Kon Tum: Thác Y Hai – điểm đến hấp dẫn
Thời gian gần đây, thác Y Hai trở thành điểm đến quen thuộc của không ít người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum bởi không khí trong lành, lại mang ý nghĩa tâm linh.
Đường đến thác Y Hai
Trong một dịp công tác ở huyện Tu Mơ Rông, qua lời giới thiệu bằng hình ảnh về thác Y Hai, xã Măng Ri của một người anh, tôi đã “phải lòng” ngay từ tấm hình đầu tiên. Cùng với lời mời gọi “đường dễ đi lắm” đã thôi thúc tôi phải “mục sở thị” vẻ đẹp quyến rũ của thác.
Chọn một ngày nghỉ cuối tuần, tôi quyết định tìm đến thác Y Hai. Xuất phát từ thành phố Kon Tum, sau gần 2 tiếng chạy xe, vượt qua cung đường dài lộng gió, tôi đến xã Măng Ri. Để tìm đường đến thác và nghe những câu chuyện thú vị về con thác này, lãnh đạo xã Măng Ri đã dẫn tôi đến nhà già làng A Nít ở thôn Long Láy, người được xem là thổ địa nơi đây.
Già A Nít năm nay hơn 70 tuổi. Cuộc đời già gắn bó với núi rừng Măng Ri, và thác Y Hai gắn bó với già như người bạn.
Theo chân già A Nít, chúng tôi men theo con đường liên thôn bê tông phẳng phiu, vào sâu trong làng Đăk Dơn. Thác Y Hai nằm trên đỉnh dốc, cuối làng Đăk Dơn. Vừa đi vừa ngắm cảnh, tìm hiểu thêm cuộc sống và sinh hoạt của người Xơ Đăng ở làng Đăk Dơn. Và rồi, thác Y Hai hiện ra trước sự ngỡ ngàng của tôi.
Tầng cao nhất của thác Y Hai như dải lụa đong đưa giữa rừng cây xanh mát. Ảnh: VT
Nhìn từ xa, thác Y Hai thả mình như dải lụa trắng đong đưa trên những phiến đá xám xịt nhấp nhô giữa rừng già xanh mát. Càng đến gần, âm thanh nước từ thác chảy xuống càng vang vọng. Từ dưới nhìn lên, từng mảng nước đổ từ trên cao va vào những tảng đá lớn rồi bắn tung tóe hàng vạn tia nước, mạnh mẽ, hung hăng như những con thú trong rừng.
Đứng trên cây cầu treo bắc ngang dòng chảy ở tầng giữa của thác, già A Nít lôi điếu thuốc lá từ trong túi quần và châm lửa. Nhìn về phía đằng xa rồi rít một hơi thuốc dài, già chậm rãi phả làn khói xanh giữa không gian thơ mộng và kể những câu chuyện thú vị về thác.
Một dòng chảy 3 cái tên
“Con thác này được chia làm 3 tầng, chúng ta đang đứng ở tầng giữa dòng chảy mang tên Y Hai, phía tầng trên và dưới dù chung một dòng chảy nhưng lại có hai cái tên khác nhau” – già A Nít bộc bạch.
Tầng cao nhất của thác được đặt tên là Y Vai. Ảnh: VT
Video đang HOT
Chỉ tay về phía đằng xa, nơi tầng thác cao nhất, già A Nít gọi là thác Y Vai, còn theo hướng ngược lại, con thác chảy ở tầng thấp nhất có tên là A Manh. Giải thích về sự kỳ lạ trong cái tên, già A Nít cười hiền: Y Hai là cái tên từ thuở xa xưa, còn tên Y Vai và A Manh là tên một đôi vợ chồng, do ông bà gần đây đặt.
Theo lời già, gia đình bà Y Vai và ông A Manh là gia đình kiểu mẫu, sống rất hạnh phúc, sung túc, con cái trong nhà đều thành đạt, hòa thuận và có hiếu với cha mẹ. Người dân trong làng ai nấy đều ngưỡng mộ, nên về sau đã lấy tên đôi vợ chồng đặt tên cho con thác để mọi người cùng tưởng nhớ. Với người Xơ Đăng, trong gia đình, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, sung túc. Vì vậy, tầng thác cao nhất cả làng thống nhất lấy tên người vợ đặt cho thác; còn tên người chồng được đặt cho các tầng ở dưới.
