Kinh tế toàn cầu chông chênh đường thoát hiểm
Năm ngoái, đại dịch COVID-19 bùng phát đã nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu trong suy thoái.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Với những nỗ lực bơm thanh khoản cùng các gói kích thích chưa từng có tiền lệ về kinh tế, xã hội và đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng vaccine, kinh tế toàn cầu đã từng bước phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, biến thể Delta lây lan mạnh hơn, nhanh hơn, nguy hiểm hơn ở rất nhiều nước và Đông Nam Á một lần nữa trở thành “tâm dịch” đang làm kinh tế toàn cầu lao đao, đe dọa chuỗi cung ứng hàng hóa, an sinh xã hội… Việt Nam không phải là ngoại lệ và trong bối cảnh đó Chính phủ đã kịp thời đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn để thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Cùng với đó là nỗ lực “ ngoại giao vaccine” để sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đưa nền kinh tế nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới.
Bứt lên từ suy thoái
Trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ tăng 1,6% so với quý trước đó và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng kỳ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở các mức tương ứng 0,6% và 18,3%.
Cuối tháng Bảy Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong quý II/2021, GDP của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần một nửa dân số đã được tiêm chủng cho phép người Mỹ đi du lịch, tới các nhà hàng và tham dự các sự kiện thể thao. Mặc dù việc hỗ trợ tài chính giảm dần và các ca mắc COVID-19 gia tăng ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, trong quý I/2021, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 0,3% so với quý trước đó và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2021 ghi dấu quý suy giảm thứ hai liên tiếp.
Đà phục hồi chậm chạp tại châu Âu được lý giải là do đợt dịch COVID-19 thứ ba đã bùng phát ở châu lục này vào đầu năm nay, với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và các đợt phong tỏa sau đó, trong khi tiến triển của chương trình tiêm chủng cũng như mở cửa nền kinh tế chậm chạp, và chương trình hỗ trợ tài chính cho năm 2021 yếu.
Tuy nhiên, theo số liệu chính thức được công bố cuối tháng Bảy, kinh tế Eurozone đã tăng trưởng 2% trong quý II/2021, khi các doanh nghiệp được mở cửa trở lại đã vực dậy hoạt động kinh doanh sau một thời gian trì trệ do đại dịch COVID-19.
Mức tăng trưởng nói trên ở châu Âu cao hơn so với Mỹ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý II/2021 tăng trưởng 1,6% so với quý trước đó, và cả Trung Quốc, với mức tăng 1,3%.
Italy và Tây Ban Nha là những nước ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng bùng phát dịch lần đầu năm 2020. Kinh tế Italy trong quý II/2021 tăng 2,7% so với quý trước đó, vượt mức dự kiến gần 2% của Bộ trưởng Kinh tế Daniele Franco. Trong khi đó, quý II/2021 đánh dấu sự đảo chiều của kinh tế Tây Ban Nha, với mức tăng trưởng 2,8%, sau khi giảm 0,4% trong quý I và 10,8% trong cả năm 2020.
Với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bất ngờ tăng trưởng trở lại trong quý II/2021, bất chấp việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba ở 10 trong tổng số 47 tỉnh, thành trong gần hai tháng. Trong quý II, GDP thực tế của nước này tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với quý trước đó do sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Video đang HOT
Đây là quý thứ tư liên tiếp, xuất khẩu của nước này tăng, và là quý đầu tiên chi tiêu dùng cá nhân phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, đầu tư của khối doanh nghiệp – một trụ cột quan trọng khác của nhu cầu trong nước – cũng tăng 1,7%
Bên cạnh đó, GDP của Nhật Bản trong quý I/2021 thực tế chỉ giảm 1% so với quý trước đó và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mức độ suy thoái của nền kinh tế nước này trong quý I/2021 thấp hơn nhiều so với các ước tính ban đầu.
Nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm trong quý I/2021 là do tác động của tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 mà Chính phủ ban bố hồi đầu năm nay ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, và sau đó mở rộng ra 11 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này.
Chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà một số quốc gia thực hiện thông qua tiếp tục bơm thanh khoản mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình phục hồi của các nền kinh tế. Khi ngày càng nhiều quốc gia gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng vaccine, nhất là ở các nền kinh tế lớn, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng tăng tốc song hành.
Trên thực tế, kể cả những lúc dịch bệnh lây lan mạnh buộc chính phủ nhiều nước phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thậm chí phong tỏa nhiều lần, song các nền kinh tế không đóng cửa hoàn toàn. Các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế vẫn hoạt động, chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa vẫn đảm bảo dù có phần nào bị ảnh hưởng.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái trên toàn thế giới, với khoảng 16.000 tỷ USD hỗ trợ tài chính và việc bơm tiền mạnh tay của các ngân hàng trung ương. Theo bà, nếu không có những biện pháp này, mức suy giảm của kinh tế toàn cầu vào năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với mức 3,5%.
