Kính thưa ” ôsin” của con!
Mẹ ơi! Dù mẹ làm gì, ở đâu, mẹ như thế nào đi chăng nữa thì mẹ vẫn là mẹ của con. Con yêu mẹ vì mẹ là tất cả của con.
Dù lớn đến ngần này tuổi rồi tôi vẫn thường làm nũng và khóc nhè trước mặt mẹ. Nhớ lại ngày xưa, ba và mẹ gặp nhau trong một lần đi chơi hội ngày xuân. Lúc đó, ba mẹ vẫn là những thanh niên, thanh nữ trong tuổi mới lớn. Tình cảm của hai người cũng từ đó bắt đầu, những cung bậc tình cảm khác nhau của đôi tình nhân trẻ cũng dần được vun đắp cho đến một ngày- Ngày đẹp nhất trong một đời người. Ba mẹ cưới nhau, hai bên nội ngoại cùng bà con hàng xóm chung vui ly rượu mừng. Tình yêu của đôi vợ chồng son mới cưới thật hạnh phúc. Thuở xưa, cuộc sống còn vất vả, chỉ lo cho đủ ăn ba bữa chứ chưa nói đến chuyện dư giả. Mặc dù chỉ cơm canh đạm bạc nhưng trong gia đình vẫn đầy ắp tiếng cười. Người miền quê sống mộc mạc, giản dị và đầm ấm tình người, tình nghĩa làng xóm, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Cuộc sống thật bình yên.
Niềm vui lại được nhân đôi khi một đứa bé gái kháu khỉnh ra đời. Trong gia đình lại thêm vui vẻ hơn. Một cô bé tinh nghịch dễ thương được mang dòng máu của ba rất thông minh và hiền lành, xinh đẹp của mẹ. Cô bé lớn lên trong tình yêu của ba mẹ và bà con hàng xóm xung quanh- đứa bé đó chính là tôi. Nhưng không phải cuộc đời lúc nào cũng yên bình như mình hằng mong muốn, sóng gió bắt đầu nổi lên. Ba đã xa tôi mãi mãi trong một buổi chiều mưa tầm tã. Ba bỏ tôi lại một mình khi tôi chưa bập bẹ được tiếng ba đầu đời. Ba cũng chưa được nghe tiếng gọi của đứa con gái mà ba cưng nhất. Ba chờ đợi tiếng đó biết bao-một ao ước nhỏ nhoi nhưng chính tôi đã không làm được. Từ đó, tôi cũng mất đi tiếng gọi ba thiêng liêng nhất trong đời mình. “Ba ơi! Ba ơi…”
Lúc đó tôi còn quá bé chưa thể hiểu hết được vì thế tôi không biết nỗi đau mất đi người ba duy nhất của mình. Tôi cất tiếng gọi ba- tiếng gọi đứt quãng, từng tiếng một chẳng rõ ràng. Mẹ tôi vui mừng khẽ lau những giọt nước mắt- giọt nước mắt mừng thầm vì con đã biết nói, đã biết gọi ba, nhưng đó cũng là giọt nước mắt đau lòng khi con thơ cất tiếng gọi cha nhưng không được trả lời, không được vòng tay ôm ấp che chở từ ba, không được nhận sự dìu dắt của ba. Ước gì ba có ở đó để được nghe tiếng con gọi- mẹ sẽ hạnh phúc biết dường nào. Từ khi ba để mẹ con tôi lại trên đời này, mẹ một mình nuôi tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ, thiếu vắng tiếng nói của ba. Tôi lớn lên trong tình yêu, sự chăm sóc, nuôi nấng dạy dỗ của mẹ. Ngày tôi đến trường mẹ đã khóc. Tôi không hiểu vì sao mẹ khóc? Tôi chỉ biết tôi háo hức và vui mừng bởi được mặc áo mới và đi học. Từ ngày tôi đến trường nỗi lo lắng và gánh nặng lại đè trên đôi vài gầy gò của mẹ. Mẹ làm việc quần quật từ tối đến sáng, quanh năm mẹ làm bạn với trời đất, với nắng mưa, sương gió. Đôi bàn tay mẹ nhăn nheo, xù xì và chai sạn, khuôn mặt rám nắng đen xạm. Thời gian lẳng lặng cứ trôi qua, lưng mẹ cũng lom khom theo tháng năm. Tay chân không còn nhanh nhẹn và dẻo dai như tuổi 17 nữa. Mẹ già đi nhiều rồi!