Câu chuyện được truyền tai nhau, thác Y Hai được bà con xem như vị “thần”. Già A Nít kéo tay tôi men theo con đường đất dẫn xuống thác, hai bên đường là những “cụ” cây với nhiều dáng, nhiều thế khác nhau. Có cây dáng tựa thác đổ, bóng cây là đà trên mặt nước, có cây lại mọc trên đá với bộ rễ ôm trọn những phiến đá nhiều màu như con rồng cuộn lấy “viên ngọc”. Có những tảng đá bằng phẳng có đường kính to như cái phản, là nơi để các nhóm du khách ngồi thư giãn, thả hồn vào thiên nhiên hoang dã.
Thác Y Hai có những ao nước trong vắt để du khách có thể ngâm mình giữa thiên nhiên hoang dã. Ảnh: VT
Bước trên từng tảng đá nhấp nhô, tôi cùng già A Nít hào hứng đến chân của tầng thác cao nhất – Y Vai. Một hồ nước trong vắt nằm dưới chân thác, xung quanh là tán cây xanh với các phiến đá nhiều màu. Chỉ nhìn thôi, tôi đã muốn được ngâm mình trong hồ nước để tận hưởng dòng nước mát lành.
Cùng già A Nít ngồi xuống tảng đá sát mép nước, tôi nhúng đôi tay xuống dòng nước mát rười rượi rồi rửa mặt. Nước mát làm người sảng khoái đến lạ thường!
Nghỉ ngơi được một lát, già A Nít dẫn tôi quay về thác A Manh. Lần này, không phải đứng dưới chân thác như hành trình đến tầng thác Y Vai mà chúng tôi đứng trên đỉnh thác A Manh.
Đang là mùa khô, đỉnh tầng thác A Manh lộ phần đá đen bóng, dưới nắng mặt trời thi thoảng lại hắt lên vài gam màu tím xen lẫn đỏ, trông rất huyền ảo. Càng bước đến đỉnh thác, đôi chân tôi càng run run vì độ dốc ngày càng hiện rõ. Đang bước đi, già A Nít đứng lại: “Đến đây thôi, dốc đá nguy hiểm lắm”.
Ngồi nghỉ ngơi, già châm tiếp điếu thuốc rồi kể chuyện, từ bao đời nay, thác Y Hai là nguồn nước của người dân các thôn Long Láy, Đăk Dơn. Nguồn nước thác Y Hai trong lành nuôi lớn bao thế hệ người Xơ Đăng nơi đây. Gắn bó với thác Y Hai, tôi mong muốn quãng đời còn lại sẽ thấy được sự đổi thay của thác, thấy được sự quan tâm từ chính quyền địa phương để thác Y Hai trở thành điểm du lịch được nhiều người biết đến.
Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để phát triển khu vực thác Y Hai thành điểm du lịch cộng đồng, hiện tại, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum quy hoạch khu vực thác Y Hai thành địa điểm du lịch gắn với trải nghiệm vườn sâm, chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo cho xã mở rộng đường xuống thác, xây dựng vài nhà chòi cho du khách nghỉ chân; xây dựng đội văn nghệ cồng chiêng, các đội dẫn đường, phục vụ du khách, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội chuyên nấu ăn các món ăn truyền thống, phát triển thêm một số mô hình gà thả vườn, heo sọc dưa… để du khách có thể trải nghiệm văn hóa ẩm thực và sinh hoạt của đồng bào Xơ Đăng nơi này.
Bình yên làng cổ Vi Rơ Ngheo (Kon Plông, Kon Tum)
Cách huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum khoảng 50km, làng Vi Rơ Ngheo của người Xơ Đăng ở xã Đăk Tăng được bao bọc bởi núi rừng nguyên sơ, ruộng bậc thang xanh ngát, sắc hồng địa lan thơ mộng...
đã tạo thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Cảnh sắc yên bình ở làng Vi Rơ Ngheo
Làng Vi Rơ Ngheo nơi cư ngụ của 63 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu người Xơ Đăng. Ngôi làng nhỏ từ xa xưa là tên con suối chảy quanh làng mang vẻ mộc mạcbình yên, khí hậu trong lành và còn giữ được nguyên bản đặc trưng của dân tộc Xơ Đăng.
Bao quanh ngôi làng nhỏ Vi Rơ Ngheo là dãy núi Ngọc Ruông với 4 ngọn núi hợp thành. Đứng trên đỉnh núi Ngọc Ruông, ngôi làng Vi Rơ Ngheo như một bức tranh thủy mặc với những dãy núi trùng điệp, uốn lượn ôm lấy ngôi làng nhỏ, những con suối hiền hòa chảy róc rách ngày đêm tưới nước cho ruộng lúa xanh ngát...
