Kinh doanh dịch vụ phố cổ vẫn bội thu hậu đại lễ
Đại lễ Hà Nội nghìn năm tuổi lại là dịp để cho một bộ phận người dân đổ xô ra đường kinh doanh khiến một góc thủ đô trở nên bát nháo và mất đi vẻ đẹp thanh bình vốn có.
Kể từ ngày mùng 1 tháng 10 đến nay, trung tâm thủ đô Hà Nội – hồ Hoàn Kiếm dường như không ngủ trong những “đêm trắng” rực rỡ cờ hoa cùng những hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động. Đây cũng là dịp người dân khắp nơi nô nức kéo về Thủ đô để được tận hưởng không khí nghìn năm có một này.
Những khu phố cổ quanh hồ Gươm dù đã được cảnh sát giao thông và đội trật tự trị an khu vực ngày đêm túc trực phân luồng giao thông nhưng tại những ngã tư Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bè, Cầu Gỗ vẫn xảy ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Còn dãy phố Hàng Bông thì nghiễm nhiên trở thành “thánh địa” của những người mua bán băng rôn, logo, áo phông “Tôi Ha Nôi”. Đầu phố đi bộ đoạn đường Hàng Gai, Hàng Đào lại tấp nập những người bán bóng bay, hàng rong. Chính hoạt động mua bán sầm uất này đã góp phần tăng cường cho sự tắc nghẽn giao thông những ngày qua tại khu vực trung tâm Hà Nội.
Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, cảnh chen lấn xô đẩy, dẫm đạp lên vườn hoa, bãi cỏ vẫn diễn ra giống hệt như những ngày náo nhiệt của hồ Gươm trong những dịp lễ tết. Nhiều tuyến phố một chiều như Lương Văn Can, Cầu Gỗ bỗng chốc trở thành phố “bán đi bộ” hoặc giao thông hai chiều.
Thông thường thì “người đến người đi và rác thì ở lại”. Những nhân viên cần mẫn của công ty môi trường đô thị có tận tụy và nỗ lực đến mấy cũng không thể nhanh chóng xử lý hết rác thải mà những du khách đến với hồ Gươm để lại. Khu vực kem Thủy Tạ, quanh những hàng trà đá, hàng quà rong luôn tồn tại cả đống rác ngổn ngang chờ quét dọn.
Nếu ai có dịp lên thưởng thức ly cà phê hay nhâm nhi chút đồ uống trên những quán bar, quán cà phê, nhà hàng cao tầng quanh khu vực hồ Gươm chắc hẳn sẽ rất ấn tượng với hình ảnh hồ Gươm lung linh ánh đèn cùng “biển người, rừng xe, núi rác”.
Nhiều người dân sống quanh khu vực phố cổ đều tỏ ra ngán ngẩm trước tình trạng bát nháo này. Họ thậm chí còn phải vận dụng tối đa khả năng luồn lách, chen lấn, xô đẩy để về được nhà. “Chỉ còn cách có 500 mét mà tôi chỉ biết đứng giữa biển xe biển người chới với ngóng về nhà rồi ngậm ngùi quay xe, luồn lách qua rất nhiều khu phố quanh đó mới về được nhà”, một người dân sống cạnh hồ Gươm than thở.
Nhiều dịch vụ bội thu nhờ đại lễ
Video đang HOT
Giá trông xe “từ trên trời rơi xuống” dịp đại lễ những ngày qua không còn là cá biệt của hiện tượng “bội thu mùa đại lễ”. Hàng trăm những dịch vụ khác đua nở, ăn theo ngày vui 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng vô cùng phấn khởi trước tình hình “buôn may bán đắt”.
Những quán ăn quanh khu phố cổ, đặc biệt là những quán vỉa hè vốn chẳng bao giờ lo ế hàng khi mở cửa ngày thường nay càng được dịp bội thu vì “cầu không đủ cung”. Nhiều người dân đi lễ hội đã chọn ngay những quán ăn này như một lựa chọn “một công đôi việc”, vừa có thể no bụng, lại vừa có thể thưởng thức quà vặt Hà Nội.
Cô Hỡi, một người bán hàng trên vỉa hè, rất phấn khởi vì cả tuần nay ngày nào cũng hết hàng sớm, tuy món miến lươn của cô không hề tăng giá so với ngày thường nhưng với giá 25 nghìn bát miến nước và 30 nghìn bát miến trộn, một tối cô cũng thu được tiền triệu nhờ nồi miến lươn bày bán vỉa hè. “Khách đông quá không phục vụ kịp, nhiều người còn chẳng có chỗ mà ngồi”, cô Hỡi hớn hở cho biết.
Những quán bún thang, phở, mì vằn thắn, xôi xung quanh khu phố cổ cũng trong tình trạng tương tự. Du khách thì chẳng mấy ai phàn nàn về chuyện ăn uống tại đây bởi điều quan trọng nhất là họ không bị “chặt chém” về mặt giá cả, cộng thêm tâm lý “tiện nên ăn cho biết, cả năm ăn một hai lần” bởi vậy mà cả người bán lẫn người mua đều rất vui vẻ hài lòng.
Những hàng ăn dù đắt hàng đến mấy cũng chỉ được phép bán hàng tới 12 giờ khuya, nhưng những quán cóc và hàng rong quanh hồ Gươm thì vẫn vô tư buôn bán phục vụ suốt ngày đêm. Đối tượng mà họ phục vụ chính là những người dân từ chối ra đường vào giờ cao điểm và chỉ đi chơi lúc khá muộn. “Mấy ngày này lúc nào quanh hồ cũng có người, kể cả một hai giờ sáng nên bọn em tranh thủ bán thêm, nghìn năm mới có một lần mà”, một chủ mẹt trà đá cho biết.
“Dù thế nào chăng nữa, tôi vẫn yêu Hà Nội”
Đó là tâm trạng chung của rất nhiều người dân Hà Nội nói chung và người dân phố cổ nói riêng. Dù Hà Nội những ngày qua thật ồn ào, náo nhiệt, thậm chí bát nháo và xô bồ khi cùng một lúc một lượng người khổng lồ đổ về trung tâm thủ đô mừng đại lễ, nhưng ai ai cũng thấu hiểu và đã mong chờ giây phút này từ rất lâu. Giây phút để chúng ta cùng nhìn lại một Hà Nội thăng trầm, cổ kính với 1000 năm lịch sử , một Hà Nội phát triển đang vươn mình khẳng định vị thế thủ đô Thăng Long.
“Những ngày qua thực sự rất khác so với Hà Nội của tôi trước đây. Nhà cạnh hồ Gươm, ngày ngày nửa đêm vẫn có tiếng nhạc vang lên quanh hồ, đường về nhà tắc nghẽn, sau khi người dân ra về đường phố bề bộn rác nhưng tôi vẫn thấy yêu Hà Nội và tự hào về mảnh đất mà cả nước đang hướng về trong dịp đại lễ này. Hy vọng rằng ý thức của người dân chúng ta sẽ ngày càng được nâng cao để không chỉ là những dịp đại lễ, mà ngay cả trong những ngày thường, chúng ta vẫn luôn được chứng kiến những hình ảnh đẹp về đất nước ta”, một thiếu nữ Hà Nội chia sẻ.
TIGÔN
Theo BĐVN
Bi hài chuyện 'hoãn cưới' vì đại lễ
10/10/2010, "chớp" cơ hội nghìn năm, nhiều cặp uyên uơng "đổ xô" làm lễ cưới dịp đại lễ. Nhưng cũng có không ít chuyện dở khóc, dở cuời xung quanh ngày cưới trùng đại lễ...
Nghìn năm "sốt" chuyện trăm năm
Trong 10 ngày đại lễ chào đón Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, tại những địa điểm tổ chức đại lễ của thủ đô, không khó để bắt gặp những nụ cuời rạng rỡ của nhiều cô dâu chú rể để thực hiện ước nguyện về bộ album "hạnh phúc" nghìn năm.
Không được tổ chức đám cưới trong những ngày Thủ đô mừng Đại lễ, nhưng Quốc Cường và Thu Hương vẫn không thể để lỡ cơ hội.
Nghìn năm "sốt" chuyện trăm năm
"Mong ước có được ngày vui trăm năm trong ngày nghìn năm Hà Nội, nhưng đi xem ngày thì lại không được. Dù đến cuối năm chúng mình mới tổ chức lễ cưới, nhưng trong 10 ngày đại lễ chúng mình đã tranh thủ làm xong cuốn album ảnh. Dù sao vẫn có dấu ấn nghìn năm" - Cường và Hương vui vẻ chia sẻ.
Có mặt ở Hồ Hoàn Kiếm trong ngày thứ 8 của đại lễ, Quốc Tuấn và Thùy Dung tâm sự: "Dự định đến ngày cuối cùng của đại lễ mới thực hiện những cảnh cuối cùng trong cuốn album nhưng sau ngày đầu tiên cấm đường (mồng 7), chúng mình phải "xúc tiến" ngay, để đến ngày 9,10 thì coi như tuột mất cơ hội nghìn năm".
Mùa cưới năm nay khởi động đúng vào dịp đại lễ hơn nữa trong lịch vạn niên, theo quan niệm của nguời Á Đông ngày 10/10 là một trong những ngày đẹp nhất cho việc xe duyên. Đặc biệt những dãy chữ số 10 nghìn năm 10/10/2010 được dịch là "thập toàn, thập mỹ" nên những câu chuyện trăm năm lại càng thêm "sốt".
Và đã có hàng nghìn đôi yêu nhau làm thủ tục đăng ký kết hôn trong ngày này. Dường như nghìn năm lo chuyện trăm năm khiến cho mọi người cảm nhận ngày hạnh phúc càng thêm tròn đầy.
Cấm đường và hoãn cưới...
Đã tổ chức ăn hỏi trong ngày 1/10, theo dự định lễ cưới sẽ được diễn ra trong ngày mồng 9 nhưng cặp đôi Anh Quân và Huyền Trang đã phải... "hoãn" đơn giản vì cấm đường cho đại lễ.
Nhiều đám cưới bị "hoãn" vào 10/10 (Ảnh minh họa)
Theo đúng lịch trình nhà trai sẽ từ Nam Định lên Quảng Ninh đón dâu và về Hồ Xuân Hương (Hà Nội) mở tiệc cưới nhưng việc vượt qua những cung đường cấm là không thể nên hai họ đành lùi ngày cưới sang ngày 13.
Cũng may gia đình Quân và Trang mới chỉ lên danh sách thiếp mời mà chưa phát nên chuyện "hoãn" để "lùi" cũng đơn giản và thoải mái.
Bộ phận kinh doanh tại khách sạn Công Đoàn (Trần Bình Trọng) cho biết: "Trong 9 ngày đại lễ, có rất nhiều khách hàng có nhu cầu đặt tiệc tại khách sạn. Nhưng trong ngày thứ 10 dù là ngày rất đẹp nhưng ở khu vực trung tâm với nhiều tuyến phố cấm nên không có đám cưới nào được tổ chức trong ngày này".
Còn bà Đinh Thị Sáu (Hoàng Hoa Thám) cũng khóc dở mếu dở vì cấm đường ngày đại lễ.
Ngày mồng 10 cũng là ngày vui trăm năm của thằng cháu cả nhà bác trưởng họ ở quê (Hưng Yên). Không thể sắp xếp nghỉ trước đó để về sớm nhưng đến ngày mồng 9,10 thì lệnh cấm đường lại "xiết chặt triệt để" nên bà không biết phải làm thế nào.
"Khó xử là con cả nhà bác trưởng họ nên lại càng khổ. Có khi cấm đường không về quê được rồi cũng đến cấm đường về quê" - bà Sáu lo lắng.
Theo Vietnamnet
Pháo hoa nghệ thuật đẹp rực rỡ đêm 10/10 Màn bắn pháo hoa nghệ thuật hoành tráng, kết hợp với những chùm ánh sáng laze khiến sân Mỹ Đình mang vẻ đẹp kì ảo thật đặc biệt. Pháo hoa chỉ được bắn tại duy nhất khu vực sân Mỹ Đình, và đây thực sự là một màn pháo hoa nghệ thuật ấn tượng. Những chùm ánh sáng đẹp rực rỡ, lung linh...