Kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Trước tình hình bệnh tay chân miệng bùng phát, có tính nguy hiểm như hiện nay, một số độc giả quan tâm đã gửi ý kiến đến VnExpress.net chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc khi trẻ bệnh. Các bác sĩ cũng nói rõ thêm về điều này.
Độc giả có nick name MebeBi (Hà Nội) cho biết, chị có con 3 tuổi mắc bệnh tay chân miệng gần một tháng và đã được điều trị khỏi. Người mẹ miêu tả về các triệu chứng ủ bệnh của con chị như sau: xuất hiện nhiều vết loét trong miệng khiến bé đau đớn, bỏ ăn, kèm theo sốt cao li bì, cứ từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ lại lên cơn sốt một lần. Đến khi bé sốt cao 38,5 độ thì chị đưa bé đến bệnh viện khám và bác sĩ cho uống các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt…
Ngoài ra, chị cũng dặn dò các phụ huynh về cách chăm bé; “Khi thấy con bị bệnh, biếng ăn không nên quá lo lắng mà la mắng hay cáu gắt mà phải bình tĩnh và kiên nhẫn dỗ dành. Theo kinh nghiệm của mình, bé bị loét miệng nên không ăn được đồ mặn và cứng như cơm, cháo hạt. Nên cho bé ăn cháo nấu vị nhạt, hãy lọc lấy nước cháo cho bé uống qua bình bú hoặc xi lanh. Chỉ cần cho bé ăn được một ngày 3 bình 150ml nước cháo trắng pha sữa là bé sẽ bình phục, có sức chống lại bệnh tật”, MebeBi chia sẻ.
“Với thời tiết Hà Nội hiện nay, các mẹ chỉ nên lấy khăn ấm lau người cho bé, lau tay và mặt cho bé, hạn chế tắm rửa nhiều khi bé ốm sốt, hay lúc mới bình phục. Hạn chế đưa bé đi chơi khi mới khỏi bệnh, vì lúc này dễ lây dịch sang bé khác”, chị lưu ý thêm.
Đa phần trẻ bị tay chân miệng nhẹ có thể tự khỏi trong vòng vài ngày . Ảnh: Cao Lâm.
Trao đổi với VnExpress.net về góc độ chuyên môn, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cho rằng, mặc dù bệnh tay chân miệng hiện nay đang có những diễn biến khá phức tạp, song phụ huynh không nên quá lo lắng hoang mang khi thấy con mình xuất hiện những triệu chứng như trên, vì đa phần trẻ chỉ bị nhẹ và có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Chỉ một số trường hợp biến chứng nặng mới cần phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ cho biết về những biểu hiện cụ thể của bệnh này như sau:
- Sốt: có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối.
Video đang HOT
- Loét họng, loét miệng.
- Ngủ hay giật mình quấy khóc.
“Ở đây phụ huynh chỉ nên cho uống thuốc hạ sốt khi thấy bé sốt cao hơn 38,5 độ C. Bên cạnh đó khi thấy bé bị loét miệng, nên cho ăn uống đồ mát, loãng như sữa, cháo, ăn mỗi lần một ít và chia làm nhiều lần. Đồng thơi nên pha nước muối làm vệ sinh răng miệng khử khuẩn để tránh bị bội nhiễm”, bác sĩ Nam khuyên.
Ông cũng lưu ý, đối với bệnh nhân bệnh tay chân miệng thì không nên cho uống thuốc kháng sinh. Điều quan trọng nhất trong công tác phòng và điều trị bệnh là rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả bé và người chăm sóc. Chỉ nên dùng xà phòng có tính sát khuẩn dạng lỏng hoặc dạng cục có nhiều bọt mà không nên rửa bằng dung dịch sát khuẩn vì sẽ gây nguy hiểm cho bé.
Trong trường hợp thấy bệnh nhi xuất hiện một trong những biến chứng nặng sau thì phụ huynh nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ điều trị kịp. Các triệu chứng đó bao gồm:
- Sốt cao liên tục (trên 39 độ C) và uống thuốc vẫn không hạ.
- Khi ngủ giật mình liên tục, hoảng hốt.
- Chân tay run, quấy khóc li bì, lừ đừ.
- Đi đứng loạng choạng.
- Thở nhanh, khó thở, mệt mỏi.
- Nôn ói nhiều.
- Co giật, yếu tay chân, hôn mê.
“Khi có bất cứ triệu chứng nào ở trên, hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Nếu nhập viện sớm và được điều trị kịp thời thì khả năng khỏi bệnh là rất cao. Cần lưu ý trong thời gian bé bị bệnh, cha mẹ nên cho con nghỉ học từ một tuần đến 10 ngày để tránh lây cho trẻ khác. Và ngay cả khi được điều trị khỏi, cả bệnh nhi và người chăm sóc vẫn phải được cách ly trong khoảng 10 ngày sau đó”, bác sĩ Nam nói.
Thi Ngoan
Theo vnexpress
Ngừa bệnh tay-chân-miệng: Hãy vệ sinh tay!
Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng (TCM) không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà người lớn cũng bị nhiễm bệnh này. Mặc dù chưa phải là đỉnh của mùa dịch năm nay nhưng 61/63 tỉnh, thành phố đã có ca nhiễm TCM với tổng số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 66 nghìn ca mắc, 119 ca tử vong. Bộ Y tế cũng vừa có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch và giảm tử vong do TCM.