Khí hậu mát mẻ tạo nên một thảm thực vật phong phú, đa dạng và tạo nên một "thiên đường" của hoa địa lan. Đặc biệt, dãy núi Ngọc Ruông còn sở hữu một kho báu với các loại hoa rừng như: đỗ quyên, hoa sim, hoa mua, địa lan... khoe sắc bốn mùa. Bên vách đá chênh vênh của dãy núi khổng lồ là rừng cây thông 5 lá với tuổi đời hàng trăm năm, sừng sững trên đỉnh Ngọc Ruông.
Hoa địa lan khoe sắc trên đỉnh núi Ngọc Ruông
Đến nay người dân làng Vi Rơ Ngheo đã sưu tầm, nhân giống trồng được khoảng 1.000 chậu địa lan và phong lan; tổ chức khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan và sim, mua quanh làng. Khi bóng chiều phủ núi đồi cũng là lúc sắc hồng, vàng hoa địa lan nhường chỗ cho rừng hoa sim khoe sắc, nhuộm tím cả cánh rừng.
Đã bao đời, dân làng chung tay bảo vệ từng cây gỗ, cây lan, cây sim trên cổng trời Ngọc Ruông. Từng ngôi nhà, con suối, khu rừng già ven làng được người dân gìn giữ, bảo vệ và chăm chút nhằm tô thêm cảnh sắc cho làng.
Bên ngôi nhà truyền thống của đồng bào Xơ Đăng luôn có những chậu hoa địa lan khoe sắc vàng thắm
Anh A Kiểu (SN 1993), làng Vi Rơ Ngheo cho biết: "Hoa địa lan nở rộ khắp dãy núi từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Dân trong làng không dám nhổ lan vì sợ Yàng phạt. Mỗi mùa mưa, người dân lại mang lan từ nhà lên rừng trồng nhằm nhân rộng các giống lan. Để đón khách du lịch, người dân trong làng cũng chuẩn bị nhiều các món ăn đặc sản của người Xơ đăng; luyện tập, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang để phục vụ khách du lịch".
Làng Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ được nhiều lễ nghi truyền thống như: Mừng lúa mới, Lúa thừa, Nhà rông, Đâm trâu, Cúng giọt nước... Cùng với những ngôi nhà sàn được làm theo đúng truyền thống của người Xơ Đăng. Các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng với những kiến trúc độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Xơ Đăng.
Người dân làng Vi Rơ Ngheo rất thân thiện, mến khách, sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch tích cực cho du khách
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Phạm Văn Thắng thông tin: Việc được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng là một cơ hội để làng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn. Chính quyền địa phương đã vận động các gia đình phục dựng lại toàn bộ những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng từng nhóm hộ để phát triển. Với những sản vật, ẩm thực đặc trưng của địa phương, người dân phát triển nuôi heo, nuôi vịt, gà cung cấp những món ăn phục vụ du khách. Ngoài ra, chúng tôi tuyên truyền vận động bà con không được bán đất, tập trung phát triển du lịch góp phần thoát nghèo bền vững.
Một số hình ảnh độc đáo của ngôi làng Vi Rơ Ngheo:
Các ngôi nhà thiết kế theo phong cách truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, có cửa sổ mở ra ruộng, nhìn ra những khu cánh đồng, sông suối
Dân làng cẩn thận chăm sóc, nhân bản từng cây địa lan
Đến nay người dân làng Vi Rơ Ngheo đã sưu tầm, nhân giống trồng được khoảng 1.000 chậu địa lan và phong lan
Làng Vi Rơ Ngheo vừa được tỉnh Kon Tum công nhận là làng du lịch cộng đồng và là làng du lịch cộng đồng thứ hai của huyện Kon Plông
Làng Vi Rơ Ngheo vừa được tỉnh Kon Tum công nhận là làng du lịch cộng đồng và là làng du lịch cộng đồng thứ hai của huyện Kon Plông, sau làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen). Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương bằng việc đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách, tạo không gian kết nối giữa các làng du lịch cộng đồng. Đồng thời, tạo động lực cho đồng bào Xơ Đăng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống và là cơ hội tốt để người dân thoát nghèo. |
Những điểm đến hấp dẫn ở thành phố Kon Tum Những năm sau ngày giải phóng, từ một thị xã nhỏ bé bên bờ sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum giờ đã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, một trong 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đặc biệt, thành phố Kon Tum có nhiều điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn đã và đang thu...