Hồi đầu tháng Ba, IMF đã hoan nghênh gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật, nâng số tiền cứu trợ của chính phủ lên gần 6.000 tỷ USD kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020. IMF đánh giá bước đi này vừa hỗ trợ tăng trưởng trong nước vừa thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của thế giới.
Cùng chung sức với các nước đẩy lui đại dịch IMF đã thông qua gói hỗ trợ nguồn tài chính lớn nhất lịch sử tổ chức này, trị giá lên tới 650 tỷ USD thông qua quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Bà Georgieva nhấn mạnh đây là một quyết định mang tính lịch sử – đợt phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF – và là sự kích thích đáng khích lệ dành cho nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng chưa từng có.
Về phần mình Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, yêu cầu các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đề xuất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, không để ùn ứ, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tăng cường các gói an sinh xã hội… để không ai bị bỏ lại phía sau.
Vaccine quyết định triển vọng phục hồi
Nhiều nước ngỡ đã thoát khỏi đại dịch COVID-19 nhờ chiến lược phong tỏa và tiêm chủng diện rộng, nhưng biến thể Delta bất ngờ làm đảo lộn tất cả. Biến thể này trở thành nỗi lo lớn đối với kinh tế toàn cầu, có thể khiến tiến trình phục hồi ở nhiều nước bị chậm lại, thậm chí là đảo ngược. Biến thể của virus đang đẩy lùi tiến độ mở cửa của các nước và chắc chắn đây sẽ là lực cản trên con đường phục hồi kinh tế.
Với Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell Mỹ nhận định đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa triển vọng kinh tế nước này khi tốc độ tiêm chủng vaccine đang chậm lại, trong khi xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các chuyên gia y tế công của Mỹ cảnh báo biến thể lây nhiễm nhanh Delta tiếp tục đe dọa nước này, đặc biệt tại các bang có tỷ lệ người tiêm chủng thấp nhất. Trước đó, ông Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nhận định biến thể Delta có thể dẫn tới một đợt bùng phát dịch mới tại Mỹ vào mùa Thu và những người chưa tiêm vaccine sẽ là đối tượng dễ mắc COVID-19 nhất.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 22/7 cảnh báo rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã trở thành “một mối rủi ro ngày càng tăng” đối với nền kinh tế Eurozone.
Bà Lagarde nói rằng đà phục hồi của nền kinh tế Eurozone đang đi đúng hướng. Nhưng đại dịch COVID-19 với biến thể Delta tiếp tục tác động đến triển vọng của nền kinh tế. Biến thể này có sức lây lan nhanh chóng, đe doạ kéo lùi đà khởi sắc trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là trong du lịch và khách sạn.
Ở châu Á, nhiều quốc gia đã chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới trong những tháng gần đây, trong khi tiến độ tiêm chủng ở khu vực này chậm hơn Mỹ và châu Âu. Điều này buộc các nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.
Một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore (Xinh-ga-po) đang tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19. Diễn biến đó khá tích cực và cần được duy trì ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và Philippines (Phi-líp-pin) vẫn chưa kiểm soát hiệu quả đại dịch và chưa có các chương trình tiêm chủng đủ mạnh.
Khi biến thể Delta đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, dự báo tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc bị hạ xuống do dịch tái bùng phát, thì các dự báo cho Eurozone hay Mỹ lại được nâng lên, dù chiến dịch tiêm chủng cần tiếp tục được thúc đẩy.
Các nhà phân tích nhận định đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản có thể chậm lại trong quý III/2021 do dịch COVID-19 tái bùng phát, khiến nhiều khu vực ở nước này tiếp tục bị đặt trong tình trạng khẩn cấp trong một vài tháng tới.
Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản thực hiện với sự tham gia của 36 tổ chức tư vấn tư nhân trong thời gian từ ngày 30/7 đến 6/8 cho thấy trong quý III/2021, GDP thực tế của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,55% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với con số dự báo 4,9% được đưa ra một tháng trước đó.
Với kinh tế Trung Quốc, ba ngân hàng hàng đầu của Mỹ là Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley đầu tháng Tám đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng, sau khi nước này ghi nhận số liệu xuất nhập khẩu yếu hơn dự kiến và có những lo ngại rằng dịch COVID-19 tái bùng phát có thể làm giảm hoạt động kinh tế. Trong đó, Goldman Sachs hạ dự báo từ 5,8% xuống 2,3% cho quý III và từ 8,6% xuống 8,3% cho cả năm nay.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay, nhưng cảnh báo về những rủi ro do xuất hiện các biến thể mới của virus gây ra đại dịch. EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn mức dự báo tăng 4,3% được đưa ra hồi tháng Năm.
