nữa không hết cảm giác nôn nao, em xin dừng cuộc chơi nhé.
phóng viên Hoàng Thu nói.
Video đang HOT
Lúc này, nỗi lo lớn nhất của đoàn leo núi ập đến – cơn dông từ xa kéo về khiến bầu trời đen kịt. Sấm chớp đì đùng, gió lớn nổi lên, mưa trút xuống như muốn gia tăng thử thách cho cả đoàn. Đoàn vừa tìm chỗ trú vừa nghỉ ngơi lấy lại sức và động viên nhau tiếp tục hành trình.
Chỉ tay về phía đỉnh núi khuất sau tầng mây, Chảo A Sơn nói: Nếu leo nhanh quá, ngay cả những người thường xuyên leo núi cũng bị “choáng” bởi con dốc này. Đoạn đường phía trước còn rất nhiều gian nan, thử thách, nhưng vượt qua tầng mây kia là sẽ có nắng. Nếu đến đây mà bỏ cuộc thì mọi người đã bỏ phí cả một miền cổ tích trên đỉnh Sinh Tcha Pao.
Cũng theo chia sẻ của Sơn, hành trình chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao sẽ có 3 con dốc “tức thở” dài hơn 500 m, 2 vách đá gần như dựng đứng cao lần lượt 10 m và 17 m.
Vừa nghỉ ngơi lấy lại sức vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc mưa tạnh, tiếng sấm cũng nhỏ dần rồi mất hẳn, chúng tôi lại lên đường với quyết tâm cao hơn, hướng về đỉnh Sinh Tcha Pao. Rút kinh nghiệm con dốc đầu, chúng tôi đi chậm lại, vừa đi vừa điều hòa hơi thở để vượt qua cơn “say dốc”. Mỗi lúc mệt, đoàn lại dừng chân nghỉ chốc lát vì ngồi lâu đàn muỗi, vắt rừng sẽ kéo đến. Vừa đi vừa thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, chúng tôi vừa được nghe những chàng trai bản địa kể về sự đa dạng của thảm thực vật, động vật của cung đường núi chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao.
Càng tiến vào rừng, thảm thực vật càng đa dạng, trên tán lá những chú sóc, chú chim ríu rít gọi bầy tạo nên bản nhạc lảnh lót vui tai. Mưa tạnh, mây tan, những tia nắng yếu ớt xuyên qua tán lá làm khung cảnh càng trở nên đẹp mê mẩn.
Sau hơn 2 tiếng leo dốc, chúng tôi đã có mặt ở độ cao 1.600 m lúc 10 giờ 17 phút. Dừng chân bên lán tạm canh tác thảo quả của người dân, cả đoàn tranh thủ rửa mặt, tiếp nước – thứ nước mát lạnh chảy ra từ khe núi khiến người ta bừng tỉnh, quên hết mệt mỏi. Vừa rửa mặt bằng dòng nước mát, Vàng A Đông vừa ngân nga lời bài hát Men Say của ban nhạc Bức Tường: “… Nghỉ tạm bên suối vắng. Vốc nước khoát cho quên mỏi mệt. Nao nao mùi hương rừng dắt lối…”.
Được tiếp thêm năng lượng, chúng tôi lại bước đi theo “hương rừng dắt lối”. Càng lên cao càng nhiều cây cổ thụ, thân xù xì, rêu mốc và cả những nhánh lan rừng bám chặt vào thân. Cũng trên đường đi, chúng tôi còn bắt gặp những cây chè cổ thụ vươn cao, búp xanh non mơn mởn. Những thành viên trong đoàn leo núi tranh thủ vài phút dừng chân hái nắm chè mang theo.
Sau khoảng 4 tiếng vượt dốc, băng rừng, chúng tôi có mặt ở độ cao 1.680 m khi đồng hồ điểm 12 giờ. Chúng tôi quyết định dừng chân để nấu bữa trưa trong một căn lán tạm dùng để canh tác thảo quả của người dân.
Dường như đã quá quen thuộc với việc đi rừng, không ai bảo ai, mỗi người chia nhau làm một việc. Người nhặt củi, người hứng nước, người vo gạo, người hái rau cải, người rửa rau rừng… Sùng A Dơ – cây hài của đoàn leo núi bảo: Đám rau cải này là của “cậu họ” em trồng, mọi người cứ hái thoải mái!
Với sự nhanh nhẹn của những chàng thanh niên bản địa, chỉ một lúc, làn khói lam thoang thoảng bay khắp cánh rừng. Trong lúc chờ thức ăn chín, các thành viên tranh thủ chặt thân cây trúc vót đũa “dã chiến”. Sùng A Dơ lúc này đã nướng xong vài quả ớt giã với muối làm đồ chấm “thần thánh”. Giữa mênh mông đại ngàn, bữa trưa “thịnh soạn” với cá khô vùi tro bếp, canh rau rừng, canh cải đắng chấm muối ớt bỗng trở nên ngon miệng đến lạ thường.
