Kinh tế 2012: Thử thách quá khó
Khó khăn hiển hiện ở mọi ngóc ngách nền kinh tế, khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, cả triệu người thất nghiệp, hàng trăm nghìn tỷ đồng nguy cơ mất trắng khi thị trường bất động sản đóng băng.
Lạm phát thấp nhất trong 3 năm
Lạm phát thấp một phần cũng do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh khi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Ảnh: Anh Quân
Chỉ số giá tiêu dùng cuối năm tăng 6,81%, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Quốc hội đề ra, giảm mạnh so với tốc độ phi mã 18,3% của năm ngoái và thấp nhất kể từ 2009 đến nay. Ngoại trừ những lần tăng giá xăng dầu và điện, người tiêu dùng không phải hứng chịu các cú sốc giá lương thực, thực phẩm. Kết quả này có được chủ yếu nhờ các giải pháp siết tín dụng, hạn chế đầu tư công, hạ nhiệt thị trường bất động sản đưa ra từ năm ngoái.
Nền kinh tế cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực như lần đầu tiên xuất siêu sau 19 năm, tỷ giá cả năm ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi…
Nhiều dự án dang dở vì thiếu vốn và không có khách là hình ảnh tiêu biểu của thị trường bất động sản Việt Nam 2012. Ảnh: Aaron Sant
Cái giá phải trả cho việc thắt chặt tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát là tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% Quốc hội đề ra. Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ Việt Nam xuất siêu nhưng chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu sụt giảm khi sản xuất đình đốn.
55.000 doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, khiến cả triệu người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Cộng cả năm 2011, con số này lên đến gần 110.000, bằng nửa số đã ngừng hoạt động kể từ khi đổi mới. Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) nhận định đây là một trong những giai đoạn đen tối nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều giải pháp, đặc biệt là về thuế đã được đưa ra nhưng đến cuối năm, tình hình chưa cải thiện nhiều. Tháng 5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 với gói giải pháp trị giá 29.000 tỷ đồng nhằm giãn thời gian nộp thuế VAT, giảm tiền thuê đất, tái cơ cấu nợ… Cuối tháng 12, Chính phủ tiếp tục công bố gói giải cứu mới trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung giảm thuế, phí, hạ lãi suất để giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Video đang HOT
Ngân hàng và doanh nghiệp đều mắc kẹt vì nợ xấu. Ảnh: Hoàng Lan.
Những khoản nợ khó đòi và có nguy cơ mất trắng chiếm 8,82% dư nợ tín dụng, tương đương gần 240.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Đó là hệ lụy tất yếu của tăng trưởng nóng, đầu tư tràn lan, bất động sản bong bóng và hoạt động cho vay còn nhiều sơ hở. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên tục đăng đàn trước Quốc hội để giải trình nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý nợ xấu, một thứ được ví như cục máu đông gây ngưng trệ dòng tiền trong nền kinh tế và đe dọa hủy hoại hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp.
Phương án lập công ty mua bán nợ xấu đã trình lên Chính phủ, theo hướng mua lại các khoản nợ và xử lý thành tài sản có giá sau thời gian nhất định. Xử lý các ngân hàng yếu kém, bên cạnh mục tiêu dài hạn tái cấu trúc hệ thống, cũng là cách giúp thanh lọc nợ xấu trong ngắn hạn. 5 trong số 9 ngân hàng yếu kém đã cơ bản tái cơ cấu xong, với điểm nhấn là thương vụ sáp nhập dẫn tới sự biến mất của thương hiệungân hàng cổ phần lâu đời nhất thủ đô – Habubank. Những ngân hàng khỏe mạnh còn lại phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, chấm dứt thời kỳ siêu lợi nhuận và đứng trước nguy cơ sa thải hàng loạt nhân sự để tự tái cơ cấu.
Một triệu tỷ đồng đọng trong bất động sản
Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối tháng 8 khoảng 203.000 tỷ đồng, trong đó 6,6% là nợ xấu. Nếu tính cả những khoản vay thế chấp bằng bất động sản, con số này lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương gần 60% lượng vốn dành cho cả nền kinh tế. Số vốn khổng lồ này nguy cơ bốc hơi theo các dự án nhà đất, khi mãi lực sụt giảm, chủ đầu tư thiếu vốn thi công. Nhiều đơn vị phải tìm cách rút lui khỏi thị trường bằng cách thoái vốn, sang nhượng, hoặc đắp chiếu dự án chờ vận may.
