KOL lừa dối fan: Mạng xã hội ngày càng khó lấy niềm tin người dùng?
Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, sự hoài nghi của con người về các bài đăng trên mạng ảo càng tăng lên. Influencer hay KOL cũng vất vả hơn trong việc lấy niềm tin từ đám đông.
Zing.vn trích dịch bài viết trên BBC, đề cập đến vấn đề con người ngày càng mất niềm tin về những gì họ thấy trên mạng xã hội. Điều này có thể xuất phát từ sự thiếu trung thực, quảng cáo “không có tâm”… của một bộ phận influencer hoặc KOL, tức nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Tháng 7 vừa qua, Tiffany Mitchell – blogger về lối sống đến từ Nashville, Mỹ – đăng tải một số hình ảnh cô nằm bên vệ đường và nói rằng mình bị tai nạn môtô.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lời hỏi thăm, động viên đến từ hơn 200.000 follower của Mitchell, những bình luận nghi ngờ cô “ sống ảo”, “ nói dối” bắt đầu xuất hiện.
Làn sóng chỉ trích blogger người Mỹ nổ ra khi Buzzfeed đăng tải bài viết về sự việc.
Theo đó, hàng loạt thắc mắc được chỉ ra như các bức ảnh “đẹp quá mức cần thiết” khi chỉ ghi lại hiện trường vụ tai nạn trên đường.
Tiffany Mitchell dường như có nhiều hơn một chiếc mũ bảo hiểm. Máu ở đâu? Tại sao nữ blogger phải nhắc tên thợ xăm hình cho mình trong bài đăng? Và chi tiết đáng chú ý nhất là một chai nước có nhãn hiệu xuất hiện nổi bật trong khung hình.
Mitchell bị tố dàn dựng vụ tai nạn. Cô thậm chí nhận nhiều lời dọa giết từ những người quá khích.
Tiffany Mitchell vấp phải nghi án “sống ảo” khi chia sẻ bức ảnh và nói mình bị tai nạn xe máy. Ảnh: Lindsey Grace Whiddon.
Nhiếp ảnh gia Lindsey Grace Whiddon – bạn thân Tiffany Mitchell – có mặt bên nữ blogger vào “hôm xảy ra tai nạn”.
“Xem lại các bức ảnh, tôi có thể hiểu vì sao nhiều người lại nghĩ sự việc được dàn dựng. Nếu không có mặt ở đó, tôi cũng khó tin rằng chúng thực sự xảy ra”, Whiddon nói.
Nữ nhiếp ảnh gia cam đoan sự việc không phải là một màn kịch. Cô bạn Tiffany Mitchell cũng không hề biết ảnh được chụp lại cho tới vài tiếng sau đó.
Mitchell sau đó đã gỡ bài đăng và tải lên một video để bảo vệ chính mình.
Nữ blogger nói rằng bạn trai James Cloninger của mình đã qua đời trong một tai nạn môtô vào năm 2016. Với cô, đây là nỗi mất mát lớn còn dai dẳng đến giờ.
Tiffany Mitchell phủ nhận việc dàn dựng vụ tai nạn. Cô giải thích mình ngã xe do vào cua gấp trên con đường ở tiểu bang Tennessee.
Sau khi bị nhiều người chỉ trích, thậm chí nhắn tin dọa giết, nữ blogger người Mỹ gỡ bài đăng. Tuy nhiên, cô một mực khẳng định mình không dàn dựng vụ tai nạn. Ảnh: Tanya Chen.
Nữ blogger cùng cô bạn nhiếp ảnh gia đã gửi một số tấm hình chưa được công bố tới BBC cho thấy cảnh sát và xe cứu thương xuất hiện sau khi tai nạn xảy ra. Qua kiểm tra dữ liệu, các bức ảnh được xác định là bản gốc.
Mitchell cho biết xe cứu thương được người đi đường gọi giúp và các vết thương của cô đã được băng bó lại. Tuy nhiên, cô từ chối đến bệnh viện vì không có biểu hiện bị chấn động nào vào thời điểm đó.
Về hai chiếc mũ bảo hiểm xuất hiện trong hình, nữ blogger giải thích một thuộc về mình, chiếc còn lại của bạn của cô – người đàn ông ở cạnh Mitchell trong ảnh.
Video đang HOT
“Tôi không hiểu sao một số người lại tin rằng tôi dàn dựng tai nạn để gây chú ý và quảng cáo cho nhãn hàng nào đó. Tôi luôn thành thật 100% về sự hợp tác của mình với các thương hiệu và sẽ thông báo cho người hâm mộ biết điều đó”, Mitchell khẳng định.
Sau đó, đại diện SmartWater – thương hiệu nước đóng chai xuất hiện trong ảnh của Tiffany Mitchell – cũng tuyên bố không ký bất cứ hợp đồng nào với nữ blogger.
“Thật buồn khi nhiều người mù quáng tin vào những gì họ đọc được trong bài viết xuất bản mà không được sự đồng ý của tôi. Họ chỉ biết tấn công người thực sự gặp tai nạn và đang bị chấn thương”, Tiffany Mitchell nói.
Dân mạng hoài nghi về các bài đăng trên mạng ảo
Người tin tưởng, kẻ ngờ vực những khía cạnh khác nhau trong câu chuyện của Tiffany Mitchell. Tuy nhiên, phản ứng trái chiều cho thấy con người ngày càng hoài nghi về những gì họ thấy trên mạng xã hội.
Một ví dụ về chuyện influencer và KOL không thành thật tuyên bố với follower bài đăng của mình nhằm quảng cáo cho nhãn hàng, thay vì xuất phát từ sở thích cá nhân, là Jemma Lucy – ngôi sao truyền hình thực tế người Anh.
Lucy bị Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo (ASA) cấm quảng cáo kiếm tiền sau khi tiết lộ tại trang cá nhân rằng bản thân đang uống loại cà phê giảm cân trong thời gian mang thai.
ASA cho biết bài đăng vi phạm nhiều quy tắc, bao gồm khuyến khích các hoạt động không an toàn trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, đây không được xác định là bài viết quảng cáo. Lucy nói mình không hề được trả tiền.
Việc một số cá nhân giả bộ ký hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu rồi vô tư đăng bài “PR fake” tại trang cá nhân được gọi là “street cred”.
Họ làm vậy bởi cho rằng việc càng có nhiều nhãn hàng tìm đến càng chứng tỏ họ là người có danh tiếng.
Ngôi sao truyền hình thực tế người Anh bị “tuýt còi” vì nghi ngờ quảng cáo cà phê giảm cân khi đang mang thai. Ảnh: Jemma Lucy.
“Người xem nói rằng họ luôn muốn thấy sự thật. Tuy nhiên, khi đề cập tới các nội dung được hiển thị trên new feed, những gì họ chọn là ‘phiên bản đẹp đẽ’ của thực tế”, Sara Tasker, – người nghiên cứu về Instagram và tác giả của Hashtag Authentic – nói.
“Họ không muốn thấy cảnh dọn dẹp, con mèo ốm nhom hay bồn rửa bẩn thỉu trong bếp”.
Người nổi tiếng liên tục chạy các thuật toán của Instagram để tăng lượng follower và giúp họ có được nhiều hợp đồng quảng cáo hơn. Đây là một cuộc cạnh tranh phổ biến.
“Từ quan điểm của influencer, bạn muốn đăng tải những thứ mà người xem muốn thấy bởi nó càng lan truyền mạnh hơn khi càng nhiều cá nhân xem được. Influencer cũng trải qua thời gian khó khăn hơn so với celeb để có được lòng tin từ đám đông”, bà Sara Tasker nói.
Nữ chuyên gia cho rằng không công bằng khi nói những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội không có tài cán gì ngoài việc sáng tạo nội dung.
