Kinh nghiệm phượt ngắm lúa Pù Luông và tắm thác xứ Thanh
Vào mùa lúa, Pù Luông “khoác” lên mình màu áo xanh mướt khiến nhiều người mong ngóng lên đường để ngắm nhìn vẻ đẹp bình yên giữa núi rừng.
Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, Thanh Hóa có diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú. Với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, nơi đây hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thời gian
Hình ảnh yên bình ở đây tạo cảm hứng lên đường cho nhiều lữ khách.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6, ruộng bậc thang ở đây bước vào mùa lúa mới. Cả thung lũng chìm trong màu xanh của lúa, với những nếp nhà nép mình dưới chân núi hay rặng cau thẳng tắp trước lối vào.
Di chuyển
Từ Hà Nội, bạn đi theo hướng Xuân Mai, Lương Sơn, Hòa Bình tới Mai Châu. Dọc đường, bạn nên dừng chân tại đèo Thung Khe hay Đá Trắng. Đây là nơi thử thách nhiều tay lái trong những ngày sương mù bao trùm. Ngoài ra, trên đỉnh đèo có nhiều hàng bán ngô khoai nướng, trứng luộc để tiếp sức cho lữ khách sau chặng đường dài.
Sau khi nghỉ chân, bạn tiếp tục đi theo hướng quốc lộ 15C tới Co Lương, Đông Điểng, rồi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Tại đây, bạn hỏi đường xuống Kho Mường.
Ở Thanh Hóa, bạn ngược lên Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh sau đó rẽ phải tại thị trấn Cẩm Thủy đến thị trấn Cành Nàng. Tiếp tục, bạn rẽ sang đường 15C sau đó đi khoảng 10 km nữa là tới.
Lưu trú
Tùy hành trình, bạn tìm điểm dừng chân phù hợp. Nếu muốn nghỉ lại Mai Châu, bạn có thể tới các nhà sàn sinh thái của người Thái, Mường trong bản Lác, Com Poọng. Trường hợp đi thẳng, bạn tới vùng lõi Pù Luông, nghỉ ở các bản Đông Điểng, Kho Mường, Nủa, Cao Hoong hay Kịt. Chi phí trung bình ở cả hai điểm đều khoảng 50.000 đồng một người.
Ăn uống
Người Thái ở Pù Luông có các món nướng đặc trưng như gà, vịt, thịt lợn cùng măng chua, đắng… Đây là những món giúp bạn thưởng thức được trọn vẹn hương vị của núi rừng. Một số cái tên khác gợi ý là canh rau ngót rừng, cơm lam…
Hành trình ngắm lúa
Để quan sát trọn vẹn Pù Luông trong mùa lúa, bạn có thể đi theo các hướng sau:
Nếu ở bản Hang, bạn di chuyển đến Kho Mường. Nếu ở bản Hin, bạn tới bản Son, Bá, Mười. Đây là nơi bạn có thể ngắm ruộng bậc thang lúa trải dài.
Một hành trình khác dành cho những ai muốn thử thách bản thân sau khi kết thúc cung đường ngắm lúa là leo núi Pù Luông. Với độ cao 1.700m, bạn sẽ đi xuyên rừng để cắm trại trên đỉnh. Ngày hôm sau, bạn có thể dậy sớm để ngắm bình minh giữa không gian yên bình.
Hoạt động ngắm thác xứ Thanh
Với nhiều du khách, tiếng nước chảy róc rách giữa rừng già như thể vỗ về cuộc sống bận rộn.
Trên đường trở về Hà Nội, bạn nên ghé thăm một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh là Mây tại Thạch Lâm, Thạch Thành.
Video đang HOT
Thác Mây nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, khu vực gần vườn quốc gia Cúc Phương. Dòng thác này đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm, tại độ cao 100 m. Thác có 9 bậc gối lên nhau tạo những con nước mềm mại. Đường vào đây không có biển nên bạn phải sử dụng phần mềm google maps hoặc hỏi người dân.
Đến nơi, bạn hãy tranh thủ thời gian để ngụp lặn, nhào lộn, nhảy thác. Hay đơn giản hơn, bạn chỉ cần ngồi yên tĩnh để tận hưởng không khí trong lành hay lắng nghe tiếng động của nước xả xuống trước khi trở về.
Lưu ý:
Bạn nên đổ xăng trước khi vào Pù Luông.
Mang theo các loại thuốc chống côn trùng.
Chuẩn bị thêm áo quần nếu có ý định tắm thác.
Nên theo dõi thời tiết trước chuyến đi. Không nên chọn những ngày mưa vì đường lầy lội, khó di chuyển.
Ảnh bình yên Pù Luông mùa lúa:
Du khách tắm thác Mây.
Theo VNE
Mai Châu trong mùa lúa trổ đòng
Tháng 5, những ruộng lúa bắt đầu bước vào mùa trổ đòng ở Mai Châu, nơi du khách được thưởng thức các món ăn dân tộc ở bản Lác, ngắm những thảm lúa xanh ngắt và ngửi mùi lúa thơm dìu dịu.
Dưới đây là lịch trình hai ngày tham khảo tại Mai Châu.
Ngày 1: Hà Nội - Mai Châu
Toàn cảnh thung lũng Mai Châu nhìn từ cột cờ.
