Kinh tế tư nhân hậu Covid-19: Tận dụng “cơ hội vàng” để bứt phá
Nền kinh tế đã chống chịu tốt trong đại dịch nhưng cần có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “vàng” để bứt phá tăng trưởng.
Tại Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, không thấp như IMF dự báo là 2,7%. Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp”. Đồng thời, Thủ tướng xác định 5 mũi giáp công để tái khởi động nền kinh tế trong lúc này, trong đó, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân là 1 trong 5 “mũi giáp công” quan trọng để phục hồi nền kinh tế.
Hậu Covid-19: “ Cơ hội vàng” cho doanh nghiệp
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có khoảng 86% doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Trong đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn, nên doanh thu quý I của các DN giảm mạnh xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019.
Khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: KT)
Thực tế cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các DN Việt Nam vẫn kiên cường chống trọi. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau quyết định dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước, tình hình các DN và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.
Khảo sát của VCCI về thực trạng của cộng đồng DN cho thấy, tính đến đầu tháng 5, có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
“Qua dịch Covid-19, một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Chủ tịch VCCI cho rằng, sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ có sự thay đổi lớn về cách vận hành để phù hợp với tình hình hiện tại. Trong đó, chắc chắn sẽ diễn ra làn sóng chuyển dịch đầu tư mà tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cơ hội đến sẽ nhanh chóng mất đi nếu bản thân DN Việt Nam không tự vận động, thay đổi và cải thiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Về các giải pháp căn cơ và dài hạn hơn trong thời gian tới, cần phải nhận thức và đón bắt được cơ hội từ làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại hiện đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Video đang HOT
Để nắm bắt được cơ hội này, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN.
“Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương… để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây cũng chính là yếu tố quyết định thành bại của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Huy động nguồn lực hàng triệu tỷ đồng để phục hồi kinh tế
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), để hỗ trợ DN trước những khó khăn của dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như giãn nộp thuế, giảm phí, giảm giá điện, có gói an sinh xã hội, miễn đóng bảo hiểm tử tuất… Tuy nhiên, những gói hỗ trợ này chủ yếu lấy từ ngân sách Nhà nước. Chủ tịch VINASME cho rằng, còn nhiều nguồn lực trong xã hội cần huy động để phục hồi kinh tế, đó là sự hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với nhau hay nguồn lực nhàn rỗi trong dân… Cụ thể: một nhóm DN có thể hỗ trợ nhau về tài chính, nguồn nguyên liệu, vật liệu, thậm chí là trao đổi chính sản phẩm hàng hóa mà các DN sản xuất ra. Hoặc, một DN có một khoản tiền dư có thể cho một DN khác vay, DN đi vay không cần phải đáp ứng các điều kiện khắt khe như vay ngân hàng mà vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn, DN cho vay có thể sẽ nhận được những quyền lợi khác, hấp dẫn hơn so với mang tiền đi gửi ngân hàng…
“Đây là nguồn cực lớn có thể huy động đến hàng triệu tỷ đồng, nó không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 mà cả về sau nữa. Bên cạnh đó, cần tận dụng và khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Thân nêu ý kiến.
Tạo cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, DN Việt Nam đã rất chủ động có giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
“Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn vừa qua, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức; nhiều DN đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19″. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định, đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng./.
Giảm lãi suất cho vay ngoại tệ còn hạn chế
Các gói tín dụng hiện mới tập trung giảm lãi suất đối với các khoản vay vốn bằng tiền đồng, trong khi giảm lãi suất ngoại tệ còn hạn chế...
Các doanh nghiệp xuất khẩu đang đề xuất giảm lãi vay USD thêm 2-3 điểm phần trăm, sau mức giảm 0,5%/năm trước đó.
Lãi suất vay ngoại tệ phụ thuộc vào doanh nghiệp
BIDV đang triển khai gói tín dụng quy mô 100 triệu USD với lãi suất thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay USD thông thường dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tương tự, Vietcombank cũng đã thông báo giảm 0,5%/năm lãi suất đối với dư nợ cho vay bằng USD.
Tuy nhiên, mức giảm trên có lẽ chưa đáp ứng được nhu cầu, nên Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cùng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ký vào bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị giảm lãi suất thêm 2-3 điểm phần trăm đối với khoản vay USD.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, nhìn lại từ năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương giảm tình trạng "đô-la hóa" trên thị trường cho thấy, chủ trương này đã hỗ trợ tích cực cho việc điều hành tỷ giá của NHNN, giảm bớt được rủi ro trong việc đầu cơ tỷ giá của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, kể cả những khủng hoảng hay những lần giảm lãi suất trên thị trường thế giới khiến USD tăng giá, nhưng đồng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, thanh khoản USD trên thị trường luôn ổn định.