Theo kinh nghiệm của bà, người nổi tiếng còn tệ hơn khi không tiết lộ về việc quảng cáo cho các thương hiệu và lừa dối fan, thế nhưng họ không phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Việc “bị bóc mẽ” dường như không gây tổn hại nào tới blogger Tiffany Mitchell khi số lượng follower cô tăng thêm vài nghìn so với tháng trước.
“Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ bài viết như vẫn làm từ trước và có trách nhiệm nhất có thể với mọi từ ngữ và hình ảnh của mình”, cô nói.
Theo Zing
Trở thành 'ngôi sao nhí' trên mạng - kiếm bộn tiền hay nhiều áp lực?
Việc bố mẹ thiết lập tài khoản cho con có thể giúp trẻ kiếm được nghìn đôla mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên BBC, đề cập đến xu hướng trẻ em kiếm tiền nhờ YouTube cũng như các trang mạng xã hội do bố mẹ chúng lập ra và quản lý.
Ralphie Waplington mới 2,5 tuổi nhưng đã có gần 20.000 follower.
Trang cá nhân của cậu bé dày đặc hình ảnh diện quần áo được tặng, tận hưởng những chuyến du lịch miễn phí và các bài viết được tài trợ bởi các thương hiệu như Peppa Pig và McDonald's.
Stacey Woodhams và Adam Waplington - bố mẹ cậu bé - đã tạo tài khoản đó vào năm 2017, khi con trai họ chỉ vài tuần tuổi.
Họ nói rằng lúc đầu tài khoản chỉ đơn giản là nơi lưu giữ những khoảnh khắc của cậu bé với gia đình và bạn bè. Nhưng lượng người theo dõi tăng vọt từ khi cậu biết đi và chụp ảnh cùng sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương.
Và ngôi sao nhỏ Ralphie đã mang đến nhiều cơ hội cho gia đình.
Từ những đứa bé kháu khỉnh như Ralphie Waplington xuất hiện trên tài khoản được quản lý chặt chẽ bởi bố mẹ, đến những thanh thiếu niên tự tạo kênh YouTube riêng cho mình, có thể thấy ngày càng nhiều trẻ em trở thành influencer (người ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Một khảo sát bởi First Choice chỉ ra rằng 34% trẻ em từ 6-17 tuổi muốn trở thành YouTuber khi lớn lên, và khoảng 18% muốn trở thành blogger hoặc vlogger.
Cậu bé Ralphie 2,5 tuổi kiếm được hàng nghìn đôla mỗi tháng nhờ vào sự nổi tiếng. Ảnh: Instagram NV.
Thời buổi kiếm tiền của lò đào tạo influencer
Cặp chị em Elena (11 tuổi) và Clara (9 tuổi), đến từ Galway, Vương quốc Anh đã thiết lập kênh YouTube Cupcake Surprise Toys TV vào 3 năm trước.
Hiện tại, kênh YouTube của chúng đã thu hút hơn 822.000 subscriber và hơn 302 triệu view.
Elena nói rằng nền tảng "diễn xuất và tình yêu kể chuyện bằng đồ chơi" đã truyền cảm hứng cho chúng tạo ra kênh YouTube - nơi 2 chị em thường xuyên làm việc với các nhãn hàng như Mattel và Moose Toys.
"Kênh YouTube được xem là một thành tựu lớn của 2 chị em khi thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Chúng em luôn cố gắng để hoàn thiện từng video clip. Thật vui khi những người đi đường đến gần và nói rằng họ biết chúng em", Clara chia sẻ.
Emily Brandy, mẹ của 2 chị em - người dành toàn bộ thời gian làm việc trên kênh, nói đó là một công việc khó.
"Mọi người thường đánh giá thấp thời gian làm ra một chiếc video. Thực tế là cần rất nhiều khâu chuẩn bị chu đáo để tạo ra nó", người mẹ nói.
Kênh YouTube của Elena và Clara được đầu tư nhiều về mặt hình ảnh và thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Ảnh: YouTube NV.
