Kinh hoàng “Giáo hội quốc tế” ở Kenya
Tính đến ngày 18/5/2023, cảnh sát và chuyên gia pháp y thuộc Cơ quan cơ quan điều tra tội phạm ở thị trấn Malindi, miền đông Kenya, châu Phi đã tiến hành khai quật hàng chục hố chôn tập thể tại khu rừng Shakahola và đã tìm thấy thi thể của 227 người, tất cả đều là tín đồ giáo phái “Giáo hội quốc tế” do Makenzie Nthenge cầm đầu và nguyên nhân chính dẫn đến cái chết là do đói.
Ngoài ra, hơn 600 người khác vẫn còn mất tích…
Những hố chôn tập thể
Ngày 9/4/2023, sau khi nhận được tin báo từ một số thợ săn đi bẫy thú trong khu rừng Shakahola bên ngoài thị trấn ven biển Malindi, rằng họ nhìn thấy vài người trông rất tiều tụy, sống trong những căn chòi tạm bợ lợp bằng lá cây, tìm cách lẩn trốn khi bị phát hiện, cảnh sát Malindi đã tiến hành một cuộc kiểm tra.
Cảnh sát khai quật một hố chôn tập thể.
Trung úy Charles Kamau, người đứng đầu cơ quan điều tra tội phạm thị trấn Malindi nói với trang tin Africa Today: “Thoạt đầu, tôi nghĩ họ là những kẻ săn lậu tê giác để lấy sừng nhưng khi vào đến nơi ở của họ, chúng tôi sững sờ khi chứng kiến 15 người chỉ còn da bọc xương, nằm thoi thóp trên nền lá mục. Lập tức, chúng tôi khiêng họ ra cửa rừng rồi gọi xe cứu thương đưa họ đến bệnh viện nhưng 2 ngày sau, 4 người trong số đó chết vì suy nhược trầm trọng mặc dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa…”.
Kết quả điều tra 11 người còn sống cho thấy họ là tín đồ của giáo phái “Giáo hội quốc tế” do một kẻ tên là Makenzie Nthenge làm “giáo chủ”. Vẫn theo lời khai của 11 người này, “giáo chủ” Makenzie Nthenge bắt buộc tín đồ phải nhịn đói tuyệt đối 20 ngày mỗi tháng để có thể “gặp được thượng đế”. Nkabie, một phụ nữ trong số những người còn sống kể lại: “Makenzie yêu cầu chúng tôi phải sống tách biệt với xã hội để tâm hồn được “thanh tẩy”. Hàng ngày, chúng tôi chỉ uống nước lã rồi cầu nguyện. Một số người đã chết vì kiệt sức, xác của họ được những người khác mang đi nhưng không biết là đi đâu”.
Từ lời khai của các nhân chứng, cảnh sát mở rộng cuộc tìm kiếm trong một khu vực rộng 3,2 km2 và họ đã thấy một số nơi, mặt đất có vẻ như mới được đào lên rồi lấp lại. Trung úy Charles Kamau, người đứng đầu cơ quan điều tra tội phạm thị trấn Malindi nói: “Nghi ngờ đây là chỗ chôn người chết, chúng tôi mời cơ quan pháp y tham gia khai quật”. Kết quả ở cái hố đầu tiên, họ tìm thấy 21 tử thi đang trong giai đoạn phân hủy. Bác sĩ Ougadou thuộc đội pháp y cho biết thêm: “Chúng tôi không tìm thấy độc chất – kể cả ma túy trong các mẫu mô nhưng dạ dày của tất cả tử thi đều trống rỗng, chứng tỏ rằng rất lâu họ đã không ăn gì trước khi chết”.
Ngày 21/4, lại thêm một hố chôn tập thể nữa được phát hiện và lần này là 26 người, tất cả đều có chung mẫu số tử vong như ở hố chôn đầu tiên. Đến ngày 24, 25 và 26, cảnh sát tìm được thêm 3 hố với 56 người trong tình trạng xác vẫn còn tươi. Khi được cho nhận dạng qua hình ảnh, những nạn nhân còn sống đều khẳng định tất cả những người chết đều là tín đồ của “Giáo hội quốc tế”, đã từng ở chung với họ tại các lán trại trong khu rừng Shakahola.
