Kịp lo lương thực cho dân
Lương thực, thực phẩm tới tay người dân khó khăn tại TP.HCM ngay trong ngày 23-8, ngày đầu toàn thành nghiêm ngặt Ai ở đâu, ở yên đó.
Các trung tâm an sinh ở phường, xã hoạt động hết công suất để kịp chuyển hàng tận tay người dân.
Cán bộ, chiến sĩ thuộc sư đoàn 9 cũng tham gia hỗ trợ phường Bình Trị Đông A trong việc phòng dịch, phát túi an sinh đến người dân chiều 23-8 – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Điểm tiếp nhận hàng hóa để hỗ trợ người dân khó khăn của phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TP.HCM) ngày 23-8 có thêm các anh chiến sĩ áo màu xanh lá.
Đưa túi an sinh tới từng xóm trọ
19 chiến sĩ thuộc sư đoàn 9 cùng nhiều anh chị tình nguyện viên và cán bộ của phường tất bật làm nhiệm vụ tại đây từ sáng. Các anh chiến sĩ trẻ bận rộn gọt rửa, phân chia hơn 10 tấn rau củ quả, hàng hóa để kịp chuyển những túi an sinh đến từng hộ dân khó khăn trong buổi chiều. Trong ngày 23-8, phường Bình Trị Đông phát hơn 2.000 túi an sinh, suất quà cho các hộ dân khó khăn của phường. Mỗi phần gồm 10kg gạo, rau củ quả, sữa, dầu ăn và mì gói…
Ông Hà Anh Tuấn, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bình Trị Đông A, cho biết toàn phường hiện có hơn 12.300 hộ khó khăn cần chăm lo. “Những hộ diện này đều được phường chăm sóc hỗ trợ từ trước đó. Đợt này sẽ hỗ trợ trước 6.000 hộ, làm bằng cách cuốn chiếu theo danh sách, cố gắng không sót trường hợp khó khăn nào” – ông Tuấn nói thêm.
Bộ đội Quân khu 7 đóng quân tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức trao rau củ đến người khó khăn tại hẻm 59 đường số 8 – Ảnh: N.PHƯỢNG
Ở một khu trọ khu phố 10, phường Bình Trị Đông A, nhận túi quà (10kg gạo, rau củ quả, sữa, dầu ăn và mì gói), anh Lý Thanh Hùng (quê Bạc Liêu) xúc động nói: “Mừng quá, vừa lúc phòng đang hết gạo. Cả tháng nay chỉ dám ăn chút chút cầm cự, tại cũng đâu làm gì mà ăn cho nhiều”.
Video đang HOT
Anh làm nghề thợ hồ, đang thuê trọ chung cùng bốn người khác. Cả phòng đều thất nghiệp hơn một tháng nay. Anh Hùng kể vì không có thu nhập, lại phải lo thêm tiền ăn uống của vợ và hai con ở quê nên cả tháng nay không dám đi chợ.
Cả phòng ai cũng khó khăn nên những túi an sinh, phần quà hỗ trợ nhu yếu phẩm từ chính quyền, nhà hảo tâm trao tặng giúp họ qua được những ngày giãn cách.
Khi chiếc xe hỗ trợ chở cán bộ phường và một chiến sĩ đi vào khu trọ nằm sâu trong một con hẻm của hương lộ 2, trông thấy màu áo lính trên xe, rất nhiều người dân đã cùng vỗ tay, reo mừng.
Ra nhận túi quà, chị Phan Hồng Như (25 tuổi, quê Vĩnh Long), công nhân một công ty giày dép tại quận Bình Tân, chia sẻ: “Nhiêu đây tôi ăn được 15 ngày, mừng quá vì có đồ ăn để qua đợt này rồi tính tiếp”.
Cũng giống như hàng trăm ngàn công nhân từ quê lên thành phố, Như lâm cảnh thất nghiệp hơn một tháng nay, nhưng tiền trọ, tiền cơm gạo vẫn phải chi khiến cuộc sống của cô đang khó khăn hơn bao giờ hết.