Mẹ làm thuê cho người ta mọi việc, miễn sao là kiếm được tiền. Mẹ bảo: “ Cực khổ như thế nào mẹ cũng chịu được, chỉ mong sao cho con học thật giỏi và sau này thành đạt tự nuôi thân mình là được rồi”. Tôi nghe mẹ nói mà muốn khóc. Tôi thương mẹ nhiều lắm. Một ngày thượng đế chỉ cho một người 24 tiếng nhưng hình như với mẹ vẫn chưa đủ. Mẹ dành thời gian cho công việc kiếm tiền quên cả giấc ngủ, nghỉ ngơi. Rảnh việc làm thuê cuốc mướn, mẹ lại lật đật đi mua chai bao, nhặt từng cái chai, lon, sắt vụn để bán kiếm ít tiền rồi rau cháo qua ngày. Tuy vất vả nhưng lúc nào mẹ cũng vui vẻ và không một lời than vãn tất cả là vì tôi. Khi giấy báo trúng tuyển trường ĐH Sư Phạm gửi về, mẹ cầm trên tay, giọng run run, mẹ nở nụ cười hiền hậu trong nước mắt- mẹ sung sướng khen “ con giỏi lắm út à!”. Tuy tôi cũng vui không kém gì mẹ nhưng tôi biết rằng: trán của mẹ sẽ thêm nếp nhăn vì những suy nghĩ lo toan cuộc sống, kiếm tiền cho tôi ăn học. Đôi tay của mẹ giờ phải làm việc nhiều hơn.
Ngày tôi lên thành phố học, mẹ đã gom góp hết số tiền dành dụm bấy lâu để tôi đi. Nước mắt tiễn đưa nước mắt. Tôi xa mẹ, một mình mẹ ở lại không ai chăm sóc, tôi thương mẹ xót lòng. Tôi chưa kịp ôm chào mẹ thì chiếc xe khách đã lăn bánh chạy nhanh. Mẹ cúi đầu buồn bã lủi thủi một mình trở về, khuôn mặt lo lắng. Một tháng xa nhà, chưa về thăm mẹ, tôi gọi điện qua nhà bác Sáu nhờ bác gọi mẹ nghe điện thoại vì nhà tôi lúc đó không có điện thoại. Mẹ hốt hoảng, chân ướt chân ráo, quần sắn áo thả lật đật chạy sang. Từ trong điện thoại, tôi nghe giọng mẹ khàn khàn và tiếng ho sặc sụa “ Con ơi! Con có khỏe không? Sao không nghe con nói chuyện vậy? Ăn ở có thiếu thốn gì không để mẹ gửi vào?”… Nghe tiếng mẹ lo lắng tôi không cầm được nước mắt. Lúc đó, tôi ước gì có thể ôm mẹ thật chặt, hôn lên má mẹ . “Con khỏe mẹ ạ! Mẹ đừng lo cho con, mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe nha mẹ.” Kết thúc cuộc điện thoại ngắn ngủi, giọt nước mắt thương con lén lút lăn nhanh trên đôi má gầy xanh xao.
Video đang HOT
Dù mẹ làm gì thì mẹ vẫn là một vị thánh nhân từ, nơi nguồn suối đầy yêu thương của con (Ảnh minh họa)
Tôi đâu biết rằng lúc đó mẹ đang bị cảm vì hôm trước đi gặt lúa giùm cho người ta-mẹ bị dầm mưa. Tôi đâu biết rằng đôi tay mẹ hôm qua chặt củi thuê bị gai xước vào chảy máu. Tôi đâu biết rằng mẹ bị kiến cắn cả hai chân vì hôm qua đi đánh cỏ thuê cho người ta. Tôi được học nơi đây- sống trong một căn nhà sạch sẽ, học trong một ngôi trường sang trọng trong một lớp học mát mẻ và tiện nghi. Tôi chưa bao giờ phải lo lắng điều gì, không phải lo thiếu tiền vì lúc nào mẹ cũng gửi đủ tiền hàng tháng cho tôi. Tôi đâu biết rằng mẹ bị cảm không dám mua thuốc uống, chỉ để dành số tiền ít ỏi. Tôi đâu biết rằng mẹ bị ốm không ai nấu cho mẹ một bát cháo nóng, mẹ đâu có ăn uống đầy đủ như tôi. Sáng sáng tôi ăn bánh mì uống sữa để lót dạ, mẹ thì muối trắng cơm khô. Những hi sinh của mẹ tất cả chỉ vì tôi.