Thi thể được đưa lên khỏi hố chôn trong rừng Shakahola.
“Giáo hội quốc tế” là gì ?
Video đang HOT
Được thành lập năm 2003 bởi Mackenzie Nthenge, vốn là tài xế taxi ở thủ đô Nairobi, Kenya. Chỉ một thời gian ngắn Giáo hội quốc tế đã thu hút được hàng nghìn tín đồ chỉ dựa vào tuyên bố của Mackenzie, rằng ông ta “có thể nói chuyện với Thượng đế (!?)”, cộng với những phát biểu chống Chính phủ Mỹ, Liên hợp quốc và Thiên Chúa giáo La Mã. Theo Mackenzie, tất cả những thực thể này là “công cụ của quỷ dữ và sẽ bị trừng phạt vào ngày cuối cùng (ý nói ngày tận thế)”.
Thoạt đầu, chính quyền Kenya không lưu tâm đến Mackenzie và giáo phái của hắn bởi lẽ ở quốc gia châu Phi này, các bộ lạc thổ dân có những phương pháp hành xử nghi lễ tâm linh của riêng họ với những hình thức rất kỳ quái, thậm chí là phản khoa học, chẳng hạn như chọc dao vào động mạch của một con bò để máu phun lên người nhằm hóa giải bùa phép của những bộ lạc thù địch đang muốn hãm hại họ.
Tuy nhiên năm 2017, cảnh sát thị trấn Malindi nhận được một số thư tố cáo của nhiều bậc cha mẹ là tín đồ của Giáo hội quốc tế, nội dung “Mackenzie bắt con cái họ phải sống tập thể, xúi chúng bỏ học, không cho phép chúng đi chích ngừa các bệnh truyền nhiễm. Khi trẻ đau ốm, thay vì đưa chúng đến các cơ sở y tế thì Mackenzie lại bắt chúng nhịn ăn và cầu nguyện”. Theo cảnh sát Malindi, đã có khoảng 30 trẻ từ 6 đến 10 tuổi chết vì bệnh sởi, đậu mùa, tả, thương hàn nhưng không đủ chứng cứ để buộc tội Mackenzie. Họ chỉ yêu cầu ông ta phải trả 93 trẻ về cho gia đình.
Năm 2019, khi thấy Mackenzie tiếp tục chiêu mộ tín đồ, cảnh sát Malindi ra lệnh giải tán địa điểm tụ tập của Giáo hội quốc tế. Kết quả điều tra cho thấy một tín đồ của Giáo hội quốc tế đã hiến tặng lô đất trên đảo Lamu cho Mackenzie. Sau đó, giáo chủ bán được 20 triệu shilling. Với số tiền này, Mackenzie dùng nó để tài trợ cho một đài truyền hình tư nhân, thường xuyên phát sóng những bài giảng của ông ta. Động thái ấy đã thuyết phục một số tín đồ đem tài sản dâng cho Mackenzie. Theo ước tính, đến ngày bị bắt, Mackenzie có trong tay khoảng 500 triệu shilling, hầu hết là đất đai, nhà cửa…
Nhận lệnh giải tán Giáo hội quốc tế nhưng thay vì thực hiện, Mackenzie kích động tín đồ biểu tình chống nhà cầm quyền. Tháng 9/2019, Mackenzie bị bắt về tội gây rối trật tự, cưỡng bức tín đồ sống tập trung, xúi bẩy trẻ em bỏ học nhưng trong quá trình xét xử, hắn nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn người trung thành, trong đó có nhiều luật sư và người đứng đầu các giáo phái của các bộ lạc nên cuối cùng, Mackenzie trắng án. Ông Aisha Jumwa, nghị viên Hội đồng nhân dân thành phố Malindi nói: “Những người đứng đầu giáo phái của các bộ lạc cho rằng nếu hôm nay Giáo hội quốc tế bị đàn áp thì ngày mai sẽ đến lượt họ. Công lý đã bị nhạo báng”.
