Kinh hoàng nước đá… bẩn
Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Nhu cầu sử dụng nước đá cho ăn uống, bảo quản thực phẩm tăng vọt. Từ quán trà đá vỉa hè, bia hơi… cho đến nhà hàng đâu đâu cũng cần tới nước đá. Tuy nhiên, những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến mặt hàng nước đá tại Hà Nội vẫn đang trong tình trạng báo động.
Trưa 20/7, trên phố Dịch Vọng Hậu, Hà Nội, những chiếc xe máy đang chờ bốc xếp đá cây từ một xưởng sản xuất. Đá từ xưởng đưa ra, những nhân viên phân phát lấy tay trần bốc đá xếp xe máy với tấm vải bạt bọc dưới đã khá cũ bẩn. Sau khi được xếp lên xe, chẳng cần che đậy, những tảng đá cây “mình trần” vận chuyển đến các điểm tiêu thụ đầy bụi bặm. Tại một điểm bán đá trên đường Trường Chinh, Hà Nội, ngay sát lề đường, cạnh miệng cống nước bốc mùi hôi hám, hàng chục tảng đá cây chỉ được phủ bạt che đậy hết sức tạm bợ, một nửa những tảng đá vẫn lộ thiên hứng bụi đường.
Không chỉ đá cây, mặt hàng đá viên tinh khiết được người tiêu dùng yên tâm sử dụng cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, đầu tư thấp…
Đá viên phải được sản xuất theo một chu trình tự động khép kín. Ảnh: B.L..
Tại một cơ sở sản xuất nước đá viên tại xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi chứng kiến cảnh xưởng sản xuất nằm sát một con mương nước đen sì, bẩn thỉu, hôi thối không thể tả. Mặc dù không có biển hiệu, nhưng xưởng sản xuất nước đá này lúc nào cũng hoạt động khá tấp nập. Cơ sở này rộng gần 100m2, không gian khá tối tăm, sàn nhà lênh láng nước. Khi nhân viên xưởng đang vận chuyển đá từ nơi đóng gói ra các xe vận chuyển, một túi đá bỗng nhiên bị rơi văng tung toé trên nền nhà dơ bẩn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhân viên ở đây vẫn nhanh chóng vơ vào túi và đóng gói lại. Nhìn ba bồn nước lớn dùng để đựng nước sản xuất đá, chúng tôi không khỏi bàng hoàng bởi đây đều là những thùng sắt cao đến gần 2m bị gỉ bám đầy, hoen ố. Túi nilon được xếp chất đống ở đằng sau. Các công nhân bốc xếp đá liên tục không ngừng nghỉ. Nhân viên làm việc tại đây không hề có đồng phục riêng, người mặc quần đùi, người cởi trần.
Mọi công đoạn như bốc đá, đóng gói,… đều làm bằng tay không. Một nhân viên ở đây cho biết: “Một túi đá có giá khoảng 5.000 đồng. Nước sử dụng làm đá tinh khiết tuy là nước giếng khoan nhưng ở nhiệt độ đông lạnh thì vi trùng, vi khuẩn nào mà chẳng chết hết(?). Em cứ yên tâm đi, lấy hàng ở đây về mở quán trà chanh thì đông nghịt luôn”. Mặc dù không hề có biển hiệu nhà xưởng nhưng những túi đá viên tinh khiết ở đây đều được đóng trong túi nilông có dòng chữ “nước đá tinh khiết K…
Tại một cơ sở sản xuất nước đá viên tinh khiết trên phố Hoàng Ngân, Hà Nội, khi chúng tôi bước vào, hình ảnh đập vào mắt là cảnh bà chủ xưởng đang thoăn thoắt cho từng xô đá đã được bào nhỏ vào túi và buộc lại. Công đoạn đóng gói này được thực hiện ngay dưới nền đất ướt nhoẹt. “Đá nhà chị làm đảm bảo vệ sinh. Nước là nước máy thành phố. Giá mỗi túi đá chị lấy hữu nghị “sinh viên” chỉ 6.000 đồng”, bà chủ giới thiệu.