Tôi khoe với mẹ bộ đồ mới mà không biết rằng mẹ chỉ có vài bộ đồ cũ kĩ đã bạc màu theo tháng năm. Mẹ không đòi hỏi một điều gì, tất cả mẹ chỉ để dành cho tôi. Tôi chỉ biết rằng hàng tháng khi tôi cần tiền thì mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng để gửi cho tôi mà không biết rằng mẹ đã chắt chiu từng đồng, phải làm việc vất vả mới có được. Tôi thấy có lỗi với mẹ nhiều lắm, chưa bao giờ tôi nấu cho mẹ một bát cháo khi mẹ ốm. Vậy mà, tôi còn dùng mồ hôi, nước mắt, là máu, là sức khỏe, là tuổi thanh xuân của mẹ để sinh sống, học tập. Nhiều lúc tôi nghĩ không biết vì sao mẹ lại có tiền để gửi cho tôi nhiều thế. Tôi là phận làm con mà dám nghi ngờ về số tiền mẹ cho không trong sáng sao? Thật xấu xa cho đứa con lớn rồi mà không chịu khôn. Nếu như tôi không về thăm mẹ vào một ngày bất ngờ thì có lẽ tôi đã sai phạm lầm lớn nhất trong cuộc đời này- là trách móc, phàn nàn, và không tin tưởng vào người mẹ duy nhất trên đời này.
Ngày đó, tôi nóng lòng lên xe về quê thăm mẹ. Một chặng đường dài ngồi trên xe lòng tôi xao xuyến và cảm thấy run run, đã lâu lắm tôi chưa về thăm mẹ. Tôi xuống xe và chạy ù vào nhà, cảnh vật vẫn như xưa nhưng cửa đóng không như những ngày thường mẹ vẫn luôn mở sẵn để đợi tôi về. Tôi vào nhà cất tiếng gọi mẹ nhưng không một tiếng trả lời, giọng nói quen thuộc của mẹ đâu rồi nhỉ? Tôi đi khắp vườn để tìm nhưng vắng hình bóng mẹ. Tôi chạy nhanh sang nhà bác Sáu hỏi thăm thì mới biết- tôi nhanh chân dồn hết sức lực chạy thật nhanh lên nhà ông Tư Ròn, vừa chạy vừa miên man suy nghĩ những điều mà tôi cũng không biết. Tôi đứng ngẩn người ra nhìn vào vườn nhà ấy, một hình dáng quen thuộc, đang lom khom quét sân và ẵm đứa bé 3 tuổi. Tim tôi chợt chìm xuống, nước mắt lăn dài trên má tự lúc nào tôi không hay biết. Tôi bàng hoàng, không hiểu chuyện gì đang diễn ra trước mắt tôi. Những suy nghĩ trong tôi chợt ùa đến dồn dập, tôi thấy mọi thứ đang rối tung, không kiềm chế được những uất ức trong lòng. Tôi lê chân bước đến trước mặt mẹ, trong nước mắt đầm đìa tôi nói: “Sao mẹ lại làm vậy? Tại sao mẹ giấu con? Tại sao mẹ lại bước đi một bước mà để còn lại phía nhau một mình? Tại sao mẹ lại bỏ rơi con?”… Đôi mắt đỏ hoe, trong đầu tôi đang quay cuồng với hàng trăm hỏi vì sao. Tôi thấy thất vọng và đau đớn. Tôi hối hận.