Thoát khỏi án tù, Mackenzie dẫn hơn 1.000 tín đồ vào rừng Shakahola, phần lớn là người Kenya, một số ít gốc Tanzania,Uganda và Nigeria. Từ đó đến khi những hố chôn tập thể được khai quật, hầu như không ai nhìn thấy họ. Chỉ đến lúc một số thợ săn đi bẫy thú trong khu rừng Shakahola gặp vài người tiều tụy, tìm cách lẩn trốn khi bị phát hiện và nhất là lúc cảnh sát Malindi nhận được đơn kêu cứu của một người đàn ông, nội dung cho biết vợ và con gái ông ta đã tự ý bỏ nhà ở Nairobi để theo Giáo hội quốc tế đến hạt Kilifi và không quay trở lại thì cảnh sát mới bắt đầu mở cuộc tìm kiếm.
Theo Chánh thanh tra Martin Munene, lúc vào đến rừng Shakahola, cảnh sát phát hiện rất nhiều người trong tình trạng suy kiệt, sống trong những túp lều dựng bằng cành cây, ngủ trên nền lá mục. Khi được hỏi tổng số người ở đây là bao nhiêu thì một trong số họ trả lời: “Hơn 1.000 nhưng chết nhiều lắm”. Cũng người này chỉ cho cảnh sát thấy một bãi đất mới đào và đã được lấp lại: “Đó là nơi Mackanzie chôn họ”.
Sẽ còn bao nhiêu nạn nhân nữa?
Trong hai tuần tiếp theo, cảnh sát tiến hành tìm kiếm trong một khu vực rộng 3,2 km2 và đã phát hiện 6 hố chôn tập thể, tổng cộng 133 tử thi. Những thi thể đầu tiên lấy lên phần lớn là trẻ em.Trong một hố khác, có 5 thành viên của một gia đình với 3 đứa trẻ và cha mẹ chúng cùng 18 người mà trong đó 1 người có dấu hiệu bị chôn sống.
Một nạn nhân được cảnh sát cứu thoát cho biết: “Giáo chủ Mackenzie truyền dạy rằng việc tiếp xúc với thượng đế chỉ có thể xảy đến nếu tất cả đều cùng tập hợp lại với nhau để nhịn ăn. Khi nhịn ăn, không được giao du với những người từ thế giới bên ngoài. Tất cả mọi giấy tờ như thẻ căn cước, giấy khai sinh, bằng lái xe…., đều phải đốt bỏ”.
Trước những chứng cứ không thể chối cãi, ngày 7/5/2023 Mackenzie và người vợ thứ ba là Rhoda Mumbua Maweu cùng 16 thành viên chủ chốt của “Giáo phái quốc tế” bị bắt, trong đó có Ezekiel Odero, phó giáo chủ và cũng là cánh tay phải của Mackenzie. Đến ngày 13, lại có thêm 8 thành viên nữa vào trại giam với những cáo buộc liên quan đến khủng bố, tẩy não, bạo hành và giết người. Và mặc dù luật sư của “giáo chủ” Mackenzie đề nghị đóng tiền thế chân 100.000 shilling để ông ta được tại ngoại nhưng đã bị Viện Công tố Kenya từ chối.
Bình luận về những hố chôn tập thể, ông Kithure Kindiki, Bộ trưởng Nội vụ Kenya nói: “Không phải tất cả những người chết đều do đói. Từ ngày 10/5 đến 18/5, chúng tôi phát hiện thêm một số hố chôn tập thể khác trong rừng Shakahola, nâng tổng số tử vong lên 227, trong đó khoảng 100 người chết vì bị siết cổ hoặc chấn thương nghiêm trọng do bị đánh đập. Số mất tích là 611 và chỉ 84 người được giải cứu”.
Tuy nhiên nhiều người khi được giải cứu lại từ chối mọi biện pháp nhằm giúp đỡ họ. Bác sĩ Mavuli, bệnh viện Malindi cho biết: “Ngay khi được chuyển đến đây, một phụ nữ liên tục chống lại việc sơ cứu. Cô ta cắn chặt miệng, không để nhân viên y tế đặt ống thông đưa thức ăn vào dạ dày. Cô ta muốn được nhịn ăn cho tới chết…”.