Bắt đầu từ tháng 4/2012 đến nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cùng cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất đá viên trên địa bàn Hà Nội. Qua công tác kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất nước đá đã phát hiện một số vi phạm như một số nhân viên không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc chưa được xét nghiệm phân định kỳ, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về nhãn mác, thiếu hướng dẫn cách bảo quản, nhà xưởng chưa đảm bảo…
Cụ thể, kiểm tra xưởng sản xuất đá của Công ty TNHH nước đá Anh Anh, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, đoàn đã phát hiện cơ sở không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh như nhân viên không có đồng phục riêng, việc sắp xếp kho bãi còn lộn xộn gây mất vệ sinh. Thanh tra Sở đã lập biên bản xử phạt Công ty TNHH Anh Anh, đồng thời yêu cầu đơn vị này nhanh chóng chấn chỉnh những vi phạm. Tiếp tục, đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành lập biên bản xử phạt Cơ sở sản xuất và dịch vụ Vạn Hà, tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội – đơn vị này sản xuất nước đá mang nhãn hiệu Tuyết Hà, sản xuất từ 5-6 tấn đá viên mỗi ngày.
Qua kiểm tra cho thấy, kho chứa hàng hiện đang chứa gần 1 tấn đá viên được bao bọc bằng những túi nilon không nhãn mác chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm hay ngày sản xuất, hạn sử dụng. Chủ cơ sở giải thích là do giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của cơ sở đã hết hạn nên không dám sử dụng bao bì cũ mà đóng gói trơn chờ đến khi được cấp lại giấy chứng nhận. Tuy nhiên, chứng nhận sản phẩm cũ của cơ sở sản xuất đá viên Tuyết Hà đã hết hạn từ khá lâu nhưng cơ sở vẫn cho xuất xưởng.
Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ hàng chục tấn nước đá. Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ nên mua đá ở các cơ sở sản xuất tin cậy, đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn, mua đá viên để uống. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý, đá cây chỉ dùng để ướp và bảo quản thực phẩm chứ không thể sử dụng trong ăn uống.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì hiện nay Hà Nội có 52 cơ sở sản xuất đá viên có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và giấy chứng nhận cơ sở đủ tiêu chuẩn sản xuất. Đối với các cơ sở sản xuất nước đá viên, các dụng cụ sản xuất như khuôn, dao cắt đá, bồn cấp nuớc, túi lạnh, tải đá… đều phải được làm từ thép không gỉ hoặc inox. Sản xuất đá viên phải hoàn toàn khép kín theo một chu trình tự động, không được tiếp xúc trực tiếp với tay người hoặc yếu tố ngoại lai bên ngoài. Nước sử dụng làm đá viên phải là nước ngầm hoặc nước máy của thành phố. Nước đưa vào sản xuất đá viên sẽ qua thiết bị lọc đa năng, thiết bị làm mềm nước, thiết bị thẩm thấu ngược RO, thiết bị tia cực tím. Với đầy đủ các công đoạn như vậy mới đảm bảo nước đá viên sạch đến người tiêu dùng.
Theo CAND
Ghê răng, lợm giọng vì nước đá sạch đóng viên
Với quy định nghiêm cấm sử dụng đá cây trong giải khát, ăn uống cho nên các sản phẩm đá viên nghiễm nhiên được sử dụng phổ biến nhất trong ngày hè.
Tuy nhiên, qua thâm nhập một số cơ sở sản xuất loại đá sạch, đá tinh khiết này mới thấy quy trình sản xuất rất bẩn.
Khu sản xuất bừa bộn, quần áo treo lủng lẳng
Mục sở thị
Trên một đoạn đường ngắn giữa phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi tìm được 2 cơ sở sản xuất đá viên quy mô hộ gia đình. Cả 2 cơ sở này đều nằm sâu trong ngõ nhỏ, hàng ngày từ đây cung cấp ra thị trường cả tấn đá viên. Trong vai khách hàng, chúng tôi trực tiếp thâm nhập để thị sát cơ sở sản xuất đá viên H.V.
Xưởng sản xuất là một gian phòng được quây và lợp bằng tôn, chung vách với ngôi nhà ở khang trang của chủ cơ sở. Phía ngoài cổng là bàn và tủ lạnh chứa đá thành phẩm.
Qua quan sát, máy sản xuất đá đặt ngay cạnh cửa ra vào nhà xưởng, đá thành phẩm từ máy chảy ra đổ xuống một chậu nhôm đặt sát ngay nền gạch. Hai nam thanh niên đang làm việc trong nhà xưởng đều quần đùi, áo cộc, dép lê, không hề có găng tay hay trang phục, phương tiện bảo hộ chuyên biệt theo quy định.
