Kinh nghiệm lái xe đường dài dịp nghỉ Tết
Vào mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, nhiều gia đình thường lên kế hoạch đi chơi xa hoặc về quê bằng ô tô. Tuy nhiên, việc lái xe đường dài trong dịp Tết với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc là một thử thách với các tài xế.
Sau đây là những kinh nghiệm và kỹ năng mà tài xế cần nắm vững để đảm bảo an toàn trong chặng đường dài:
Nắm chắc lộ trình và chọn đường đi
Nếu đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của gia đình, trước tiên bạn hãy dành ít thời gian để tính toán lịch trình cụ thể như điểm dừng chân, nghỉ ngơi ăn uống giữa đường… Vì như vậy, bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi và luôn làm chủ được chặng hành trình dài.
Bạn hãy chọn di chuyển trên những con đường dễ đi, an toàn và có nhiều người qua lại hoặc có nhiều xe di chuyển. Việc này sẽ giảm tối đa những nguy hiểm khi di chuyển trên đường.
Kiểm tra xe kĩ càng trước khi khởi hành
Cần kiểm tra lốp xe trước khi khởi hành (Ảnh: Danhgiaxe)
Dù là đi xe gia đình hay thuê xe tự lái, bạn nên kiểm tra tổng thể xe trước khi khởi động hành trình như dầu nhớt, nước làm mát, nước rửa kính, lọc gió điều hòa, lốp xe, trợ lực lái, phanh, ga, hệ thống điện, ắc quy… để chắc chắn mọi thứ đều ở trong tình trạng tốt nhất. Bạn cũng nên tổng vệ sinh hệ thống đèn xe và kính chắn gió để đảm bảo ánh sáng tốt và tầm nhìn rõ ràng nhất.
Việc kiểm tra có thể được tiến hành bằng mắt thường hoặc nhờ thợ ở xưởng bảo dưỡng của hãng.
Ngoài ra, bạn nên mang theo bộ dụng cụ sửa xe chuyên dụng để có thể thay lốp, bơm xe khi cần thiết. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một số thiết bị như bóng đèn pha dự phòng, dây cáp câu bình ắc quy hay kiểm tra lốp dự phòng,… để phòng trong trường hợp xe gặp sự cố trên đường. Bởi trong một hành trình dài, không phải đoạn đường nào cũng có sẵn trạm dịch vụ sửa chữa.
Giữ tâm trạng thoải mái khi lái xe
Khi lái xe đường dài, bạn hãy tạo tâm trạng thật vui vẻ cũng như lựa chọn tư thế lái thoải mái nhất.
Bạn có thể chuẩn bị sẵn nước uống, một số đồ ăn nhẹ hay bật bài hát yêu thích cho chuyến hành trình của mình và gia đình.
Tập trung khi di chuyển
Khi đang lái xe, bạn nên hạn chế dùng điện thoại di động để tránh bị phân tâm. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thì bạn hãy dừng xe hoặc trang bị tai nghe Bluetooth để nhận các cuộc gọi quan trọng.
Hãy thật tập trung khi lái xe. (Ảnh: Báo Giao thông)
Nếu muốn nghe nhạc, bạn nên chỉnh âm lượng vừa phải để không bị mất tập trung.
Làm chủ tốc độ khi lái xe
Video đang HOT
Duy trì và làm chủ tốc độ của xe là những điều các tài xế cần ghi nhớ.
Hãy lái xe ở tốc độ vừa phải để có thể kiểm soát và xử lý được các tình huống xảy ra trên đường. Khi lái xe đường dài, hãy nên duy trì ổn định tốc độ của xe, không nên tăng/giảm tốc độ đột ngột bởi nó dễ mang lại cảm giác mệt mỏi cho người trên xe.
Bạn cũng cần lưu ý giảm tốc khi gặp đường mưa, đường trơn ướt. Theo nhiều tài xế có kinh nghiệm, khi đi qua các đoạn đường ướt phải giảm ít nhất 10kmh ít hơn so với tốc độ tối đa. Vì nếu không giảm tốc, khi gặp sự cố bất ngờ, cần đánh lái tránh hay thắng gấp, xe chạy quá nhanh sẽ trượt nước, gây nguy hiểm.
