Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500ha loài cây “quốc bảo”, giao cho doanh nghiệp trồng 482ha
Năm 2022, tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh và 2.000ha cây dược liệu khác. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, ngành nông nghiệp và các địa phương đã xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn giống đảm bảo số lượng cũng như chất lượng nhằm thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Kon Tum đặt mục tiêu trồng mới 500ha loài cây “quốc bảo” sâm Ngọc Linh
Để trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh đã giao huyện Đăk Glei tổ chức thực hiện trồng 10ha trong nhân dân và huyện Tu Mơ Rông triển khai trồng 490ha. Riêng huyện Tu Mơ Rông sẽ phát triển 8ha sâm Ngọc Linh trong nhân dân, 482ha còn lại do các doanh nghiệp thực hiện.
Đối với 2.000ha được liệu khác, UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương gồm thành phố Kon Tum 185ha, huyện Đăk Hà 165ha, Đăk Tô 150ha, Đăk Glei 300ha, Ngọc Hồi 100ha, Kon Rẫy 50ha, Kon Plông 400ha, Sa Thầy 100ha, Tu Mơ Rông 500ha và Ia H’Drai 50ha.
Nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng dược liệu năm 2022, ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, các huyện, thành phố đã xây dựng phương án cung ứng và đăng ký nguồn giống cây, đặc biệt là giống sâm Ngọc Linh.
Chẳng hạn như ở huyện Đăk Glei, để thực hiện trồng mới 100.000 cây sâm Ngọc Linh (tương đương với 10ha), UBND huyện đã chủ động giao chỉ tiêu cho từng xã nằm trong vùng quy hoạch để triển khai cho nhân dân. Tuy nhiên, điều mà địa phương trăn trở nhất là chưa chủ động được nguồn giống tại chỗ.
Để đảm bảo kế hoạch trồng sâm vụ mới, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh ươm 7 triệu hạt giống. Ảnh: TH
Còn tại huyện Tu Mơ Rông, trên cơ sở được tỉnh giao, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu cho các xã đăng ký thực hiện trồng mới 80.000 cây sâm Ngọc Linh (tương đương 8ha).
Video đang HOT
Các doanh nghiệp đăng ký với địa phương và ngành Nông nghiệp triển khai trồng mới diện tích sâm Ngọc Linh như sau: Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng 3.000.000 cây (tương đương 300ha); Công ty Cổ phần Vingin trồng mới 1.670.000 cây (tương đương 167ha); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô trồng 100.000 cây (tương đương 10ha), còn lại các doanh nghiệp khác trồng 50.000 cây (tương đương 5ha).
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch trồng sâm vụ mới, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn giống; nhân dân trên địa bàn cũng có thể xuất vườn được khoảng 70.000 cây giống, tương đương với 7ha. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn thiếu khoảng 10.000 cây giống, tương đương 1ha để triển khai trong nhân dân.
Trước băn khoăn, lo lắng của các địa phương về nguồn giống sâm Ngọc Linh, giữa tháng 12/2021, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp củng cố, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh để thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn giống.
Là các doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống sâm Ngọc Linh ra thị trường, 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã cam kết sẽ cung ứng, hỗ trợ các địa phương để giúp người dân tiếp cận với nguồn giống chất lượng, giá thành phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.
Hiện tại, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã thiết lập vườn ươm sâm Ngọc Linh với công suất 3,7 triệu cây/năm; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã xây dựng được vườn ươm với công suất hơn 300.000 cây/năm để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và góp phần cung ứng cho nhân dân.
Ngoài ra, để đảm bảo cung ứng nguồn giống sâm Ngọc Linh lâu dài, ổn định, các doanh nghiệp và các địa phương cũng tính toán phương án hỗ trợ xây dựng vườn ươm tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Phấn đấu đến năm 2025, nâng tổng diện tích sâm Ngọc Linh toàn tỉnh lên khoảng 4.500ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000ha.
Cùng với sâm Ngọc Linh, để đảm bảo kế hoạch trồng các loại dược liệu khác, UBND các huyện, thành phố cũng đã tiến hành phân bổ chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã đứng chân trên địa bàn xây dựng phương án tổ chức thực hiện. Điểm thuận lợi khi triển khai kế hoạch trồng mới 2.000ha dược liệu khác trên địa bàn tỉnh là hầu hết người dân, các đơn vị sản xuất, hợp tác xã đã chủ động được nguồn giống, vừa có thể tự cung ứng, vừa hỗ trợ nguồn giống cho nhau.
Như tại huyện Tu Mơ Rông, hiện nay trên địa bàn có tới 7 hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức ươm giống sâm dây và các cây dược liệu khác như đương quy, thảo quả, sơn trà, ngũ vị tử… đáp ứng nhu cầu trồng của các đơn vị và cung ứng giống cây cho người dân tại địa bàn và các địa phương lân cận.
Phát triển các loại dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, được tỉnh ta xác định là một trong những sản phẩm có lợi thế và là sản phẩm chủ lực, giúp người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo. Vì vậy, để từng bước mở rộng diện tích trồng dược liệu, phục vụ nhu cầu thị trường và chế biến sâu thì việc đảm bảo nguồn giống được coi là yếu tố đầu tiên, có ý nghĩa rất quan trọng.
Kon Tum vào cuộc tìm diện tích sâm Ngọc Linh của Công ty sâm Việt Nam
Sau khi TTXVN liên tiếp có nhiều tin, bài phản ánh tình trạng Công ty cổ phần đầu tư sâm Việt Nam (Công ty sâm Việt Nam) trồng sâm trên... giấy, miệng; Công ty sâm Việt Nam công bố có liên kết trồng sâm Ngọc Linh với dân, doanh nghiệp... Những ngày qua, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã vào cuộc kiểm tra, truy tìm diện tích. Đến ngày 7/1, kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty sâm Việt Nam không trồng 8 ha sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông.
