Kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh
Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 3% trong năm nay do các căng thẳng thương mại và địa chính trị
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 trong bối cảnh lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh sụt giảm. Đó là cảnh báo được Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) đưa ra trong báo cáo cập nhật về viễn cảnh kinh tế thế giới công bố hôm 15-10, cùng với đó là nhận định tình hình có thể u ám đáng kể nếu căng thẳng thương mại không được giải quyết.
Theo báo cáo trên, các căng thẳng thương mại và địa chính trị khiến GDP toàn cầu được dự báo chỉ tăng 3% trong năm nay, thấp hơn mức 3,2% được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 7. Đáng chú ý, đà phục hồi kinh tế toàn cầu năm tới cũng sẽ yếu hơn dự báo trước đó. Theo IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,4% năm 2020, so với mức 3,5% đưa ra trước đó.
“Viễn cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh với sự giảm tốc tăng trưởng đồng bộ và sự phục hồi không chắc chắn. Ở mức tăng trưởng 3%, không có chỗ cho những sai lầm về chính sách và các nhà hoạch định chính sách cần cấp thiết bắt tay giảm các căng thẳng thương mại và địa chính trị” – bà Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, nhận định.
Theo báo cáo, cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung đang gây ra không ít khó khăn về kinh tế, như làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến thị trường biến động và sự sụt giảm về đầu tư, năng suất… IMF ước tính cuộc chiến này khiến GDP toàn cầu giảm 0,8% vào năm tới, tương đương số tiền 700 tỉ USD.
“Các ưu tiên chính sách hiện tại là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững và kiềm chế căng thẳng địa chính trị. Những động thái này có thể cải thiện niềm tin, khôi phục đầu tư, chặn sự sụt giảm của thương mại và sản xuất cũng như thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu” – báo cáo nhận định.
Video đang HOT
Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin (phải) và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer của Mỹ tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) trước thềm cuộc gặp ở thủ đô Washington hôm 10-10. Ảnh: REUTERS
Nền kinh tế Mỹ là một trong những điểm sáng trong năm 2020 ngay cả khi chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump gây ra không ít tác động tiêu cực. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này được dự báo tăng trưởng 2,1% vào năm tới, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn dự báo tăng trưởng 2,4% của kinh tế Mỹ năm nay và dĩ nhiên là còn thua xa mức hứa hẹn 4% của ông Donald Trump.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến tăng 6,1% năm 2019 (so với dự báo trước đó là 6,2%) và 5,8% năm 2020. Theo IMF, rủi ro về nợ và thương chiến với Mỹ đang đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Theo đài CNN, chấm dứt thương chiến Mỹ – Trung là một trong những cách thúc đẩy tăng trưởng. Các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã đạt tiến triển vào tuần rồi nhưng khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện vẫn còn khá xa vời. Ngoài ra, theo IMF, các chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng và không nên chỉ dựa vào các biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương. “Chính sách tiền tệ nên được kết hợp với sự hỗ trợ tài chính khi có thể” – IMF gợi ý.
Dự báo trên đe dọa phủ bóng lên các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ trong tuần này.
Theo Reuters, đây là cuộc họp đầu tiên của IMF dưới thời tổng giám đốc điều hành mới Kristalina Georgieva, người đang “thừa hưởng” một loạt rắc rối, từ thương mại trì trệ cho đến tranh cãi liên quan đến những chương trình thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của IMF.
Hoàng Phương
Theo nld.com.vn
IMF cảnh báo tình trạng 'giảm tốc đồng loạt' của kinh tế toàn cầu
Tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 8/10 cảnh báo các cuộc cạnh tranh thương mại căng thẳng đang làm suy yếu kinh tế toàn cầu và mức tăng trưởng kinh tế có thể rơi xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua.
Bà Kristalina Georgieva phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở IMF tại Washington, DC., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bài phát biểu đầu tiên với vai trò của người đứng đầu IMF, bà Georgieva cho hay nghiên cứu mới nhất của IMF cho thấy các cuộc chiến thương mại đang khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng "giảm tốc đồng loạt" và điều này cần phải được giải quyết. Bà nhấn mạnh các cuộc cạnh tranh thương mại đang lan rộng, do đó các quốc gia cần đồng lòng ứng phó.
Theo nghiên cứu mới của IMF, những tác động tích tụ từ các cuộc xung đột thương mại có thể khiến kinh tế toàn cầu mất đi 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 0,8% GDP, cao hơn so với dự báo trước đó.
Bà Georgieva nhận định kinh tế thế giới đang đồng loạt giảm tốc, với gần 90% các nước trên thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm nay.
Tân Tổng giám đốc IMF cảnh báo tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.
Trước tình hình trên, bà Georgieva kêu gọi các nước như Đức, Hàn Quốc và Hà Lan, vốn đang hứng chịu mức nợ công cao, cần tăng cường chi tiêu để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tân Tổng giám đốc IMF cho biết thể chế tài chính này hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm 2020 lần lượt xuống mức 3,2% và 3,5%. Bà cho rằng dù tăng trưởng kinh tế phục hồi vào năm tới, song một số yếu tố vốn do các cuộc xung đột thương mại gây ra, sẽ dẫn tới những thay đổi có thể kéo dài trong thời gian dài, như sự chuyển đổi trong chuỗi cung ứng. Nhằm ứng phó với tình trạng này, bà Georgieva kêu gọi các nước cần tăng cường ngân sách dự phòng.
Ngoài vấn đề về thương mại, bài phát biểu của bà Georgieva còn đề cập đến biến đổi khí hậu. Theo bà, để giải quyết vấn đề này, cần một sự thay đổi trong hệ thống thuế quốc gia với việc tăng mạnh thuế khí thải. Bà nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng và mọi người phải có trách nhiệm hành động. "Chìa khóa" để giải quyết vấn đề là thay đổi hệ thống thuế, chứ không chỉ đơn giản là thêm một loại thuế mới.
Thanh Hương (TTXVN)
IMF cảnh báo tranh chấp thương mại đang làm suy yếu kinh tế toàn cầu Theo bà Georgieva, xung đột thương mại đang gây ra những tổn thất lan rộng, kéo dài và có thể thu hẹp GDP toàn cầu 0,8%, tương đương 700 tỷ USD. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva. (Nguồn: Reuters) Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế...