Kinh tế Trung Quốc rơi bẫy: Tạm biệt giấc mơ vượt Mỹ
Kinh tế rơi vào điểm nghẽn và không dễ để Trung Quốc thay đổi ngay lập tức bởi chính nước này đang phải trả giá vì cái bẫy công nghệ thấp.
Tại hội thảo: “Chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu Trung Quốc vừa tổ chức, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự khó khăn về kinh tế mà nước này đang phải đối mặt. Theo đó cụm từ “loạng choạng, suy giảm, điểm nghẽn’ được nhiều chuyên gia sử dụng trong nghiên cứu của mình.
Cải cách hay sụp đổ kinh hoàng?
Theo TS Lê Kim Sa, Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: với tư cách là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, song kinh tế Trung Quốc thực sự đang bị &’loạng choạng’. Biểu hiện rõ nhất từ tốc dộ tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn giai đoạn trước.
“Nhiều cảnh báo nghiêm trọng đã được đưa ra đối với nền kinh tế Trung Quốc đó là cải cách sớm hoặc đối mặt với sụp đổ kinh hoàng. Như Quỹ Tiền tệ Quốc tế 2013 khẳng định Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn về việc tăng trưởng GDP sẽ còn tiếp tục sụt giảm”, TS Sa nói.
Video đang HOT
Cụ thể IMF cảnh báo kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong năm 2013 và mô hình tăng trưởng của nước này hoàn toàn không bền vững. Thậm chí IMF cảnh báo GDP Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 4% sau năm 2018 và tiếp tục chiều hướng giảm sút. Như vậy, Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 như các dự báo trước đây.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng sụt giảm của kinh tế Trung Quốc, TS Sa cho rằng sau 3 thập niên tăng trưởng nhanh và kéo dài liên tục, nền kinh tế Trung Quốc đang dần đến ngưỡng phát triển mang tính cơ cấu.
Năm 2007 trước khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra, Trung Quốc đã xác định được những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế quốc dân dẫn tới sự phát triển không chắc chắn, mất cân đối, thiếu phối hợp và không bền vững.
“Mô hình tăng trưởng không cân đối của Trung Quốc dựa trên &’3 cái thấp’ là tiền lương, lãi suất thấp và tỉ giá đồng nội thấp để đảm bảo cung cấp &’3 cái rẻ’ là: lao động rẻ, vốn, đất đai, tài nguyên môi trường rẻ và chuyển tiền tỷ lệ tiết kiệm lãi cao của người dân thành tín dụng giá rẻ cho khu vực doanh nghiệp… đã đạt đến ngưỡng giới hạn”, TS Sa dẫn nghiên cứu của Michael Pettis 2011.
Cũng chung quan điểm này, PGS Nguyễn Huy Quý cho rằng kinh tế Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn có tính bước ngoặt. Những động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh đang suy giảm đến mức nếu không tạo được động lực mới thì nền kinh tế sẽ rơi vào trì trệ và không thể phát triển một cách bền vững.
“Thế nhưng Trung Quốc vốn được mệnh danh là công xưởng thế giới nay vì tiền lương tăng lên, chi phí tăng cộng với việc công nghệ hiện nay chỉ có thể sản xuất ra những sản phẩm giá rẻ, chất lượng không cao nên khi thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn thì buộc Trung Quốc phải chuyển đổi bước lên một nấc thang công nghệ mới.
Dệt may đang được xem là thế mạnh của Trung Quốc song nước này đang tìm mọi cách để chuyển các nhà máy sang Việt Nam thay vì bán nguyên liệu như trước đây
Bẫy công nghệ thấp – trả giá
Theo TS Sa, cái giá mà Trung Quốc đang phải trả chính từ việc từ trước tới nay TQ vẫn là nước sản xuất ra máy cái, máy mẹ – tức là cái máy để sản xuất ra cái máy. Nhưng khi họ sản xuất ra quá nhiều công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ thì họ rơi vào bẫy công nghệ thấp.
“Nghĩa là họ chạy theo nhu cầu tiêu dùng thực tế đó là giá rẻ. Nhưng khi mọi việc đến điểm ngưỡng, lãi suất giảm dần, lợi nhuận co lại và tổn phí ngày càng gia tăng và tăng trưởng GDP giảm xuống theo quy luật kinh tế tự nhiên thì mọi thứ sẽ giảm dần.
Chính Phương Tây từng khuyến khích TQ tập trung nội địa bởi vì họ không muốn sản phẩm của Trung Quốc ra tràn ngoài nhiều như hiện nay nhưng ngược lại TQ vốn đang sản xuất theo đà không dễ gì bẻ lái.Thêm nữa thị trường nội địa cũng không mang lại nhiều lợi nhuận cho Trung Quốc như thị trường thế giới nên không còn cách nào khác là Trung Quốc phải thay đổi, tái cấu trúc và đổi mới công nghệ.
“Tuy nhiên việc chuyển đổi không phải dễ vì một đất nước càng lớn thì chi phí cho sự chuyển đổi càng lớn. Thế cho nên hiện nay chưa có một động thái nào cho thấy phương thức của Trung Quốc đang thay đổi”, TS Sa chỉ rõ.
Theo TS Nguyễn Đình Liêm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, chính những bất cập đang diễn ra trên đất nước Trung Quốc đang gây áp lực cho việc thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.
Song có thể thấy rõ “bài” trong việc đầu tư nước ngoài với đầy những toan tính để một mặt các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có lợi khi đi đầu tư bằng cách mang công nghệ cũ đi, ngược lại có thể nâng cấp công nghệ trong nước để dần đưa ra những sản phẩm chất lượng cao hơn, cung ứng cho thị trường thế giới.
Theo Bích Ngọc
Đất Việt