19 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 9 cũng tham gia hỗ trợ phường Bình Trị Đông A trong việc phòng dịch, phát túi an sinh đến người dân – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Những “biệt đội rau củ”
Hàng loạt trung tâm an sinh xã hội đã được lập ra ở các quận, huyện, phường, xã để tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Trung tâm an sinh xã hội phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) được đặt ở một địa điểm rất đặc biệt: một quán cà phê nằm cách ủy ban phường không xa.
Khi trung tâm thành lập, chị Trần Thị Ngọc Sơn, phó bí thư Đảng ủy phường, kiêm thêm chức vụ giám đốc của trung tâm. Bên ngoài vẫn là biển hiệu quán cà phê, nay có thêm một tấm bảng mới ghi số điện thoại người phụ trách trung tâm.
Ngày 23-8, “biệt đội rau củ” tám người của hội phụ nữ đang tỉ mẩn ngồi bên một “núi” rau muống vừa được chuyển đến. Nhưng đây không phải là công việc mới của các chị. Suốt hai tháng qua, ngày nào biệt đội này cũng làm sạch rồi phân chia 1.200-1.500 phần rau để chuyển vào các khu phong tỏa, các hộ có F0 tại nhà.
Túi an sinh đã trao tay người lao động ở trọ tại khu phố 10, phường Bình Trị Đông A – Ảnh: CÔNG TRIỆU
“Ngày nào cũng đi phát rau, củ, gạo, mắm muối. Phường có bốn khu phố, chia ra phát cuốn chiếu, nay tổ này, mai tổ khác. Đây là một trong những phường rộng nhất quận với hơn 40.000 người dân nên có nhiều trường hợp khó khăn phường không tự phát hiện được, người dân gọi đến thì phường mới biết để hỗ trợ” – chị Lê Thị Cẩm Thu (27 tuổi), phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Sơn Kỳ, chia sẻ.
Từ đầu tháng 6 đến nay, chị Thu cùng với rất nhiều anh chị khác ăn, ngủ tại phường, không về nhà. “Ban đầu thì hỗ trợ xét nghiệm, sau đó hỗ trợ phường tiếp nhận, phân phát nhu yếu phẩm. Hơn hai tháng nay, 15 người của trung tâm an sinh hầu như làm không có ngày nghỉ. Ngày nào rau, gạo nhiều là phải làm tới 8h tối. Rau chuyển từ các tỉnh về phải lặt lại, vô bịch rồi mới đem đến cho hộ dân”, chị Thu chia sẻ.
Chuẩn bị cho đợt giãn cách mới, trong hai ngày trước đó, trung tâm đã làm việc cật lực để phân phát 700 túi an sinh đến các hộ dân lao động bên cạnh việc phát rau và các suất ăn hằng ngày.
“Ngày mai, ngày mốt, gạo của Chính phủ chuyển về phường sẽ tiếp tục đi phát ngay để người dân có thêm lương thực”, chị Thu nói thêm.
Các chuyến xe chở túi an sinh đến với người dân khó khăn phường Bình Trị Đông A trong chiều 23-8 – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Trung tâm an sinh xã hội của UBND phường 15, quận 4 thì được đặt ngay tại trụ sở phường. Suốt từ đầu dịch đến nay, từ cổng vào đến bên trong của trụ sở, ngoài khu vực tiếp dân là đủ các loại rau củ, gạo, mắm muối được chất la liệt. 28 cán bộ, công nhân viên của phường đã ăn, ở tại trụ sở phường 2 tháng qua. Các phòng lầu trên vừa là nơi họp hành, vừa là nơi ngủ lại.
“Đợt này các quy định giãn cách siết chặt hơn, người dân phải ở trong nhà nên hàng hóa hỗ trợ đưa về là chuyển đến ngay để họ có lương thực duy trì” – bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, phó chủ tịch phường 15, quận 4, cho biết.
Ngay trong ngày đầu, 600 phần gạo, nước mắm, dầu ăn, sữa đặc đã được chia thành bịch và cả phường chia thành bốn đội để phân phát đến các hộ dân. “Ngày hôm qua phường vừa nhận túi quà của Thủ tướng Chính phủ gửi đến hộ dân. Hôm nay (23-8) là phát liền đến tay hộ dân, ưu tiên các hộ chưa nhận tiền từ gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trước”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nói thêm.