Giữ khoảng cách an toàn
Giữ khoảng cách an toàn giữa các xe là nguyên tắc bất cứ tài xế nào cũng cần thực hiện. Nhiều tình huống thực tế cho thấy việc chạy bám đuôi trên cao tốc, đường quốc lộ đồng nghĩa với các tai nạn nối đuôi nguy hiểm. Chỉ một xe trước phanh gấp, bạn không kiểm soát được tốc độ và đâm nối tiếp vào đuôi xe trước.
Không vượt lên rồi đột ngột giảm tốc
Bạn không nên nhấn chân ga tăng tốc qua mặt xe phía trước rồi đột ngột buông ga giảm tốc. Điều này sẽ khiến xe mà bạn qua mặt bị bất ngờ và rất dễ xảy ra tai nạn. Thay vào đó, hãy tiếp tục giữ tốc độ sau khi đã vượt qua xe phía trước để tạo ra khoảng cách an toàn.
Đi đúng làn đường
Việc đi đúng làn đường rất quan trọng và nó cũng không phải là ngoại lệ khi di chuyển đường dài. Việc thay đổi làn đường liên tục, cũng giống như việc đánh võng trên đường, sẽ mang lại cảm giác mệt mỏi và căng thẳng nhanh chóng.
Việc đi đúng làn đường rất quan trọng (Ảnh: Dân trí)
Ngoài ra, việc di chuyển đúng làn đường cũng sẽ giúp tránh được những tình huống tai nạn bất ngờ.
Sử dụng đèn pha hợp lý
Khi đi đường dài, bạn nên hạn chế bật đèn chiếu xa để không gây lóa mắt cho người đi ngược chiều.
Bạn hãy chỉnh chế độ chiếu gần, đồng thời hãy điều chỉnh chế độ sáng của đèn hợp lý. Hiện vẫn có nhiều xe sở hữu đèn pha với khả năng chiếu sáng thấp, do đó tài xế nên di chuyển ở tốc độ vừa phải để xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ.
Chú ý các biển báo và tuân thủ luật giao thông
Quan sát kỹ biển báo ở từng khu vực để tránh việc đi nhầm đường, gây mất thời gian và không bị cảnh sát tuýt còi. Việc tuân thủ đúng luật giao thông sẽ giúp chuyến đi tránh khỏi những rắc rối không đáng có.
Hãy nghỉ ngơi khi buồn ngủ
Nếu cảm thấy buồn ngủ, bạn hãy nghỉ ngơi và nhớ rằng đừng cố ép bản thân lái xe trên đường để tránh gặp tai nạn.
Những biện pháp tạm thời như mở cửa sổ, nghe nhạc, ăn kẹo cao su sẽ không giải quyết dứt điểm cơn buồn ngủ và có thể gây ra tình huống nguy hiểm. Vì vậy, nếu cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, hãy tìm một nơi an toàn để dừng xe và chợp mắt hoặc nghỉ ngơi đến khi tỉnh táo lại.
Cẩn trọng với xe tải và xe đầu kéo
Không chạy song song, không bám đuôi các loại xe có kích cỡ lớn này để phòng tránh các tình huống khó lường trước.
Để tránh gặp hoàn cảnh này, nếu đi cùng làn cần vượt xe tải ngay khi có cơ hội, không chần chừ làm ảnh hưởng thời gian cả cuộc hành trình, nhưng cũng không vội vã vì chỉ một sai lầm nhỏ sẽ phải trả giá đắt
Theo Nghean24h.vn
Kinh nghiệm lái xe hơi ngày giá rét, sương mù
Sử dụng đèn chiếu gần, bật sưởi kính lái,... sẽ giúp bạn lái xe an toàn trong điều kiện thời tiết giá rét, sương mù.