IMF cũng đã tăng mạnh dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ lên 7%, nhờ đà phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, và giả định rằng phần lớn các kế hoạch chi cho xã hội và cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden sẽ được ban hành.
Ngân hàng Thế giới (WB) và chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) cũng đã công bố một cơ chế tài chính mới nhằm thúc đẩy việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển. Cơ chế này sẽ cho phép COVAX mua trước – với giá cạnh tranh hơn – từ các nhà sản xuất vaccine dựa trên tổng cầu giữa các quốc gia, bằng nguồn tài chính từ WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Trong một tuyên bố, Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: “Tiếp cận vaccine vẫn là thách thức lớn nhất mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong việc bảo vệ người dân trước các tác động về sức khỏe, xã hội và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra”..
Có thể nói biến thể Delta đang thách thức thế giới và tìm kiếm nguồn vaccine vẫn là vấn đề nan giải trên toàn cầu. Nhưng với sự đồng tâm, hợp lực và nỗ lực không ngừng hy vọng thế giới sẽ nhanh chóng vượt qua đợt dịch khốc liệt lần này và nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm tìm lại được đà tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi đại dịch bùng phát.
Indonesia tăng tốc tiêm chủng cho học sinh để mở lại trường học
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh nhằm chuẩn bị triển khai kế hoạch học tập trực tiếp tại trường (PTM) có giới hạn.
Giáo viên và học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 2/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Indonesia đã cấp giấy phép tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi từ đầu tháng 7 và đang tiếp tục thúc đẩy chương trình này tại nhiều khu vực nhằm tăng cường công tác chuẩn bị cho việc triển khai PTM hạn chế.
Ngày 25/8, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Johnny G. Plate cho biết chương trình tiêm chủng cho trẻ em đã được tiến hành và nhiệm vụ hiện nay là đẩy nhanh tiến độ trước thời điểm bắt đầu PTM hạn chế ở một số khu vực. Theo ông, chương trình tiêm chủng này sẽ tăng khả năng bảo vệ học sinh trước COVID-19 và mang lại cảm giác an toàn cho các em khi tham gia học trực tiếp cũng như phụ huynh sau khi con cái họ quay trở lại trường.
Bộ trưởng Johnny nhấn mạnh rằng chính phủ hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của các trẻ được quay trở lại trường học. Do vậy, nhiệm vụ chung là cùng nhau chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để các em có thể trở lại học tập như trước.
Chính phủ Indonesia cũng đánh giá cao động thái nhanh chóng của các chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiêm chủng cho học sinh nhằm chuẩn bị cho việc triển khai PTM hạn chế. Ví dụ tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ tiêm chủng cho học sinh đã đạt 93% mục tiêu. Trong khi đó ở khu vực Yogyakarta, con số này đạt 30%. Tại các khu vực khác, hàng nghìn học sinh cũng đã bắt đầu được tiêm chủng tập trung.
Tổng thống Joko Widodo cũng đặc biệt quan tâm đến việc triển khai chương trình tiêm chủng cho học sinh với hai chuyến thị sát trực tiếp tại Madiun hôm 19/8 và tại Samarinda hôm 24/8. Tuần trước, nhà lãnh đạo này cũng thị sát qua mạng chương trình tiêm chủng cho học sinh tại 10 quận, huyện và thành phố.
Bộ trưởng Johnny cho biết thêm rằng chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 26.705.490 học sinh từ 12-17 tuổi trên khắp cả nước quốc và mong đợi sự hợp tác của tất cả các bên nhằm đẩy nhanh chương trình này.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã cho phép triển khai PTM tại các khu vực áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ từ 1 đến 3 trong bối cảnh tình hình đại dịch đang dần được được cải thiện. Trong khi đó, trường học nằm ở các khu vực PPKM cấp độ 4 vẫn tiếp tục chương trình dạy học trực tuyến.
Theo một thông tư liên hộ vừa được ban hành, các trường thuộc khu vực PPKM cấp độ 1, 2, 3 có học sinh chưa được tiêm chủng vẫn có thể tổ chức PTM hạn chế, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.
Nhật dọa bêu tên bệnh viện từ chối bệnh nhân Covid-19 Nhật tuyên bố sẽ bêu gương các bệnh viện từ chối bệnh nhân Covid-19, sau vụ một bé sơ sinh tử vong vì thai phụ nhiễm nCoV không được tiếp nhận. Sau cuộc họp ngày 23/8, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản và Thống đốc Tokyo Yurriko Koike yêu cầu các cơ quan y tế và trường đại học y hợp tác trong...