Thấy tôi mẹ chưa kịp cười trọn vẹn một nụ cười vui mừng thì mẹ đã phải nghe những lời chói tai, như một tiếng sét ngang tai, lòng mẹ xót xa. Mẹ ôm tôi nhưng một cái đẩy lỡ tay, mẹ té ngã. Mẹ không đau vì bị té, mẹ đau vì đứa con gái mẹ thương đang khóc. Tôi không để mẹ giải thích hết lời. Tôi ôm mặt khóc-khóc nức nở, tiếng khóc của tôi xé tan lòng mẹ, vô tình tôi làm mẹ tổn thương. Mọi thứ trước mặt tôi dường như biến mất tất cả chỉ còn lại nỗi oán hận trách móc của tôi và nỗi lòng mà con cái không thấu hiểu của mẹ. Tôi mất tất cả, mẹ không cần tôi nữa. Tôi cố sức chạy thật nhanh, tôi chạy đi để không còn đối mặt với mẹ, một lúc sau những tiếng nấc quãng, tôi lau khô nước mắt ngồi thần người và muốn chết lịm đi. Hình ảnh mẹ tần tảo nuôi tôi bao nhiêu năm bỗng trở nên xa lạ với tôi. Tôi thấy ghét mẹ-lòng tuyệt vọng. Nhìn cảnh làng quê quen thuộc, bầu trời vẫn thế, cảnh đồng quê vẫn thẳng cánh cò bay… vậy mà tôi thấy mọi thứ như đang tạo một khoảng cách với tôi- một đứa trẻ lạc loài. Suy nghĩ nối tiếp suy nghĩ. Sau lưng tôi mẹ đang chạy đến khuôn mặt buồn rầu, tràn trề nước mắt. Mẹ vừa chạy vừa lau nước mắt và gọi tên tôi thảm thiết, đứt quãng với hơi thở yếu ớt. “ Út ơi! Út con ơi! Đừng bỏ mẹ con ơi! Về đây với mẹ, con của mẹ, mẹ thương nhớ con lắm con có biết không?.”. Lúc đó, tôi muốn bỏ chạy thật nhanh để mẹ không đuổi kịp nhưng nhìn thấy mẹ bị ngã, tôi không đành lòng bỏ đi. Mẹ chạy đến ôm tôi khóc nghẹn ngào : “Con ơi con! Đừng bỏ mẹ mà đi, mẹ chỉ có con thôi mà con. Mẹ thương con lắm”. “Mẹ thương con? Thương con sao mẹ làm thế? Sao mẹ lại bỏ con mà lấy người khác, sao lại chia sẻ tình thương cho một người xa lạ?”. “Không phải đâu con à! Mẹ là… mẹ là… là người giúp việc nhà cho người ta, mẹ sợ con buồn vì có một người mẹ làm ôsin nên mẹ không nói với con, mẹ sợ…”. Cơ thể tôi như đang vụn vỡ, khối băng giá lạnh đang tan ra. Tôi sai rồi.
Giọt nước mắt hối hận, giờ thì tôi mới hiểu mình đã sai- sai rồi, lúc nào tôi cũng sai. Tôi là một đứa con không ra gì hết. Một phút sai lầm, bồng bột tôi đã trách lầm mẹ- vị thánh đầy lòng yêu thương.Giờ tôi mới biết những ngày tháng được học hành, sống sung sướng là nhờ vào sự hi sinh thầm lặng của mẹ. Mẹ làm tất cả vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả, bộn bề lo toan nhưng mẹ chưa bao giờ làm gì trái với phẩm hạnh của người phụ nữ góa chồng, bởi trong lòng mẹ chỉ có tôi- đứa con mà mẹ hết lòng yêu thương. Mẹ thà chịu nhịn nhục, cực khổ chứ chưa bao giờ để cho tôi lo lắng một điều gì. Nhìn đôi bàn tay nhăn nheo, cháy đen, mái tóc bạc nhiều hơn đen, bộ quần áo củ sờn vai của mẹ… tôi cảm thấy mình như một người tội lỗi đứng trước vị thánh nhân, xấu hổ và hối hận. Tôi quỳ xuống chân mẹ, ôm hôn đôi bàn chai sạn nhưng ấm áp. Nhòe trong nước mắt, tôi nức nở xin lỗi mẹ vì tất cả-tôi đã làm cho mẹ buồn, làm cho mẹ thất vọng vì đứa con duy nhất không chịu hiểu và tin tưởng mẹ, cúi đầu thật lòng xin lỗi và cảm ơn mẹ vì tình yêu bao la vô bờ bến của mẹ. Mẹ biết không dù mẹ là ai đi chăng nữa, mẹ làm gì và ở đâu thì mẹ vẫn là mẹ của con, không ai có thể thay thế mẹ được. Thà con mất tất cả chứ không bao giờ để mất mẹ bởi mất vật chất con có thể tìm lại nhưng nếu mất mẹ rồi con thơ biết tìm đâu.