Theo một nhân viên pháp y, người đã trực tiếp khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết thì một số xác đã bị mất nội tạng, chủ yếu là gan, thận…. Điều này làm dấy nên nghi ngờ về việc Mackenzie mua bán cơ thể người và nó có thể thực hiện kể cả khi nạn nhân chưa chết. Nội tạng lấy ra sẽ được bảo quản trong những hộp giữ lạnh và được chuyển đi ngay lập tức còn xác thì ném xuống những hố chôn tập thể, chứng minh bởi tư thế của nạn nhân: Xác không nằm theo một thứ tự nào.
Ông William Ruto, Tổng thống Kenya nói: “Những lời rao giảng của Mackenzie đi ngược lại hoàn toàn với những tôn giáo đích thực.Tôi đã chỉ định thành lập một ủy ban điều tra về những cái chết, cùng một đội đặc nhiệm để xem xét quy định quản lý các tổ chức tôn giáo nhằm tránh những vụ việc thương tâm sẽ không bao giờ còn có thể xảy ra”.
Hiện tại, việc xác minh nơi ẩn náu của những người mất tích vẫn đang được cảnh sát khẩn trương tiến hành nhưng theo Victor Kaudo, nhà hoạt động nhân quyền ở Malimdi thì “tốc độ diễn ra rất chậm chạp. Có vẻ như việc khai quật những hố chôn tập thể được ưu tiên hơn là tìm kiếm những người còn sống”. Tính đến ngày 21/5, mới chỉ có duy nhất 1 người mất tích là Daniel được tìm thấy trong một bụi rậm ở rừng Shakahola. Bà Joyce Makori, 38 tuổi, là vợ của Daniel cho biết: “Chồng tôi bỏ nhà đi theo Giáo hội quốc tế vì anh ấy quả quyết rằng tháng 6 năm nay, cả thế giới sẽ kết thúc. Khi những hố chôn tập thể bị phát hiện, tôi quyết định phải đi tìm chồng…”.
Với sự hỗ trợ của cảnh sát và một số dân địa phương, Joyce Makori đã tìm thấy Daniel, lúc này kiệt sức vì đói, nằm co quắp trong một bụi rậm nhưng khi vợ chồng gặp nhau, Daniel vẫn cho rằng, “Không thể rời đi vì sẽ chết nếu ra khỏi khu rừng này. Không được phép chia sẻ thông tin với bất kỳ ai…”.
Bác sĩ Mavuli, bệnh viện Malindi nói: “Kết quả xét nghiệm cho thấy Daniel bị rối loạn nhận thức, trầm cảm và hoang tưởng rất nghiêm trọng, nguyên nhân là do tác động của việc tẩy não được Mackenzie lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài trong điều kiện bị cô lập với thế giới xung quanh. Tôi tin rằng ngoài Daniel, có thể còn có hàng trăm người đang rơi vào tình trạng như anh ấy…”.
Theo giáo phái nhịn ăn, trên 100 người Kenya chết đói
Số người thiệt mạng vì theo giáo phái "nhịn ăn đến chết" tại Kenya đã lên tới 103 nạn nhân.
Lực lượng an ninh chuyển một người được cứu sống tại rừng Shakahola, gần thị trấn Malindi, Kenya, nơi phát hiện hàng chục thi thể các tín đồ của một giáo phái ngày 23/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, một nhà truyền giáo Kenya đã bị bắt vào ngày 27/4 với cáo buộc "giết người hàng loạt" trong một vụ điều tra giáo phái tại khu rừng Shakahola.
Bộ trưởng Nội vụ Kenya, ông Kithure Kindiki cho biết các nhà chức trách đang tiến hành điều tra hàng loạt cái chết liên quan đến một giáo phái trong khu vực và nhà truyền giáo Ezekiel Odero đã bị bắt.
Trong trang phục áo choàng trắng và mang theo cuốn sách dày màu đen, mục sư từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên khi đang bị cảnh sát áp giải. Nhà truyền giáo Odero đang đối mặt với các cáo buộc hình sự liên quan đến những cái chết hàng loạt của những người tham gia giáo phái.