Những ngày gần đây, dưới ảnh hưởng của khối không khí lạnh, nhiều tỉnh tại miền Bắc có hiện tượng sương mù dày đặc vào buổi sáng hoặc tối. Màn sương dày đặc khiến tầm nhìn của mọi người tham gia giao thông bị hạn chế. Hiện tượng này phần nào ảnh hưởng đến tầm quan sát và làm tăng nguy cơ va chạm giao thông.
Màn sương dày đặc khiến tầm nhìn của mọi người tham gia giao thông bị hạn chế.
Trong điều kiện thời tiết như vậy, để đảm bảo an toàn khi lái xe ôtô, tài xế cần lưu ý điều gì? Những kinh nghiệm dưới đây có thể giúp tài xế vững tay lái khi lưu thông trên đường sương mù:
Kiểm tra xe trước khi khởi hành
Nên kiểm tra kỹ toàn bộ hệ thống đèn cảnh báo, hoạt động của động cơ, phanh, lốp xe và hệ thống điều hòa trước khi khởi hành.
Đặc biệt, đèn là điều kiện bắt buộc cần có, hoạt động tốt nếu muốn chạy đường sương mù, bởi lẽ không chỉ giúp tăng tầm nhìn cho tài xế mà còn để những xe khác quan sát thấy xe của mình. Do đó, trước khi chạy, hãy kiểm tra nhanh tất cả các đèn có hoạt động hay không.
Một số xe chỉ được trang bị đèn gầm với ánh sáng trắng thay vì đèn sương mù ánh sáng màu vàng, sẽ không có tác dụng khi di chuyển trong điều kiện mù dày đặc. Vì thế, nên giữ trên xe vài mảnh ni-lông màu vàng hoặc đỏ để dán vào đèn pha khi cần thiết.
Để điều hòa ở nhiệt độ phù hợp
Bạn nên để nhiệt độ mà cơ thể cảm thấy dễ chịu, tức không cần phải nóng ấm so với bên ngoài mà chỉ cần không cảm thấy lạnh là được. Ở miền Bắc, vào mùa đông, dải nhiệt độ phù hợp là khoảng 20-26 độ.
Trước khi xuống xe, nên tắt điều hòa hoặc giảm nhiệt độ để cơ thể thích nghi, trách bị sốc nhiệt khi bước ra ngoài, đặc biệt với trẻ em và người già.
Sử dụng đèn chiếu gần
Khi đang điều khiển xe chạy trên đường mà rơi vào tình trạng bị sương mù bao phủ làm giảm tầm nhìn phía trước, hành động đầu tiên của đại đa số các tài xế là bật đèn pha nhằm cải thiện tình hình.
Nhưng đây là một hành động hết sức sai lầm. Lúc này, bạn không được sử dụng đèn pha dạng chiếu xa, mà phải chuyển sang chiếu gần. Bởi lẽ sương mù thực chất là tập hợp của hơi nước như những tấm gương phản xạ ánh sáng, bật chế độ chiếu xa chỉ làm cho ánh sáng đập ngược trở lại mắt tài xế, không thể quan sát thấy đường. Chùm chiếu gần giúp ánh đèn bám xuống lòng đường, tạo chỉ dấu di chuyển.
"Chế" đèn sương mù
Đèn sương mù có tác dụng là tạo ra chùm chiếu sáng rộng, thấp hơn bên dưới lớp sương mù để soi rõ lòng đường. Nếu xe được trang bị đèn sương mù, hãy sử dụng loại đèn này hiệu quả. Còn nếu không có, bạn phải "chế" đèn sương mù bằng cách lấy một miếng đề can màu vàng dán đến nửa đèn pha, chuyển về chùm chiếu gần là đã có một đèn sương mù nhân tạo.
Sử dụng ánh sáng vàng vì bước sóng của ánh sáng vàng ngắn hơn ánh sáng ban ngày, năng lượng lớn hơn nên có khả năng xuyên qua màn sương mù mà không bị phản xạ.
Tuyệt đối tránh dừng xe giữa đường hoặc nơi đông người qua lại khi có sương mù.