Tháng 7 vừa rồi, Carmen Yager (11 tuổi, sống ở New York, Mỹ) đã đăng ký khóa học 5 ngày của IDC TEch dạy về những kỹ năng xử lý hình ảnh và âm thanh với trị giá hơn 1.100 đôla.
Yager nói rằng cô bé rất muốn phát triển kênh YouTube mới được tạo ra của mình và anh trai Neo. "Hiện tại subscriber chỉ là người nhà của chúng em. Chúng em muốn kênh YouTube này trở nên nổi tiếng. Sẽ thật tuyệt nếu những người đi đường đến gần và nói rằng họ thích những video của chúng em!".
Khai thác nhu cầu này, Zoella hay Ryan Kaji từ "Ryan Toys Review" là những nơi đào tạo các bé hứng thú với YouTube, với mức giá lên đến 1.000 đôla/tuần học.
Ví dụ, Firetech Camp cung cấp một khóa học "Thiết lập kênh YouTube - Trở thành influencer" trong 5 ngày với trị giá 425 bảng Anh.
"Năm ngoái, đây là một trong những khóa học hot nhất của chúng tôi", Jill Hodges - giám đốc điều hành Firetech chia sẻ.
"Chúng tôi nhận thấy hai nhóm trẻ em khác nhau tham gia khóa học này. Đó là những em xem đó là sở thích và nhóm muốn tạo ra các trò chơi trên YouTube".
Những học viên ở các khóa trước đã sản xuất các kênh YouTube với chủ đề về rác thải nhựa ở đại dương, thời trang và trang điểm.
Đứa trẻ nào cũng muốn nổi tiếng?
Trước sự "bùng nổ" của các kênh video trẻ em, nhiều người đặt câu hỏi: Phụ huynh có nên khuyên con mình trở thành influencer ở độ tuổi nhỏ như vậy không?
TS Elizabeth Milovidov, người sáng lập DigitalParentingCoach.com, nói: "Mặc dù đúng là một vài gia đình đã tìm thấy thành công về mặt tài chính. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên thận trọng trước khi khuyến khích con cái trở thành một influencer.
Phụ huynh cần nhận thức việc chụp ảnh liên tục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ.
"Chúng tôi lắng nghe ngày càng nhiều những trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên không muốn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhưng phải luôn đối mặt với những tài khoản mạng xã hội được tạo ra bởi chính bố mẹ của chúng", TS Milovidov cho hay.
Bà cũng nhấn mạnh những nguy cơ liên quan tới bắt nạt hay ăn cắp thông tin trên mạng, đồng thời khuyên bố mẹ nên quản lý tài khoản hợp lý và có biện pháp đề phòng.
Bố mẹ Ralphie thường xuyên đăng tải những hình ảnh cậu bé đang chơi đùa lên mạng xã hội. Ảnh: Triangle News.
Hiện tại, số lượng những ngôi sao trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội chưa có dấu hiệu suy giảm.
Với Stacey Woodhams, cô gạt bỏ mọi chỉ trích về việc chia sẻ cuộc sống của con trai mình lên mạng.
Cô nói: "Việc này không khác với bất kỳ bà mẹ nào đăng ảnh con của mình lên Facebook hoặc WhatsApp. Không có bất kỳ quy tắc nào để nuôi dạy con cái cả".
Nhưng sẽ thế nào nếu Ralphie lớn lên và không muốn cuộc sống của mình bị "theo dõi" bởi hàng nghìn người?
Theo Zing
Thời của các 'thánh nữ dọn dẹp' tự đổ rác, quảng cáo sản phẩm tẩy rửa Nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, căn bếp không vết dầu mỡ, quần áo xếp gọn gàng là một trong những cảm giác thỏa mãn mà các "thánh nữ dọn dẹp" đem lại cho người hâm mộ. Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Atlantic, đề cập đến sự xuất hiện của các "thánh nữ dọn dẹp" trên mạng xã hội không chỉ...