Cùng với 600 túi quà, 1 tấn rau cũng được chuyển đến và “cả phường” thức đêm phân thành các phần để phát cùng với gạo trong ngày.
Những tình nguyện viên đặc biệt
Ở Trung tâm an sinh xã hội của phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân) có những tình nguyện viên rất đặc biệt. Theo nghề lái xe ba gác đã gần 15 năm nay, COVID-19 đưa anh Hiệu đến công việc tình nguyện, anh đăng ký vào đội hỗ trợ phòng dịch của phường Bình Trị Đông A. Ba tháng qua, cứ 6h sáng anh đã ra khỏi nhà, đến tối khuya mới về, nhiều ngày anh không kịp nhìn mặt con. “Vợ tôi làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo đã thất nghiệp hơn một tháng. Nhiều hôm vì công việc phải đi nhiều, gia đình cũng lo nhưng giờ ở phường thiếu người mà mình còn sức khỏe thì đâu thể không giúp” – anh Hiệu nói.
Cũng thất nghiệp gần ba tháng nay, anh Lê Minh Thân (32 tuổi, trọ tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đăng ký tham gia đội phòng chống dịch của phường. Lý do của anh rất đơn giản: “Đi làm miết, giờ ở nhà buồn tay buồn chân”. Một tuần qua, bắt đầu công việc từ sáng sớm đến tối khuya mới về tới nhà. Nhiều hôm rau củ nhiều, mọi người ngủ luôn tại trụ sở ủy ban phường. “Những ngày này đâu biết giờ giấc, việc kêu đâu chạy đó, làm đôi khi quên cả ăn luôn”, anh Thân cười.
Quân khu 7: 'Ở đâu gian khó ở đó có bộ đội'
Quân khu 7 quán triệt cho lực lượng quân khu nêu cao ý chí quyết tâm và trách nhiệm, sẵn sàng xả thân chống dịch, cứu giúp nhân dân với tinh thần "ở đâu gian khó ở đó có bộ đội".
Bộ đội Sư đoàn 5 (Quân khu 7) cùng chính quyền phường Linh Trung chuẩn bị quà hỗ trợ nhân dân ngày 23-8 - Ảnh: MINH HÒA
Ngày 24-8, Quân khu 7 phát động phong trào thi đua "Chống dịch, cứu dân" trong lực lượng Quân khu, dưới sự chủ trì của trung tướng Trần Hoài Trung - bí thư Đảng ủy, chính ủy Quân khu.
Đại diện Quân khu 7 cho hay với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn Quân khu.
Cụ thể, Đảng ủy Quân khu đã ban hành chỉ thị số 660 về mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn Quân khu.
Quân khu 7 đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: "Thăm, tặng quà các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch", "Gian hàng không đồng", "Phiên chợ không đồng", "Cây ATM gạo", "Cây ATM khẩu trang", "Hũ gạo tình thương", "Bữa cơm nghĩa tình", "Tủ cơm, cháo miễn phí", "Tủ đồ dùng thiện nguyện", "Tặng sản phẩm tăng gia sản xuất cho nhân dân"...
Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp... chi tiêu, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, chia sẻ khó khăn cho nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa ở TP.HCM với hàng trăm tấn rau, củ, quả; hàng trăm tấn gạo; hàng vạn quả trứng gà, vịt; cùng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu khác...
Thời gian qua, Quân khu 7 đã cử hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ từ nhiều đơn vị hỗ trợ TP.HCM chống dịch, trong đó tổ chức lực lượng tham gia 270 chốt kiểm soát dịch, 291 tổ tuần tra lưu động, vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, thuốc điều trị đến từng hộ dân, chuyển túi an sinh đến người dân thuộc 18/22 quận huyện và thành phố Thủ Đức.
Nam Bộ đang dự trữ bao nhiêu lương thực, thực phẩm? Sau khi cung ứng đủ cho TP HCM, Bình Dương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tính toán, từ nay tới cuối năm vẫn dư khoảng 3 triệu tấn gạo, 1,5 triệu tấn rau củ... Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa báo cáo Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình...