Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng: “Siết” hay “mở”?
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định, kinh doanh trò chơi điện tử, theo đó, có rất nhiều quy định mới được đưa ra so với Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiện hành quản lý về loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên những điểm mới của nghị định có vẻ như đang “nới” hơn cho doanh nghiệp. Điều đó có thể dẫn đến loại hình trò chơi điện tử có thưởng phát triển mạnh hơn so với hiện nay.
Lợi bất cập hại
Kể từ năm 1992 khi Chính phủ cho thí điểm kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài tại Hải Phòng, đến nay trên phạm vi cả nước đã có 50 điểm được phép kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài, chia làm 3 nhóm.
Nhóm 1 là những DN kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trên máy, gồm có 43 điểm kinh doanh tại các khách sạn 3 sao trở lên và một số điểm du lịch, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhóm 2 là DN kinh doanh trò chơi có thưởng, gồm 6 DN kinh doanh các trò chơi trên máy và một tỷ lệ giới hạn bàn trò chơi.
Trong đó, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) có 180 bàn và 2.000 máy (chưa đưa vào hoạt động), Công ty liên doanh đầu tư Genting VinaCapital tại Nam Hội An có 180 bàn và 2.000 máy (chưa đưa vào hoạt động), Công ty Liên doanh Du lịch và Giải trí Quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt tại Đà Nẵng có 8 bàn và 100 máy, Công ty liên doanh Hải Ninh Lợi Lai tại Quảng Ninh có 20 bàn và 100 máy Công ty Liên doanh Khách sạn Quốc tế Lào Cai có 8 bàn và 300 máy…
Video đang HOT
Nhóm 3 gồm DN kinh doanh casino chỉ có 1 DN là Công ty Liên doanh Du lịch Quốc tế Hải Phòng. Thực chất, đây là DN kinh doanh trò chơi có thưởng vì hiện tại công ty đang kinh doanh 24 bàn và 50 máy. Năm 2010, doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ này ước đạt 16.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó kinh doanh trò chơi trên máy chiếm 80%, còn lại là loại hình kinh doanh trò chơi có thưởng khác. Một số loại hình trò chơi có thể kể tới như Bacarat, Blackjack, Roulette, Tài sỉu, máy giật xèng (slot machine)…
Không thể phủ nhận việc kinh doanh trò chơi có thưởng đã giúp đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người có hộ chiếu nước ngoài tại Việt Nam góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương… nhưng hoạt động này vẫn còn nhiều tồn tại. Cụ thể, việc tổ chức kinh doanh dịch vụ này thiếu quy hoạch tổng thể, số lượng cấp phép nhiều nhưng quy mô đầu tư nhỏ và phân tán dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao và không thúc đẩy phát triển du lịch. Điều kiện cấp phép chưa chặt chẽ dẫn tới một số điểm kinh doanh được cấp phép ở khu vực khách du lịch nước ngoài ít đến nên có khách Việt Nam vào chơi. Có 6 điểm kinh doanh đã bị khởi tố bởi hành vi vi phạm này. Ngoài ra, khảo sát thực tế cho thấy, việc phối hợp giữa các cơ quan địa phương trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng thời gian qua rất yếu, dẫn tới việc đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Điều kiện kinh doanh – không khó để đạt được
Theo Dự thảo Nghị định, một trong những điều kiện quan trọng nhất để được cấp phép, đó là DN phải có cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng từ 5 sao hoặc hạng cao cấp và cơ sở lưu trú du lịch thường xuyên có số lượng lớn người nước ngoài lưu trú. DN còn phải đáp ứng các yêu cầu khác về điểm kinh doanh, người quản lý, điều kiện an ninh, trật tự, phương án kinh doanh, năng lực tài chính, các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Nhận định về điều kiện này, ông Nguyễn Quang Vinh – chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là những điều kiện không khó để đạt được. Như thế có nghĩa là quy định về điều kiện kinh doanh trong dự thảo nghị định có phần….mở, bởi nếu cứ theo như quy định thì hầu như các khách sạn 5 sao ở Việt Nam, nếu muốn, đều có cơ hội mở khu vui chơi có thưởng cho người nước ngoài. Điều kiện này chỉ khác so với quy định hiện hành tại Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở chỗ, quy định cơ sở lưu trú phải được xếp hạng 5 sao, trong khi quy định cũ là 4 sao đối với Hà Nội, TP.HCM và 3 sao đối với các địa phương có nhiều khách du lịch.
Cũng theo quy định tại Dự thảo Nghị định, mỗi cơ sở lưu trú du lịch chỉ được xem xét, cấp một giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và giấy chứng nhận này chỉ cấp cho doanh nghiệp đứng tên sở hữu cơ sở lưu trú du lịch đó. Giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh này chỉ có hiệu lực tối đa không quá 10 năm và nếu được gia hạn, thì cũng tối đa không quá 10 năm. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan cấp phép Giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh. Hơn thế, Dự thảo Nghị định cũng đã tách bạch hẳn chuyện cấp chứng nhận đầu tư và cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, thay vì như trước đây, việc cấp phép kinh doanh trò chơi có thưởng được gắn với việc cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Một điểm rất đáng chú ý khác, đó là trong Dự thảo Nghị định lại chỉ quy định chung chung về điều kiện doanh nghiệp phải có “đủ năng lực tài chính”, chứ không đưa ra một con số cụ thể. Mặc dù Quyết định 32/2003/QĐ-TTg không quy định nội dung này, song theo Thông báo số 96/TB-VPCP ngày 4-5-2007 của Văn phòng Chính phủ về Đề án Định hướng phát triển và kinh doanh casino tại Việt Nam, thì chỉ những dự án đầu tư từ 4 tỷ USD trở lên, xây dựng đồng bộ và hình thành khu liên hoàn với du lịch và giải trí mới được xem xét cho phép làm casino trong khuôn khổ dự án.
Ai sẽ được chơi?
Mặc dù có khá nhiều điểm mới nhưng dự thảo lần này vẫn giữ nguyên đối tượng được phép chơi trò chơi có thưởng là người có hộ chiếu nước ngoài. Trước đó, ý kiến nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đã đề nghị việc cân nhắc cho phép một số nhóm đối tượng người Việt Nam có thu nhập cao được phép chơi trò chơi có thưởng để hạn chế nạn chảy máu ngoại tệ và hệ lụy của cờ bạc bất hợp pháp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc mở rộng đối tượng cần được nghiên cứu kỹ kèm theo các biện pháp quản lý. Do đó, ở dự thảo lần này, Bộ Tài chính vẫn đề xuất duy trì đối tượng như hiện hành. Quy định là một kiểu nhưng thực tế có quản lý được loại hình kinh doanh đặc biệt này hay không lại là một vấn đề khác. Bởi qua thực tế kinh doanh loại hình này trong thời gian qua cho thấy, mặc dù quy định là không cho phép người Việt Nam được chơi, nhưng tại nhiều sòng bạc, vẫn có người Việt Nam tham gia bằng nhiều thủ đoạn, bằng nhiều chiêu “lách luật” khác nhau. Như đi cùng với người nước ngoài hoặc có hộ chiếu nước ngoài. Thậm chí chẳng cần phải “lách”, nhiều người Việt Nam vẫn được “bật đèn xanh” để đánh bạc tại Việt Nam.
Đây là loại hình kinh doanh khá nhạy cảm, khi doanh nghiệp muốn đầu tư kinh doanh thì dù quy định có chặt chẽ đến đâu vẫn cứ có khe hở để lách. Quan trọng là công tác thanh kiểm tra sau khi ban hành quy định như thế nào chứ không phải cứ đặt ra quy định là doanh nghiệp sẽ răm rắp thực hiện. Chính vì thế dự thảo nghị định về vấn đề này cần phải đặt ra các quy định hết sức cụ thể, chứ không nên chung chung, vì như vậy sẽ tạo ra những “khe hở” để cho những vi phạm được “lách” qua. Khi đó vấn đề quản lý sẽ trở nên phức tạp.
Mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng
Một điểm đặc biệt trong dự thảo lần này là việc quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan nhằm quản lý, kiểm tra, thanh tra. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện việc xây dựng, ban hành quy hoạch, chính sách pháp luật cấp phép giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh. Tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ chủ trì theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hàng năm và đột xuất với doanh nghiệp trên địa bàn. Việc xử lý vi phạm cũng đã được quy định khá chi tiết với nhiều mức phạt khác nhau. Trong đó, mức phạt cao nhất dừng ở khung 70-100 triệu đồng với hành vi có số lượng máy trò chơi điện tử vượt quy định hay cho phép người chơi ra, vào không đúng quy định…
Theo ANTD
Thu hồi giấy phép nếu xây sai mà không khắc phục
Nếu sau 6 tháng, chủ đầu tư không khởi công xây dựng công trình thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi lại giấy phép đã cấp. Xây sai phép mà chủ đầu tư không khắc phục theo yêu cầu cũng sẽ bị thu hồi giấy phép.
Nghị định về cấp phép xây dựng vừa được Chính phủ ban hành quy định rõ điều này. Ngoài ra, giấy phép cấp không đúng quy định hay các trường hợp xây sai phép mà chủ đầu tư không khắc phục theo yêu cầu cũng sẽ bị thu hồi.
Sau 10 ngày kể từ khi chính quyền có quyết định thu hồi, nếu chủ đầu tư không nộp lại giấy phép, cơ quan chức năng công bố hủy giấy phép xây dựng, đồng thời thông báo với UBND cấp xã và đăng trên mạng thông tin của Sở Xây dựng.
Nhà xây sai phép ở số 135-137 Bùi Thị Xuân (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà.
Nghị định mới cũng quy định chi tiết quyền lợi của các chủ đầu tư công trình. Theo đó, sau thời hạn được ghi trên giấy biên nhận mà cơ quan nhà nước không trả lời về việc cấp giấy phép thì chủ đầu tư được khởi công công trình theo thiết kế đã nộp và có thông báo gửi tới cơ quan cấp phép.
Sau khi nhận hồ sơ xin cấp phép của người dân, trong 10 ngày, cơ quan nhà nước phải xem xét hồ sơ, trả lời cho chủ đầu tư các tài liệu còn thiếu và yêu cầu bổ sung. Thời gian cấp giấy phép mới, công trình tạm được quy định không quá 20 ngày, còn nhà xây dựng riêng lẻ tại đô thị không quá 15 ngày.
Cơ quan cấp phép xây dựng cũng phải niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy trình, thời gian cấp phép tại nơi tiếp nhận hồ sơ, cũng như chịu trách nhiệm về nội dung giấy phép đã cấp, bồi thường thiệt hại nếu cấp chậm cho người dân.
Theo VNE
Bảo tồn rắn hổ mang - Giúp nhà nông làm giàu Rắn hổ mang được dân gian lưu truyền như một vị thuốc bổ tăng cường sinh lực, điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp. Tuy nhiên, loài này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng khi nạn săn bắt sử dụng làm thực phẩm cho con người ngày càng tăng lên. Có ý kiến cho rằng càng phải nghiêm cấm, xử...