Gần đây nhất, theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2019, sẽ chỉ còn các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là được vay ngoại tệ.
Liên quan đến việc doanh nghiệp được vay USD, ông Trung chia sẻ thêm, giá vay sẽ tùy thuộc vào sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp.
Ở nước ngoài có những tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam chưa có, nên các ngân hàng sẽ tổ chức xếp hạng doanh nghiệp theo thang điểm nội bộ của ngân hàng.
"Để ra được mức lãi suất cho doanh nghiệp vay USD, ngân hàng sẽ đánh giá sức khỏe tài chính trên cơ sở phương án kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ, nếu là ngành dệt may thì nguyên liệu đầu vào có ổn định hay không, đầu ra bán hàng cho ai... để đánh giá cả người mua), có tài sản thế chấp hay không, rồi tài sản tốt đến mức nào. Nói đơn giản hơn, mức lãi suất cho vay ngoại tệ như thế nào phụ thuộc lớn vào chính doanh nghiệp", ông Trung nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu đều đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, không chỉ thiếu nguyên liệu để sản xuất vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mà cả đầu ra của sản phẩm cũng gặp khó do nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu... cũng đang bị dịch bệnh hoành hành.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam nhận định, về mặt định hướng, NHNN đã rất rõ ràng trong việc giảm cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang hình thức mua bán ngoại tệ và cho vay bằng đồng nội tệ.
Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc cho phép và hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu bằng ngoại tệ có thể được cân nhắc cho vay ngoại tệ với mức lãi suất thấp hơn. Việc ấn định mức lãi vay hay chính sách hỗ trợ tùy thuộc vào chính sách của NHNN và nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: "Các ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh vốn, nên không thể làm gì vượt quá quy định. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên lập ra quỹ để bảo lãnh doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 hiện nay".
Tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định thời gian tới
Diễn biến thị trường ngoại hối trong tháng 4 cho thấy xu hướng hạ nhiệt khá nhanh sau giai đoạn căng thẳng vào cuối tháng 3. Tỷ giá USD/VND đã giảm mạnh khoảng 150 điểm trong một vài phiên đầu tháng, sau đó chủ yếu đi ngang trong biên độ khoảng 23.450-23.500 đồng/USD ở phần còn lại của tháng.
Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch cũng giảm mạnh về mức khoảng 23.500-23.550 đồng/USD, thu hẹp mức chênh lệch giữa 2 thị trường còn khoảng 40-50 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá khoảng 1,2% so với USD và ở mức khá thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực như THB (-8,8%), MYR (-5,2%), SGD (-5,1%), KRW (-5,7%), CNY (-1,5%)...
Nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV dự báo, trong tháng 5, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì sự ổn định trong biên độ 23.450-23.550 đồng/USD khi các nhóm yếu tố hỗ trợ và gây áp lực ở trạng thái giằng co: Thứ nhất, cán cân thương mại tiếp tục duy trì nhập siêu ở mức khoảng 1 tỷ USD khi hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm, đồng thời nhu cầu nhập khẩu gia tăng khi các hoạt động sản xuất bình thường trở lại;
Thứ hai, nguồn giải ngân FDI và kiều hối dự kiến kém dồi dào do tình hình dịch bệnh kéo dài; thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục duy trì bán ròng và rút vốn theo xu hướng chung tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu.
Theo đó, dự báo chênh lệch cung - cầu ngoại tệ sẽ có thể thu hẹp về mức cân bằng, hoặc thâm hụt nhẹ trong tháng 5.
Bên cạnh đó, môi trường quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù giai đoạn căng thẳng nhất của thị trường tài chính quốc tế đã đi qua, tâm lý chủ đạo của nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ là tương đối thận trọng.
Tăng trưởng GDP của Mỹ và các nước EU được dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn trong quý II do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Thêm vào đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang trở lại sau phát biểu đe dọa của Tổng thống Trump mới đây cũng sẽ là một rủi ro mà thị trường quốc tế phải đối mặt.
"Thị trường thế giới còn nhiều biến động trong thời gian sắp tới, nhất là khi quan hệ Mỹ -Trung có những dấu hiệu căng thẳng trở lại thời gian gần đây. Điều này có thể dẫn đến những biến động của thị trường tài chính và tỷ giá của những dòng tiền trong khu vực và thế giới, từ đó tác động lên tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, ngoại trừ những biến động mạnh nói trên, tình hình kinh tế và vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định và tích cực hơn các nước trong khu vực là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho tỷ giá thời gian tới", ông Khoa nêu quan điểm.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ trở lại Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau khi phục hồi từ những tác động của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo cập nhật về nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 5 được WB công bố, nền kinh tế của Việt Nam có thể khởi sắc trở...