Đá thành phẩm chảy ra đến đâu, một công nhân tay trần cầm túi nilon bao bì hứng đến đó. Bao tải đựng túi nilon này cũng đặt ngay trên nền xưởng. Thỉnh thoảng một phụ nữ bế con gái lại xỏ dép lê đi ra đi vào nhà xưởng, cúi xuống chậu đá thành phẩm, dùng tay trần nhặt, xoa xoa chậu đá như để kiểm tra.
Công nhân sản xuất đá không có đầy đủ trang phục theo quy định
Chúng tôi tiếp tục khảo sát tại một cơ sở sản xuất đá viên có quy mô lớn hơn, nằm trên đường Láng (quận Đống Đa). Cơ sở này sản xuất đá viên mang nhãn hiệu K.C, mỗi ngày xuất xưởng đến 5-6 tấn đá với giá 7.000đ/kg. Hàng năm, cơ sở này thường xuyên được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, nhưng khi chúng tôi thị sát, xưởng sản xuất bừa bộn và bẩn như một nhà kho.
Từ ngoài vào, nền nhà xưởng nhớp nháp nước, một bên là các giàn lọc, máy làm đá, một bên bày ngổn ngang các loại thùng nhựa, bao nilon, giày dép bẩn. Ngay trên nóc các giàn máy lọc nước, làm đá, quần áo của công nhân phơi lủng lẳng. Đúng lúc ra đá, gần chục công nhân cả nam lẫn nữ vây quanh máy không có trang phục theo quy định.
Ngay cả mấy nhân viên vừa đi chở hàng về đến nơi cũng vội xỏ tạm đôi ủng hoặc cứ quần áo, dép lê bụi bẩn đó chạy thẳng vào nhà xưởng. Hàng sản xuất ra không kịp bán nên công nhân ở đây cũng chẳng đóng, hàn bao bì sản phẩm cẩn thận mà buộc luôn đầu túi nilon lại giao cho khách.
Quản lý ra sao?
Theo Sở Y tế Hà Nội, kể từ đầu mùa hè 2011 đến nay, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra được hơn 10 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đá cây, đá viên. Tuy nhiên chỉ phát hiện một số tồn tại nhỏ về điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất không đảm bảo, trong đó mới có 1 cơ sở ở huyện Chương Mỹ bị xử phạt hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng.
Tại tất cả các cơ sở được kiểm tra, đoàn cũng đều lấy mẫu sản phẩm nước, đá viên gửi Trung tâm Y tế dự phòng làm xét nghiệm, tuy nhiên đến nay chưa phát hiện mẫu nước đóng chai, đá viên nào không đảm bảo các chỉ số chất lượng. Vào mùa hè, nhu cầu tiêu thụ đá viên, đá cây tăng mạnh và số cơ sở sản xuất mặt hàng này cũng gia tăng nhanh.
Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các mặt hàng này, thế nhưng với thực tế các cuộc kiểm tra và xử lý hiện nay, người dân hoài nghi về tính hiệu quả và sức răn đe đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm từ phía cơ quan chức năng của nhà nước? Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian để trực tiếp thâm nhập vào các cơ sở sản xuất này, chắc hẳn không khó để bắt những vi phạm về VSATTP đang phổ biến.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế huyện Từ Liêm lấy ví dụ, trên địa bàn huyện Từ Liêm hiện có khoảng vài chục cơ sở sản xuất nước đóng chai, đá sạch, trong đó 2/3 là công ty do thành phố cấp phép. Theo quy định thì cơ quan chức năng của huyện chỉ được phép kiểm tra, hậu kiểm với các cơ sở do huyện quản lý, cấp phép còn việc kiểm tra, hậu kiểm định kỳ với các cơ sở do thành phố cấp phép thuộc quyền và trách nhiệm của Sở Y tế. Phía quận, huyện chỉ được kiểm tra các cơ sở do thành phố cấp phép hoạt động trên địa bàn trừ khi đã có manh mối hoặc phát hiện rõ sai phạm tại các cơ sở này. Điều đó khiến cho các cơ sở đăng ký thành lập công ty, do thành phố cấp phép ít khi bị kiểm tra và đương nhiên cũng rất khó quản lý chất lượng với họ.
Theo ANTD