Căn nguyên gây bệnh là các virut đường ruột thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV71), trong đó nhóm EV71 thường gây các biến chứng thần kinh và dễ bùng phát thành dịch, còn nhóm Coxsakieviruses từ B1 đến B5 thường gây các biến chứng đau ngực và viêm cơ tim. Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh, có thể trong 24 giờ.
Cần giáo dục cho trẻ thói quen vệ sinh tay để phòng ngừa bệnh TCM.
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện tại, thầy thuốc chỉ có thể điều trị triệu chứng: theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị tích cực biến chứng. Do vậy, để ngăn chặn, phòng tránh bệnh lây truyền, biện pháp chính vẫn là phòng bệnh. Vệ sinh tay và tích cực thực hiện vệ sinh tay vì một cuộc sống tốt đẹp và thiết thực ngăn ngừa bệnh TCM trong mùa dịch như thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Vì sự sống, hãy vệ sinh tay.
Trên bàn tay có các vùng mà nếu không để ý khi vệ sinh tay chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua như các kẽ ngón tay, các đầu ngón tay hay ngón tay cái. Vệ sinh tay đúng nhằm không để sót các vùng "kín đáo" trên bàn tay. Quy trình vệ sinh tay thường quy do Bộ Y tế ban hành đang được các cơ sở y tế áp dụng là quy trình có tính ưu việt có thể khắc phục được nhược điểm mà việc rửa tay thông thường có thể gặp.
Phương tiện vệ sinh tay đầy đủ, sẵn có là điều kiện tiên quyết để kêu gọi hưởng ứng việc vệ sinh tay.
Phát động chiến dịch vệ sinh tay như thế nào?
Từ hộ gia đình, cơ quan, trường học, cơ sở y tế, khu vực công cộng cần được trang bị đầy đủ và sẵn có các phương tiện vệ sinh tay. Các phương tiện vệ sinh tay bao gồm: bồn rửa/chậu rửa được thiết kế phù hợp (vừa tầm cho trẻ em nếu ở trường học, nhà trẻ); nước sạch; xà phòng (dung dịch xà phòng nếu có điều kiện); khăn khô sạch hoặc giấy lau tay; hộp đựng giấy/khăn sạch; thùng/sọt thu gom khăn/giấy sau khi sử dụng. Phương tiện vệ sinh tay đầy đủ, sẵn có là điều kiện tiên quyết để kêu gọi hưởng ứng việc vệ sinh tay.
Phổ biến quy trình, phát động các chiến dịch hưởng ứng vệ sinh tay. Các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện chiến dịch tuân thủ vệ sinh tay theo tinh thần Thông tư 18/TT-BYT ngày 14/10/2009 của Bộ Y tế và chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động. Các cơ quan trường học tập huấn, phổ biến quy trình vệ sinh tay, có chương trình, nội dung và quy chế kêu gọi hưởng ứng vệ sinh tay. Các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn và kêu gọi vệ sinh tay trong cộng đồng. Bằng các hoạt động đồng bộ, vệ sinh tay sẽ sớm trở thành một nét văn hóa đẹp có ý nghĩa thực tiễn trong cộng đồng.
Các biện pháp phòng ngừa tăng cường cùng với vệ sinh tay
Cùng với vệ sinh tay để tối đa hiệu quả phòng ngừa bệnh TCM, các biện pháp phòng ngừa tăng cường đóng vai trò hết sức quan trọng như đề cập dưới đây:
Nhận biết sớm, điều trị kịp thời và quản lý tốt ca bệnh TCM nhằm hạn chế thời gian người bệnh "thải" căn nguyên gây bệnh ra môi trường, hạn chế tạo phơi nhiễm mới. Các biện pháp cụ thể bao gồm tích cực điều trị, chăm sóc, dinh dưỡng cho người bệnh; xử lý tốt chất thải, xử lý chất thải người bệnh trong các cơ sở y tế theo quy định; cho bệnh nhân mang khẩu trang khi ho, hắt hơi.
Vệ sinh tốt các bề mặt, sàn nhà khu vực bệnh viện, trường học, nơi công cộng bằng dung dịch xà phòng có chất sát khuẩn.
Vệ sinh thường xuyên đột xuất các dụng cụ, đồ chơi của trẻ ở các nhà trường bằng dung dịch xà phòng có chất sát khuẩn.
Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vaccin phòng bệnh, cách tốt nhất để không mắc bệnh là phòng bệnh thật tốt. Vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay với xà phòng có chất sát khuẩn là biện pháp đơn giản, kinh tế nhưng hiệu quả nhằm ngăn ngừa lây truyền bệnh.
Quy trình vệ sinh tay thường quy Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 - 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều. Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia, chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên). Bước 3: Đặt lòng 2 bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay. Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay. Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại. Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Theo SK&ĐS
Tay chân miệng đã lan rộng cả nước Chiều 14/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này dịch tay chân miệng (TCM) đã lan ra 63/63 tỉnh thành phố với 71.472 ca mắc, trong đó đã có 130 trường hợp tử vong. So với thống kê vào thời điểm cuối tuần trước, thời điểm này số ca mắc đã tăng thêm hơn 5.200 trường...