Bất động sản từ chỗ bị siết tín dụng, nay trở thành đối tượng cần quan tâm, giải cứu khi cả nước tồn kho hàng chục nghìn căn hộ và hàng trăm nghìn mét vuông văn phòng cho thuê. Kéo theo đó là cái chết báo trước của hàng loạt nhà thầu, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tháng 12, đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu cùng các Bộ trưởng phải làm việc với TP HCM và Hà Nội để tìm giải pháp xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Một số đề xuất đang được các bộ ngành cân nhắc như giảm thuế VAT cho người mua nhà, giảm giãn tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Lãnh đạo một loạt doanh nghiệp bị bắt
Bầu Kiên ngày còn nhiều uy lực trên thị trường tài chính cũng như sân cỏ. Ảnh: Hoàng Hà
Nguyên Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines – Dương Chí Dũng bị khởi tố giữa tháng 5, mở đầu cho một loạt vụ án kinh tế quy mô hàng nghìn tỷ đồng được thụ lý trong năm. Ông Dũng bị khởi tố vì cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, tội danh không khác nhiều đồng nghiệp cũ – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam Phạm Thanh Bình. Cuối tháng 8, đến lượt các nguyên lãnh đạo Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt như Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải vì liên quan tới vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của nữ đại gia chứng khoán Huỳnh Thị Huyền Như. Một loạt cựu lãnh đạo của các công tyChứng khoán SME, Chứng khoán Liên Việt, Chứng khoán Cao su… cũng lần lượt bị bắt và khởi tố.
Nếu như câu chuyện Vinalines bộc lộ lỗ hổng trong quản lý vốn tại các tập đoàn nhà nước thì vụ án bầu Kiên và các đồng phạm lại cho thấy những khuyết tật của thị trường khi thiếu bàn tay kiểm soát. Ông Dũng cùng các đồng phạm góp công làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước qua những quyết định đầu tư tràn lan, mua sắm tài sản không đúng quy định. Thiệt hại trực tiếp do bầu Kiên và các đồng phạm gây ra chỉ vài trăm tỷ đồng, nhưng hậu quả để lại cho thị trường tài chính tiền tệ lớn hơn thế rất nhiều lần. Tổng giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán sau ba phiên bầu Kiên bị bắt giảm hơn 80.000 tỷ đồng.
Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động
Thủy điện Sơn La về đích sớm hơn kế hoạch 3 năm. Ảnh: Kiên Trung
Ngày 23/12, nhà máy Sơn La chính thức hòa lưới quốc gia, sau 37 năm khảo sát, xây dựng với nhiều tranh cãi, lo ngại về tính an toàn của đập thủy điện cũng như ảnh hưởng tới môi sinh. Với vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, Sơn La để lại nhiều dấu ấn kỷ lục về hồ chứa nước lớn nhất, công trình to nhất, hoàn thành kế hoạch sớm nhất. Nhờ vận hành sớm 3 năm so với dự kiến, mỗi năm Sơn La tạo ra doanh thu 500 triệu USD, tiết kiệm hơn 5 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Công suất 2.400 MW một năm, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á cũng được kỳ vọng giúp tránh cảnh thiếu điện trong năm đáp ứng đủ nhu cầu điện 2013.
Chủ đầu tư và một số chuyên gia khẳng định, Sơn La sẽ không lặp lại kịch bản động đất của Sông Tranh 2, bởi đã được đầu tư hệ thống quan trắc từ trước.
Nhà nước độc quyền vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước quyết đưa vàng vào khuôn khổ bằng một loạt biện pháp, trong đó tiêu biểu là độc quyền sản xuất vàng SJC. Các thương hiệu khác vẫn lưu hành nhưng không tiếp tục sản xuất. Ảnh: AQ
Ngày 25/5, Nghị định về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng bắt đầu có hiệu lực, đưa thị trường vàng miếng vào tầm kiểm soát. Từ chỗ có trên dưới 10 đơn vị gia công, dập đúc và hàng nghìn điểm kinh doanh tự phát, giờ đây chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có quyền sản xuất vàng miếng. SJC trở thành vàng miếng thương hiệu quốc gia do Ngân hàng Nhà nước quản lý, các thương hiệu khác tiếp tục được lưu hành nhưng không sản xuất thêm. Tất cả các cửa hàng nếu muốn tiếp tục kinh doanh vàng miếng phải đăng ký lại với điều kiện khắt khe về năng lực tài chính và quy mô hoạt động.
Một trong những cái được của độc quyền vàng miếng, theo đánh giá của chính Ngân hàng Nhà nước, là biến động giá vàng không còn ảnh hưởng đến tỷ giá, đời sống xã hội. Thị trường cũng được hy vọng sẽ bình yên hơn khi các ngân hàng bị rút quyền huy động và cho vay vốn bằng vàng. Nhưng hệ lụy trước mắt là người dân phải mua vàng đắt hơn thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng. Nạn vàng nhái thương hiệu, kém chất lượng cũng theo nhau bùng phát.
Theo VNE
Trí tuệ Việt làm nên thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
Thủy điện Sơn La, thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, tự hào là công trình được làm nên bởi bàn tay và khối óc của người Việt, từ khâu thiết kế đến xây dựng, vận hành.