7h: Khởi hành
Từ Hà Nội, bạn đi theo hướng Xuân Mai, Lương Sơn, Hòa Bình, Mường Khén tới Mai Châu. Dọc đường, bạn nên dừng chân tại đèo Thung Khe, nơi quanh năm chìm trong sương mù và thưởng thức các loại ngô nướng, trứng luộc.
11h: Nhận phòng
Mai Châu có 4 điểm tham quan nổi tiếng là bản Lác, Poom Coọng, Văn, Nhót nằm gần nhau. Các phòng nghỉ ở đây là nhà sàn, du khách sẽ ở chung một phòng lớn. Giá một người mỗi đêm là 50.000 đồng.
12h: Ăn trưa
Đặc sản Mai Châu gồm ve sầu rang, cơm lam, gà cuộn lá dong hấp, cá kho ống tre... Bạn nên đặt trước để chủ nhà chuẩn bị kịp.
14h: Tham quan hang Mỏ Luông
Hang Mỏ Luông gồm 4 động chính, nổi tiếng với hệ thống nhũ đá kết thành nhiều hình như hoa, suối.. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây từng là căn cứ họp bàn của quân và dân ta. Sau khi kết thúc hành trình, tại động cuối cùng, du khách được chiêm ngưỡng một suối nước ngầm chảy ra hồ gần đó.
17h: Tham quan Mai Châu
Các quầy bán đồ lưu niệm nằm san sát nhau phục vụ nhu cầu du khách tại bản Lác.
Trời chiều là thời điểm phù hợp để tham quan các bản làng. Ngoài đi bộ, bạn có thể thuê xe điện (250.000 đồng mỗi lượt), xe máy (200.000 đồng một ngày) hoặc xe đạp (30.000 đồng mỗi buổi). Sau khi men theo đường nằm giữa những nếp nhà sàn, bạn nên tiến ra phía cánh đồng để tận hưởng không khí trong lành và mát mẻ.
Bản Lác, điểm đến thú vị trên bản đồ du lịch Hòa Bình
19h: Ăn tối
20h: Xem ca nhạc
Dịch vụ này cần đặt trước với giá 700.000 đồng một lần để đội văn nghệ chuẩn bị. Thời gian kéo dài 2 tiếng gồm các hoạt động như nhảy sạp, múa khăn, xòe...
22h: Nghỉ ngơi
Ngày 2: Mai Châu - Thung Nai - Hà Nội
5h: Ngắm bình minh
Để ngắm toàn cảnh bình minh Mai Châu, bạn nên dậy sớm và di chuyển tới khu vực cột cờ hướng đèo Thung Khe. Lúc này, mặt trời mới lên, chiếu nắng nhẹ xuống thung lũng tạo những vệt sáng dài đẹp mắt.
Lưu ý: Thời tiết sáng sớm còn sương lạnh, bạn nên mang theo áo khoác mỏng.
7h: Ăn sáng
Đường từ cột cờ về nơi nghỉ sẽ qua một khu chợ bản địa. Nơi đây có nhiều hàng bán bánh mì, xôi...Nếu không muốn ăn ở bên ngoài, bạn nên đặt trước chủ nhà.
8h: Khởi hành đi Thung Nai
10h: Tham quan cối xay gió
Thung Nai được ví như Hạ Long trên cạn với những núi đá nằm giữa lòng hồ sông Đà mênh mông. Để tham quan, du khách phải thuê thuyền với giá 100.000 đồng một người. Điểm dừng đầu tiên là một hòn đảo nhỏ, nơi lấy chiếc cối xay gió làm biểu tượng. Bạn có thể trèo lên đỉnh để ngắm toàn cảnh.
12h: Ăn trưa tại đảo Dừa
Cá nướng sông Đà là món đặc sản tại Thung Nai.
Đảo Dừa có một nhà hàng phục vụ du khách. Bạn nên gọi điện đặt trước để không phải chờ lâu. Các món nên thưởng thức là cá nướng sông Đà, măng rừng xào...
14h: Tham quan đền Thác Bờ
Đền Thác Bờ có vị thế đặc biệt, lưng dựa núi và mặt hướng sông nước, nổi tiếng uy nghi, linh thiêng. Trước đây, công trình này xây dựng bên lòng sông Đà. Tuy nhiên, khi đập thủy điện được khởi công, ngôi đền phải di dời tới vị trí cao hơn.
Đường lên đền có một khu chợ nhỏ, nơi những người bản địa bày bán các loại thuốc lá và rau rừng, Trước khi rời khỏi đây, bạn có thể mua những món này làm quà.
15h: Khám phá động Thác Bờ
Động Thác Bờ là điểm du lịch gắn với quần thể di tích đền Thác Bờ. Tới đây, du khách có thể ghé khu vực thờ Phật hay đi sâu vào trong để chiêm ngưỡng những khối nhũ đá với nhiều hình dáng khác nhau.
16h: Trở về Hà Nội, kết thúc hành trình
Ảnh vẻ đẹp Mai Châu:
Theo VNE
Ghé vội Mai Châu ngày chớm thu Lần này ra Bắc tôi lại ghé Mai Châu. Tôi đến nơi này lần đầu tiên vào gần chục năm trước. Bỡ ngỡ, sửng sờ trước một Mai Châu yên bình xinh đẹp. Tôi đến Mai Châu lần đầu tiên vào gần chục năm trước. Hồi đó tôi đi tour về trong ngày của Sinh cafe từ Hà Nội. Bỡ ngỡ, sửng sờ...