Sau bữa trưa “thịnh soạn”, Vàng A Đông “đãi” cả nhóm “ấm” trà xanh nóng hổi được pha bằng búp trà shan tuyết cổ thụ. Nước trà xanh nhẹ, hương thơm ngào ngạt, có vị chát nhẹ rồi dịu ngọt nơi cổ họng, mọi người phải thốt lên rằng: Ở nơi thành phố, kiếm đâu ra thứ đặc sản tươi ngon, ướp đủ sương mây, hương vị tuyệt vời như thế này!
Vừa “thưởng trà”, vừa nghỉ ngơi sau bữa ăn, đến 13 giờ 45 phút, cả đoàn tiếp tục lên đường. Cung đường buổi chiều cũng bắt đầu bằng một con dốc “tức thở”, có cả vách đá cao 10 m nhưng có phần “nhẹ nhàng” hơn hành trình buổi sáng.
Từ độ cao khoảng 2.000 m gần như không có dấu người, trúc gai đan dày trên những lối mòn khiến nhiều chỗ chỉ đủ một người lách qua. Nhiều chỗ, đoàn leo núi phải khom lưng, cúi gập người, thậm chí phải bò sát mặt đất để vượt qua những gốc cây cổ thụ chắn ngang đường mòn. Ít bị tác động bởi con người, cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Vừa đi, đoàn vừa khám phá, chiêm ngưỡng khu rừng đẹp như trong truyện cổ tích với những cây cổ thụ kích thước vài người ôm, thân phủ đầy rêu mốc. Hơn 4 giờ chiều, cả đoàn đến lán nghỉ, mỗi người một việc, người kiếm củi, nhóm lửa, nấu cơm; người lấy nước, gom lá cây làm “đệm” trước khi màn đêm kịp phủ kín khu rừng già.
Đêm ở rừng đến nhanh và cũng lạnh hơn. Chúng tôi cẩn thận dọn một khoảng đất trống gần lán để nhóm lửa, ngồi quây quần, nấu bữa cơm đơn giản và ấm cúng… “Đêm ở rừng, nhiệt độ xuống thấp, mọi người nên ăn chút gừng và ớt để làm nóng cơ thể, chống lại cái lạnh của rừng sâu” – Vàng A Soóc, anh cả của đoàn lên tiếng.
Sau một ngày cùng nhau vượt núi, từ những người xa lạ, chúng tôi ngồi quây quần bên đống lửa trò chuyện thân thiết. Đêm đó, Đông chia sẻ kinh nghiệm mà các cụ trong làng kể lại khi đi núi: Với người Mông chúng em, mỗi khu rừng đều có thần rừng trông giữ, thế nên khi vào rừng mình không nên đốt lửa to, không nên hò hét, nhảy múa, làm phá hỏng sự yên tĩnh của rừng.
Đông kể tiếp: Đêm ở rừng mang theo túi ngủ để giữ ấm và tránh muỗi, chúng em không quá sợ rắn hay rết, những con vật này nếu mình không chạm tới nó thì chúng sẽ không hại mình.
Càng về đêm, nhiệt độ càng xuống thấp, lá cây ướt đẫm sương đêm. Chúng tôi ngồi bên đống lửa, nhìn lên bầu trời đầy sao. “Trời nhiều sao như vậy, ngày mai chắc sẽ nắng to, không lo mưa nữa rồi”, anh Soóc có vẻ nhiều kinh nghiệm chia sẻ. Đêm đó, chúng tôi được ưu tiên ngủ trong lán tạm, các thành viên còn lại trải bạt trên “đệm” lá cây rừng, chui vào túi ngủ nằm ngay cạnh đống lửa.
Tiếng nói, tiếng trò chuyện, tâm sự càng lúc càng nhỏ dần, cả đoàn chìm vào giấc ngủ để chuẩn bị cho hành trình. Núi rừng chìm vào màn đêm, chỉ tiếng côn trùng rả tích, tiếng ếch, nhái gọi bạn tình, tiếng rì rào của gió, của lá cây rừng…
Hành trình chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao
Trong các đỉnh núi phía Bắc nước ta, Sinh Tcha Pao là cái tên còn mới mẻ. Cuối tháng ba, khi mùa Xuân gần cạn, trên núi hoa đỗ quyên trải rộng mang đến vẻ đẹp vô cùng đặc sắc.
Phóng viên Báo Lào Cai đã có chuyến trải nghiệm leo lên đỉnh núi có độ cao 2.715 m. Xin gửi tới bạn những hình ảnh từ chuyến đi này.
Nhà leo núi Nepal lập kỷ lục 29 lần leo lên đỉnh Everest Nhà leo núi người Nepal, Kami Rita Sherpa, đã leo lên đỉnh Everest lần thứ 29 vào hôm 12/5, phá vỡ kỷ lục bản thân về số lần chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới. "Kami Rita đã lên đến đỉnh sáng nay. Hiện anh ấy đã lập kỷ lục mới với 29 lần leo đỉnh Everest", đại diện đơn vị tổ...