Ngày nhà máy khánh thành, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La chỉ lên thân đập lừng lững so sánh: "Thủy điện Hòa Bình gần 2.000 MW, ta làm trong 15 năm, lúc cao điểm có 2,5 vạn người, trong đó có tới 2.500 chuyên gia nước ngoài làm việc trực tiếp trên công trường để hướng dẫn cán bộ người Việt. Chuyên gia Liên Xô giúp ta từ khảo sát, thiết kế, đến thi công. Với thủy điện Sơn La, công suất 2.400 MW, chúng ta chỉ thi công có 7 năm, lúc cao điểm nhất cũng chỉ có 1 vạn người lao động trên công trường và chỉ có 220 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài làm việc dưới sự chỉ đạo của người Việt. Chúng ta làm từ thiết kế, thi công đến vận hành".
Những kiện hàng siêu trường siêu trọng được kéo ngược núi lên Sơn La - Ảnh: Hải Đăng
Câu chuyện về thành công của thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm đã ghi dấu mốc quan trọng về sự trưởng thành của những người chủ dự án mà Ban A Sơn La là đại diện chủ đầu tư (dự án do Tập đoàn điện lực Việt Nam là chủ đầu tư).
Ban A có tới hơn 80% là người ở Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi. Suốt từ năm 2004 đến nay, ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban, ông Phạm Hồng Phương, Phó ban và cả trăm cán bộ khác làm việc cả thứ 7, chủ nhật, chỉ thỉnh thoảng dồn phép mới được về nhà 3-4 ngày, trong đó riêng thời gian di chuyển 2 chiều từ Sơn La về Hà Nội đã mất tới hơn 1 ngày.
Mái đầu ông "tổng điều hành dự án" Nguyễn Hồng Hà đã dần nhiều cọng bạc qua gần chục năm ở Sơn La. Đại công trường phát sinh hàng loạt vấn đề lớn nhưng những cán bộ của Ban A dưới sự điều hành của ông đã giải quyết ổn thỏa, từ chuyện lo vốn ứng cho các nhà thầu đến chuyện nhập thiết bị và vận chuyển thiết bị sao cho kịp tiến độ. Từ việc giải quyết sự cố đến thẩm định và chấp nhận những sáng kiến của các kỹ sư đề xuất...
Khi tôi hỏi ông Nguyễn Hồng Hà: "Điều gì làm ông lo lắng nhất trong suốt 7 năm thi công nhà máy?". Ông Hà nhìn ra cây cầu Mường La: "Đó là khi ông Sâm đưa máy biến áp nặng 280 tấn của tôi vượt núi, vượt cầu yếu lên Sơn La".
Ông Nguyễn Đăng Sâm, TGĐ Công ty CP vận tải đa phương thức (Vietranstimex) đã chứng minh cho mọi người thấy người Việt có thể làm nên những điều khó khăn tưởng như không thể.
Cửa ngõ tử thần với những người vận tải lại là cầu Mường La, cây cầu dài gần 1 km với những khoảng dầm dài cả trăm mét nên rất dễ bị võng, gãy cầu. "Cầu chỉ cho xe trọng tải 40 tấn qua nên nguy cơ gãy cầu là rất lớn. Chúng tôi phải nối mooc thành một tổ hợp dài gần bằng chiều dài cây cầu, rồi thiết kế một loại dầm phân tải đặc biệt đặt lên trên để trọng lực kiện hàng dàn đều ra hơn trăm bánh xe bên dưới rồi đặt máy biến áp 280 tấn lên trên. Khi đó, mỗi trụ cầu, mỗi thanh dầm đều được phân tải. Khi đưa hàng qua, dầm cầu chỉ võng chưa quá 5 cm", ông Sâm nói.
Trí tuệ Việt còn thể hiện ở những con người như ông Nguyễn Thế Trinh, Phó TGĐ Lilama 10, chỉ huy lắp máy thủy điện Sơn La, người đề xuất hàng loạt sáng kiến lắp máy rút ngắn tiến độ tới cả năm trời; là ông Nguyễn Tăng Cường, người làm nên chiếc cẩu "chân què" có một không hai, làm ra chiếc cẩu 1.200 tấn lớn nhất Việt Nam để giúp đưa các tổ hợp thiết bị nặng cả ngàn tấn vào vị trí chính xác đến từng milimet.
Thủy điện Sơn La đã hoàn thành, Ban A Sơn La lại tiếp tục quản lý dự án thủy điện Lai Châu và những người làm nên thủy điện Sơn La sẽ tiếp tục xa nhà thêm 4-5 năm nữa để xây dựng thủy điện cuối cùng trên dòng chính sông Đà ở cuối trời Tây Bắc - thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW.
Theo TNO
Hành trình 37 năm Thủy điện Sơn La Vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, gấp rưỡi dự toán ban đầu, Thủy điện Sơn La, dự án từng gây nhiều tranh cãi hơn một thập kỷ trước, vừa khánh thành và hứa hẹn cung ứng 10% sản lượng điện của cả nước. Tháng 11/1975, những chuyến đi khảo sát chính thức đầu tiên trên dòng sông Đà phục vụ công trình...