Mẹ ơi! Kính thưa mẹ- ôsin của con. Dù mẹ làm gì thì mẹ vẫn là một vị thánh nhân từ, nơi nguồn suối đầy yêu thương của con mẹ ạ. Giữa cuộc đời phong ba đầy sống gió, bon chen, xa hoa và ồn ào thì mẹ biết không được ngủ bên chân mẹ thôi, con cũng cảm thấy yên bình và ngon giấc.
Theo 24h
Yêu thương gửi mẹ!
Mẹ ơi! Công ơn mẹ mênh mông lắm biển rộng sao bằng. Quê tôi là một miền quê miền núi, mỗi sớm thức dậy nhìn xa xa là những ngọn núi cao trập trùng nối nhau ẩn hiện giữa màn sương buổi sớm.
Mẹ tôi là một cô thanh niên xung phong giờ đã chuyển ngành, sau bao nhiêu năm phá đá mở đường cho những chuyến xe qua. Tôi được sinh ra khi đất nước mới vừa hoà bình, cuộc sống lúc bấy giờ còn bao nhiêu trăng trầm vất vả, giữa cái đói nghèo lạc hậu.
Vậy mà mẹ vẫn sớm hôm tần tảo nuôi tôi khôn lớn trưởng thành, mười mấy năm cắp sách đến trường, tôi không hề hay biết mẹ vất vả nhường nào, tôi vô tư sáng ngủ dậy rồi cắp sách đến trường, trưa đi học về sẵn cơm mẹ nấu, nồi cơm nhà tôi khi đó lúc nào cũng có hai màu, màu vàng của ngô và màu trắng của gạo, mẹ vẫn thường nói với tôi những hạt ngô xay đó chỉ để dành cho người lớn thôi. Tôi đâu biết khi tôi bưng bát cơm gạo trắng ngần, là trong đó chứa bao nhọc nhằn mà mẹ đã trải qua, những hạt gạo đó đã thấm bao nhiêu giọt mồ hôi của mẹ, để cho tôi no ấm mỗi ngày.
Ước thới gian quay lại để tôi được lau cho mẹ những giọt nước mắt dù những giọt nước mắt đó chỉ chảy ngược vào lòng (Ảnh minh họa)
Bởi vậy ngoài việc cơ quan mỗi sáng mẹ phải thức dậy thật sớm, tất bật chăm sóc cho bầy heo, đàn gà để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tôi chỉ được ở bên mẹ vào những buối tối, tôi kể mẹ nghe về chuyện lớp, chuyện trường... Mẹ luôn lắng nghe và mỉm cười khi tôi nói, nhưng tôi hiểu đằng sau nụ cười đó là bao nỗi lo toan của bộn bề cuộc sống. Khi tôi trưởng thành bước sang một cuộc sống mới mẹ vẫn âm thầm dõi theo từng bước chân tôi.
Rồi khi tôi có một sinh linh bé nhỏ, tôi mới hiểu hết thế nào là "tình mẹ". Một giọt nước mắt chợt rơi, giá như tôi hiểu được điều này sớm hơn, giá như ngày trước tôi không quá vô tư, giá như.... giá như.... bao nhiêu cái giá như mà trước đây tôi không hề nghĩ tới. Lúc này đây tôi mới thấy thương mẹ quặn lòng.
Mẹ ơi! Bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống, bao nhiêu đêm má thức trắng vì con, bao nhiêu đêm đông mẹ ngồi ôm con ngủ khi chăn không đủ ấm và bao nhiêu giọt nước mắt mẹ đã rơi khi con ngã bệnh. Mẹ ơi! Công ơn mẹ mênh mông lắm biển rộng sao bằng.
Nếu như có một điều ước, tôi ước sẽ làm điều gì đó để xoá đi những vết chân chim đã hằn sâu gương mặt mẹ, ước thới gian quay lại để tôi được lau cho mẹ những giọt nước mắt dù những giọt nước mắt đó chỉ chảy ngược vào lòng.
Mẹ ơi! Mẹ là người con yêu nhất trên đời.
Theo 24h
Tiền nhiều làm chi khi Tết con không về? Tiền nong mẹ có cần chi, chỉ cần các con về đoàn viên với mẹ mấy ngày Tết. Chỉ còn độ dăm bữa nửa tháng nữa là đến Tết âm lịch, ở quê mọi người đã rục rịch sửa sang nhà cửa, mua sắm thức ăn "dự trữ" mấy ngày Tết. Mẹ tôi độ này vui hớn hở vì năm nay anh Ba...