Bật sưởi kính lái
Trời sương mù thường đi kèm với nhiệt độ bên ngoài thấp, tác động trực tiếp lên bề mặt kính lái. Mặt trong kính lái sẽ nhanh chóng mờ đi do lượng hơi nước bắt đầu ngưng tụ.
Hầu hết xe ngày nay đều trang bị hệ thống sưởi kính lái chỉ với một nút bấm. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu kính xe bị mờ do hơi nước ngưng tụ, tài xế nên kích hoạt chức năng sấy kính thông qua nút bấm thường được tích hợp trên bảng điều khiển trung tâm để không bị hạn chế tầm nhìn.
Mở hé cửa
Khi lưu thông trên đường ở điều kiện sương mù, bạn hãy mở hé cửa kính xe một chút để bạn có thể nghe được tốt hơn những gì đang diễn ra bên ngoài chiếc xe.
Tắt nhạc
Đi trời sương mù dùng mắt thôi chưa đủ, tài xế đôi khi phải dùng cả tai. Do đó, hãy tắt hệ thống âm thanh trên xe, hạ thấp kính cửa sổ một chút để có thể nghe rõ các xe đang di chuyển xung quanh.
Đi chậm, giữ khoảng cách
Trong quá trình di chuyển trong sương mù, sẽ rất có lợi nếu xe của bạn đi theo sau một chiếc xe khác. Khi đó, bạn có thể tận dụng ánh đèn của xe đi phía trước để định hướng lộ trình nhưng vẫn phải chủ động giữ khoảng cách an toàn.
Hạn chế tối đa việc phanh gấp, bởi lẽ tầm nhìn ngắn không cho phép tài xế đạp ga thật lớn để rồi phải phanh gấp khi phát hiện có xe phía trước. Ngoài ra, đi nhanh và không giữ khoảng cách sẽ khó xử lý hơn nếu phía trước đột nhiên có tình huống bất ngờ như xe chất máy, tụt dốc...
Bám đúng vạch kẻ đường
Nên tận dụng lề đường và vạch sơn kẻ đường cũng như các biển báo giao thông để quan sát lộ trình của mình.
Chú ý khi chuyển hướng
Khi cần dừng xe hoặc chuyển hướng, tài xế phải có đèn báo hiệu từ xa, tốc độ chậm lại, từ từ dừng sát bên đường hoặc từ từ rẽ hướng, không được đột ngột thay đổi vận tốc hay hướng đi trong tình huống này. Chú ý không nên phanh gấp, vì nếu làm như vậy, xe chạy phía sau không làm chủ tốc độ có thể laôtôi đâm sầm vào xe phía trước gây tai nạn đáng tiếc.
Không dừng xe giữa đường
Tuyệt đối tránh dừng xe giữa đường hoặc nơi đông người qua lại khi có sương mù. Trong trường hợp, xe bị sự cố, hãy cố gắng nhanh chóng đưa xe vào lề đường, tắt hết các loại đèn có ánh sáng trắng, bật đèn cảnh báo khẩn cấp và rời khỏi xe.
Lưu ý điều kiện mặt đường
Với những đoạn đường mới, chưa quen thì ngoài đi chậm còn phải tập trung quan sát để biết điều kiện mặt đường. Bởi lẽ nếu chỉ bám vào ánh đèn xe trước để di chuyển mà không lưu tâm bên dưới bánh xe có gì thì rất dễ sa vào hoàn cảnh xấu như đường lầy lội, trơn trượt.
Theo Autobikes.vn
Làm cách nào để phòng chống xe ôtô mất phanh? Thời gian qua, hàng loạt vụ tai nạn giao thông với nguyên nhân xe ôtô mất phanh dấy lên câu hỏi về an toàn. Vậy mất phanh là gì và làm thế nào để giảm thiểu tai nạn do mất phanh? Mất phanh xe ôtô là hiện tượng hệ thống phanh/hãm của xe mất tác dụng không còn khả năng làm giảm tốc...