Trụ sở Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Liên kết được... vài luống
Tại biên bản làm việc kiểm tra xác minh thông tin báo chí phản ánh, đoàn kiểm tra của huyện Tu Mơ Rông gồm: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Lây và công an xã Ngọc Lây xác định, ông A Ngao ở thôn Mo Za, xã Ngọc Lây có xác nhận ký hợp đồng với Công ty sâm Việt Nam, nhưng không đọc rõ nội dung được thể hiện trong hợp đồng gồm: nội dung hợp tác, số lượng cây, hạt giống sâm Ngọc Linh, vị trí và diện tích trồng.
Đối với số lượng cây, hạt, hợp tác trồng, chăm sóc, ông A Ngao xác nhận năm 2020 có bán cho công ty số lượng 500 cây sâm Ngọc Linh với tổng số tiền 200 triệu đồng. Số cây này công ty hiện gửi ông A Ngao trồng tại tiểu khu 226 xã Ngọc Lây. Năm 2021, 500 cây này cho thu hoạch số lượng gần 1.000 hạt sâm. Ông A Ngao đã gieo số hạt này tại vườn. Tiền công A Ngao được trả là 100 nghìn đồng/ngày công.
Ngoài ra, ông A Ghôi ở làng Lộc Bông, xã Ngọc Lây có bán cho Công ty sâm Việt Nam 50 cây sâm Ngọc Linh với giá 100 triệu đồng. Số cây này ông A Ghôi đang trồng tại tiểu khu 225, xã Ngọc Lây. Đây là 2 người duy nhất Công ty sâm Việt Nam có cung cấp hợp đồng liên kết trồng sâm và diện tích rất nhỏ, chỉ vài luống.
Đối với 3 ha sâm Ngọc Linh trồng liên kết với Công ty sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Công ty sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cho biết, công ty chỉ có hợp đồng Công ty cổ phần Dược liệu Núi Ngọk (tiền thân là Công ty sâm Việt Nam).
"Tôi hợp đồng liên doanh, liên kết đầu tư trồng cây dược liệu, dự án rộng 3 ha. Từ năm 2019 đến nay họ không thực hiện. Hiện diện tích đó tôi đã thu hồi và đang trồng cây ngủ vị tử, sa nhân tím và một số cây rừng để lấy bóng mát trồng cây dược liệu dưới. Với 3 ha trên chỉ trồng được cây dược liệu, không thể trồng sâm Ngọc Linh vì không có rừng", bà Nguyễn Thị Duyên chia sẻ.
Kiểm tra qua... điện thoại
Công ty sâm Việt Nam công bố vườn sâm Ngọc Linh 10 ha trồng trên... giấy, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm được chế tạo từ sâm Ngọc Linh trong ngày ra mắt trụ sở công ty (29/11), nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được vụ việc.
Cụ thể, dù phóng viên TTXVN đã nhiều lần liên hệ làm rõ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác hàng nghìn sản phẩm được Công ty sâm Việt Nam công bố trong ngày ra mắt trụ sở công ty, có hình ảnh kèm theo nhưng Cục Quản lý thị trường Kon Tum vẫn chưa xác minh được vụ việc.
Ông Trần Kiều Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Kon Tum liên tục viện dẫn lý do công ty đóng cửa nên không kiểm tra được.
Ông Dương Quang Vinh, đội Quản lý thị trường số 1 cho biết đã gọi điện cho bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty sâm Việt Nam đến làm việc, nhưng bà này viện lý do để không gặp. "Tôi chỉ nắm tình hình sản phẩm chưa ra thị trường", ông Vinh nói.
Trong khi đó, đến ngày 7/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum mới có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh (công văn số 51/SNN-KH) và báo cáo kết quả trước ngày 9/1.
Trước đó, từ ngày 22/12/2021 đến 4/1/2022, TTXVN liên tiếp có nhiều tin, bài phản ánh Công ty sâm Việt Nam trồng 10 ha sâm; trong đó, có 8 ha ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và 2 ha ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei đều trồng trên... giấy, miệng.
Tại các địa điểm trồng sâm, lãnh đạo chính quyền xã, huyện đều khẳng định không biết công ty, chính quyền chưa giới thiệu Công ty trồng sâm Ngọc Linh. Không những vậy, trong tháng 4/2021, Công ty sâm Việt Nam đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của công ty với số lượng 500.000 cây.
Theo quy trình trồng sâm, với số lượng này, công ty có diện tích đã trồng 50 ha. Số lượng củ đăng ký nhiều, hiện dư luận nghi vấn về nguồn gốc số lượng sâm củ trên có trồng ở vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh hay từ nơi khác đưa vào?
Dù không trồng sâm Ngọc Linh nhưng ngày ra mắt trụ sở, Công ty sâm Việt Nam vẫn tuyên bố tung ra hàng nghìn sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh.
Nhờ lợi thế phát triển "quốc bảo", xã Măng Ri tiến gần hơn với xã nông thôn mới kiểu mẫu Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) có 6 thôn với hơn 500 hộ, gần 1.900 nhân khẩu, 100% dân số người Xơ Đăng. Xã cũng mới đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM). Xã nông thôn mới có lợi thế phát triển "quốc bảo" Măng Ri được thiên nhiên ưu đãi có tiềm năng lợi thế...