Các quan chức đã giải cứu được rất nhiều người đang học theo giáo phái trong trung tâm Cầu nguyện Sự sống Mới của Odero tại thị trấn nhỏ phía Đông Nam Mavueni.
Thị trấn Mavueni nằm cách khu rừng Shakahola khoảng 66 km. Đây là nơi mà thủ lĩnh giáo phái Giáo hội Quốc tế Tin lành tự xưng Paul Mackenzie bị buộc tội ra lệnh cho các tín đồ của mình nhịn đói đến chết để được lên thiên đường. Ông đã tuyên truyền cho những tín đồ tham gia rằng ngày tận thế giới rơi vào ngày 15/4 và những ai nhịn đói đến khi chết đi sẽ là những người đầu tiên được lên thiên đường. Mackenzie đã bị cảnh sát giam giữ từ ngày 14/4. Tuy nhiên, chưa có cáo buộc nào được công bố.
Từ ngày 14/4, các nhà điều tra đã khai quật được thi thể của 95 tín đồ thuộc Giáo hội Quốc tế Tin lành từ những ngôi mộ mới đào trong rừng. 8 người khác được tìm thấy còn sống và tiều tụy, nhưng sau một thời gian cũng không qua khỏi.
Đây được cho là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây liên quan đến giáo phái. Dự kiến số người chết còn tăng thêm khi Hội Chữ thập đỏ Kenya thông báo hiện vẫn trên 300 người đang mất tích.
Hãng tin Reuters đã liên hệ với hai luật sư đại diện cho thủ lĩnh Mackenzie, nhưng cả hai đều từ chối bình luận về những cáo buộc chống lại ông ta. Họ cho biết không có đủ thời gian thảo luận với thân chủ kể từ khi những ngôi mộ tập thể được phát hiện.
Một số nhà lập pháp Kenya đã chỉ trích các cơ quan an ninh nước này đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn thảm kịch chết người hàng loạt trong rừng Shakahola sau khi có thông tin Mackenzie bị bắt vào tháng trước vì nghi ngờ liên quan đến hành vi bỏ đói và khiến 2 đứa trẻ chết ngạt. Tuy nhiên, Mackenzie sau đó được tại ngoại.
Trong một tuyên bố, cơ quan tư pháp Kenya cho biết đơn vị này đang điều tra xem liệu có bất kỳ hành vi sai trái nào của các quan chức và nhân viên tư pháp xử lý vụ việc hay không.
Kể từ năm 2017, thủ lĩnh giáo phái Mackenzie đã bị bắt giữ nhiều lần liên quan đến một loạt tội danh bao gồm cực đoan hóa và ủng hộ nhiều trẻ em không được đến trường, với lập luận rằng giáo dục không được công nhận trong Kinh thánh. Tuy nhiên, Mackenzie vẫn được tha bổng đối với một số tội danh, trong khi những tội danh khác không bị truy tố không lời giải thích.
Vụ "thảm sát Shakahola" đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc kiểm soát các hoạt động tín ngưỡng ở Kenya, một quốc gia mà người dân chủ yếu theo đạo Thiên chúa, nơi "mục sư", "nhà thờ" và các phong trào tôn giáo khác trở thành chủ đề hàng đầu. Những nỗ lực trước đây về quy định hoạt động tôn giáo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là nhân danh sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.
Tổng thống Kenya William Ruto cam kết sẽ triển khai các biện pháp chống lại những giáo phái lợi dụng tôn giáo. Tổng thống William Ruto đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc làm rõ tận gốc rễ hoạt động của các tôn giáo và những người muốn lợi dụng tôn giáo để phát triển một hệ tư tưởng mờ ám và không thể chấp nhận được.
Số tín đồ giáo phái chết vì nhịn đói ở Kenya vượt 200 Giới chức điều tra Kenya đã tìm được thêm 22 thi thể của những tín đồ giáo phái "nhịn đói đến chết" theo lệnh thủ lĩnh Paul Mackenzie để lên thiên đường, nâng tổng số người chết tính đến ngày 13.5 lên 201, theo Hãng tin Reuters. Kenya tiếp tục tìm thấy các thi thể tín đồ giáo phái "nhịn đói đến chết"....